Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

GVĐN 01: Truyện ngắn của Trâm Oanh

Trâm Oanh (hội viên Hội VHNT Đồng Nai) là tác giả nữ có nhiều truyện ngắn được in trên các báo văn nghệ trong nước và trong tỉnh ĐN thời gian vài năm qua. Cô cũng đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn. Truyện dưới đây là sáng tác của tác giả tham dự Trại Sáng tác của Công An năm 2011 tại Nha Trang vừa qua.

Trâm Oanh
Nhà tù của mẹ
Hắn mò về nhà trong một đêm tối trời, mưa lây nhây. Con chó thấy bóng người hực lên một tiếng, chực sủa. Nhận ra chủ, nó rít lên mừng. Cái điệu mừng rít của nó ngày trước vẫn làm hắn bực thì lúc này, hắn thấy thật hữu ích bởi hắn đang cần kín tiếng.
Mẹ hắn lập cập mở cửa ngay sau khi hắn cất tiếng gọi lần thứ hai. Thấy hắn, bà khuỵu hẳn xuống. Hắn vội phủ phục trước bà: “Con lạy mẹ, mẹ tha tội bất hiếu cho con”. Như sực tỉnh, người đàn bà nhanh chóng trở về vai trò như một mái mẹ có trách nhiệm phải bảo vệ đứa con yêu bằng mọi giá. Bà kéo hắn đứng dậy, đẩy nhẹ vào trong, nói như mệnh lệnh: “Đi vô, nhanh!” rồi ló đầu ra ngoài dáo dác nhìn. An tâm, cảnh diễn ra nơi khung cửa nhà bà vừa rồi chỉ có hai mẹ con, con chó và màn đêm chứng kiến. Bà đóng kín hai cánh cửa còn cẩn thận lắc lắc rồi mới quay vào.
Hai mẹ con hắn đã qua cơn xúc động. Tình thế lúc này không cho phép người ta xúc động lâu mà phải tỉnh táo để xử trí. Vẫn không bật đèn. Mưa chuyển sang nặng hạt, bầu trời như sà thấp xuống để dòm ngó và hóng hớt một câu chuyện cỡ thâm cung bí sử đang xảy ra trong nhà. Căn nhà tối đen, cảm nhận rõ nhất là hơi thở và hơi ấm từ hai con người. Mẹ hắn đến, rờ nắn hắn, bờ vai, khuôn mặt, mái tóc, cẳng chân, cẳng tay, tất cả đều lành lặn và trọn vẹn như sản phẩm bà rút ra từ ruột mình ba mươi năm về trước.
- Con về thăm mẹ, ngủ ở nhà với mẹ một đêm, thấy được mẹ rồi, con yên tâm ngày mai ra đầu thú. Con không chịu nổi đời sống trốn chạy, chui rúc nữa mẹ à - Hắn lên tiếng sau cú nuốt ực cục nghẹn dâng trong cổ.
- Đầu thú? - Mẹ hắn hỏi lại trong trạng thái như vô thức.
- Con biết, con không thể tiếp tục trốn chạy. Chịu tội sớm con sẽ về sớm phụng dưỡng mẹ. Con lạy mẹ, mẹ tha tội bất hiếu cho con - Hắn lại hực lên, tuột xuống ghế, vái mẹ như tế sao.
Trong bóng tối, hắn thấy rõ đôi mắt người mẹ rực lên: “Ra đầu thú, có phải ngồi tù không con?”. “Dạ có”. “Không!” - Người đàn bà dứt khoát dằn mạnh tiếng - “Con không thể là thằng tù, con không được là thằng tù. Cứ trốn tạm trong nhà, để dài dài mẹ tính”.
Mẹ hắn, người đàn bà quê mùa, góa chồng năm ba mươi tuổi tần tảo nuôi thằng con trai duy nhất ăn học thành người. Hắn luôn là niềm tự hào của mẹ. Gần chục năm đi làm, con đường kiếm ăn của hắn lên như diều gặp gió, hắn mở công ty, mua nhà mặt phố, đổi xe theo mốt, sống thử cùng cô bạn học từ thuở hàn vi. Hắn sửa lại căn nhà cấp bốn cho mẹ; tháng gửi về dăm, mười triệu đồng để yên tâm với chữ Hiếu và xả thân với cuộc sống thị thành.
Hắn đã trốn chạy tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng với giỏ tiền, hắn lên một phố cao nguyên. Người nắm vững các nguyên tắc về điều tra hình sự như hắn biết cách không để lại dấu vết trên con đường trốn nợ của mình. Hôm nay, hắn lén về thăm mẹ, mong muốn nói với mẹ những lời tạ lỗi rồi ra đầu thú. Nhưng hắn không ngờ sự việc lại diễn ra theo chiều hướng này. Thôi, mẹ đã quyết vậy, cũng đành ở lại ít bữa rồi tính.
Hắn được mẹ sắp xếp cho ở trong gian phòng vốn dĩ được thiết kế như một kho nhỏ. Đây là căn phòng trong cùng, tối và ít dưỡng khí.
Một tuần.
Hắn lôi rượu ra uống. Ba tháng trốn chạy, đây là lần đầu hắn uống rượu. Rượu người hứa hôn đầu đời của hắn giả lễ. Hai hôm sau ngày hắn về nhà, nàng đến. Nàng ngồi bên mẹ cả giờ đồng hồ. Hai người đàn bà ngồi khóc, khóc tiễn đưa một mối quan hệ ràng buộc mà theo quan niệm dân gian, nàng đã kết thúc một đời chồng. Và hắn đã là người đàn ông không vợ.
Mười ngày đã trôi qua.
Hắn đọc hết cả đống sách có sẵn trong nhà; đọc đến cả những cuốn sách giáo khoa ngày xưa. Hắn chỉ dám mò ra ngoài lúc đêm, gian hơn cả kẻ trộm vì hắn sợ… trộm thấy. Trộm quê là trộm quen, không chừng thấy cái dáng lù lù của hắn, trộm còn la lên báo Công an đến xích cổ hắn lại. Mười ngày, bao nhiêu phiền phức đã phát sinh từ chuyện hắn trốn biệt trong nhà.
Hắn sống như con chuột chũi. Không, hắn sống tệ hơn con chuột chũi, không được ra ngoài, thậm chí không mon men ra đến cửa sổ. Sống trong phòng kín nhưng nhiều khi không được thắp đèn. Tivi, đài được mở thật nhỏ. Xem đá bóng không được la. Biết có người đến nhà mà không được chào hỏi, chuyện trò. Hắn đi vệ sinh ra bô rồi mẹ hắn đem đổ như hồi hắn là trẻ con. Chao ôi là nhục nhã.
Có lần hắn bị bệnh, cái cần cổ ngứa rát như có ai cột chùm bùi nhùi đặt vào cuống họng rồi kéo lên, kéo xuống. Hắn thèm được ho, ho rũ rượi cho đã, nhưng phải kìm lại. Trời ạ, hắn không thể tưởng tượng có ngày thèm ho mà không được ho. Hôm ấy đại diện nhiều ngành trong xã đến thăm và động viên mẹ hắn. Người ta phát hiện ra cái quần cụt và cái áo ba lỗ của hắn được phơi toòng teng trong góc khuất nhà tắm. Người ta xót xa cho người đàn bà phải mang quần áo con ra phơi cho đỡ nhớ và phải mở các phương tiện nghe nhìn với âm lượng thật lớn cho nhà có tiếng người…
Ngoài mẹ, con chó cưng là thực thể thứ hai biết bí mật trong ngôi nhà của hắn. Nó được mẹ hắn đưa về từ phố sau khi người ta niêm phong ngôi nhà. Con vật khôn lạ. Nó nhanh chóng hiểu và thích nghi với nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống thậm thụt thập thò của ông chủ. Nó biết chạy vào phòng, dùng mõm dụi vào hắn, báo khi có khách đến nhà; nó nhăm nhăm đứng canh nơi khung cửa không cho bất cứ ai bước qua nếu như mẹ hắn chưa mời; nó biết khóc, bỏ ăn suốt mấy ngày khi nàng đến. Nhiều lúc nó vào an ủi hắn theo cách của một con chó. Tất cả lỗi là do hắn, hắn độc ác và tàn nhẫn đến nỗi bắt cả con chó cũng phải buồn.
Thân hình của hắn bắt đầu phình ra. Hắn biết, riêng chuyện mẹ hắn mua và chế biến thực phẩm phục vụ con trai cũng không giản đơn. Bà đổ lỗi cho con chó ăn khỏe mỗi khi ai đó vô tình hỏi tại sao bà nấu nồi cơm to còn đồ ăn lại tươm tất đến vậy. Ra để hắn có đủ lượng dinh dưỡng mà tồn tại với đời, hắn phải mượn danh sức ăn của một con chó! Và ý định đầu thú lại cồn cào trong người hắn.
Hai tuần.
Không lẽ hắn sống mãi như vầy? Hắn thèm khí trời, thèm mưa, thèm nắng, thèm điện thoại, thèm Internet, thèm đủ thứ, thèm lắm lắm rồi. Mẹ ơi, con sợ con làm liên lụy đến mẹ mất.
Hai mươi ngày.
- Mẹ ơi, cho con ra đầu thú nha mẹ! Con hành hạ mẹ nhiều quá rồi.
- Nhưng dòng giống nhà mình không thể có kẻ ngồi tù. Mẹ sẽ chết mất nếu con ra đầu thú. Mẹ sẽ chết mất nếu người ta đến còng tay con. Con đừng ra đầu thú, mẹ van xin con đấy, mẹ cấm con đấy. Cứ để đấy, dài dài mẹ tính.
- Mẹ ơi nhưng con mẹ nhất định phải ngồi tù. Mà mẹ cực khổ nuôi con sống kiểu này, con có khác thằng tù được nuôi là bao nhiêu?
Hắn sẽ trốn đâu, làm gì nếu không tiếp tục sống như vầy. Hắn không quen làm việc nặng nên giải pháp đến một vùng đất thâm sơn cùng cốc để khai hoang tạo dựng cuộc sống mới là điều không thể. Đến một thành phố đông đúc nào đấy trà trộn vào đám công nhân cũng không được vì hình ảnh tên lừa đảo là hắn đã quá quen thuộc với mỗi cán bộ cỡ tổ trưởng tổ dân phố trở lên. Ra nước ngoài sinh sống, hắn không thể bỏ quê cha đất tổ, bỏ người mẹ già tận tụy, bỏ người cha liệt sĩ hy sinh nơi biên giới Tây Nam luôn nhìn hắn cười nghiêm nghiêm giữa nghi ngút khói.
Nhưng ra đầu thú, đi ở tù, nghĩ đến đó hắn thấy rùng mình.
Hắn hiểu rõ thế nào là kiếp tù. Hắn đã quá say máu, quá điên cuồng với khát vọng làm giàu: cổ phiếu, đất đai, vay nóng... Với tất cả, hắn đều thất bại; tất cả diễn ra trong cùng một thời điểm. Hắn tính, tỷ mẩn tính xem mình còn gì, mất gì..
Hắn mất hết tiền, mất bạn bè, những mối quan hệ, uy tín bản thân và uy tín của những người cùng nghề. Hắn còn làm tổn thương đến lòng tự hào của dòng họ, của ngôi làng, của mái trường nơi đã ghi dấu hình bóng hắn. Hắn còn mẹ, đó là tài sản lớn nhất, mà cũng có thể hắn vẫn còn nàng. Trong lúc tu ừng ực chai rượu thứ hai, nghe rõ đường đi của thứ chất lỏng chạy rân rân trong mạch máu, hắn nghe rõ tiếng nàng, mồn một bên tại: “Nếu như anh ấy dũng cảm ra đối mặt với lỗi lầm của mình, con vẫn lại là dâu con trong nhà và đợi chờ anh ấy”. Chao ơi tình yêu của đàn bà.
Nhưng lần nào hắn quyết cũng là lần mẹ hắn quỳ mọp dưới chân hắn để van xin và cũng để ra lệnh: “Để dài dài mẹ tính”.
Nhưng mẹ tính được gì, hắn tính được gì.
Hắn vẫn nhớ như in lần mẹ hắn làm dữ với ông Trưởng Công an xã khi ông khuyên bà nếu thấy hắn nên thuyết phục ra đầu thú. Bà cho rằng con bà tội gì phải trốn; con bà đang làm ăn xa để kiếm tiền trả nợ người ta; rằng con trai bà nhất định sẽ thành công bởi lẽ nó đã từng gây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng. Hắn đã rập dầu vào tường, mong nó vỡ ra để không nghe, không nhớ, không biết.
Ôi, lòng mẹ!
Có lần mẹ hắn lên cơn sốt cao. Toàn thân bà hầm hập nóng, có những biểu hiện chuẩn bị cho một cơ co giật. Nhưng cặp mắt bà vẫn nhìn hắn, đầy uy quyền và quắc sáng: Mẹ sẽ tự xoay xở được, rồi mẹ sẽ hết bệnh, con không được phép đi ra ngoài; hãy nhớ, con không được phép ra ngoài. Và hắn tiếp tục thu vào trong phòng để những người hàng xóm tốt tính đến chăm sóc mẹ. Người ta xót xa người đàn bà góa có con mà cô độc. Người ta an ủi bà nhưng nói khéo thế nào vẫn thấy tổn thương. Sao hắn hèn mọn thế, sao hắn tệ bạc thế, và sao hắn nghe lời mẹ một cách mê muội thế.
Sắp được một tháng. Hắn ăn không thấy ngon nữa, cái miệng đắng nghét, còn mái tóc đã chuyển sang muối tiêu.
Mẹ ơi, sống mãi như vầy con sẽ thành một thằng điên mất! Mẹ ơi, con cũng đang bị bỏ tù nhưng trong nhà tù của mẹ. Nhà tù không bị đói, bị lạnh, bị nóng; không có đại ca, đại bàng, chỉ có Tòa án lương tâm ngày nào cũng triệu con ra phán xét. Mẹ ơi, con hiểu mẹ làm như vầy chỉ bởi yêu con.
Ừ, con trai lớn mà lúc nào cũng mẹ à, mẹ ơi!
Có những lúc giật mình thức giấc, hắn thấy mẹ ngồi bên chăm chú nhìn hắn, ánh nhìn vừa lạ, vừa quen. Giá như hắn và nàng có một đứa con, hẳn trong cơn sóng gió này mẹ hắn sẽ đỡ chông chênh. Mẹ ơi, mẹ giận con nhiều lắm phải không mẹ? Thôi nào, con trai mẹ phải vững vàng; con trai mẹ không được khóc.
Mẹ thương con, mẹ che chở cho con. Mà cũng vì thương con, cho con ra đầu thú nha mẹ!
Lần đầu tiên hắn được thấy những giọt nước mắt của mẹ. Nhưng hắn hiểu, điều đó vẫn chưa đồng nghĩa với việc mẹ đồng ý cho hắn ra đầu thú.

*

Có lẽ mẹ con hắn cần phải cảm ơn con rắn. Buổi sáng, khi còn lơ mơ, hắn thấy một hình thù dài nhằng, lớn cỡ ngón tay cái, màu xanh biếc trườn vào cửa sổ để ngỏ. Rắn lục! Bản năng sinh tồn lấy hết ý tứ trong con người hắn; hắn rú lên như đứng trước thảm họa. Đây là loài rắn cực độc rất khó nhận biết của vùng rừng núi. Căn phòng nhỏ, một cánh cửa thoát hiểm duy nhất, không có vật phòng vệ, tình huống quá bất ngờ. Không thoát ra ngoài đồng nghĩa với chịu chết. Con vật dài nhằng, xanh biếc đang le le cái lưỡi chẻ đen sì trêu ngươi hắn. Là con nhà nông nhưng hắn chỉ biết có ăn học. Trước những tình huống loại này, đám bạn quê của hắn sẽ dễ dàng vờn với con vật, nắm đuôi, xoay tròn và đập mạnh xuống đất. Nhưng với hắn thì khác; hắn chỉ được dạy cách phân biệt nguy hiểm và không nguy hiểm bởi người thầy dạy là mẹ, một người đàn bà lúc nào cũng nơm nớp sợ mất con. Không có thời gian để do dự, quần đùi, mình trần trục, hắn lao ra khỏi phòng. Ra đến phòng khách, vẫn trong khu vực bí mật nhưng nỗi khiếp sợ không cho phép đôi chân hắn dừng lại, hắn tiếp tục lao ra sân, trong khi miệng vẫn không ngớt la lớn: “Rắn lục! Rắn lục”. Mẹ hắn chưa nhìn thấy con rắn lục cũng từ bếp lao ra, la phụ họa cho con trai.
Rất nhanh chóng, những người đàn ông hàng xóm đổ sang nhà hắn để ứng cứu. Mối quan tâm chung lúc này là nguồn nguy hiểm cao độ đang trốn trong nhà hắn chứ không phải kẻ trốn lệnh truy nã. Hắn nhanh chóng nhập cuộc, chỉ điểm chỗ đó, như thế. Những người đàn ông hồn nhiên và tốt tính chia việc, hướng dẫn cho nhau cách bắt con vật nguy hiểm sao cho an toàn và mọi việc được giải quyết trong vòng năm phút.
Lúc mọi người còn say sưa với chiến công, tính toán về độ dài, cân nặng, mức độ nguy hiểm của con rắn lục, hắn tranh thủ đứng hít thở khí trời. Dưới nắng sớm, hắn có cảm giác lâng lâng như say, như mê. Gần một tháng chui trốn trong nhà khiến toàn thân hắn trắng như được tẩm bột. Quanh hắn, mùi hương của đất trời, của cuộc sống quấn quýt: Hăng hắc là mùi hoa cà phê; thoang thoảng là mùi lúa đang thì con gái; nồng nàn là hương ngọc lan; nằng nặng là mùi của chuồng gia súc, gia cầm gần đó... Những mùi này, mọi ngày len vào trong gian phòng tối, được sàng lọc qua hàng loạt ô cửa khép kín đều có chung một mùi ẩm mốc, hôi hám và khó chịu.
Đúng lúc ấy, con chó cưng liên tục dúi cái mõm ướt vào hắn, rít khẩn thiết. Nó là con vật thông minh, tận tụy và trung thành. Trống ngực hắn thình thịch đập. Vậy là đã lộ! Nhưng rồi trong hắn vỡ òa một ý nghĩ: “Cảm ơn mày, tao đã nghĩ kỹ rồi. Tao chán kiếp chuột chũi rồi. Tao phải xa mày thôi. Ở nhà nhớ ngoan, nhớ nghe lời bà. Rồi tao sẽ về, sẽ huấn luyện mày trở thành một anh chàng bốn chân ra trò đấy”.
Lúc hắn đang vỗ về con chó thì ông Trưởng Công an xã đi ngang qua. Hắn đứng dậy lí nhí chào. Ông nhìn hắn, chẳng ai tỏ vẻ hốt hoảng hay ngạc nhiên. Vẫn cái giọng oang oang đi trước người như mọi khi ông đến chơi nhà nhưng hôm nay giọng nói ấy không làm hắn co lại nữa: “Sao, ông tướng, ở cữ chán rồi phải không?”.
Hắn cúi xuống, ngượng ngùng gãi gãi mái đầu bù xù.

(Trại sáng tác Nha Trang, tháng 10/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét