Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

GVĐN 15: QUANH ẤM TRÀ


QUANH ẤM TRÀ

NHÀ VĂN ĐỖ CHU:
Giải thưởng lần này thiếu tính hơn hẳn

“Tôi hỏi ông, bạn hữu hàng ngày, ông gần gũi những ai. Ông nói, người bạn cùng tôi đi hết một đời có lẽ là ngọn đèn. Tôi lại hỏi, nếu phải kể ngay tên một người bạn thì ông kể ai. Ông cười, đấy là ông thần đèn. Vậy còn vẻ đẹp đáng kể nhất với ông. Ông trầm ngâm, một ngọn đèn toả sáng trong khuya, một ngọn đèn dầu cũng được. Sự cô đơn toả sáng của mỗi người cầm bút, đó là số phận. Tôi là người từ bé đã thức khuya dậy muộn. Đêm thức ngày ngủ không tiến bộ được”. Cuộc trò chuyện với Đỗ Chu, một trong các nhà văn được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh 2012, đã bắt đầu như vậy.


* Nhận giải thưởng Hồ Chí Minh với ông đã là thành tựu lớn nhất chưa?
- Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý nhất bởi vậy mình phải có những thành tựu sao cho xứng đáng. Còn như chị hỏi đã là thành tựu lớn nhất đời chưa thì còn phải chờ thời gian. Một tác phẩm được gọi là lớn của một đời văn lại phải để bạn đọc gần xa cùng xem xét. Trong văn học, có một tình hình thế này, lúc còn sống ta cứ nghĩ đây đúng là một tác phẩm vô giá nhưng lớp người đến sau lại thấy sao mà nó nhạt thế hoặc là sao chả ra gì mà ngày ấy người ta lại khen thế. Có rất nhiều trường hợp chỉ vừa nhận giải thưởng xong, bước ra khỏi lễ đường người ta đã chép miệng, lắc đầu không biết vì sự thể gì mà ông này cũng được giải thưởng.
Tôi đang lo mình rất có thể nằm trong số đó. Số phận một tác phẩm văn học nhiều khi nằm ngoài mong muốn của tác giả. Chuyện này phải trả về cho đông đảo luận bàn. Giá trị văn học cũng như mọi giá trị khác trong đời sống, nó lên xuống như đồng tiền, nhất là đồng tiền vào thời buổi kinh tế lạm phát.
* Trong giải thưởng về văn học lần này, theo ông liệu có người nào khiến ta phải chép miệng không hiểu sao lại đoạt giải?
- Tôi đã nói rồi, đây là câu chị nên ra đường mà hỏi mọi người.
* Nhưng là một người cầm bút nửa thế kỷ nay, chắc ông cũng có hiểu biết kỹ lưỡng hơn bạn đọc trong chuyện này chứ ạ?
- Cũng có lý, là người trong nghề thì không thể không biết sự hay dở trong nghề. Tôi chỉ muốn được khuyên chị thế này: không cần phải dài dòng mẹo mực gì, những trang văn hay là những trang người ta đã đọc một lần còn muốn đọc lại. Vậy các bạn nên đọc thử một lần nữa những cái hôm nay của chúng tôi thì khắc biết. Những trang văn hay bao giờ cũng là hiếm. Do hiếm mới quý. Ngọc mà nhiều thì đã chẳng còn là ngọc. Ở đây hãy nhìn mọi việc giống như mọi cuộc thi. Thời xưa, ngay đến thi tiến sĩ tìm ra những ông nghè người ta vẫn thấy có nghè dốt, nghè giỏi như thường. Có một lần, vua gọi chánh chủ khảo đến dặn riêng: nhà ấy có nhiều hy sinh lớn cho tiên đế buổi lập nước, giờ con cái người ta đi thi, nhà ngươi nhớ phải để ý đến cho trẫm. Chánh chủ khảo về họp với hội đồng chấm thi, nhắc một ông quan nọ bảo anh rút bài thi ấy ra chúng ta xem lại. Ông kia đưa ra, trình lên bảo: nó chả ra làm sao. Chánh chủ khảo lừ mắt: Tôi bảo anh xem lại. Đây là việc có lệnh nhà vua. Ông kia biết ý, hôm sau lại trình lên trước đông đảo hội đồng: Thưa, đọc lại thấy văn phong, tư chất vững lắm ạ. Chánh chủ khảo nói: Ừ thôi lấy cho anh ấy đỗ, rồi gật đầu khen: quan lớn cũng là người biết chấm. Những ông tiến sĩ đỗ như vậy ta gọi là ân nghè. Đợt thi cử nhân những ông được vớt như thế gọi là ân cống.
Tôi chỉ kể như thế thì thời nay sao lại không thể có ân cống, ân nghè được. Nghĩ cũng chẳng có gì là lạ. Nứt mắt ra đã đắp thành ông nọ bà kia, tổng đốc trọng thần, nói năng nghĩ ngợi như ranh con. Được đắp lên là bởi phải tính đến những ân nghĩa từ xa. Xưa nay không thể không có, chả cứ ở nước mình. Bởi vậy ta cũng chả nên bàn nhiều làm gì.
* Đang có nhiều ý kiến khác nhau về văn chương và giải thưởng, ý kiến của ông trước việc này thế nào?
- Bạn đọc là một tập hợp rộng lớn và phức tạp, ta cần phải biết lắng nghe một cách bình tĩnh. Trong những dư luận ấy có nhiều ý kiến, nhiều cách nhìn chuẩn mực nhưng cũng có không ít sự vội vã, tính chủ quan rất cao. Viết sách đã khó, đọc sách càng khó.
Là một người nhận giải lần này, tôi lấy làm vinh hạnh được đứng bên cạnh các tên tuổi quen thuộc, những cây bút xuất sắc của một giai đoạn văn học nước nhà. Nhìn ra ai cũng là những người đã có những đóng góp đáng kể, tất nhiên không thể như nhau. Dù vậy, vẫn nên nói thế này, đây là một vụ mùa không lấy gì làm phồn vinh lắm thì phải, nó thiếu tính hơn hẳn. Cũng cần phải nhìn chân sự thật này để mà tiếp tục cố gắng. Chúng tôi chờ đợi nhiều ở những thế hệ đến sau. Không một ai trong chúng tôi dám nhận mình là tác giả lớn và những tác phẩm của mình là kiệt tác. Bất quá mỗi chúng tôi chỉ là một cây bút tạm gọi là đã hoàn thành nhiệm vụ sau nhiều năm tháng lăn lộn trên con đường văn học mà thôi. Đôi khi chúng ta bức xúc khi thấy nền văn học nước nhà sao vẫn không có những tác phẩm kiệt xuất. Nhưng những tác phẩm như thế chỉ có thể có ở những tài năng cất cánh hiếm có, mỗi lứa trời cho đến dăm ba người đã là nhiều rồi. Cá lớn trong ao hình như đã vắng, thợ tát đành bắt tép vậy thôi. Ở đây tôi muốn được báo động một sự thật.
Riêng tôi không lấy gì làm khó hiểu trước tình hình ấy. Tôi muốn cùng mọi người tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp văn học nước nhà bằng các tác phẩm có chất lượng cao nhất có thể. Là người biết điều, tôi quen nhìn vào bản thân để thấy những thấp kém của mình và để vượt lên mình, không so sánh với ai cả. Ông Khổng Tử ngày xưa nói, thế nào là anh hùng, anh là tự hiểu chính mình, hùng là thắng chính mình.
* Dư luận đánh giá, trong quá trình bầu chọn giải thưởng lần này, trường hợp của ông nhìn chung là có sức thuyết phục và dễ nhất trí. Ngoài đời, hình như ông cũng là người được quý mến. Ông có thể nói gì về bản thân mình?
- Tôi sống cũng giản dị như viết, không có gì là cầu kỳ. Văn là người. Viết về những cái quanh mình, về mình và sống cùng mọi người. Kể ra cũng chẳng có gì để nói nhiều. Ngày tôi cặm cụi tập viết, mẹ tôi nói, nghe chừng anh cũng đang muốn viết văn, viết gì thì viết nhưng làm sao nó phải sang như tiếng nhà chị nào sáng sáng vẫn mở đầu buổi phát thanh Đây là Tiếng nói Việt Nam. Lúc chào bà vào bộ đội, bà lại dặn, anh vào đời được cắt cử việc gì thì làm việc ấy, lúc nào xem là xong thì về mà đi học tiếp, ra ngoài gặp người ngang tuổi bố mẹ thì xem là chú là bác, trên tuổi là anh chị, ngang là bạn, dưới là em, cứ thế mà sống. Lạc đến đâu trong gầm trời này tôi vẫn sống thế. Người ta có thể không bằng lòng về tôi, điều ấy tránh sao khỏi, nhưng thù ghét thì không thể. Đến đâu tôi cũng tìm thấy bạn bè thân thiết.
* Đọc báo thấy nhà thơ Nguyễn Xuân Thâm mới rồi có tặng ông hai câu: “Hoa giữa đời bụi bặm. Nở trên đỉnh kiêu sa”. Ông nghĩ thế nào?
- Bác ấy yêu mình thì quá lời thế thôi chứ kiêu sa kiêu siếc nỗi gì. Tôi lam lũ từ bé, bố mất sớm, mẹ ở vậy vất vả nuôi đàn con mong sớm khôn lớn. Vào bộ đội, ngần ấy năm cũng chẳng nên tướng nên tá gì, lúc chuyển ra ngoài được ông thủ trưởng viết cho một chữ: “Hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục phấn đấu”. Thì biết phấn đấu là phấn đấu thế nào, vẫn chỉ là cặm cụi đêm đêm lặng lẽ với một ngọn đèn và cũng chẳng bao giờ dám mong có một ngày được nhận phần thưởng cao quý. Mà giả dụ lần này không được Giải thưởng Hồ Chí Minh đi nữa thì chắc tôi vẫn cứ lặng lẽ làm việc như thưởng. Tôi không quen nhìn có gì là quá quan trọng ngoài một tinh thần trách nhiệm khi cầm bút. Đời tôi vui ít buồn nhiều. “Buồn là sang trọng”, không sao cả. Nếu các anh các chị một lúc nào đó gặp một điều gì nặng nề thì đừng nên lấy làm lạ và cũng đừng lo sợ. Cuộc đời là một cuộc cay đắng. Để sống được một cách kiêu hãnh cần nhớ câu nói của nhà thơ, nhà hiền triết Ấn Độ Tagor: “Lịch sử có thói quen lắng nghe khúc khải hoàn của những nỗi tủi nhục”. Hình như với mỗi người, với cả một dân tộc đều thế.
* Cuối cùng, ông muốn gửi gắm gì tới bạn đọc?
- Nghĩ cho cùng thì văn học dẫu là quan trọng đến đâu thì mãi mãi nó vẫn chỉ có một việc bồi đắp cho đời sống tinh thần của con người giầu có thêm những giá trị thuộc về chân-thiện-mỹ. Trong khi ở đời còn có không biết bao nhiêu việc khác cũng hết sức hệ trọng. Bản thân văn học không chỉ sống với những gì một lúc mà nó còn phải sống với nhiều thời, những tác phẩm hay là tác phẩm phải có tuổi thọ dài. Chả có gì phải nôn nóng. Ở đây sự thong thả lại có thể làm nên cái trường tồn. Vào những ngày sắp được nhận giải thưởng mà Đảng và Nhà nước vinh tặng, không hiểu sao tôi hay nghĩ đến khuôn mực của một câu thơ Đường: “Tá vấn tửu gia hà xứ hữu, mục đồng giao chỉ hạnh hoa thôn”. Bền thì một câu cũng bền, đẹp thì một câu cũng đẹp.
Trong tiết thanh minh mưa bụi bay, người đi bước cao bước thấp, muốn hỏi chỗ nào có rượu bán, trẻ chăn trâu chỉ tay vào một xóm tràn hoa mận.
***

Nhà văn Đỗ Chu cười nhẹ và tôi đứng dậy nhặt cho ông chiếc đóm hút thuốc lào thay cho lời cảm ơn.
ĐỖ PHƯƠNG (Theo VNN)

Hội chứng mê thơ cuồng nhiệt
và phong trào bốc thơm lẫn nhau

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Không biết từ bao giờ lưu hành cái nhận định rất tự hào rằng dân tộc ta là dân tộc yêu thơ  (Đúng ra là yêu cách nói giàu vần, giàu nhịp điệu) rồi bà con ta cứ thể nô nức rủ nhau đi làm thơ. Từ khi việc in sách dễ dàng thì thể loại thơ được in ra tràn ngập chứ chất thơ trong tư duy, trong cảm xúc trong các cuốn gọi là thơ hiện nay thì quả thật chưa dám đảm bảo. Loại có vần thì ưu điểm là có vần, loại không có vần thì ưu điểm là rất giống  văn xuôi mà không ra văn xuôi, nghĩa là không biết nó nói gì. Sự bội thu của các loại thơ ấy dẫn đến nghịch lý:
- Thơ in nhiều khiến hiệu sách không muốn bán thơ nữa.
- Người làm thơ đông nên người đọc thơ vắng...
Còn thứ thơ “cách tân” cao xa bí hiểm, chỉ những nhà cách tân đọc với nhau và bí tỉ khen nhau chứ độc giả thỉ không dám lai vãng.
Phải chăng vì  thế mà mấy năm nay mỗi khi muốn thư giãn trên màn ảnh nhỏ, thì nhà thơ thường được nhà đài lôi ra như một thứ gàn dở, lập dị, ít tắm rửa và túng bấn.
Thơ có đáng tội như thế không?
Theo tôi, đám làm thơ ấy, nếu không có tài đi nữa, thì chỉ đáng thương và ngẫm nghĩ lại thấy họ đáng yêu. Đáng yêu ở chỗ ngây thơ. Còn đáng thương là họ tự làm khổ mình và làm khổ vợ con, vất vả thiếu thốn. Còn tội là tội mấy anh thày dùi, tên chữ là nhà phê bình, nhưng họ không bình mà cũng không phê. Họ cứ khen đại. Nhận định thơ mà như viết điếu văn, thấy toàn công to đức lớn. Những câu kỳ khu mà chính họ cũng chả hiểu thì họ khen là cách tân, độc đáo, không ai nói như thế mà anh dám nói. Là thơ đi trước thời đại. Là bản lĩnh cao cả, chỉ viết cho mình đọc, hướng nội, tâm linh u ẩn... Còn những câu đơn giản đại loại như: đói rồi ta đi ăn cơm thôi thì họ khen là chân thật, là không phấn son chữ nghĩa, không đẽo gọt kỳ khu, giản dị như lời nói thường,  cạnh tranh được cả với văn xuôi. Nếu thơ đưa cả những tiếng tục tằn vào thì họ khen là táo bạo, là có công lập lại sự bình đẳng cho ngôn ngữ, tục thanh gì cũng được coi trọng như nhau. Người được khen, mới đầu hốt hoảng, nhưng nghe khen mãi có lúc chợt  ngẫm nghĩ: không chừng mình được thiên phú tài năng thơ ca? có thể lắm chứ ! Sao không? Thế là bắt đầu tai họa.
Đối với người còn trẻ thì độ mươi năm, thì chứng mê thơ có thể thuyên giảm, may ra thì khỏi hẳn. Ấy là khi người ta có nghề nghiệp, kiếm ra đồng tiền, có trách nhiệm nuôi dạy con cái và ý nghĩ xã hội cũng nhiều thiết thực từng trải. Nhưng đối với người già, rất khó chữa, lòng yêu thơ ca giống như u xơ tiền liệt tuyến, ngày một phát triển. Các cụ cứ lục xục suốt đêm dạy đi tiểu và làm thơ Các câu lạc bộ thơ mọc khắp các thôn cùng xóm vắng. Học theo các tổ chức xã hội, ngành câu lạc bộ thơ cũng đại hội toàn quốc, đại hội cấp tỉnh, đại hội cơ sở. Cũng tự chế ra bằng khen, ra huy chương Vì sự nghiệp thơ ca VN , sang trọng như huân chương Nhà nước, tặng nhau tùy theo đóng góp thơ ca và tài chính.
Có điều muốn tìm một tập thơ, thì lại không biết mua ở đâu? Thơ ế, các hiệu sách nhất tề không nhận bán thơ nữa.
Các thi huynh thi hữu bèn nảy ra sáng kiến phát hành thơ bằng... mồm: cuộc họp nào bây giờ cũng có mục đọc thơ: từ họp người cao tuổi phổ biến tiêu chuẩn ưu tiên vào đài hóa thân hoàn vũ đến họp phổ biến lịch tiêm chủng cho chó mèo phòng dại và họp để công ty mỹ phẩm quảng cáo phấn son cho đến mít tinh ngày phụ nữ quốc tế... đều có mục đọc thơ. Trong đám cưới thơ cũng được vận dụng phong phú. Họ nhà trai, họ nhà gái, đại diện chính quyền phường, mặt trận, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, phụ nữ... Cổ điển thì Đường luật. Dân gian thì lục bát. Nghe mà không hiểu gì thì là hậu hiện đại. Có đám tang giữa hai điệu kèn lâm khốc, phường bát âm cũng dừng lại đọc thơ kể công tích người quá cố hoặc ngâm vịnh ngợi ca cơ quan đang đến viếng. Lời lẽ châu ngọc và hài hước làm khách đến phân ưu lúng túng, mếu không ra mếu mà cười thì không dám.
    Chơi thơ là việc tao nhã nhưng cái gì quá cũng không nên. Điều không nên nhất là đừng có xui (dại) người ta làm thơ. Đang yên đang lành đâm ra dở hơi dở hồn, tốn tiền tốn của, khổ vợ khổ con. Khen thơ theo kiểu viết điếu văn, lời lẽ huy hoàng choáng lộn, cũng e tổn thọ nền văn chương nước nhà lắm lắm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét