Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

GVĐN 01: Truyện ngắn của Hạnh Vân

Hạnh Vân là hội viên mới kết nạp của Hội VHNT Đồng Nai. Cô được Hội cử đi dự Hội nghị viết văn trẻ vừa qua. Quán ven sông là truyện dự cuộc thi Truyện ngắn Tuần báo Văn Nghệ của Hạnh Vân, cũng là truyện đầu tiên của cô được chọn in trên Văn Nghệ.

HẠNH VÂN
Quán ven sông
Truyện ngắn

Huệ bê khay nước đi lướt qua bàn số năm, cô gắng đi thật nhanh nhưng vẫn kịp nghe những lời yêu thương thốt ra từ người đàn ông đứng tuổi đang vùi mặt vào mái tóc bồng bềnh của cô gái trẻ bên cạnh. Lời yêu hổn hển bị đứt quãng ngay sau đó bởi một nụ hôn dài và rất sâu. Khay nước trên tay Huệ hơi chao nghiêng, không phải vì Huệ bước hụt chân mà vì cô biết rõ có một mối tình đang giãy chết. Cô bé tóc mây còn quá ngây thơ để hiểu rằng những lời yêu kia đã xao xác tan mau, tan ngay sau khi chúng vừa rời khỏi môi người đàn ông từng trải.
Cũng có lúc Huệ đã từng rụt rè đặt niềm tin vào những lời yêu chân thành thốt ra từ những người con trai tử tế, nhưng niềm tin ấy đã vỡ tan rất nhanh mà không cần phải có thời gian trải nghiệm lâu dài. Những chàng trai từng thề thốt yêu Huệ đến suốt đời, bất chấp mọi hoàn cảnh đã vội vã quay lưng ngay trong ngày đầu tiên ra mắt gia đình Huệ. Huệ buồn nhưng không trách, bởi cô biết ai mà không vừa thương vừa sợ khi nhìn cảnh cậu em trai dị dạng ngơ ngẩn của Huệ bò lồm ngồm trong nhà, không có gì vui cũng hệch miệng ra cười, không có gì buồn cũng kêu gào khóc lóc; ai mà không vừa xót vừa lo khi biết ba mẹ Huệ đã sinh tới tám người con nhưng giờ chỉ còn lại hai người, và chỉ duy nhất mình Huệ là lành lặn. Tình thương xót có nhiều mấy, lớn mấy cũng không vượt qua được nỗi lo sợ, những người vừa mới thề thốt yêu thương Huệ đến suốt đời đã bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh phải chăm lo cho cậu em dị hình dị dạng kia nếu cưới Huệ, và không có gì chắc chắn rằng những đứa con do Huệ sinh ra sẽ không dị dạng như thế. Vậy nên dù buồn Huệ vẫn ra vẻ thản nhiên khi nói: “Giờ thì anh biết vì sao em không muốn lấy chồng rồi phải không? Em sẽ ở vậy để lo cho em trai... rồi anh sẽ gặp một cô gái khác tốt hơn em”. Và khi nghe người con trai ấp úng ngập ngừng:  “Anh... khó mà tìm được người... như em”, Huệ chỉ thản nhiên cười, lòng đã sẵn sàng cho một cuộc chia ly.
Cứ thế, lần lượt những người con trai vừa mới hăm hở đến với Huệ đã vội vã tìm cách thoát lui, bắt đầu bằng những lý do hết sức bình thường: “Dạo này thi cử nên anh bận quá”, hoặc “anh phải đi công tác xa”, hoặc “ba mẹ bắt anh phải cưới cô bé hàng xóm”... Chỉ có một mình Hùng là lì lợm ở lại, dù Huệ đã tìm mọi cách trốn chạy, dù có lần thằng em ngớ ngẩn của Huệ đã níu ống quần và cắn vào bắp chân anh đến tươm máu, dù ba mẹ anh đã dọa sẽ từ con... Hùng đã thắp lại trong lòng Huệ niềm tin về một tình yêu vĩnh cửu, một tình yêu có thể vượt qua mọi thử thách, nhưng cũng chính Hùng đã dội một gáo nước lạnh vào ngọn lửa niềm tin vừa mới được thắp lên ấy khi anh quay lưng, bỏ rơi Huệ cùng đứa con gái đỏ hỏn, đầu phình to nhưng tay chân teo quắt, tiếng khóc thảm thiết như mèo kêu...
Ông khách kì dị kia thì không cần thời gian dài để chấm dứt tình cảm. Ông ta sẽ chia tay một người phụ nữ ngay sau lần đầu đặt nụ hôn lên môi người phụ nữ ấy, dù cho trước đó ông đã tỏ ra rất nâng niu trân trọng...  Cô bé tóc mây là người phụ nữ thứ sáu ở bên ông ta, tính từ khi ông trở thành khách ruột của quán cà phê Lam Huệ, và Huệ biết chắc chắn từ mai người thứ sáu sẽ không còn đến quán Lam Huệ nữa.
Quả đúng như Huệ suy đoán, sau một đêm không biết ông ta ở đâu và một ngày không biết ông ta làm gì, buổi chiều khi nắng bắt đầu phai lạt và gió từ sông thổi về mát rượi, ông kì dị đến Lam Huệ, một mình. Và Huệ lại câm lặng đặt trước mặt ông ly cà phê đen sánh. Công việc không cho phép Huệ tò mò hỏi han chuyện riêng tư của khách, dù là khách quen, nên Huệ chỉ có thể biết được ông khách ấy là một Việt kiều thông qua những cuộc trò chuyện điện thoại bằng tiếng nước ngoài mà cô nghe lõm bõm chữ được chữ mất, chữ hiểu chữ không. Từ cái thông tin ít ỏi ấy, Huệ đoán vợ con ông khách đang ở Mĩ, ông ta xa gia đình nên cô đơn, muốn có một người phụ nữ bên cạnh để chuyện trò cho bớt cái cảm giác lẻ loi đơn độc. Nhưng lửa rơm thể nào cũng bén vào nhau, lúc ham muốn đàn ông thức dậy cũng là lúc ông quyết định chấm dứt chuyện tình cảm vì... nghĩ tới vợ con. Suy đoán này có vẻ hơi ngô nghê nhưng Huệ chưa nghĩ ra được một nguyên do nào hợp lý hơn để giải thích cho cái kiểu chinh phục phụ nữ nửa vời của ông.
Dù sao thì Huệ cũng không có ác cảm với ông khách kì dị ấy, dù cho đôi mắt của những người phụ nữ xinh đẹp luôn ngỡ ngàng và mọng nước trong buổi chiều cuối cùng bên ông ở Lam Huệ. Ngược lại, mắt ông lúc nào cũng ráo hoảnh, khô khốc. Những lúc một mình, ông hướng cái nhìn đau đáu ra sông, nhìn mà như không nhìn gì cả, không biết nắng đã tắt, không thấy cây cầu sắt xa xa kia đã rực đèn, không hay đêm đã buông một bức màn huyền mặc trên dòng sông mênh mông trước mặt. Chỉ khi Huệ nhắc tới giờ quán đóng cửa, ông mới giật mình hấp tấp rời Lam Huệ, vội vã như vừa lỡ mất một cuộc hẹn hò đâu đó. Mỗi lần nhìn ông như vậy, không hiểu sao Huệ lại liên tưởng tới một nỗi đau nào đó, đau đến khô quắt người, đến kiệt cùng nước mắt.
Huệ đã từng khóc rất nhiều, khóc khi thằng em ngô nghê định bốc bỏ vào miệng cái thứ nhoe nhoét nó vừa thải ra nền; khóc khi nhìn vào đôi mắt không thể khép chặt của cha, một người lính già trở về từ những cánh rừng nhiễm đầy chất độc diệt cỏ, khóc vì thương mẹ ngày một quắt queo khô héo, gương mặt không còn dấu vết gì của một cô Lam nổi tiếng xinh đẹp thời xuân sắc... Và cơn mưa nước mắt cứ tuôn ào ạt không ngừng bắt đầu từ tiếng hét thất thanh của chị hộ sinh trong bệnh viện - khi cơn đau bụng dữ dội của Huệ vừa kết thúc cũng là lúc Huệ rơi vào một cơn đau khác khủng khiếp gấp trăm lần. Huệ tưởng cơ thể mình có thể tan ra cùng nước mắt. Nhưng rồi Huệ vẫn tồn tại, và Huệ phải sống cho cả phần của Hùng khi anh ta sợ hãi trốn chạy khỏi đứa bé. Nếu như nước mắt có thể làm dịu những cơn đau thân xác của đứa con gái tật nguyền thì Huệ sẽ tắm luôn cho con bằng nước mắt của mình, nhưng không phải vậy, nếu có giọt nước mắt nóng hổi nào rớt xuống vùng da đỏ hỏn là đứa trẻ lại khóc thét lên. Vậy nên Huệ không thể khóc, nước mắt chẳng có tác dụng gì cả. Huệ tập nuốt nước mắt vào lòng cho đến khi mắt cô khô khốc. Ngày con gái thôi đau đớn, cô muốn khóc một trận đã đời nhưng nước mắt đã kiệt cùng...

*

Sau ba tuần đơn lẻ, ông khách kì dị lại đến Lam Huệ với một phụ nữ khác - Người phụ nữ thứ bảy. Chị ta có lẽ là một giáo viên nên nhiều khi lướt thướt cả áo dài vào quán. Người thứ bảy không trẻ và cũng không xinh như những cô gái trước, gương mặt chị hơi gầy, nhợt nhạt và nụ cười có vẻ hơi héo úa. Huệ thấy tim mình thót lên một cái, không biết người phụ nữ mỏng manh ấy có chịu nổi không khi bị người đàn ông kia quay lưng lại chỉ sau một nụ hôn dài say đắm?
Người thứ bảy dần trở thành khách quen của Lam Huệ. Chị hay đến quán vào buổi chiều cùng người đàn ông từng trải, hoặc chỉ đến một mình để đọc sách, đón gió sông những hôm không có tiết dạy. Những lúc ấy, chị thường mặc một chiếc áo thun nhạt màu giản dị, tóc cột cao, trông trẻ trung và sáng hơn so với lúc chị diện áo dài tóc xõa. Nhiều lần Huệ muốn tiếp cận chuyện trò với chị, để bâng quơ nói về người đàn ông đứng tuổi chị vừa quen, rằng ông ta còn có gia đình, rằng ông ta đã chinh phục rồi quay lưng với rất nhiều phụ nữ, rằng mối quan hệ này rồi cũng sẽ chẳng đi tới đâu... nhưng Huệ kịp dừng lại. Mẹ Huệ khi trao lại quán cho con gái đã luôn miệng dặn dò con phải kín tiếng, tuyệt đối không được thọc mạch can thiệp vào những chuyện riêng tư của khách. Vậy nên cả khi chứng kiến một gã phong trần nào đó hôm kia vừa tán tỉnh cô này, hôm qua nói yêu thương cô khác và hôm nay lại thề thốt anh chỉ có mình em với một cô khác nữa, Huệ vẫn rất lịch thiệp với gã và cả người tình mới của gã, gương mặt Huệ vẫn giữ được vẻ thản nhiên bình lặng, không gợn một thoáng giễu cợt nào. Bằng cách đó Huệ đã giữ lại được nhiều khách quen cho quán, dù cách bài trí của Lam Huệ vẫn sơ sài, giản dị trong khi các quán cà phê ven sông gần đó đã khoác lên mình những cái áo sang trọng hào nhoáng.
Hôm qua, một ông khách quen đã níu tay Huệ, hỏi:
- Em ơi sao Lam Huệ không sửa sang lại cho nó hoành tráng, như quán Hà Vân bên cạnh kìa?
- Vậy chớ Lam Huệ hoành tráng rồi thì anh có còn đến nữa không? - Huệ thản nhiên hỏi lại dù đã biết trước câu trả lời.
- Đến chớ, đến chớ, miễn còn có em ở đây là anh còn đến hoài hoài...
 Huệ cười, tiếng cười mỏng nhẹ như gió thoảng. Nhà thơ Đinh Huyền Phan hồi chưa nổi tiếng cũng từng nói với Huệ những ý tương tự vậy, nhưng câu từ trau chuốt đẹp đẽ hơn rất nhiều - anh đã nói bằng ngôn ngữ của thơ ca. Những câu thơ thấp thoáng đôi mắt buồn, ngón tay thon, bờ vai mỏng (mà Phan nói là viết về Huệ) không làm cho lòng cô xao xác, nhưng những bài thơ anh viết về đứa trẻ khuyết tật, về nỗi đau của nạn nhân chịu di chứng bởi chất độc da cam đã khiến Huệ quay quắt lòng. Dường như ngoài ba mẹ, chỉ có mình Phan mới chạm thấu đến tận cùng nỗi đau của Huệ. Không chỉ ngồi quán ngắm sông và ngắm... cô chủ quán, nhà thơ giàu tình cảm ấy còn thường xuyên lui tới nơi ở của hai mẹ con Huệ. Mỗi lần nhìn anh nâng niu ẵm bồng đứa nhỏ dị dạng- điều mà cha đứa bé chưa bao giờ thực hiện- lòng Huệ lại cuộn lên một cảm giác rất lạ. Huệ né tránh ánh mắt ấm áp của Phan và chỉ tập trung nhìn vào ngón tay đeo nhẫn của anh, để nhắc mình nhớ rằng anh đã thuộc về người khác, rằng mình không được phép xao động...
Có lẽ người phụ nữ thứ bảy của ông khách kì dị cũng đang dằn vặt khổ sở với những cảm xúc rối bời phức tạp như thế.

*

Cái nắng vàng óng như mật đã bắt đầu bị xua đuổi thường xuyên hơn bởi những cơn mưa ùa về bất chợt. Khách đến Lam Huệ cũng bắt đầu thưa hơn vì người ta không còn phải nhờ đến gió và hơi nước từ sông để xua đuổi cơn nóng bức. Huệ vẫn chăm chút cái quán nhỏ theo cách riêng của mình, cô gắng giữ cách bài trí nguyện vẹn như hồi mẹ còn là chủ của Lam Huệ.  Việc này thực ra còn nhọc công hơn cả việc thay đổi làm mới cho quán, bởi để tìm một cái ghế đồng bộ, một dáng bonsai tương tự hoặc một bộ ly tách đồng hoa văn thay thế cho những cái cũ bị hư hỏng, bị khô héo, bị sứt sẹo không hề đơn giản. Nhưng Huệ vẫn cố gắng. Cô muốn những vị khách quen dù có rời xa Lam Huệ bao lâu đi nữa thì khi trở lại sẽ vẫn tìm được cảm giác bình yên thân thuộc như ngày nào. Việc gặp lại những dáng ngồi quen, những gương mặt quen, những cách uống quen đã giúp Huệ vơi đi phần nào cảm giác lẻ loi cô độc và ngơ ngác giữa đời...
Ông khách kì dị và người phụ nữ thứ bảy của ông vẫn đều đặn đến quán mỗi xế chiều, bất kể trời mưa hay nắng. Khác với những người tình trước của ông, người thứ bảy rất ít nói, chị chỉ lặng lẽ ngồi bên ông, để yên tay mình trong tay ông và cùng ông hướng cái nhìn mênh mông ra sông nước. Mùa mưa đi qua rồi mùa mưa trở lại, cặp đôi kì lạ vẫn lặng lẽ bên nhau, vẫn chưa có nụ hôn nào đặt dấu chấm cho mối tình lặng lẽ ấy. Nhìn hai bờ vai nghiêng tựa vào nhau, Huệ bỗng ước gì mình có thể ở vào vị trí của chị, để được vùi bàn tay đầy gân xanh của mình trong bàn tay thô ráp kia, và để ru lòng bình yên thanh thản, không gợn chút nhục dục nào, như chị.
Nhà thơ Đinh Huyền Phan trước kia cũng thường nắm tay Huệ, bàn tay của Phan mềm và ấm. Nhưng rồi một ngày Phan không nắm tay mà ôm ghì lấy Huệ, cuống quýt gắn lên môi Huệ nụ hôn gấp gáp sau câu nói hổn hển: “Bài thơ Nỗi đau da cam của anh đoạt giải Nhất em à. Là giải Nhất đó. Cám ơn em, cám ơn em... nhiều lắm...”. Huệ ngơ ngác, Phan cám ơn về việc gì? Không lẽ về việc Huệ đã sinh ra một đứa trẻ dị dạng, tạo được cảm xúc mạnh mẽ cho anh sáng tác? Người Huệ lạnh đi, tê tái. Phan thậm chí không kịp hỏi thăm đứa trẻ, sau khi anh trở về từ trại sáng tác ở Lâm Đồng, không kịp nhận ra cơ thể Huệ đang cứng đơ lạnh ngắt, và tất nhiên cũng không kịp nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của đứa trẻ hiện mồn một trong tấm di ảnh trên bàn thờ nghi ngút khói nhang... Niềm vui như cơn gió thốc Phan đến rồi vội vã cuốn anh đi. Hình ảnh đẹp về Phan trong lòng Huệ cũng bị cuốn trôi theo cơn gió lạnh lùng ấy, để rồi vài năm sau gặp lại Phan lúc này đã là nhà thơ nổi tiếng, Huệ có thể thản nhiên cười khi nghe anh giới thiệu mình với cô bé chân dài bên cạnh: “Đây là Huệ, là nguồn cảm xúc của anh khi viết bài Nỗi đau da cam... Em muốn viết được những bài thơ lay động lòng người thì phải chịu khó xông xáo đi vào thực tế, phải biết hòa mình vào niềm vui nỗi buồn của nhân vật trong tác phẩm...”
Huệ không trách Phan, giống như trước đó cô đã không hề trách Hùng. Phan là một nhà thơ, đâu đó còn rất nhiều vẻ đẹp cần anh ngợi ca, còn rất nhiều nỗi đau cần anh chia sẻ, còn rất nhiều cái xấu cái ác cần anh phê phán... anh không thể quẩn quanh mãi bên nỗi đau của Huệ được. Hùng cũng vậy, anh ta cũng có nhiều khát vọng và cũng xứng đáng có một gia đình êm ấm với những đứa con khỏe mạnh. Làm sao Huệ có thể trách được những người đã từng nắm lấy tay mình bằng một bàn tay sẻ chia ấm áp?
*
Gió từ sông thổi vào lạnh ngắt, sấm chớp ì đùng xa xa... Trời chuyển mưa nên khách lần lượt rời Lam Huệ, vội vàng. Thoáng chốc, quán chỉ còn lại hai bờ vai im sẫm bên nhau ở bàn số năm quen thuộc. Huệ loay hoay dọn dẹp bàn bên cạnh, suýt làm rớt cái ly thủy tinh khi nghe giọng trầm khàn của người đàn ông vang lên:
- Rồi em sẽ sinh ra đứa con tật nguyền...
- Không, em sẽ không sinh con, một mình bé Thương nhà anh là đủ rồi... - Giọng người phụ nữ mỏng nhẹ, nhưng dứt khoát.
Huệ nép mình bên chậu Mai Chiếu Thủy, lắng tai nghe những tiếng nói hụp hửi xô dạt trong gió. Huệ không muốn nghe lén, nhưng không hiểu sao chân Huệ lại dính chặt xuống sàn, không thể bước được bước nào nữa.
- Con anh sẽ hét lên giữa đêm và đập đầu vào tường, em sẽ không bao giờ còn có được một giấc ngủ trọn vẹn. - Giọng người đàn ông âm âm như được vọng lại từ một thế giới xa lạ nào đó, nghe rờn rợn.
- Em chịu được tất cả... miễn là... có anh... ở bên. - Gương mặt người phụ nữ vẫn dứt khoát, nhưng cơn gió lạnh vừa thốc tới đã xé giọng nói mỏng như hơi thở của chị ra làm nhiều mảnh, bời rời...
- Mẹ của con bé còn không chịu nỗi huống gì người khác. - Giọng người đàn ông bỗng to hơn bình thường, vừa chua chát, vừa giễu cợt lại vừa đau đớn, hình như giọng nói cũng bị thương.
- Em đừng bao giờ nghĩ đến chuyện đó nữa, vậy nghen!
Người đàn ông đứng dậy lao vội ra ngoài, bỏ mặc đôi vai đang hóa đá bên cạnh. Cái dáng to cao dềnh dàng của ông như tan ra dưới những hạt mưa buốt lạnh và chảy ào vào một hố đêm sâu hun hút...
Huệ ngơ ngác, chuyện tình thứ bảy của ông kì dị vừa kết thúc mà không cần đến dấu chấm của một nụ hôn...

*

Hai tuần ông kì dị không đến quán mà Huệ tưởng như là hai tháng. Câu chuyện Huệ nghe được hôm ấy khiến cô cảm thấy lo lắng cho ông kì dị hơn là chị thứ bảy. Ông ta thật tội nghiệp khi không dám đón nhận hạnh phúc vì ông đang có một đứa con khuyết tật. Chiều nào Huệ cũng bồn chồn ngóng về phía bàn số năm, cũng giật thót mình khi có người khách xa lạ nào ngồi vào nơi ấy...
Tới ngày thứ mười sáu thì ông kì dị trở lại Lam Huệ, một mình. Huệ thở phào, may quá, vậy là ông ta không sao.
Khi cho cà phê vào phin, Huệ đã làm vương vãi một ít bột cà phê ra bàn, tay cô đang luống cuống...
Huệ đặt ly cà phê đặc sánh lên bàn số năm cùng với một thẩu đường thủy tinh nho nhỏ. Ông khách kì dị thích một thẩu đường hơn là những túi đường bao bằng giấy đẹp đẽ. Thường thì ông giữ nguyên vị cà phê, không đụng đến một hạt đường nào, nhưng thỉnh thoảng vì một nỗi đắng đót nào đó trào dâng nghẹt lòng, ông trút luôn cả thẩu đường vào ly của mình... Huệ ngạc nhiên về điều đó, nhưng cô vẫn lặng lẽ đáp ứng sở thích kì dị của ông, cũng như cô đã thuộc lòng và luôn chiều theo những sở thích riêng của các vị khách quen thuộc khác.
Huệ không hình dung được nếu mình sửa sang nới rộng quán thì cuộc sống sẽ như thế nào. Chắc chắn Huệ phải cần đến một đội ngũ nhân viên phục vụ biết chào khách một cách lịch thiệp, biết đặt khay nước trên một bàn tay và di chuyển thật nhanh, biết nhoẻn cười với khách bằng những nụ cười được lập trình sẵn, như rô bốt... Nhưng lúc đó Huệ sẽ làm gì khi mỗi ngày không còn được pha cho ông kì dị một ly cà phê sánh đặc, không được đem ra cho cô bé tóc tém quen thuộc kia ly cam vắt không đường và nhận lại một nụ cười rất sáng - nụ cười mà con gái Huệ không bao giờ có được? Và Huệ biết gửi nỗi nhớ, gửi sự chờ đợi vào đâu khi những gương mặt ngoài kia trở nên nhòe mờ xa lạ?
Không còn người thân nên Huệ đành vu vơ níu những gương mặt quen trong một không gian quen, để thấy mình không đến nỗi bị rời ra, ngơ ngác, lạc lõng giữa đời...
Gió lồng lộng rượt đuổi nhau trên mặt sông và nghịch ngợm ném từng cuộn hơi nước mát lạnh vào cái quán đã vắng tanh. Ông kì dị giống như một bức tượng im lìm hướng cái nhìn đau đáu ra sông. Thay vì nhắc tới giờ quán đóng cửa như trước kia, Huệ đem ra cho ông bình trà nóng khác. Cô ngạc nhiên khi thấy gương mặt ông già đi khủng khiếp, nếp nhăn xếp hàng ngang trên trán, hốc mắt hõm sâu. Huệ rụt rè ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh, ngập ngừng:
- Lẽ ra... ông phải giữ chị ấy...
Huệ chưa bao giờ nói về những chuyện riêng tư của khách như thế này nên cô ngượng nghịu và thấy mình vô duyên tệ. Huệ dợm đứng lên thì cái giọng run rẩy khác thường của ông níu cô lại:
- Bill... chết rồi...
Huệ gai người. Ông kì dị xoay hẳn người về phía Huệ để nhắc lại:
- Thằng Bill, thằng bạn tôi chết rồi... Lẽ ra tôi cũng phải chết... nhưng tôi vẫn sống... Có khi sống còn khổ hơn cả chết cô có biết không?
Huệ tròn mắt nhìn ông, Huệ cũng đã đôi lần muốn tìm sự thanh thản bằng cái chết nên hiểu cảm giác ấy, nhưng cô lại hỏi ngập ngừng:
- Tại sao... lại muốn chết ạ?
Gương mặt ông kì dị co lại, nhăn nhúm:
- Cô còn trẻ nên không biết được đâu, chúng tôi đáng chết...
Ông vớ lấy bình trà, tay phải của ông run run nên nước trà trượt qua miệng ly và rót thẳng xuống... tay trái của ông. Huệ vội vàng đỡ lấy bình trà. Ông kì dị không để tâm đến vùng da đỏ rát trên mu bàn tay, mặt ông vẫn nhăn nhúm trông rất khổ sở.
- Chúng tôi đã giết người đấy... không phải một mà rất nhiều người... Giá như Chúa trừng phạt tôi thay vì con gái tôi thì hay biết mấy. Con bé tội nghiệp, nó phải gánh tội thay cho cha nó...
Huệ thấy người mình run lẩy bẩy như lên cơn sốt, cô lắp bắp lặp lại từ giết người với vẻ kinh sợ. Ông kì dị nhìn xoáy vào mắt Huệ, giọng nói như hụt hơi:
- Ừ, vậy đấy. Chúng tôi giết người mà không biết là mình đang giết người... Tôi thề! Khi bay trên những cánh rừng nhiệt đới miền Trung, tôi tưởng đó chỉ là thuốc diệt cỏ bình thường...
Ông kì dị lại hướng ánh nhìn đau đáu ra sông, như ông đang nói chuyện với sông chứ không phải với Huệ.
- Tụi nó mượn tay tôi giết người, giết con gái tôi, và giết cả tôi nữa... Sống gì cái thằng tôi từng này tuổi mà chưa bao giờ được nghe một tiếng gọi ba?
Câu cuối cùng của ông nghe như tiếng gió rít qua khe cửa hẹp, Huệ rùng mình, ngôn từ của cô lộn xộn nháo nhào không thể sắp thành một câu trọn vẹn:
- Vậy là... ông là... hồi trước...
- Là phi công trong không lực Việt Nam Cộng hòa. Sân bay Biên Hòa có cái kho hóa chất khủng khiếp… Cỏ cây tới giờ còn không mọc nổi huống chi con người...
Mồ hôi Huệ rịn ra như tắm trong khi cơ thể cô lạnh ngắt, run cầm cập. Ông kì dị bỗng giật thót mình nhìn đồng hồ rồi vội vã đứng dậy lao ra ngoài, ném lại phía sau câu nói hụt hơi, gấp gáp:
- Con bé giờ này hay lên cơn la hét đập đầu vào tường, một mình bà vú không giữ nổi...

*

Quán Lam Huệ đóng cửa suốt một tuần lễ vì Huệ ốm sốt một trận li bì. Ngày thứ tám Huệ đi lại được, cô loanh quanh tới lui một mình trong quán vắng, nâng niu từng cái lá cây, ve vuốt từng đồ vật trang trí nho nhỏ quen thuộc. Từ ngày mai, quán Lam Huệ sẽ thay đổi, sẽ trút bỏ chiếc áo giản dị ngày cũ để khoác lên người một cái áo mới, hào nhoáng, đẹp đẽ và sang trọng... Biết đâu lợi nhuận từ một Lam Huệ mới sẽ giúp được nhiều hơn cho những nạn nhân da cam đang lay lắt sống nhọc nhằn?
Huệ lặng thầm tiễn biệt những gương mặt quen. Những người yêu thích sự mộc mạc giản dị của Lam Huệ cũ rồi sẽ không quay trở lại, cũng đành... Chớ Huệ biết làm sao khi ngày ngày chạm mặt với một người từng tham gia gieo rắc cái chết xuống những người thân yêu của mình, mà mình thì không thể tạt vào mặt ông ta một ly nước nóng, không thể đưa một ánh nhìn thương hại hoặc chỉ đơn giản là nói một câu trách móc?

(Truyện đăng trên Văn Nghệ số 44 và vanvn.net ngày 11/11/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét