Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

GVĐN 15: NGHIÊN CỨU CỦA BAE YANG SOO


Bae Yang Soo
(Lưu Chung Tú)

Giáo sư Tiến sĩ Bae yang Soo (Tên Việt là Lưu Chung Tú) nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành văn học VN tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1995. Hiện nay ông là Trưởng khoa tiếng Việt trường ĐH ngoại ngữ Busan (Hàn Quốc).
Bae Yang Soo đã dịch nhiều truyện ngắn, thơ của các tác giả VN qua tiếng Hàn và in ấn, phát hành tại Hàn Quốc. Ông cũng dịch một số tác phẩm nổi tiếng của Hàn quốc qua tiếng Việt.
Ngoài việc giảng dạy đại học và dịch tác phẩm văn học Việt - Hàn, ông còn là Tổng Thư ký Hội những người Hàn yêu Việt Nam (VESAMO).

Phác thảo quá trình tranh luận
của văn học dân tộc Việt Nam

I. Dẫn nhập
Bài viết này phác thảo quá trình tranh luận của văn học Việt Nam. Quá trình này cũng chính là quá trình tranh luận của văn học của dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu về vấn đề này dưới cách nhìn của ngừời nước ngoài, theo chúng tôi cũng là một việc làm cần thiết và thú vị.

Sau khi thoát khỏi ách thống trị của Trung Quốc trong suốt 10 thế kỷ, triều đại phong kiến của Việt Nam đã duy trì được 9 thế kỷ và cuối cùng bị thế lực của Tây Âu mà cụ thể là thực dân Pháp phá vỡ. Các nhà Nho - cũng chính là những người thuộc tầng lớp quý tộc Việt Nam, tầng lớp duy trì chế độ phong kiến - đã buộc phải đối mặt với nguy cơ của sự mất đi bản sắc dân tộc. Từ chính sách thoả hiệp và ôn hoà ở thời kì đầu, dần dần chính quyền thực dân của Pháp đẩy mạnh ách thống trị và đã đàn áp hết sức dã man. Điều này khiến tầng lớp Nho sĩ yêu nước phải tìm các con đường đấu tranh khác nhau nhằm dành lại nền độc lập cho đất nước.
Từ cuối thế kỷ 19, từ việc Chính quyền thực dân Pháp cho phép sử dụng quốc ngữ như một ngoại ngữ trong trường học, trên báo chí, tạp chí, sách báo xuất bản, rồi từ việc văn học châu Âu bắt đầu du nhập vào Việt Nam, nền văn học hiện đại Việt Nam bắt đầu thành hình.
Đến gần nửa sau của thế kỷ 19, triều đại phong kiến Việt Nam dần dần chuyển hoá sang chế độ nửa phong kiến nửa thực dân. Mặc dù chỉ mới ở giai đoạn manh nha nhưng nó cũng đã tác động đến phương thức kinh tế tư bản. Với sự du nhập của chủ nghĩa tư bản, giai cấp thống trị và giai cấp bị trị bị phân hoá thành các giai cấp công nhân, thủ công và tầng lớp trung lưu mà khi làm việc, họ có quyền được nhận lương của mình. Thí dụ, kiểu tóc, trang phục … cũng biến đổi theo kiểu phương Tây (đặc biệt theo kiểu Pháp), đó là kết quả của sự lột bỏ sự ảnh hưởng đã từng rất sâu sắc của Trung Quốc. Điều này dẫn đến sự trao đổi văn hoá ngày càng tăng giữa Việt Nam và thế giới bên ngoài. Đối với các nhóm sáng tác, trong số tầng lớp Nho học Hán học và Phật học, thì những người tiếp nhận nền giáo dục mới cũng đã có những bước chuyển hoá xuất thần. Những người tiếp nhận văn học cũng dần dần gia nhập vào tầng lớp thượng lưu mới. Đặc biệt, sự liên kết trung gian giữa tác giả và người tiếp nhận là được thể hiện ở biến đổi trong cách in ấn và lưu hành. Kĩ thuật in và sự xuất hiện hệ thống nhà sách kiểu phương Tây cùng với việc phát hành báo chí đã tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của văn học Việt Nam thời bấy giờ. Ở trên các trang báo luôn có trương mục định kì giới thiệu văn học, vì vậy, các tác giả có thể dựa vào đó để viết bài kiếm kế sinh nhai.
Lý do sâu xa ở đây có thể chính là từ sự xuất hiện của chữ Quốc Ngữ. Hán tự và Chữ Nôm trong thời kì này khó mà phổ biến đại chúng được. Trong khi đó, ai cũng có thể tiếp thu một cách dễ dàng và nhanh chóng làm quen với hệ thống tiếngViệt được viết bằng bảng chữ cái La tinh. Cho nên, dù bị sự phản đối của các nhà Nho trong thời kì này, nhưng việc truyền bá và sử dụng thuận tiện chữ Quốc ngữ cũng không vấp phải chút trở ngại nào cả. Hơn nữa, nếu xét từng thể loại thì trái với dòng văn học trung đại, khi mà thơ đóng vai trò chủ đạo, thì dòng văn học hiện đại có truyện ngắn làm vai trò chủ đạo. Cùng lúc đó là sự xuất hiện của hí kịch và dòng thơ mới với sự đột phá phong cách cả về nội dung lẫn hình thức. Nghiên cứu văn học cùng với sự phê bình văn học cũng xuất hiện trong giai đoạn này. Đối với việc sử dụng ngôn ngữ trong văn học với phong cách đối thoại khẩu ngữ, mà không phải là phong cách viết, cũng được phổ biến rộng rãi.
Cũng như Việt Nam, các nước châu Á từng là thuộc địa của các chế độ thực dân cũng bắt đầu bị cận đại hoá do ảnh hưởng từ bên ngoài. Những trí thức mới bước vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học hiện đại. Trong quá trình cận đại hoá, họ vừa được đào tạo lại cũng vừa nghiên cứu để tìm lại cái gọi là “cái của mình” hay “bản sắc riêng” (identity). Sự xung đột như vậy, ở Việt Nam, trên thực tế, đã bắt đầu từ khoảng sau 50 năm từ khi thực dân Pháp bắt đầu đặt quyền thống trị. Khoảng thời gian nửa thế kỷ được xem là khoảng thời gian đủ để hình thành một lớp người theo khuynh hướng nghiên cứu Tân học của Pháp và có thể tiếp nhận tri thức đó để phát triển các học thuyết lô gích.

II. Con đường đi tìm “bản sắc riêng”
Ở Việt Nam, khoảng giữa những năm 1920 đến năm 1941, sự mâu thuẫn trong việc đi tìm “cái của mình” đã phát triển mạnh mẽ thành một vấn đề gọi là “Quốc học”. Cái được gọi là “Bút chiến” đã khởi nguồn từ một câu hỏi gây tranh cãi. Câu hỏi bất đồng này là: “Có thật là người Việt Nam có học vấn hay không?” Vào thời kì đó, hai luồng ý kiến “có” và “không” đã được đăng đàn thông qua báo chí và hai luồng ý kiến này không ngần ngại phản bác mạnh mẽ lại quan điểm của đối phương hoặc dùng những lời lẽ xúc phạm nặng nề đến đối phương.
Sự khởi đầu của những xung đột như vậy bắt nguồn từ một người vận động phong trào độc lập. Đó là nhà Nho học Ngô Đức Kế (1878-1929). Ông cho rằng
“Bây giờ, Hán văn vẫn chưa bị mất đi và văn học Pháp vẫn chưa chiếm một vị thế quan trọng cho nên ‘Quốc văn’ vẫn sẽ là thời kì thịnh vượng. Không cần phải tìm thành lập ở đâu xa, không phải phí công trình trọng đại, lấy tinh thần của Hán Văn làm đất cát, lấy trí thức của văn học Pháp từ làm gạch đá, lấy quốc ngữ làm vôi hồ thực là một cái nền tốt đẹp cho mười mấy triệu con Hồng cháu Lạc cất nhà xây vách ở trên ấy, sinh trưởng ca tụ ở trên ấy, núp nắng mưa bão lụt, giữ trộm cắp cướp bóc ở trên ấy vậy.” (3)
và đã đưa ra phương pháp tiếp nhận cải cách, và cũng nêu lên quan điểm của mình rằng nếu chê bai rằng học tiếng Pháp để có thể ăn uống và sinh sống, mà Quốc văn cũng không giúp đỡ được trong việc kiếm kế sinh nhai, thì thử hỏi đến khi nào ta mới có thể có được cái của mình.
Tương tự, trong chính quyền thực dân, việc nghiên cứu để giữ gìn văn học dân tộc, hay “Quốc văn” cũng xuất phát ngay và đã chuyển biến thành phong trào “Tranh luận Quốc học”. Cuộc tranh luận này khởi nguồn từ sự tranh luận giữa Phạm Quỳnh (1892-1945) và Phan Khôi (1887-1960) vào năm 1930 và tiếp diễn cho đến tận năm 1941. Trong bài trả lời “Cảnh cáo các nhà phiệt học của Phan Khôi Tiên sinh”, Phạm Quỳnh cho rằng “phải nên cùng nhau hiệp lực, cố gầy dựng nước nhà một nền quốc học đích thực, không Tây mà cũng không Nho, có cái tính đặc biệt, tiêu biểu cho tinh thần bất khuất của giống nòi Việt. Ông chủ trương thành lập “Hội chấn hưng quốc học” (4). Trả lời vấn đề này, Phan Khôi đã phản bác mạnh mẽ lại với lý luận rằng
“Phàm cái gì từ trước đã có sẵn rồi sau suy bại đi, vậy mới gọi là “chấn hưng” được. Cái nền “Quốc học” của nước Việt Nam từ xưa chưa có thì sao gọi là “Chấn hưng” được. Chuyện học văn ở nước ta còn hiếm quá. Bây giờ đây, ta cần phải nhen nhúm dần dần cho mỗi ngày một đông nhiều ra, rồi mới mong có được sự lập hội như các nước ở ngày sau.” (5)
Trả lời về vấn đề này, Phan Khôi cho rằng
“Cái gì thì nên hiệp lại, chứ sự học thì lại nên chia ra. Nhờ chia ra phái này phái khác mà đối địch cùng nhau, rồi sự học mới mau tiến bộ. Chứ còn hiệp lại, làm cho cái tư tưởng cả nước phải ở dưới một cái quyền nhất thống nào đó, thì thật là bất lợi, vì cái tư tưởng sẽ cầm chừng một chỗ mà không nảy nở ra được. Vậy nếu ta đây có một cái hội, dầu cái mục đích không phải chấn hưng mà là sáng tạo một nền quốc học đi nữa thì tôi cũng sợ cho cái hội ấy sẽ giảm tư tưởng của quốc dân, nên tôi nói là không thấy cần”.(6)
Đồng thời ông cũng công khai phủ nhận lời đề nghị của Phạm Quỳnh. Ông đưa ra chủ trương về việc xây dựng nền học thuật của Việt Nam rằng muốn đạt được mục đích đó phải nên dụng công ở cả hai phương diện, đó là “Phương diện phá hoại và phương diện kiến thiết” (7). Ông nêu ra đối tượng phá hoại là tư tưởng hủ hoại và không hợp thời đại, chính là là chế độ khoa cử và Tống Nho. Ông cũng nhấn mạnh những gì cống hiến cho mọi người thì bất luận của Phương Đông hay của Phương Tây đều tốt và cứ phải đi sâu vào khai thác. Trong quá trình này, ông nêu lên vai trò tích cực và năng động của các trí thức. Các trí thức không có đầu óc phê bình và bỏ bê tinh thần tranh luận thì cho dù có gia nhập vào hội hay thảo luận một cách tự do trong hội, thì vẫn chỉ biết có ‘dạ dạ vâng vâng’. Đó là lý do Phạm Quỳnh cho rằng muốn sáng lập hội thì trước tiên phải học cách tranh luận.
Từ những lời phản bác của Phan Khôi về chủ trương thành lập “Hội chấn hưng quốc học”, Phạm Quỳnh đã một lần nữa viết và phản bác về khái niệm “Quốc học”. Ông cho rằng, theo sự hiểu biết của người Việt Nam, trên thực tế, trong ý niệm tuyệt đối, Việt Nam không có quốc học, nhưng để hấp thụ nền văn minh học thuật của nước ngoài, người Việt cần phải giữ gìn sự biến đổi trong tinh thần và những điều mình làm, đó là chủ trương tồn tại. Nhiều minh họa về Quốc học về mặt ý nghĩa chỉ mang tính đối phó và theo ông, ý chí tự lập về mặt tinh thần đóng vai trò quan trọng và nếu muốn tự lập thì không được để cho nước ngoài đồng hóa với nước ngoài, mà phải có chủ trương. Phải tự tin về mặt tinh thần và thông qua thuật ngữ “Quốc học và Quốc văn” mà nhấn mạnh đến tính thiết yếu của quốc văn. Thông qua điều kiện tiến hành việc nghiên cứu quốc học và chính là việc phải xây dựng được nền quốc học mang tính độc lập về mặt tinh thần. Và điều này nhấn mạnh đến nền tảng cơ bản của sự độc lập về mặt chính trị.
Về quan điểm cơ bản về quốc học, cả hai đều có chung ý kiến rằng Việt Nam không có nền quốc học chân chính. Nhưng họ lại trái ngược nhau về phương hướng xây dựng nền Quốc học. Phạm Quỳnh theo khuynh hướng cải lương, trái lại, Phan Khôi thiên về những ý nghĩ mang tính cấp tiến, phủ định quá khứ. Điều này có thể được thấy rõ qua nguồn gốc khuynh hướng của hai người này. Hai người này đều nghiên cứu về Hán học và Tân học nhưng trong thời kì trước, Phạm Quỳnh còn chịu sự quản lý của triều đình. Cho đến sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì ông bị coi là phần tử thân Pháp, bị Việt Minh bắt giữ và phải nhận bản án tử hình. Còn Phan Khôi thì tranh thủ sự trợ giúp từ phía Việt Minh bằng cách tham dự trong phong trào Giải phóng dân tộc nhưng do có liên quan đến phong trào “Nhân văn giải phẩm” nên cũng lại bị hạn chế. Vấn đề này sẽ được đề cập đến trong phần sau của bài viết.
Theo Lê Dư, ở Việt Nam, Quốc học đã được định nghĩa: “Quốc học là học vấn và kĩ thuật của một nước. Và học vấn và kĩ thuật này chỉ về một nét đặc thù riêng của một nước, hoặc là được tiếp thu từ nước ngoài và đã có nhiều biến đổi và nó trở thành nét đặc thù mà nước khác không có được” (8). Ông còn phê phán rằng “Hai người trên đã xem qua châu Âu hoặc Trung Quốc, không có suy nghĩ gì về định nghĩa và khái niệm quốc học, xem xét lý luận và khoa học của Châu Âu và Châu Mĩ mà lại quan sát Việt Nam và rồi cho rằng Việt Nam ta không có học thuật mang tính khoa học (hoặc có mà chưa biết đến) nhân đó mới sinh ra lòng tự ru rằng nước ta hoàn toàn không có gì cả, tiền nhân ta hoàn toàn không biết gì cả.” (9)
Nếu xem xét về vấn đề tranh luận quốc học của Việt Nam thì từ định nghĩa và khái niệm quốc học, nó vừa bổ sung cho nhau, vừa cho thấy được hình dáng mang tính cực đoan về những ý kiến không thể tiếp thu của đối phương, vừa có thể thấy được sự nhận thức qua một vấn đề quan trọng có tên là “Sứ mệnh và quan hệ của quốc gia” trong việc xây dựng Quốc học. Vào thời kì này, sách báo và tạp chí phải chịu sự kiểm duyệt của chính quyền thực dân Pháp, có những ngôn từ bị xóa bỏ trong quá trình kiểm duyệt. Và để tránh sự kiểm duyệt đó, các tác giả phải tránh nhắc đến những vấn đề nhạy cảm mang tính chính trị. Nhưng trong quá trình tranh luận Quốc học của Việt Nam vẫn có thể nhận thức được rằng đây là cuộc sự tranh luận về quá trình phát sinh của “kháng thể văn hoá” vì “sự độc lập” của Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm bắt đầu tranh luận, “tư tưởng mới” chính là sự xuất hiện của Chủ nghĩa Mác, đồng thời, cho dù thời kì tranh luận “kháng thể văn hóa” có chết đi, nhưng việc miền Bắc sẽ được thống nhất bằng Chủ Nghĩa Mác cũng là điều thỏa đáng.
Một điều nữa là cùng với sự tranh luận Quốc học qua các trang báo thì giai đoạn 1930 là giai đoạn khai hoa của Văn học Việt Nam thời kì cận đại. Tuy nhiên ở thời kì này, văn học cận đại Việt Nam chia theo hai trường phái, một là trường phái hoạt động bí mật và một theo trường phái hoạt động công khai. Đối với trường phái hoạt động bí mật thì không thể in hay xuất bản những tác phẩm của các tác giả có tham gia phong trào Giải phóng Dân tộc, mà chủ yếu là được đọc từ những bản sao chép trong một giới hạn nhất định nên không để lại được nhiều tác phẩm.
Đối với trường phái hoạt động công khai thì những tác giả có cùng tư tưởng đã tập trung lại và công bố cơ quan ngôn luận, đồng thời mở rộng vị trí của họ. Tuy vậy, ở lĩnh vực tiểu thuyết thì những nhóm tác giả đồng nghiệp như “Tự lực Văn đoàn”, “Tiểu thuyết thứ bảy” cũng khá là nổi tiếng, ở lĩnh vực thơ ca cũng có các nhóm như “Nhóm Bình Định”, “Xuân Thu Nga Tập”. Nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương theo Chủ nghĩa cá nhân và Chủ nghĩa cải lương. “Nhân đạo”, “Chủ nghĩa bình dân” hay “Ái quốc” trở thành những chủ đề tham luận. Khuynh hướng nghệ thuật của thời kì này được chia thành Chủ nghĩa lãng mạn và Chủ nghĩa hiện thực. Đối với khuynh hướng của Chủ nghĩa lãng mạn thì đây là khuynh hướng của những người đã từng hoạt động bí mật, với mong muốn làm trỗi dậy tính anh hùng và với nhiều nội dung liên quan đến vấn đề giải phóng “cái tôi”. Trường phái công khai thì lại có khuynh hướng nội dung nói về hưởng lạc như yêu đương, rượu chè, chơi bời trai gái.
Trường phái Chủ nghĩa hiện thực đi vào miêu tả hiện thực chính xác cho từng thời kì, xác định lập trọng tâm. Tuy vậy, trong trường phái Chủ nghĩa hiện thực, trường phái hoạt động công khai đã giải quyết được các vấn đề chung của xã hội và trường phái hoạt động bí mật thì giải quyết các vấn đề về độc lập và giải phóng dân tộc của một đất nước bị đô hộ và bị bóc lột . Đồng thời, vào tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập, đồng thời dần dần Chủ nghĩa hiện thực của Chủ nghĩa Xã hội cũng được khuyếch trương.

III. Giai đoạn thứ 2
Vào thời kì 1930, tranh luận Quốc học cũng như sự khuyếch tán của khuynh hướng văn chương đa dạng sau Cách mạng tháng Tám đã vừa thâm nhập vào miền Bắc của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, vừa, so với cuộc tranh luận về văn học dân tộc, chuyển hóa thành vấn đề đi tìm phương thức truyền bá “tư tưởng mới”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng “Dân tộc bị áp bức thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng.” (10) Và với kim chỉ nam được biên soạn vào năm 1943 có tên là “Việt Nam Văn hoá Sử cương” đã đưa ra một đường lối gồm có 3 phương châm là “Dân tộc, khoa học và đại chúng” để hướng dẫn, chỉ đạo cái gọi là chí hướng của Văn học Việt Nam. Vào năm 1957, trong đại hội Văn nghệ toàn quốc Tổng bí thư Trường Chinh đã một lần nữa khẳng định một cách cụ thể hơn về 3 điều trong đường lối trước đó là “tính dân tộc, tính hiện thực và tính quần chúng”. Những tác phẩm nêu lên đến những sai lầm hay những ý kiến đối lập với chính sách của quốc gia và Đảng thì cả tác giả lẫn tác phẩm sẽ bị xử lý. Cho nên, văn học trong giai đoạn này luôn đi theo các chủ trương của Đảng.
Bản tuyên ngôn độc lập ở miền Bắc vào tháng 9/1945 tuyên bố Việt Nam lao vào cuộc kháng chiến trường kì chống Pháp. Và trong tình thế của cuộc chiến tranh này thì “tính đa dạng về tiêu chuẩn của tình cảm nhân loại” đã gây ảnh hưởng xấu đến tình đoàn kết dân tộc. Biết trước điều này, Việt Nam đã xác định phương hướng là trung thành với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vào năm 1954, bằng chiến thắng lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi miền Bắc Việt Nam đã đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi, Việt Nam đã chính thức thành lập một chính quyền Xã hội Chủ nghĩa đúng nghĩa và cũng đã đề xuất “Chủ nghĩa xã hội hóa” miền Bắc Việt Nam. Trong quá trình này bao gồm cả việc thi hành chính sách “Cải cách ruộng đất”. Tuy nhiên, do phương pháp thi hành thái quá và mang tính quá khích nên đã gây ra nhiều oán giận. Kết quả là chính phủ miền Bắc Việt Nam phải công khai xin lỗi dân chúng. Công cuộc cải cách ruộng đất đã tịch thu ruộng đất của giai cấp địa chủ chia cho dân nghèo hoặc đề xuất cho tập đoàn sở hữu hóa.
Trong hoàn cảnh như vậy, việc nghiên cứu “Dân chủ hóa trong văn học” cũng đã bắt đầu hình thành theo tiêu chuẩn. Vào tháng 3/1956, trên tạp chí “Giai phẩm 1965”, những tác phẩm có nội dung phê phán sai lầm và mâu thuẫn của miền Bắc đã bắt đầu được xuất bản. Một tờ báo tên là “Nhân Văn” cũng tham dự vào cuộc tranh luận này. Do đó cuộc vận động này được gọi chung là “Nhân văn Giai phẩm”.
Trong bài viết “Phê bình việc chỉ đạo văn chương” tháng 7/1956 trong cuộc tranh luận Quốc học ở phía trước, ông Phan Khôi đã phê phán gay gắt về tương ứng giữa tính công thức và tính đồng dạng của các cán bộ “Văn chương đồng minh” về nghiên cứu dân chủ hóa và tự do trong văn đàn miền Bắc Việt Nam. Cuộc vận động này, Tố Hữu, Xuân Diệu, cũng như các tác giả khác là phát ngôn của chính phủ nhưng kết quả thì “Nhân văn” và “Giải phẩm” đã gián đoạn và Trần Dân - người được xem là lãnh tụ đã bị giam cầm và những người liên quan đến cuộc vận động này tất cả đều bị từ chức và hoặc phải ngưng bút.
Sau giai đoạn cận đại, cuộc vận động tranh luận thứ hai trên văn đàn Việt Nam cũng kết thúc về một phía. Nhưng càng về sau xuất hiện càng nhiều cuộc tranh luận khác. Cho đến lúc bấy giờ, việc tìm kiếm tài liệu liên quan đến vấn đề này không dễ. Và ở hải ngoại, cũng có những bài viết của những tác giả ra đi từ miền Nam Việt Nam nhưng những bài viết này, những vấn đề này dưới góc độ nào đó mang tính “phản Việt”, nên việc đi tìm ý nghĩa và tính thực tế của cuộc tranh luận này được xem là vẫn cần nhiều thời gian hơn nữa.
Vào năm 1956-1958, theo đà sự kiện Nhân văn Giai phẩm, “tương phản với quan điểm mang tính lý luận sai lầm của những người đó và theo đường lối của Đảng cùng với Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, với mục đích nghiên cứu nghiêm túc và mang tính hệ thống về vấn đề Di sản văn học dân tộc và lý luận văn học”, Việt Nam đã thành lập “Viện Văn học Việt Nam”. Sau sự kiện này, nét đặc thù có tính xã hội và lịch sử của Văn học Việt Nam chính là chiến tranh và ảnh hưởng của quá trình xã hội chủ nghĩa hóa. Hơn nữa, việc không thống nhất trong các đảng phái cũng dễ dẫn đến thất bại, nói cách khác là dễ bị sự phê phán. Các tác phẩm của thời kì này trung thành với nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc phản ánh hiện thực một cách chân thực nhưng nó đã trở thành mục đích phản ánh nghệ thuật được gọi là hiện thực. Do có sự giới hạn chủ đề, nên những bài viết về quân nhân, nông dân hay những người lao động trở nên rập khuôn, theo một khuôn đúc có sẵn. Hơn nữa nội dung các tác phẩm đều luôn mang tính lạc quan chủ nghĩa và ủng hộ thể chế chính trị, những sự ngưỡng mộ, tán dương sơ sài và sinh ra cả các thói xấu bị đồng dạng hóa. Giáo sư Phong Lê ở Viện Văn học trong bài luận văn “Nhận dạng của văn học Việt Nam sau 1945” đã nói như sau :
“Đó là sự ưu tiên cho đề tài chiến đấu và sản xuất; sự cổ độmg cho khẩu hiệu yêu nước và căm thù; hướngtập trung nêu gương cái mới, khẳng định tính lạc quan, xây dựng các điển hình có giá trị nêu gương; tránh âm điệu phê phán và việc nhấn mạnh các mặt tiêu cực của đời sống, chủ đề tư tưởng phải rõ, tránh đa nghĩa; hình thức phải ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu.” (11)
Để trung thành với sứ mệnh chính trị, tự nhận thức rằng văn học là vũ khí tư tưởng và giáo dục về lòng trung thành, tuy nhiên lại phải hiến thân mình một cách toàn tâm toàn trí. Trong quan điểm cách mạng thì việc tìm thấy “con người làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa” mang tính tích cực và lạc quan có thể được xem là một sự cống hiến mang tính văn học của thời kì này. Vì vấn đề sinh tồn của người dân thì chiến tranh đã vượt lên những cân nhắc mang tính phân thân của cái gọi là “ta và địch”, và hơn nữa, điều đó buộc phải được chấp nhận như là nguyên tắc tuyệt đối. Mặt khác, điều đó còn được đánh giá về mặt nhận thức theo chuẩn mực của giai cấp. Cá nhân phải hòa tan vào trong tập thể và “biện pháp giải quyết những khó khăn, bi kịch của cá nhân là hướng tới cộng đồng và cách mạng”. Và cuộc kháng chiến trường kì đã không tạo nên bất cứ khó khăn nào như một quy phạm của một khuynh hướng như thế. Tập thể luôn luôn được ưu tiên hơn cá nhân, quá trình này quá đề cao mục đích mà đã vô tình lãng quên tính đoàn kết. Công việc sáng tác được nhận thức một cách khá đơn giản và thị giác quan sát nhân lọai đã nảy sinh khuyết điểm lý tưởng hóa và mang tính công thức. Vào cuối giai đọan 1950, tác giả nổi tiếng Nguyễn Khải kể lại “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã là tiêu chuẩn thông thường trong cách nghĩ, trong cách sống, thấm sâu trong mọi quan hệ. Người ta không thể nghĩ khác thế, không thể sống khác thế, không thể có những quyết định khác thế.” (12)

IV . Giai đoạn thứ 3
Giai đoạn thứ ba của tranh luận Quốc học bắt đầu từ 10 năm sau ngày Việt Nam thống nhất, là khoảng giữa những năm 80. Đây là giai đoạn công cuộc “Đổi mới” của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đại hội Đảng toàn quốc Lần thứ 6 đã nhấn mạnh việc “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Theo đó, khi nói chuyện về sáng tác văn học thì cũng phải ưu tiên nói về sự thật. Khả năng của tác giả và giá trị của tác phẩm cũng xuất hiện ở nhiều phương diện nhưng nó nảy sinh ở những điểm nhấn mạnh tính chân thực của cuộc sống bằng tính sáng tạo độc đáo và sức thuyết phục mạnh mẽ một cách ưu đãi.
Lúc này, trong những tác phẩm vừa xuất hiện, có những tác phẩm lôi cuốn được sự chú ý như “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh. Tác phẩm “Tướng về hưu” nói về vị tướng anh hùng trong thời kì chiến tranh không thể thích ứng với sự thay đổi của xã hội, luôn hồi tưởng về quá khứ và bằng nội dung chấm dứt cuộc sống đã phá bỏ “tính anh hùng” của giai đọan hiện thời. Đại ý của tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” thì nói về “sự chiến thắng, chiến thắng cả lòng người, nhưng cũng là sự chiến thắng của cái ác và bạo lực phi nhân loại.” Vì vậy, nỗi buồn của chiến tranh là nỗi đau trong lòng người. Tác phẩm truyền đạt đến độc giả thông điệp rằng trong chiến tranh, cho dù là kẻ thắng hay người thua thì họ cũng đều là nạn nhân cả. Đây đã trở thành một tầm nhìn mới và đã tạo cho tác phẩm một tiếng vang lớn.
Bây giờ, trên văn đàn Việt Nam, để thích hợp với việc nghiên cứu của thời đại và lịch sử, so với các chủ đề phong phú, bằng việc tổ chức một cách tự nhiên đã tiếp cận gần các độc giả hơn. Do đó, không phải là tất cả quá khứ đều mang tính phủ định mà ngay cả chủ trương xem xét cân nhắc tình thế mang khía cạnh lịch sử đặc thù cũng khá là khó khăn. Hơn nữa, trong tình thế hiện tại đã đi đến thời kì phải tiến hành cách tân, thì những điều chưa phù hợp và phải phù hợp với “sự nghiên cứu mới mẻ của dân tộc và thời đại” và chủ trương những cái cũ không được tồn đọng lâu dài.
Tính đại chúng, tính hiện thực và tính dân tộc theo đường lối văn học của Đảng cùng với dòng chảy thời đại vừa tạo nên tính hàm súc và làm cho ý #nghĩa của nó ngày một đa dạng, vừa thể hiện tính đa dạng bằng “Đổi mới sở hữu” và tính dân chủ về nội dung. Nhưng chủ trương của Đảng là phải nhất quán, tất cả những điều đó nằm trong một phạm vi lớn được gọi là “Kiến thiết Xã hội Chủ nghĩa” và ngay cả việc đóng góp tính đồng nhất dân tộc và thống nhất cũng đang được nghiên cứu. Cuộc tranh luận văn học lần thứ 3 này, kéo dài từ khoảng giữa những năm 80 đến những năm 90, cũng cùng cũng chấm dứt.

V. Giai đoạn thứ 4 và thay lời kết
Cuối cùng, trong bài tham luận văn học Việt Nam của mình, như lời Jeong Seon Tae đã nhấn mạnh, “Bằng Internet, cuộc cách mạng công nghệ trở thành đại biểu là điều kiện dẫn đến việc chuyển sang một kỷ nguyên mới theo khái niệm không gian và thời gian”. Sau chiến tranh, nhiều người dân Việt Nam đã xuất ngoại và đã phát hành những tạp chí văn học cả trực tuyến (online) (13) lẫn thành sách (offline). Trong số đó, một nữ tiểu thuyết gia đã đứng ra mở một trang web để đưa lên những vấn đề liên quan đến văn thơ Việt Nam. Trang web này là nơi để những những tác gia sinh sống ở Việt Nam và hải ngoại, những nhà bình giảng văn học cùng nhau tranh luận. Ngày nay, người sử dụng Internet ở những trang web như thế thường tìm kiếm những vấn đề mang tính chính trị, hoặc khơi dậy những vấn đề đi ngược với chủ trương, duy trì tính khách quan. Tuy nhiên, đây cũng có thể xem là cuộc tranh luận Văn học dân tộc Việt Nam lần thứ tư. Những cuộc tranh luận Văn học dân tộc thông qua Internet có thể vượt qua được những điều ràng buộc của chế độ và tranh luận tự do vượt qua không gian và thời gian nên chú mục vào từng phần bằng không gian của những thảo luận mới. Tất nhiên, ở đó, nhiều điều không thể được giải quyết sâu sắc, nhất là các vấn đề hiện tại. Và hơn nữa, còn là những hạn chế mang lý do chính trị. Cuộc thảo luận này có lẽ bây giờ và sau này cũng sẽ đưa lên những bài viết nhằm cỗ vũ hết mình những nội dung, chủ đề để khuyến khích những cuộc tranh luận mới về phương hướng phát triển của văn học Việt Nam và của các tác giả trẻ.
@

Chú thích:
(1). This paper was supported by the research grants of the Pusan University of Foreign Studies in 2005.
(2). PGS. TS. Trường Đại học Ngoại ngữ Pusan, Hàn Quốc.
(3). Ngô Đức Kế. 2001. Nền quốc văn. Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX. NXB. Lao động. Hà Nội. p. 44.
(4). Phạm Quỳnh. 2001. Trả lời bài cảnh cáo các nhà học phiệt của Phan Khôi Tiên sinh. Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX. NXB. Lao động. Hà Nội. p.125.
(5). Phan Khôi. 2001. Về cái ý kiến lập Hội chấn hưng quốc học của ông Phạm Quỳnh. Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX. NXB. Lao động. Hà Nội. p.132.
(6). lbid. p.133.
(7). lbid. p.133.
(8). Lê Dư. 2001. Vấn đề quốc học. Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX. NXB. Lao động. Hà Nội. p.204.
(9). lbid. P.205.
(10). Trích theo Hà Xuân Trường, Đảng và văn học, Việt Nam nửa thế kỷ văn học (1945-1995), NXB. Hội nhà văn, Hà Nội, 1997, p. 94.

(11). Phong Lê. 1991. Nhận dạng văn học Việt Nam sau 1945, Tạp chí Văn học. số 4, Viện Văn học, Hà Nội. p.6.
(12). Nguyễn Khải. 1984. Văn xuôi trước yêu cầu cuộc sống. Văn nghệ Quân đội. số 1-1984. p.99.
(13). Chẳng hạn trang web của www.evan.com.vn.

Nguồn: http://my.opera.com/toantransp1/blog/show.dml/10338561

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét