Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

GVĐN 01: Ước mơ trở thành nhà văn

Hiền Nguyễn


Chúng ta thường nói vui rằng “chẳng ai đánh thuế ước mơ”, vì vậy đừng ngần ngại nói lên mơ ước của mình. Trước đây, những học sinh yêu thích văn học, chuyên văn thường hay có ước mơ trở thành nhà văn. Thế nhưng, hiện nay mơ ước trở thành nhà văn thật hiếm gặp, như thể đó là một sự lựa chọn cân nhắc…

Uớc mơ và con đường trở thành nhà văn của những người trẻ thế hệ trước

Nếu có dịp đọc lại những trang hồi ký, nhật ký cùng tâm sự của giới cầm bút thì mới thấy có vô vàn chuyện thú vị giữa ước mơ và hiện thực khi họ đã trở thành nhà văn.
Nhà văn Khôi Vũ trong một hồi ký về ước mơ trở thành nhà văn (lúc ông 15 tuổi) đã viết: “Thuở bé, tôi có rất nhiều ước mơ tương lai: trở thành bác sĩ, thầy giáo, thậm chí cả là... danh tướng, vv... Cho đến khi vào học bậc trung học, được học tiểu sử các nhà văn thì tôi lại có thêm ước mơ trở thành... nhà văn! Đặc biệt là được giống như nhà văn Nhất Linh, được học sinh học tiểu sử ngay khi còn sống!”
Trong những ngày rảnh rỗi mùa hè năm ấy, Khôi Vũ đã tưởng tượng ra một câu chuyện và bắt tay vào viết truyện đầu tay nhan đề là “Nắng lên”. Bấy giờ ở miền Nam có tờ Tuổi Xanh chuyên in truyện, thơ dành cho thiếu nhi và nhà văn đã chép sạch truyện vào giấy thếp rồi đi gửi bưu điện lên tòa báo ở Sài Gòn. Như một giấc mơ, tuần lễ sau truyện “Nắng lên” được in 2 kỳ trên tờ Tuổi Xanh. Truyện “Nắng lên” đã nhen nhóm ước mơ trở thành nhà văn đến nỗi nó “cháy” thành mấy cái truyện khác được viết xong trong mùa hè ấy! Tiếc rằng sau đó không có cái nào được chọn đăng nữa. Tôi “không thèm” viết truyện nữa mà tập trung vào học tập để quyết trở thành... thầy giáo!.
Cuối cùng thì Nghề mà Khôi Vũ lựa chọn là Dược và viết văn được xác định là Nghiệp để theo đuổi và trở thành nhà văn cho đến tận ngày hôm nay.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII vừa qua đã tâm sự rằng, tôi cũng có rất nhiều ước mơ ngay từ khi bé. Tôi từng mơ ước trở thành hoạ sĩ, nhạc sĩ và nhà văn. Khi mơ ước trở thành nhà văn, tôi cũng đặt bút viết nhưng… không thể chấp nhận được, nên phải từ bỏ ước mơ. Ông nhận ra mình chỉ có thể làm khoa học chứ không thể làm nghệ thuật.
Nhà văn Trần Hoài Dương say mê văn chương từ bé. Ông từng mượn đọc những tác phẩm kinh điển của văn học Nga, Pháp. Thời ấy một số cuốn còn chưa được dịch ra tiếng Việt mà chỉ có bản tiếng nước ngoài. Thế rồi, vì ham đọc quá, ông đã dùng từ điển và tự mày mò dịch nội dung cuốn sách. Ước mơ trở thành nhà văn cứ ngấm ngầm theo bám lấy ông. Tốt nghiệp báo chí và công tác ở cơ quan báo chí nhưng ông đã từ bỏ nhiều thứ mà không phải ai cũng dễ dàng làm được như thế để chuyên tâm viết văn. Quả thật, cho đến bây giờ những trang viết trong trẻo dành cho thiếu nhi của Trần Hoài Dương vẫn được nhiều độc giả đón nhận.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo đã nói: “trở thành nhà văn đương nhiên là ước mơ, nhưng đó không phải là ước mơ duy nhất của tôi khi ngồi trên ghế nhà trường. Ở độ tuổi đôi mươi, tôi thực sự chưa hiểu công việc của nhà văn là như thế nào, cũng như công việc của một luật sư, một chính khách, một diễn viên hay một đạo diễn ra sao. Nhưng tôi hay nghĩ đến những danh hiệu cao quý và có phần hào nhoáng đó, và len lén mơ ước trở thành người này người nọ. Tôi đã thực hiện được một trong những ước mơ đó, tức là tốt nghiệp Trường Đại học Luật và tiếp tục phấn đấu để trở thành một… công tố viên. Nhưng rồi tôi đã điều chỉnh lại ước mơ của mình, tức là phấn đấu để trở thành một nhà văn Thoạt nghĩ thì để trở thành nhà văn thật đơn giản, chỉ cần viết và được giải thưởng, ra sách và được bạn đọc chấp nhận ở mức độ nào đó, là ước mơ trở thành nhà văn đã được thực hiện. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, vì không phải ai cũng thành được. Và thành rồi, đôi lúc lại muốn điều chỉnh ước mơ của mình…
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người được cho là nằm trong số không nhiều những nhà văn Việt Nam sống được bằng ngòi bút cũng có ước mơ trở thành nhà văn ngay từ bé. Tuy nhiên, với ông lúc đó thì ước mơ này chưa dựa trên cơ sở thực tế nào cả. Và thực tế là trước khi trở thành nhà văn, Nguyễn Nhật Ánh đã từng làm nhà giáo, rồi làm báo. Trở thành nhà văn “chuyên nghiệp” với số đầu sách đáng nể cộng với lượng sách phát hành ấn tượng, nhưng Nguyễn Nhật Ánh cũng chưa dừng lại trong vai trò một nhà văn mà còn làm kinh doanh.
Thật khó để liệt kê hết xem có bao nhiêu nhà văn từng có ước mơ trở thành nhà văn. Ngược lại, cũng có nhiều người chưa từng có ước mơ trở thành nhà văn nhưng văn chương đã chọn họ như nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Thuỳ Linh... Lại có những nhà văn đã học và làm một nghề khác nhưng vẫn theo đuổi văn chương và trở thành những nhà văn nổi tiếng, như các nhà thơ, nhà văn Vũ Quần Phương, Ma Văn Kháng, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái…
Trong tất cả chúng ta ai cũng có ước mơ. Mơ ước bao giờ cũng đẹp. Có thể mơ ước này sẽ được thay thế bằng mơ ước khác bởi sự hồn nhiên, bồng bột và thiếu thực tế của tuổi trẻ. Nhưng có thể từ sự hồn nhiên ấy, ước mơ được nuôi dưỡng, được lớn lên để khi đối mặt với khó khăn thử thách và trở thành hiện thực, chúng ta lại cảm ơn những tháng ngày ấu thơ với ước mơ con trẻ ấy.
Vẫn biết từ mơ ước đến hiện thực là cả một quá trình dài nếu không xuất phát từ nỗ lực cá nhân, thậm chí cả may mắn và những tác động khách quan. Văn chương ngoài tính đặc thù nó còn khác với các ngành nghề khác. Nói như nhà văn Văn Giá khi được hỏi chuyện về cái sự học của sinh viên khoa viết văn, ông đã thẳng thắn nói: Gọi là khoa viết văn nghĩa là chỉ có thể đào tạo được người viết văn chứ không thể đào tạo để trở thành nhà văn. Từ một người viết văn để trở thành nhà văn là một khoảng cách khá xa mà không phải ai cũng có thể đạt được, thậm chí là không thể.

… và của những người trẻ hiện nay

Nếu như từ thế hệ sinh năm 198X trở về trước, trong nhiều quyển sổ lưu bút, nhật ký… chúng ta dễ dàng bắt gặp ước mơ trở thành nhà văn thì dường như lớp học trò hiện nay rất hiếm mơ ước trở thành nhà văn. Quay trở lại với khảo sát của nhà văn trẻ Phương Trinh ở báo Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh cho thấy 3 năm nay không có em học sinh nào mơ ước trở thành nhà văn đã cho thấy phần nào thực tế này.
Trường Đại học Văn hoá Hà Nội - nơi có khoa viết văn sau 5 năm tuyển sinh liên tục đã “hụt hơi” về vấn đề đầu vào và lại quay lại mô hình tuyển sinh như trước đây là 3 năm một khoá. Như ở trên đã nói, chỉ có thể đào tạo viết văn chứ không thể trở thành nhà văn. Nhưng việc học sinh phổ thông vừa rời ghế nhà trường - chưa thực sự hiểu về sự nghiệt ngã của văn chương mà theo học viết văn cũng thể hiện sự đam mê, ước mơ trở thành nhà văn, dù một phần có thể là thoả sự lãng mạn, mơ mộng nhất thời.
Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội cũng tuyển sinh ngành viết văn. Sinh viên khoá 1 đã tốt nghiệp ra trường nhưng khoá 2 vẫn chưa tiếp tục được mở kế tiếp.
Trong mùa tuyển sinh năm nay, ngành khoa học xã hội nhân văn giảm sút về số lượng thí sinh đăng kí tuyển sinh đầu vào. Như vậy không chỉ riêng văn học mà các ngành khoa học xã hội nhân văn nói chung không còn hấp dẫn. Bởi nếu theo học các ngành xã hội thì cơ hội nghề nghiệp với mức lương hấp dẫnấau khi tốt nghiệp sẽ ít hơn so với ngành khoa học tự nhiên. Đây là một lựa chọn mang tính thực tế của lớp trẻ hiện nay. Thực tế này không phải không có ưu điểm, vì nó sẽ bớt đi những lãng phí đào tạo và không tạo ra những ảo tưởng cá nhân. Tuy nhiên, sự mất cân bằng một cách đáng báo động thể hiện cái nhìn cũng như quan niệm của xã hội hiện nay. Hình ảnh nhà văn đã không còn “thiêng” cũng như sự ảnh hưởng của nhà văn, tiếng nói nhà văn trong đời sống không được như trước đây.
Vậy thì có đáng lo ngại về lớp kế cận văn chương nước nhà không, khi mà bản thân họ không, hoặc quá ít người có ước mơ trở thành nhà văn?
Nếu nhìn vào lực lượng tham gia Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII vừa qua thì câu trả lời sẽ là không. Và nếu nhìn vào các hoạt động văn học khác, các thống kê văn học khác thì có thể câu trả lời sẽ không đồng nhất. Nói lên ước mơ của mình, dù có thực hiện được hay không chưa phải là thước đo chính xác sự đam mê văn chương của lớp trẻ hiện nay. Sự cân nhắc, sự thận trọng với ước mơ cho chúng ta thấy lớp trẻ hiện nay đã khác trước. Tuy nhiên, văn chương có những điều không thể lý giải và không thể rạch ròi theo cách, phải qua trường lớp mới trở thành nhà văn. Ngay các đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc được nhiều người cho rằng, họ sẽ là lực lượng kế cận, là lớp hậu bị cho đội ngũ nhà văn tương lai nhưng bản thân họ cũng phải đang sống bằng một nghề khác. Hoặc sự đam mê, dấn thân, tài năng văn chương sẽ bất ngờ “gõ cửa”, bất ngờ ban tặng cho bất kỳ ai mà không hẹn trước. Tất nhiên để đi được lâu dài hay không thì một phần do mỗi người quyết định.
Cánh cửa văn chương vẫn luôn rộng mở, trong bối cảnh hiện nay, nó chưa phải là một nghề để nuôi sống bản thân, nhưng nó là nghiệp để tất cả những ai đủ đam mê và tài năng theo đuổi bất cứ lúc nào.

(Nguồn: Trang Văn học quê nhà - Báo điện tử Tổ Quốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét