Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

GVĐN 15: DỌC ĐƯỜNG VĂN


DỌC ĐƯỜNG VĂN

Xin tiền vợ tự tay làm… Tuyển tập

… Lâu nay, trong làng văn, ít người tự tay làm tuyển tập cho mình. Công việc đó thường là… chuyện sau này, do gia đình hoặc bạn bè đứng ra thực hiện. Vậy nhưng, nhà thơ Hoàng Cát lại dứt khoát: Phải tự mình lo cho cái thân mình!

560 trang thơ trong “Tuyển tập thơ” (NXB Hội Nhà văn) được Hoàng Cát chọn lựa tập trung vào hai chủ đề: Tình yêu và Nỗi đời. Ngoài ra, trong cuốn sách này, ông cũng đưa thêm vào phần cuối sách một số bài bạn bè viết về thơ và đời Hoàng Cát. Ở đó, nhiều nhận định và tình cảm của bạn bè được gửi gắm…

 Tự làm “Tuyển tập” cho mình, nhà thơ Hoàng Cát còn cẩn thận đến mức tự mình đến làm việc với nhà in. Họ đòi bao nhiêu tiền ông trả, không mặc cả, dù ông biết rằng mình rất nghèo. Tuy nhiên, ông lại “mặc cả” với nhà in rằng, “sản phẩm” in không cần nhanh, có thể chậm hơn thời gian ghi trong hợp đồng, nhưng phải đẹp, phải không có lỗi.
(...)
Hoàng Cát ví von việc tự tay làm “Tuyển tập thơ” như là cách tự xây “đền”. Ông rất ám ảnh về hình ảnh nhà thơ Phạm Tiến Duật đang nằm trên giường bệnh, dây dợ quấn quanh người, khi ấy, bạn bè mới đôn đáo chạy đi làm cho cuốn “Tuyển tập”. Và khi sách vừa rời nhà in, thi sĩ của những cánh rừng Trường Sơn cũng chỉ có thể nằm đó, mà không biết sách đẹp xấu ra sao. Hoàng Cát không muốn lặp lại trường hợp đó nữa. Bây giờ, cầm cuốn “Tuyển tập thơ” trên tay, ông đã rưng rưng. Ông cầm sách trên tay, ngắm nghía, đọc lại từng trang, và trong tâm hồn ông hiện ra từng kỉ niệm… Nhưng hơn tất cả, “Tuyển tập thơ” đã xong, ông cảm thấy nhẹ người, cảm thấy thực sự thanh thản.
Với Hoàng Cát, việc làm tuyển tập cho mình có cái thú là không ai hiểu bản thân mình bằng chính mình. Được đưa vào những cái mình thích và bỏ ra những cái mình cho là không hợp lí.
 Tuy nhiên, tự làm tuyển tập cho mình cũng có cái… mệt. Công việc chuẩn bị bản thảo khoảng hơn một năm ông gặp nhiều lúng túng. Bởi vì đứng trước những “đứa con” do mình đẻ ra, khó mà dễ dàng quyết định “loại bỏ” đứa nào.
“Tuyển tập thơ” đã xong, “ngốn” của Hoàng Cát gấp đôi số tiền vợ đưa, nhưng ông không có gì nuối tiếc cả. Thậm chí ông vui, vì với tâm hồn nhạy cảm của thi nhân, chẳng thà như thế còn hơn là đi ngửa tay xin một Mạnh Thường Quân tài trợ hoàn toàn. Hoàng Cát bảo: Cầm những đồng tiền ấy, cái tư thế nhà thơ không còn thẳng nữa. Và điều còn khiến ông sợ hơn, đó là những cuốn sách có tài trợ đó sẽ chìm khuất đâu đó trong một nhà kho, rồi cuối cùng các thùng sách mới phủ bụi sẽ đi thẳng tới… hàng giấy vụn.
Như Trang
(Nguồn: daidoanket.vn)
NHÀ THƠ TRẦN QUỐC TOÀN
LÀM ĐẠI DIỆN WEBSITE HỘI NHÀ VĂN
VIỆT NAM TẠI PHÍA NAM

1 - Vì những lí do cá nhân, nhà văn Nguyễn Một sau một thời gian làm nhiệm vụ đại diện của Ban biên tập Trang Web Hội Nhà văn Việt Nam (vanvn.net) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xin được thôi đảm nhiệm công việc này. Ban biên tập xin tôn trọng ý nguyện cá nhân của nhà văn và chân thành cảm ơn nhà văn Nguyễn Một vì những đóng góp cho trang Web Hội Nhà văn Việt Nam trong thời gian vừa qua.
2 - Để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ do Ban chấp hành Hội Nhà văn giao cho và phục vụ bạn đọc, bạn viết ngày một tốt hơn, Tổng biên tập Trang Web Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định mời nhà văn Trần Quốc Toàn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đang sinh hoạt tại Chi hội Nhà văn Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh làm đại diện Ban biên tập tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Địa chỉ liên lạc với nhà văn Trần Quốc Toàn: số 26/20/4 - đường Đinh Tiên Hoàng, Phường 1, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Số điện thoại: 0913.637660. Hộp thư điện tử: tranquoctoantgm@gmaill.com


HAI NHÀ VĂN U.70 PHÓNG MÔ TÔ
ĐI TRAO HỌC BỔNG Ở MIỀN TÂY NAM BỘ

Nhà văn Nguyễn Đông Thức, cho biết: “Số tiền tặng học bổng cho chuyến đi này gần đủ 60 triệu, tôi và anh Đoàn Thạch Biền sẽ bỏ thêm vào để đủ trao 3 xã của 3 tỉnh trong đợt đi này. Chúng tôi chờ mong sự hỗ trợ của xã hội cho những lượt đi sau”. 60 học sinh nghèo sẽ nhận học bổng từ hai ông nhà văn U70 chịu chơi ở các xã: Phú Hữu (huyện An Phú, tỉnh An Giang), Tân Khánh Hòa (huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) và Tân Duyệt (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau).
Cũng xin nhắc tên những bạn bè của hai ông nhà văn đã hưởng ứng góp tiền trao học bổng dù họ không muốn nêu tên, gồm: Quỹ tình thơ của Lâm Xuân Thi, nhà thơ Phạm Hồng Danh, KTS Trần Minh Tâm, KTS Nguyễn Ngọc Dũng, anh Lê Nguyên Đại - Chủ nhà sách Thời Đại... và một vài “em gái” hâm mộ hai ông “chơi đẹp”. Chỉ có chừng ấy bạn bè đã góp đủ 60 suất học bổng cho 3 xã nghèo. Tuy nhiên, nếu đi đủ 13 tỉnh, chắc phải cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Nhà văn Nguyễn Đông Thức khẳng định: “Được cộng đồng giúp bao nhiêu, chúng tôi sẽ chi hết bấy nhiêu, nếu rộng rãi thì không chỉ 1 xã 20 em nhận học bổng mà hơn thế nữa”.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức từng phẫu thuật thay khớp chân, nhà văn Đoàn Thạch Biền hiện đang sống chung với bệnh đau tim. Liệu hai ông có đảm bảo hành trình khi sức khỏe không hoàn hảo? Nguyễn Đông Thức chắc nịch nói: “Phương châm là mệt nghỉ, khỏe chạy. Thật sự tôi muốn… vượt qua chính mình trong chuyến đi này”.
Hỏi thêm Nguyễn Đông Thức, rằng: “Tại sao ông rủ nhà văn 65 tuổi Đoàn Thạch Biền không biết lái xe mô-tô đi với mình mà không rủ một người trẻ để có thể cầm lái giúp khi ông mệt mỏi?”. Nguyễn Đông Thức nói rằng: “Anh Biền rất thích xê dịch và là người anh tôi quý nhất trong nhiều năm nay. Tôi và anh đều không thích nói nhiều, đi với nhau sẽ đỡ bị điếc tai. Anh Biền cũng đang rảnh rang và muốn tìm thêm vốn sống… cuối đời”. Hành trình mô-tô của hai ông nhà văn U70 đi miền Tây Nam bộ diễn ra túc tắc trong 3 - 4 đợt. Sau đó, nếu “còn gân”  hai ông sẽ tính tiếp đến “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Nguyễn Đông Thức cho rằng: “Nước mình cứ ra khỏi các thành phố là thấy ngay cảnh nghèo. Ai làm được gì giúp đồng bào mình thì nên làm. Chúng tôi đi thế này thật ra đồng thời cũng để mở mắt thấy được nhiều điều. Sẽ có ghi chép sau chuyến đi. Mong vậy”.
Hai ông nhà văn U70 cưỡi mô-tô cho thỏa máu xê dịch trong người, nhưng trong khi vui, hai ông vẫn không quên người khác đang còn khó khăn cần “trợ lực”.

“Ngọng” đến khó tin trong “Vở luyện tập Tiếng Việt 1”

Trong cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt 1” dành cho học sinh lớp 1 có nhiều lỗi sơ đẳng đến mức khó tin.
Từ GIỖ được ghi thành DỖ
Sai luôn trong câu: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày DỖ (giỗ) Tổ, mùng mười tháng Ba”.
Chưa hết, từ “cây NÊU” được viết thành “cây LÊU”.
Ngoài ra, còn xuất hiện rất nhiều lỗi khác, đặc biệt là bỏ sai vị trí của dấu câu, viết hoa – viết thường.
Vở này do Nhà Xuất bản Đà Nẵng xuất bản nhưng in tại Công ty in Tổng hợp Cầu Giấy. Số liệu lưu chiểu cho thấy, nhà xuất bản này đã in 2000 cuốn.

Chiều 29/5, Giám đốc NXB Đà Nẵng ông Trương Công Báo xác nhận: Đơn vị đã tiếp nhận thông tin về các lỗi sai chính tả trong cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt” và đang tiến hành kiểm tra, xác minh các nguyên nhân gây lỗi sai chính tả không đáng có trên.
Trước mắt, NXB ra quyết định thu hồi toàn bộ số tập vở trên và liên hệ với biên tập viên, tác giả cuốn sách để tìm hiểu.
Cũng theo ông Báo: NXB Đà Nẵng cấp giấy phép và thu xuất bản phí, còn lại lựa chọn điểm in, phát hành có thể do tác giả tự lựa chọn, liên kết.
Được biết, biên tập viên Nguyễn Kim Nhị công tác từ khi thành lập NXB Đà Nẵng (BTV Nhị đã nghỉ hưu từ tháng 3/2012) và là một trong những BTV kỳ cựu, nhiều kinh nghiệm. Tác giả Đặng Thị Lanh từng giảng dạy ở ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó sang công tác tại Bộ GD&ĐT, trước khi nghỉ hưu giữ chức Vụ phó Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT).

VỤ PHÓ CHỦ TỊCH HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẠO VĂN: “CẦN NHẬN THIẾU SÓT VÀ XIN LỖI”

Nhà văn Trần Minh Tạo, tác giả bài ký bị sao chép. Ông Nguyễn Đắc Hiền, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học của Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, nói việc ông Lê Xuân Thành đạo văn của ông Trần Minh Tạo “là một thiếu sót” cần phải nhận và “xin lỗi”.
Qua điện thoại, thạc sĩ sử học Lê Xuân Thành cho biết: “Tôi và một đồng chí nữa ở Ban Tuyên giáo tới huyện Hồng Ngự, gặp anh Chín Nguyễn là đại tá về hưu, Trưởng ban liên lạc bộ đội địa phương quân thời chống Mỹ, anh ấy đưa tôi tập tài liệu viết về 14 trận đánh ở Hồng Ngự để nhờ tôi biên soạn lại nhằm tuyên truyền phục vụ nhân ngày giải phóng miền Nam 30-4. Tôi đã đem về và soạn lại có trích một phần trong tài liệu đó, nhưng không biết là tài liệu này do anh Tạo viết. Vì anh Chín Nguyễn cho biết đã trả công cho anh Tạo 7 triệu đồng, nên tôi coi đây là tài liệu đã được mua, tùy ý sử dụng. Tôi cũng có ghi chú phía dưới tài liệu nguồn nhưng quên đề tên anh Tạo. Anh Tạo cố tình làm khó dễ chuyện này bé xé ra to”.
(...)
Ông Tạo cho hay: “Tập bản thảo tôi viết hơn 200 trang về 14 trận đánh của quân dân Hồng Ngự thời chống Mỹ. Thời gian đi thực tế gặp các nhân chứng và tra cứu tài liệu mất trên 5 tháng mới hoàn thành. Tôi với anh Chín Nguyễn là chỗ bạn chiến đấu nên tôi không đòi tiền nong gì mà anh Chín tự nguyện bồi dưỡng công sức đi lại của tôi nên đã đưa 7 triệu đồng hồi tháng 6- 2010, không có ký kết văn bản gì. Viết xong, tôi gửi bản thảo cho anh Chín Nguyễn nhờ đọc lại xem có sai sót gì không nhưng rồi đến tay ông Thành và sử dụng ghi tên tác giả là ông Thành”.
Tập bản thảo của ông Trần Minh Tạo có đề tên tác giả đầy đủ, nên nói như ông Thành không biết ông Tạo viết, theo ông Tạo “là không trung thực”.
Hội Khoa học lịch sử cũng đã yêu cầu ông Lê Xuân Thành làm tường trình nhưng đến nay chưa xem xét kết luận. Ông Nguyễn Đắc Hiền, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Khoa học nói, đã rõ thiếu sót rồi thì ông Thành cần nhận và xin lỗi ông Tạo, để còn giữ uy tín chung.
Theo Lê Xuân

NGUYỄN NGỌC CHIẾN
NÓI VỀ VIỆC IN SÁCH VĂN HỌC

          Đầu tháng 4 năm 2012, Nhà xuất bản Hà Nội đã in của tôi tập truyện ngắn “Chuyện Tình Của Lính”. Rất vui khi sách được in. Lại càng vui hơn khi sách được in theo phương thức mà tôi vẫn quen gọi nôm na là phương thức “trả nhuận bút”, nghĩa là nhà xuất bản họ tự in, tự phát hành, tác giả được hưởng mười phần trăm tiền nhuận bút so với giá bìa. Đây là tập sách thứ hai của tôi ấn hành ở Nhà xuất bản Hà Nội theo phương thức này. Hôm cán bộ biên tập nhà xuất bản gọi cho tôi, hỏi tôi mua bao nhiêu cuốn, tôi nói, nhuận bút được bao nhiêu, nhà xuất bản chuyển thành sách cả cho tôi. Tôi còn nói thêm rất… ra vẻ ta đây nữa, rằng, nhà xuất bản in sách cho tôi, thì tôi phải có trách nhiệm… gánh vác một phần… giúp nhà xuất bản chứ!
        Bây giờ việc in ấn tác phẩm văn chương hết sức khó khăn. Đa số các nhà văn, nhà thơ đều phải bỏ tiền ra in, sau đó tự phát hành thu lại chi phí. Nhưng việc này không phải dễ. In một tập thơ, trên dưới 100 trang, theo giá hiện thời cũng phải tốn trên dưới 10 triệu đồng, một tập truyện ngắn từ 200 - 250 trang sẽ hết khoảng 10 - 15 triệu đồng. Phát hành cho ai để thu lại được số tiền bỏ ra này? Người giàu có, khá giả còn kêu trời, huống hồ những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc không mấy dư giả. Tôi được biết, một số nhà xuất bản như Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Thanh niên… vẫn in sách, trong đó có sách văn học, theo phương thức “trả nhuận bút”, nhưng không phải ai cũng có được may mắn này.
        Tập truyện ngắn “Chuyện Tình Của Lính” gồm 11 truyện ngắn tôi viết trong những năm qua và tất cả các truyện đều đã được đăng tải trên nhiều tạp chí văn nghệ, một số truyện được phát trong Chương trình “Đọc chuyện đêm khuya” của Đài TNVN, được chọn in trong các tập truyện ngắn hay.
        Cho đến nay, tôi vẫn còn mấy tập truyện ngắn nữa chưa biết in ở đâu. Nếu bỏ tiền ra in rồi phát hành thì tôi… chịu! Hy vọng rồi đây, những tập truyện ngắn còn lại cũng… gặp may như Chuyện Tình Của Lính…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét