Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

GVĐN 01: Mời bạn bè đến với Gác Văn Đồng Nai.

Chuyện là thế này: có một lúc, Khôi Vũ tôi chợt nghĩ đến một nơi ấm cúng và thân mật mà bạn bè viết văn, làm thơ ngồi bên nhau đàm đạo văn chương. Nơi ấy chỉ có sự hoan hỉ, chân tình, tuyệt nhiên không có ý tự tôn hay tự ti, không có lời đố kỵ...
          Không hiểu người xưa làm nên Khuê Văn Các rồi ngồi bên nhau ngắm trăng, vịnh thơ thế nào, riêng Khôi Vũ tôi tự bảo: sao mình không bắt chước tiền nhân, với sức tài hèn mọn của mình, lập một cái Gác Văn là nơi để bạn bè tụ hội cùng nhau nói chuyện văn chương?
          Nhưng một cái gác thực ư? Thời buổi kinh tế này khó lắm! Quan hệ xã hội đem về gia đình càng khó hơn! Mà văn nhân, thi nhân hoặc bạn bè cầm bút trong cả nước lại quá đông... Thôi thì, ta làm gì cũng phải lượng sức: làm một cái Gác Văn nho nhỏ trên đất Đồng Nai mình đang sinh sống, thỉnh thoảng có giao lưu thêm với bạn bè phương xa... Một cái Gác Văn trên... vi tính!

GVĐN 01: Bài nhân ngày nhà giáo VN của Nguyễn Hoàng Khanh

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoàng Khanh
NHỮNG BÀI HỌC ĐẦU ĐỜI

Dân miền Nam nói chung và dân Biên Hòa nói riêng, những ai bây giờ chừng 50 tuổi trở lên, chắc hẳn còn nhớ rõ cách tổ chức độc đáo ở các lớp bậc tiểu học cách đây hơn bốn thập niên. Hồi đó, cách gọi tên các lớp học ngược lại với bây giờ, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Lớp Năm là lớp Một ngày nay, rồi đến lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, trên cùng là lớp Nhứt. Lớp Năm, tức là lớp thấp nhất, thường do các thầy cô giỏi nhất hoặc cao niên, dồi dào kinh nghiệm nhất phụ trách. Sở dĩ như vậy là vì bậc học này được xem là vô cùng quan trọng, dạy học trò từ chỗ chưa biết gì đến chỗ biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản đầu tiên, nghĩa là biến từ chỗ không có gì đến chỗ bắt đầu có. Học trò, không phân biệt giàu nghèo, khi đến lớp chỉ được dùng một thứ bút duy nhất, là bút ngòi lá tre.

GVĐN 01: Thơ của Lê Tuấn Đạt

Lê Tuấn Đạt 
(Giảng viên trường Đại học Đồng Nai)
KÍNH CHÀO 
THẦY GIÁO THÂN THƯƠNG
(Kính tặng các Nhà giáo về hưu)

Kính chào thầy giáo thân thương
Sáu mươi, tóc đã pha sương vì trò
Bốn mươi năm, một con đò
Đón đưa ai có đếm cho bao lần?

Thầy đi từ buổi thanh xuân
Ngày về, nẻo ấy là gần hay xa?
Bao năm trường cũng như nhà
Bảng đen phấn trắng đều là thịt xương

GVĐN 01: Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải viết năm 1969

Nguyễn Thái Hải

Ngõ lội
Truyện thiếu nhi
(In trên Bán nguyệt san Tuổi Hoa số 112,ra ngày 15/8/1969)


Xóm tôi ở nằm lọt vào một vùng đất thấp. Cứ đến mùa mưa, nước ở những vùng chung quanh dồn cả vào cái xóm nghèo vô phước ấy. Đã gọi là xóm nghèo, hẳn đường sá chẳng thể là đường tráng nhựa. À mà không, là đường nhựa chứ, nhưng đã cách nay cả chục năm rồi, vào thuở vàng son mà xóm tôi mới chỉ lèo tèo vài căn nhà chứ chưa đông đúc như bây giờ. Bây giờ, kể ra thì chán lắm. Nhà đâu mà san sát, choán cả đường đi. Theo lời ba tôi kể, trước kia, nghĩa là cách nay chừng hai năm – nhà tôi mới dọn về xóm này có hơn năm – đường tuy xấu, toàn đất đá, nhưng khá rộng, được đến bốn thước bề ngang. Nhưng rồi không hiểu ai bày đầu mà rồi sau đó, nhà nào cũng làm thêm phía trước một mái hiên chừng hơn kém một thước. Con đường chỉ còn chưa đầy hai thước! Và từ đấy, nó hết là “con đường” nữa, nó thành một cái “ngõ”. Tên cái ngõ ấy là “Ngõ Trường Học”.

GVĐN 01: Thơ của Trần Ngọc Hưởng

Trần Ngọc Hưởng
(HV Hội Nhà văn VN tại Long An)


Khi rời Tân Thạnh
(Tặng con gái nhân 20 – 11)

Sáng mai cô giáo rời Tân Thạnh
Sau sáu năm dài dạy ở đây
Đâu buổi ra trường đầy bỡ ngỡ
Ngại ngùng quyết định mới… cầm tay!

Xa trường đại học, xa Thành phố
Gợn đáy tâm tư chút nỗi niềm
Bất chợt sáng nào lòng hé mở
Trước làn gió lạ, đất tràm chim

GVĐN 01: Truyện ngắn của Trâm Oanh

Trâm Oanh (hội viên Hội VHNT Đồng Nai) là tác giả nữ có nhiều truyện ngắn được in trên các báo văn nghệ trong nước và trong tỉnh ĐN thời gian vài năm qua. Cô cũng đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn. Truyện dưới đây là sáng tác của tác giả tham dự Trại Sáng tác của Công An năm 2011 tại Nha Trang vừa qua.

Trâm Oanh
Nhà tù của mẹ
Hắn mò về nhà trong một đêm tối trời, mưa lây nhây. Con chó thấy bóng người hực lên một tiếng, chực sủa. Nhận ra chủ, nó rít lên mừng. Cái điệu mừng rít của nó ngày trước vẫn làm hắn bực thì lúc này, hắn thấy thật hữu ích bởi hắn đang cần kín tiếng.
Mẹ hắn lập cập mở cửa ngay sau khi hắn cất tiếng gọi lần thứ hai. Thấy hắn, bà khuỵu hẳn xuống. Hắn vội phủ phục trước bà: “Con lạy mẹ, mẹ tha tội bất hiếu cho con”. Như sực tỉnh, người đàn bà nhanh chóng trở về vai trò như một mái mẹ có trách nhiệm phải bảo vệ đứa con yêu bằng mọi giá. Bà kéo hắn đứng dậy, đẩy nhẹ vào trong, nói như mệnh lệnh: “Đi vô, nhanh!” rồi ló đầu ra ngoài dáo dác nhìn. An tâm, cảnh diễn ra nơi khung cửa nhà bà vừa rồi chỉ có hai mẹ con, con chó và màn đêm chứng kiến. Bà đóng kín hai cánh cửa còn cẩn thận lắc lắc rồi mới quay vào.

GVĐN 01: Thơ của Ngọc Khánh

Ngọc Khánh

Gió tháng Ba

Ơi cơn gió tháng Ba cuốn ta vào quá khứ
Cánh đồng thơm mùi hương lúa nồng nàn
Đôi ta bé thơ, giỡn đùa trên bờ cỏ
Gió rạt rào, cuộn sóng lúa đông xuân

Lúa xung quanh được gặt hái dần dần
Lũ chuột đồng trốn nhanh vào giữa ruộng
Tiếng cười vui rộn ràng trong thôn xóm
Gốc rạ bập bùng, lửa đỏ, thịt thơm

Tan học về, ta cùng đi chung đường
Cơn gió ngược, lá bay theo chiều gió
Ta vào rừng cao su nhìn lá thay sắc đỏ
Tay trong tay, kỷ niệm thật êm đềm

Ôi miền quê mấy năm không bình yên
Người khắc khoải nhìn vầng trăng quầng hạn
Gió tháng Ba thổi về lồng lộng
Qua cánh đồng hoang vắng đìu hiu

GVĐN 01: Truyện ngắn của Hạnh Vân

Hạnh Vân là hội viên mới kết nạp của Hội VHNT Đồng Nai. Cô được Hội cử đi dự Hội nghị viết văn trẻ vừa qua. Quán ven sông là truyện dự cuộc thi Truyện ngắn Tuần báo Văn Nghệ của Hạnh Vân, cũng là truyện đầu tiên của cô được chọn in trên Văn Nghệ.

HẠNH VÂN
Quán ven sông
Truyện ngắn

Huệ bê khay nước đi lướt qua bàn số năm, cô gắng đi thật nhanh nhưng vẫn kịp nghe những lời yêu thương thốt ra từ người đàn ông đứng tuổi đang vùi mặt vào mái tóc bồng bềnh của cô gái trẻ bên cạnh. Lời yêu hổn hển bị đứt quãng ngay sau đó bởi một nụ hôn dài và rất sâu. Khay nước trên tay Huệ hơi chao nghiêng, không phải vì Huệ bước hụt chân mà vì cô biết rõ có một mối tình đang giãy chết. Cô bé tóc mây còn quá ngây thơ để hiểu rằng những lời yêu kia đã xao xác tan mau, tan ngay sau khi chúng vừa rời khỏi môi người đàn ông từng trải.

GVĐN 01: Thơ trong tập thơ TỰ TÌNH của Hoàng Đình Nguyễn

Hoàng Đình Nguyễn

Chiều nghiêng

Em đi nghiêng cả buổi chiều
Để tôi về bán bao nhiêu nỗi buồn
Trải qua trăm nắng ngàn sương
Tìm Em trên những nẻo đường chênh vênh

Tôi qua bao thác, bao ghềnh
Mà sao vẫn thấy chông chênh phận người
Tưởng tìm thấy được nụ cười
Của Em ngày ấy ở nơi cuối trời...

GVĐN 01: Thơ trong tập thơ DỰ CẢM của Nguyễn Thanh Văn


Nguyễn Thanh Văn

Bài ca gửi cây ớt mọi

     Tặng Trần Vàng Sao

Bát cơm nhạt nhờ mi mà nuốt được
Tiết đông ấm lại cũng nhờ mi
Hỡi ớt mọi, lòng cay mà tâm Phật
Tóc bạc rồi mới hiểu lòng nhau
Những trái ớt đỏ giòn hồng mà dì ta tháng năm dài đợi dượng
Mười lăm năm hơn biền biệt không về
Đốt lửa lên
Và cháy nữa đi
Để lúc nước mắt đang ràn rụa
- Tổ cha mi, cay thiệt!
Dì lặng người đi, rồi ngửa cổ cả cười…

GVĐN 01: Ước mơ trở thành nhà văn

Hiền Nguyễn


Chúng ta thường nói vui rằng “chẳng ai đánh thuế ước mơ”, vì vậy đừng ngần ngại nói lên mơ ước của mình. Trước đây, những học sinh yêu thích văn học, chuyên văn thường hay có ước mơ trở thành nhà văn. Thế nhưng, hiện nay mơ ước trở thành nhà văn thật hiếm gặp, như thể đó là một sự lựa chọn cân nhắc…

Uớc mơ và con đường trở thành nhà văn của những người trẻ thế hệ trước

Nếu có dịp đọc lại những trang hồi ký, nhật ký cùng tâm sự của giới cầm bút thì mới thấy có vô vàn chuyện thú vị giữa ước mơ và hiện thực khi họ đã trở thành nhà văn.
Nhà văn Khôi Vũ trong một hồi ký về ước mơ trở thành nhà văn (lúc ông 15 tuổi) đã viết: “Thuở bé, tôi có rất nhiều ước mơ tương lai: trở thành bác sĩ, thầy giáo, thậm chí cả là... danh tướng, vv... Cho đến khi vào học bậc trung học, được học tiểu sử các nhà văn thì tôi lại có thêm ước mơ trở thành... nhà văn! Đặc biệt là được giống như nhà văn Nhất Linh, được học sinh học tiểu sử ngay khi còn sống!”

GVĐN 01: ĐI TÌM CẢM HỨNG SÁNG TÁC TỪ... THỜI SỰ!

VIỆT NAM... 

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII
Sáng 26-11, sau 29 ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, với tinh thần dân chủ, đổi mới và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra…
Ở kỳ họp này nổi lên mấy việc như:
- Nhiều tân bộ trưởng lần đầu tiên trả lời chất vấn như Đinh La Thăng, Vương Đình Huệ, thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình...
- Đại biểu Nguyễn Minh Hồng đề nghị dự luật Nhà văn bị các đại biểu khác và dư luận phản đối.
- Đại biểu Huỳnh Hữu Phước phản đối ý kiến làm luật biểu tình (của Thủ tướng Chính phủ) vì “trình độ dân trí chưa cao” cũng bị dư luận phản đối.

Thành lập Bảo tàng Văn học Việt Nam