Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

GVĐN 15: KÝ CỦA NGUYỄN THU TRÂN


NGUYỄN THU TRÂN
(HV Hội Nhà văn VN tại TP HCM)

Chuyện người lính hát

NVTPHCM- Những cột sóng trào nối tiếp và nối tiếp… Mưa gió gầm gào không dứt. Một thuỷ thủ trên tàu trấn an tôi: “Chị yên tâm, không vấn đề gì, các anh ấy luôn phải trần mình trong những con sóng to như thế”. Tôi bỗng thấy quý giá làm sao câu nguyện cầu “mưa thuận gió hoà” bao đời ông bà mình để lại. Vâng, với người lính Trường Sa, chân cứng đá mềm chưa đủ…


Kỷ niệm Trường Sa với một người bạn đã hát cùng tôi trong mưa…
Vài dòng lưu niệm của Kim Quốc Tuấn bắt đầu như thế.
Mưa ào ạt kéo về trắng trời Nam Yết, những câu ca về người lính ngày đêm lạc quan giữ đảo vẫn sôi động tuôn trào. Tôi thấy mắt anh long lanh, mắt anh hát, mắt anh cười…
Làm sao không yên lòng được nhỉ, lính đảo mình đẹp trai, khoẻ khoắn và cường tráng.
Có cô nhà báo bảo đến đảo chỉ thích săn tìm lính đẹp trai.
Đương nhiên, người lính hát cùng tôi trong mưa trắng trời Nam Yết cũng là “mục tiêu” của cô. Họ ngồi với nhau hơi lâu. Và nói gì nhỉ. Anh chàng độc thân. Cô nàng chưa có mảnh tình vắt vai. Lòng tôi cũng vội vàng toan tính, họ là một cặp đẹp đôi.
Đêm nằm cạnh nhau, cô nhà báo bảo: “Anh ấy là một học giả về Trường Sa”. Có nghĩa là biết rất nhiều về đất trời cây cỏ Trường Sa. Mây thế nào thì mưa. Gió se sắc ra sao thì nắng cả ngày. Và cây và cỏ. Và lá và hoa. Cô buông một câu cả quyết: “Xứng đáng là công dân Trường Sa!”. Hình ảnh anh lính còn đọng lại gì trong cô không thì không được biết nhưng cô đi vào giấc ngủ với nụ cười chấp chới trên môi.
 Lính trẻ Bùi Thanh Châu quê Phan Rang (Ninh Thuận) luôn tự hào về bầy chó rất khôn của đảo Sơn Ca. Sau câu chuyện với khách về đời sống thao trường, Châu huýt sáo cho chú chó nhỏ màu lông trứng sáo nhảy tót vào lòng anh. Anh bảo, nó khôn lắm, sáng nào cũng cào cào cửa cho em thức dậy. Rồi nhìn ra biển xa xăm, vậy mới đỡ nhớ nhà chị ạ. Giàn mướp do chính tay Châu vun trồng trên đảo đã bung xung nở hoa vàng rực cả một góc trời. Nhuỵ hoa quê hấp lực chập chờn từng đàn bướm trắng bướm xanh. Kinh nghiệm nào trồng mướp giỏi vậy. Châu cười hiền hiền dễ thương, ở quê má cũng trồng mướp trước nhà, vừa gây bóng mát vừa có trái nấu canh. Nói canh, nhớ chuyện “canh toàn quốc” ở Trường Sa. Không “toàn quốc” làm sao được khi giữa chập chùng đảo xa, rau quả nước ngọt quý như vàng. Gần nửa tháng lênh đênh với Trường Sa, đêm nào cũng ám ảnh thau canh toàn quốc lỏng bỏng nước với vài cọng rau gọi là khái niệm, khái niệm rau, khái niệm bí, khái niệm bầu… Thương bộ đội Trường Sa thật tình chứ không khách khí. Nghĩ đến bảy tháng mùa mưa còn lại trong năm, Trường Sa chỉ có sóng và sóng, tàu khách ra vô hoàn toàn vắng bóng. Châu bảo, mùa mưa thèm rau đến nằm mơ thấy như ngày còn đi học mơ thi đậu vậy. Có lần Châu bật khóc trong mưa khi khay trồng rau muống tốt tươi của anh bị nước biển tạt trùm lên làm hư cả rau cả đất. “Yếu mềm” với rau vậy nhưng anh chàng rất cứng cỏi trong tuần tra; phiên trực nào của Châu cũng sắc sảo, chu toàn, luôn được thủ trưởng khen.
Đảo chìm Đá Lớn có anh lính tất bật ngày đón khách đất liền ra thăm. Sơn quê Nghệ An, cười tươi, cao gầy rắn rỏi. Anh chàng có vẻ đa năng, làm được nhiều việc nên được thủ trưởng điều động liên tục. Cuối cùng rồi Sơn cũng có một chỗ trong vòng tròn ngồi nghe văn công hát. Nhưng ngồi chưa ấm chỗ, hát với văn công chưa hết một bài lại có việc rồi, lại chạy. Xong việc lại khấp khởi quay về, vỗ tay và hát. Sơn hát hồ hởi, hay và đúng nhịp. Ánh mắt lúng liếng như trẻ thơ, bị mấy cô đất liền chọc ghẹo mấy cũng chỉ cười. Rồi lại có việc, lại chạy. Ca nô của Sơn xong việc quay về cũng là lúc tiễn khách. Anh chàng tiếc ngẩn ngơ, bao giờ văn công ra đảo nữa nhỉ, đứng bên cầu tàu vẫy mãi tay… Tối. Tàu neo ngoài khơi xa, nhìn vào đảo lấp lánh ánh đèn. Mắt thường áng chừng chỉ cách đảo một tầm tay với. Sơn khoe với tôi đang tự học thêm tiếng Anh. Đứng trên boong tàu đoán nơi nào là ánh sánh học hành của người lính trẻ, thấy lòng tin tưởng, bình yên. Nhưng ước phải chi tàu với đảo chỉ cách nhau một tầm tay với thật, để Sơn lại được hát với văn công dạt dào…
Đảo chìm Đá Lát nghe Mai Khôi hát sống trong đời sống cần có một tấm lòng của Trịnh Công Sơn mà lòng da diết. Cô ca sĩ trẻ biết làm duyên với “tông” bụi khiến bao chàng lính đảo ngần ngơ. Áo đỏ, môi son đỏ, tóc đuôi gà nhỏng nhảnh. Và cứ thế guitare dạt dào trước biển. Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em có biết không, để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…Tôi thấy người cựu binh Trường Sa Phạm Văn Minh chầm chậm đưa tay lau nước mắt. Nước mắt của một tấm lòng, triệu triệu tấm lòng vì biển đảo quê hương. Không sợ sáo mòn, công thức khi bảo rằng đã có bao thế hệ người trẻ Việt Nam vượt biển đến với Trường Sa chỉ để cho mà không nghĩ đến điều nhận lại. Bắt đầu bằng những hải đội Hoàng Sa, Trường Sa với nghi thức “khao lề thế lính”. Và những Gạc-ma sống mái không quên. Anh linh những người mở đất, những người lính biển kiêu hùng dưới lòng biển sâu mãi thống thiết bài ca bi tráng… Hơn hai mươi năm trước, ông Minh cũng đã đến Trường Sa cùng bao đồng đội, chung tay xếp từng viên đá xây cầu tàu Trường Sa. Tàu cập đảo nào có bàn tay mình in dấu, ông cũng xăng xái nhảy xuống trước, đi thăm lại từng ngóc ngách, tay ve vuốt nhẹ nhàng từng bờ đá thân thương… Lên đảo nào cũng thường dễ tìm thấy ông “tụ tập” với đám lính trẻ, chen vào ngồi giữa tâm tình: “Nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương thời nào cũng cần những tấm lòng son sắt, vẹn toàn. Nhưng điều kiện các cháu bây giờ tốt hơn thời bọn ta và các thế hệ trước đó nhiều, cho nên chúng mày phải cố lên!”.
Lính Trường Sa mến khách cực kỳ, các anh luôn đón khách trên tinh thần trân trọng và đảm bảo an toàn. Ngày chúng tôi đến khánh thành công trình Góp đá xây Trường Sa của báo Tuổi Trẻ trên đảo chìm Đá Tây A mưa mịt mù biển khơi. Mọi người bảo đang hình thành một vùng áp thấp từ xa. Công việc xong, chủ khách quyến luyến, bịn rịn chia tay đến… bảy lần mà đoàn người cuối cùng vẫn chưa trở về tàu lớn được. Sóng ập oà quanh đảo những cột cao đến hàng chục mét. Không ngại gió mưa, mặc người ướt lạnh, các anh lính đảo vẫn tìm mọi cách để đưa khách về tàu an toàn. Rồi chuyến tàu cuối cùng cũng phải băng mình ra giữa sóng to gió lớn với một ca-nô kéo định hướng. Giữa khơi, ca-nô chết máy. Những cơn sóng cuồng nộ đập không thương tiếc vào thân tàu với hơn mười người ướt sũng. Rất may, đảo đã chu đáo cho một ca-nô theo yểm trợ với những người lính dạn dày kinh nghiệm biển khơi. Chúng tôi trở về trong sự reo vui của mọi người, nhiều chị đã ôm nhau khóc… Thế là thoát khỏi họng thuỷ thần! Lúc mọi người xoắn xuýt nhau, chiếc ca-nô yểm trợ có bốn người lính trẻ đã lẳng lặng quay đầu con sóng để trở về đảo. Ca-nô đi chưa xa lắm nhưng chỉ thấy bóng các anh mịt mù bụi nước. Một cột sóng hung hãn dìm mất bóng ca-nô giữa biển trời trắng xoá. Tôi vội vã leo lên boong tàu… không thấy ca-nô đâu. Những cột sóng trào nối tiếp và nối tiếp… Mưa gió gầm gào không dứt. Một thuỷ thủ trên tàu trấn an tôi: “Chị yên tâm, không vấn đề gì, các anh ấy luôn phải trần mình trong những con sóng to như thế”. Tôi bỗng thấy quý giá làm sao câu nguyện cầu “mưa thuận gió hoà” bao đời ông bà mình để lại. Vâng, với người lính Trường Sa, chân cứng đá mềm chưa đủ…
@

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét