A LÝ PHƯỢNG TUYỀN:
TÌNH YÊU QUÊ
HƯƠNG QUA TỪNG CÂU HÁT
Soạn giả A Lý Phượng Tuyền bắt đầu sáng tác từ sau khi miền Nam thống
nhất. Song ông được nhiều người biết tên kể từ khi tập ca cổ “Đồng Nai ngày
mới” (NXB Đồng Nai) kỷ niệm những ngày lễ lớn năm 2000 được xuất bản. Ông cho
biết, tập sách ra đời nhờ có sự quan tâm, động viên của Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới
(lúc đó là Giám đốc NXB Đồng Nai). Đồng thời đó cũng là những tác phẩm ông tâm
đắc nhất trong mấy mươi năm sáng tác của mình, với những bản vọng cổ viết về
mảnh đất Bàu Hàm nói riêng và quê hương Đồng Nai nói chung, trong cái thời được
gọi là “sung sức” nhất của ông. Hiện giờ, tuy vẫn đeo bám nghiệp viết và được
coi là một trong số ít soạn giả vọng cổ chuyên nghiệp ở miền Đông, song ông
phải thừa nhận là chẳng thể nào có sự “đột phá” ấy lần thứ hai trong đời…
A Lý Phượng Tuyền tên thật là Thái Quốc Thế Nguyên, sinh năm
1949, quê ở Bến Tre. Ba người anh của ông cũng đều sống với nghiệp viết, và đều
gắn bó với thơ và cải lương. Ông chọn xã Bàu Hàm (huyện Thống Nhất) là quê hương thứ hai và cũng là cuối cùng bởi
nơi đây cha ông đã đưa anh em ông đi trốn lính, sau đó cha mẹ ông đã mất ở đây.
Bản thân ông không may bị bắt lính, sau giải phóng thì tham gia học tập cải
tạo, và cũng từ đây, ông bắt đầu tập tành sáng tác vọng cổ và làm thơ – nhưng
chủ yếu là thơ hài hước, châm biếm. Năm 1982, tại Hội diễn Công – Nông – Binh
của tỉnh, bài vọng cổ “Nghĩa vụ và tình yêu” của ông được nhận Huy chương Vàng,
chặp cải lương “Bàu Hàm quê tôi” được Huy chương Bạc…
Bút danh A Lý Phượng Tuyền cũng là một kỷ niệm vui và ý nghĩa
trong cuộc đời ông. Năm 1990, bài ca cổ “Tâm tình cô công nhân” được phát trên
đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh, trong đó ông thầm bày tỏ cảm tình với
một cô công nhân tên Tuyền, và cũng chỉ biết đưa “nàng thơ” vào bài ca của
mình. Được mệnh danh là người “có duyên” với giải thưởng, ông khẳng định mình
chỉ “có duyên” với những sáng tác viết về người lao động, đặc biệt là nông dân.
Bởi vốn dĩ ông xuất thân từ một người nông dân chân chất, suốt đời yêu thương,
gắn bó với những người bạn, người yêu ở nông trường, lâm trường. Bởi vậy mà ông
không bao giờ đi xa khỏi Bàu Hàm, cũng không thể thay đổi phong cách sáng tác
chất phác, tưng tửng vốn có của mình.
Ông trở thành cán bộ của đoàn Cải lương Vĩnh An, rồi làm việc tại
Công viên Hòa Bình, đài Truyền thanh Vĩnh Cửu, trở thành hội viên của Hội Văn
học Nghệ thuật Đồng Nai… Ông cũng cộng tác viết tiểu phẩm cho nhiều tờ báo, mà
lâu năm nhất là báo Lao động Đồng Nai (từ năm 1993 đến năm 2001). Nhà văn Khôi
Vũ, Thư ký Tòa soạn của báo lúc đó, cũng là một người bạn của ông cho biết:
“Trong công việc cũng như trong sáng tác, A Lý Phượng Tuyền là một người nhiệt
tình, chịu dấn thân, luôn đứng về phía lẽ phải và chấp nhận trả giá cho sự lựa
chọn của mình”. Có lẽ chính vì vậy mà tuy cuộc sống của ông rất bình thường,
thậm chí là nghèo, song tinh thần của ông luôn vui vẻ, yêu đời; và đặc biệt là
ông vẫn luôn lăn xả vào những đề tài chống tiêu cực với lối viết dí dỏm, không
“đụng hàng”. Ông nói: Trên một tờ báo, “đất” dành cho một bài thơ châm, một
tiểu phẩm chống tiêu cực rất khiêm tốn, nhưng bản thân ông rất vui khi được góp
tiếng nói của mình để bảo vệ lẽ phải, góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Gặp A Lý Phượng Tuyền sau chuyến thực tế sáng tác tại An Giang,
ông có vẻ phấn chấn và mạnh khỏe hẳn lên. Ông cho biết mình vừa làm một cuộc
hành trình dài cùng với “con ngựa sắt” cũ kỹ và được anh em, bạn bè trong giới
đón tiếp vui vẻ, chân tình. Thực ra, thời gian gần đây, ông không còn đi nhiều,
viết nhiều như trước. Nhưng ông tự thấy mình vẫn còn mắc mợ với nghiệp viết,
với cải lương. Và ông không thể rời bỏ nó chỉ vì ở đâu đó trong trái tim, trong
thể xác của mình có chút đau yếu, mệt mỏi…
MAI SƠN
(Nguồn: Báo Lao Động Đồng Nai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét