Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

GVĐN 15: TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN THÚC HÀ


TRẦN THÚC HÀ
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

 y  c  h   n  g

Truyện ngắn

Tôi là một đứa con gái mới lớn, tuy không đẹp rực rỡ nhưng có chút nhan sắc. Tôi thận trọng không bao giờ tỏ ra điều đó nên càng có sức hấp dẫn hơn với mọi người. Mười chín tuổi trượt đại học, năm sau tôi không thi tiếp, tôi xin vào một công ty làm văn thư, tạp vụ. Nơi ấy do đặc thù công việc mà từ người đứng đầu cho đến nhân viên tuổi đời ít nhất cũng bốn mươi lăm tuổi trở lên, từng trải, già đời mới đủ năng lực đảm nhiệm. Tôi trẻ nhất.
Mới đến làm việc tôi rất sợ bởi toàn các bậc cha chú. Lau cái bàn làm việc, rửa bộ ấm chén tiếp khách tôi lo không biết mình làm như vậy đã được chưa. Vì thế mà hôm đầu tiên vào phòng giám đốc, mọi phương tiện sáng choang, mới lạ tôi ngợp, đã để rơi vỡ một tách trà cổ nạm vàng làm người tôi run lên, mặt mày tái xám nghĩ tới những lời trách mắng và sợ cho thôi việc. Tôi cúi đầu, lí nhí khi giám đốc bước vào phòng: “Cháu vô ý làm vỡ…”. Giám đốc nghe không rõ, hỏi lại tôi: “Cái gì? Cháu nói cái gì?”. Tôi càng phát hoảng, òa khóc. Ông không tỏ ra khó chịu mà thản nhiên nói: “Ở đây có xảy ra việc gì cũng không ai ưa ủy mị trò trẻ con đâu cháu ạ!”. Rồi ông tiếp: “Thế việc gì đấy? Vỡ cái tách thì lấy bộ khác”. Tôi biết ơn ông - biết ơn lòng độ lượng cha chú. Ông đâu chừng ngoài tuổi năm mươi, tráng kiện, khuôn mặt có vài nếp nhăn, mày rậm, đôi môi mỏng khép kín, mắt sáng lúc thì biểu hiện phúc hậu nhân từ, lúc thì quyết đoán cứng rắn.
 Hàng ngày tôi tiếp xúc với người lớn, cách xử sự của người lớn, đi đứng người lớn nên dần dần tôi cũng theo tính cách người lớn. Tuy thế, có điều này khó thích nghi ngay với tôi: tôi còn trẻ quá mà đây toàn những bậc có tuổi, lời ăn tiếng nói của tôi không được tự nhiên. Tôi ưa một câu đùa tếu, một hành động tinh nghịch mà như thế nơi này đều lạc lõng. Tôi không bị quở trách nhưng cũng chẳng ai đồng tình. Tôi trở thành cô đơn, âm thầm chịu đựng cho phù hợp với chỗ mình kiếm miếng cơm manh áo. Đôi lúc buồn chán, tôi muốn tìm nơi khác. Nhưng xem ra không nơi nào khá hơn nơi này: cùng công việc nhưng tiền lương cao hơn, có được phòng riêng để ở, lại không đòi hỏi gì nhiều lắm, chỉ cần vâng lời là mọi sự đều tốt đẹp trong trách nhiệm công việc của mình. Nhiều đứa bạn ước mơ một chỗ làm có giá như tôi tại sao tôi lại bỏ đi! Tôi nhớ lại ngày chị gái tôi đi lấy chồng, mẹ tôi có dặn: nhập gia tùy tục. Tôi không phải đi lấy chồng nhưng cái tùy tục là sự bắt buộc khi mình sống trong một nơi mà toàn những người đứng tuổi thì tính tình tuổi trẻ của tôi dù không muốn cũng bị tác động cho phù hợp. Nó cũng tựa như con gà đưa vào chuồng trại công nghiệp thì luẩn quẩn lui tới với cái máng ăn, không còn bay cao nhảy lẹ tự nhiên của giống gà.
     Tôi đã thay đổi! Hai mươi ba tuổi, bước đi của tôi cứng cáp của người lớn, không còn uyển chuyển mềm mại của đứa con gái tuổi đang chín, giọng nói cũng hơi khàn khàn, chậm rãi kiểu cách và cái gật đầu với người lạ ra vẻ bề trên. Không những dáng hình bên ngoài của tôi đã khác mà nội tâm, ý nghĩ tôi cũng già dặn. Tôi không còn những lúc ngắm bướm vờn hoa mỉm cười mơ mộng, không còn say sưa nhìn chim bay mà ước mơ mình có đôi cánh, không còn hứng thú tìm đọc một trang truyện tình làm cho mình xúc động. Một hôm có việc ra phố, tôi gặp mấy đứa bạn gái, chúng mới về làm việc ở thành phố này, lâu ngày gặp nhau chúng ôm chầm lấy tôi và mày tao chi tớ rối rít. Bên ngoài tôi tỏ ra tay bắt mặt mừng nhưng thực tình tôi hững hờ với những cử chỉ trẻ trung ấy. Tôi đã quen rồi những xưng hô trịnh trọng: kính trình, dạ thưa, có việc gì, cần gặp ai, ngồi ghế đợi, hết giờ, ngày khác đến… Trong bọn hình như có đứa nhận ra cái kiểu quan cách, cứng nhắc, lạnh lùng của tôi, nó thốt lên: “Trời! Sao mày chóng già thế? Ngày còn học cấp III mày là đứa nghịch ngợm tinh quái nhất bọn mà!”. Thế rồi cả bọn ào ào kéo tôi vào một quán ăn. Cách nói năng đi đứng xô bồ như thế tôi cũng thấy khó coi, khó chấp nhận trong lúc nơi tôi đi làm việc ai ai cũng đi đứng đĩnh đạc đàng hoàng, lời nói thì được cân nhắc, trau chuốt tính toán kỹ dù có khác xa sự thật, chối tai nghe vẫn ngọt ngào. Vào bữa ăn, tôi càng khổ tâm hơn, chúng nó dồn thức ăn vào bát tôi, hối thúc tôi ăn cho hết, tôi từ tốn thì chúng nó tranh nhau với qua bàn, gắp thức ăn đút vào tận miệng tôi rồi cười ha hả xem như trên đời này ngoài chúng tôi thì chẳng còn ai! Ở nơi tôi công tác không ai ăn như thế, ăn chậm rãi, không cười nói ồn ào, có người vừa ăn vừa chiêu ngụm nước cho đỡ nghẹn. Tôi đã bắt chước cách ăn uống ấy nên khó chịu, nói: “Các bạn làm thế xung quanh người ta nhìn”. Một đứa nói: “Ờ kìa! Cái con này! Việc gì mà phải bận tâm!”.
Sau hôm ấy tôi ít khi đi ra ngoài, ngại gặp bạn trẻ. Những mày tao chi tớ, con này thằng kia của bọn bạn nghe xa lạ quá! Cuộc sống quanh tôi đã thay đổi tôi. Tôi không thích ồn ào, tôi không thích những gì khác với thường ngày tôi quen sống. Tôi thường tắt ti vi khi trên màn hình có những pha mạnh mẽ mới lạ. Thậm chí trong phòng riêng tôi cũng không bao giờ mặc áo hai dây. Tôi vừa lòng với cách cư xử của những người lớn tuổi. Tôi thích thú cách đi đứng thong thả đường bệ, cách ăn nói có sức nặng buộc người chỉ nghe chứ không được nói lại. Tôi khoái khi được nghe, được thấy những tiếng dạ vâng, xin chân thành biết ơn, và cúi đầu chào một cách nể trọng của những ai đó thường có việc đến nơi này. Sôi nổi, nhạy cảm, vô tư của tuổi trẻ không còn có chổ trong tôi nửa, tôi không luyến tiếc, lắm lúc tôi ghét bỏ. Tôi trở thành người đứng tuổi.
Người yêu của tôi từ lúc học lớp 12 nay đã ra trường đại học. Anh hẹn đến thăm tôi. Tôi mừng và hồi hộp khi gặp lại anh. Những ký ức nụ hôn ngây thơ trong trắng ngày ấy không đến với tôi, mà tôi nghĩ đến sẽ lập gia đình, sinh con và cách dạy dỗ chúng như thế nào như một bà mẹ già tính toán trước cho con gái. Gặp nhau, anh nói tôi già đi nhiều nhưng trắng hơn trước, rồi anh ôm chầm lấy tôi, đặt lên môi tôi nụ hôn. Tôi xô anh ra, nói: “Đừng!”. Anh vẫn cười, nói: “Sao bây giờ em khác thế? Không như ngày còn đi học giữa đám bạn bè em vẫn hôn anh”. Tôi đáp: “Ngày ấy, bây giờ khác, không nên thế trước mắt mọi người, xấu hổ”. Thực ra tôi chẳng xấu hổ mà cảm xúc nóng hổi trẻ trung đã không còn có trong tôi từ lúc nào. Tôi muốn trò chuyện với anh nghiêm túc hơn là bàn tính việc lập gia đình. Tôi nói rõ ý đó với anh, anh cười rồi nắm lấy hai tay tôi xoay một vòng: “Tất nhiên! Nhưng tối nay anh và em đi khiêu vũ để ôn lại những kỷ niệm thời học sinh chúng ta mới tập nhảy dẫm phải chân nhau mà yêu nhau”. Tôi không thể từ chối. Khác với cái thời trước khi tôi vào làm việc ở nơi này, mỗi khi đến chỗ đông người dạ hội hay rạp chiếu phim tôi thường trang điểm, chọn bộ áo quần nào cho mình đẹp hơn lên, bây giờ tôi chỉ chú trọng ăn mặc thế nào cho mình là người lớn. Nhìn thấy tôi mặc bộ vét đen anh ấy la lên đi sàn nhảy chứ đâu phải đi dự đại hội quan trọng! Anh ngắm tôi lại cười: “Có lẽ như thế mới khác mọi người, có cá tính riêng!”. Đến nơi. Trên sàn nhảy ngập tràn ánh đèn màu xanh đỏ lướt lên từng đôi trai gái tay nắm tay bước đi khi hối hả, khi khoan thai theo tiếng nhạc trầm bổng. Chúng tôi đến hơi muộn, ngồi vào hàng ghế nghỉ tạm. Ở đấy cũng có vài cặp trai gái đang trò chuyện. Người yêu tôi háo hức, mắt sáng lên, không chớp nhìn những đôi lướt nhẹ uyển chuyển như chân không dính đất. Anh đứng dậy nói với tôi: “Ta vào cuộc đi em!”. Khi bước vào phòng nhảy tôi đã khó chịu. Chẳng hiểu sao tôi lại có cảm giác lạ lùng như thế, tôi trả lời anh: “Em không thích!”. “Kìa em! - Anh nói: Em có biết không, năm năm ở trường đại học anh tự thấy học lực mình không khá lắm nên anh chăm chú vào sách vở không một phút nào ngơi. Thậm chí đi công viên giải trí anh cũng không bước tới. Bây giờ anh muốn lên sàn nhảy với em để xả hơi cho bỏ những ngày tu chí. Nào đứng dậy đi em!”. Anh kéo tay tôi, tôi trì lại. Anh nhìn vào mắt tôi: “Sao thế em?”. Tôi đáp: “Chẳng hiểu sao em thấy chóng mặt, có cảm giác buồn nôn.”. Anh nói: “Chán nhỉ! Bao nhiêu ngày trông đợi!”. Nói rồi mắt anh cuốn hút lên sàn nhảy, chân nhịp nhịp theo từng tiếng nhạc. Tôi dối anh, tôi không buồn nôn. Tôi thấy trước mắt tôi là nhố nhăng, ăn chơi lêu lổng. Cái cảm giác háo hức được nhảy như hồi học cấp III không còn ở trong tôi. Riêng anh, anh đứng ngồi không yên. Cạnh chúng tôi có một cô gái lẻ đôi, anh đến bên cô gái nói: “Cô có thể cùng tôi làm một đôi được không?”. Cô gái đáp: “Được!”. Họ nhảy với nhau thật nhuần nhuyễn nhịp nhàng như bao cặp khác trên sàn nhảy. Tôi không ghen, cảm thấy lạc lõng, cô đơn giữa chốn ồn ào náo nhiệt. Tôi muốn ra về, nhưng phải đợi anh bởi hai người đi chung một xe máy. Cô gái như thấm mệt, hai người dừng cuộc nhảy. Anh tỏ ra thỏa thích. Hai người nhìn nhau mỉm cười và nói với nhau điều gì đó mà tôi phỏng đoán là hẹn gặp lại lần sau làm cho tôi ngầm ghen. Anh trở về bên tôi. Tôi đề nghị anh đưa tôi về. Vẫn còn hưng phấn với cuộc nhảy anh không nhận ra tôi buồn. Anh cho xe chạy khá nhanh, anh nói trong gió vù bên tai: “Nhất định thứ bảy tới em phải nhảy với anh”. Tôi không nói gì. Thế là buổi gặp lại nhau hôm ấy anh chỉ nghĩ tới vui chơi nhảy nhót, còn tôi tính chuyện làm đám cưới xây dựng gia đình khi mới ngoài hai mươi ba tuổi. Cùng chung xe chung đường mà hai ý nghĩ không gặp nhau.
Thứ bảy tới tôi báo với anh tôi bận, nơi tôi làm việc có cuộc họp đột xuất. Rồi thứ bảy những tuần sau tôi miễn cưỡng đi chơi với anh nhưng không vào phòng nhảy. Dạo công viên tôi cũng thấy chán. Anh gọi người bán kem lấy hai que kem, đưa cho tôi một que, anh vừa đi vừa mút. Tôi thấy khó chịu, như trẻ con. Ở nơi tôi làm việc không ai ăn kem - cái thứ làm tê lưỡi nhức răng chứ đừng nói đến vừa đi vừa mút. Những lần sau anh hẹn đi chơi, có hôm đi có hôm tôi từ chối viện ra nhiều lí do. Một hôm tôi nói với anh mà không tìm ra được những lời nói mềm mại - tôi đã quen giao tiếp ở nơi tôi làm việc như là một thứ mệnh lệnh: “Chúng ta nghiêm chỉnh quyết định ngày đám cưới”. Anh trố mắt: “Em mới hai ba anh hai lăm, còn trẻ quá sao vội thế em?”. Tôi biết anh từ chối thời gian. Sao lại từ chối? Gần đây anh thưa đến thăm tôi vào các tối thứ bảy làm tôi suy nghĩ những cuộc nhảy bên những cô gái tay nắm tay, có khi vai chạm vai với những nụ cười tươi thắm thì làm sao không nảy sinh ra những tình cảm qúa giới hạn! Tôi thực sự ghen. Và tôi chán những cuộc gặp gỡ bày trò nhố nhăng anh anh em em hôn hít nhau bên ghế đá công viên, tôi cho đó là những trò trẻ con. Tôi chỉ muốn một sự già dặn kiểu cách mà tôi đã ảnh hưởng. Tôi không thích nhiều lời. Tôi muốn anh phải theo ý tôi! Tôi nhắn tin vào máy như là chỉ thị cho anh: Một, là anh phải lo liệu đám cưới. Hai, là chia tay nhau. Nhận được tin, anh hấp tấp tìm đến tôi. Sau những lời trò chuyện chẳng ai chịu nghe ai, anh không kìm chế được nữa nói: “Anh lúc nào cũng yêu em. Anh không muốn kết thúc sớm những ngày thơ mộng của tình yêu. Không để hôn nhân vội vã giết chết tuổi trẻ! Nghĩ gì tùy em!”. Tôi chia tay trong im lặng. Mấy năm sau tôi đau đớn về chuyện chia tay ngu xuẩn ấy để đẩy mình vào một lối rẽ khác, lối rẽ của sự già nua cằn cỗi.
Hai mươi sáu tuổi tôi quyết định lấy chồng. Đối tượng của tôi không còn là những chàng trai hai tám ba mươi. Tôi dị ứng với tuổi trẻ, khó chịu với những suy nghĩ, những hành động mới mẻ làm đổi thay cuộc sống theo một lối mòn nhàm chán lâu nay gò bó họ. Đối với tôi, đó là những điều xa lạ, không chấp nhận được, nó ở đâu đâu xứ người, không thích ứng với lối sống quen thuộc bên cạnh những người già đã ngấm sâu vào tôi. Tôi tìm kiếm những người đàn ông nơi làm việc mặc dầu họ đã ngoài bốn lăm năm mươi. Họ đáp ứng được tình cảm già giặn của tôi, lại có tiền và tôi chẳng phải lo lắng gì nhiều về mắt vật chất. Thật đáng tiếc, họ đều có vợ có con! Bất ngờ một hôm, nơi làm việc của tôi ai ai cũng tỏ ra phấn chấn vui vẻ hẳn lên như chờ đợi một điều gì đó. Rồi tôi cũng biết. Đó là người đứng đầu trước đây đã lập nên công ty này. Bây giờ có dịp ghé thăm nơi cũ. Nghe nói ông chùng năm mươi lăm hay sáu mươi tuổi gì đó, vợ chết cách đây vài năm, ông có hai cô con gái lớn, đều đã lập gia đình. Ngần ấy thông tin, chẳng hiểu sao lại tác động đến tôi làm tôi mong gặp ông còn hơn mọi người. Ông đến. Một người đàn ông không lấy gì cao to nhưng còn khỏe mạnh, mái tóc đen nháy, tôi nhận ra đó là tóc nhuộm, nhưng chẳng sao. Ông có khuôn mặt đầy, nước da trắng, có mấy nếp nhăn mờ mờ ở hai khóe miệng rộng và vài vết chân chim nơi đuôi mắt sau cặp kính hai tròng. Ông đi đứng, ăn nói hoạt bát, luôn nở nụ cười. Ông chào hỏi mọi người. Người ta báo cáo với ông mọi trình tự giữ nguyên như thời ông sáng lập và phát triển tốt đẹp như lời ông căn dặn trước lúc ông ra đi. Chợt mắt ông hút vào người tôi, ông nói: “Chào cô gái!”. Ông bắt tay tôi. Bàn tay ông nhờn nhờn lành lạnh. Ông nắm tay tôi hơi lâu. Không nhìn thẳng vào ông, tôi đưa mắt xuống nơi bàn tay ông đang nắm chặt tay tôi, bàn tay trắng, béo múp nhưng đã có vài vết chàm, tôi nói rành rọt: “Chúc giám đốc khỏe!”. Ông cười, tay xiết mạnh: “Đã có một ngày nào cô làm việc dưới quyền tôi mà gọi tôi là giám đốc?”. Tôi đáp: “Là giám đốc của các chú các bác ở đây cũng là giám đốc của em!”. Mắt ông sáng lên, ông bắn vào mắt tôi với một tia nhìn chiếm đoạt. Không biết trời đất xui khiến hay là ông đến đúng lúc cái ham muốn lấy chồng không đắn đo của tôi mà sau lần gặp gỡ ấy tôi thấy nhớ ông. Vài ba lần điện thoại tôi chúc ông sức khỏe. Sau một lần điện thoại ông thường nói mong một dịp nào đó được gặp tôi để chuyện trò cho vui. Một hôm ông đánh xe đến mời tôi đi ăn chiều. Tôi không từ chối. Ngồi trên chiếc xe hơi sang trọng tôi cảm thấy hãnh diện cao sang hơn khi xe lướt nhanh qua những người đi bộ trên đường phố! Suốt buổi cơm chiều ông toàn nói chuyện quan trọng nơi ông làm việc, thỉnh thoảng ông khen tôi chăm chỉ công việc, ông thường có cảm tình những người như thế. Tôi không nói gì, chỉ mỉm cười cảm ơn, vâng và dạ. Từ đó, khi ông đi công tác xa thường có quà cho tôi. Vài tháng sau, giám đốc nơi tôi làm việc có một buổi nói chuyện với tôi rằng sống ở đời cần nhiều thứ lắm nào là tiền tài, danh vọng… Mà những thứ ấy nắm được cơ hội mới có. Ông trầm ngâm im lặng một hồi như để cho tôi thấu hiểu về ý kiến của ông đưa ra rồi nói: “Cơ hội ấy là giám đốc cũ chúng ta muốn cháu về chung sống với ông”. Tôi đáp: “Việc hệ trọng cho cháu suy nghĩ đã”.
Tôi chẳng suy nghĩ gì hết. Tôi cần gì nữa! Không dễ gì có một người chồng tiền dư, danh vọng lớp trên cũng là cái đích của tôi. Hơn thế, con đường thăng tiến của tôi tất nhiên những hạng người như vậy họ không để vợ họ làm cái chức văn thư kiêm tạp vụ! Chỉ gợn trong tôi như một đám mây mỏng thoáng qua: giá như ông bốn lăm năm mươi tuổi thì thật là lý tưởng. Nhưng không sao! Tuổi tác chỉ là ấn tượng bẩm sinh, định kiến của con mắt. Tháng sau chúng tôi làm tiệc thành hôn. Tôi mặc bộ váy cưới màu mỡ gà đính đầy kim tuyến bên ông trong bộ áo vét màu đen xanh, tuy gần giống như cha con nhưng tôi rất hãnh diện đi giữa đám quan khách sang trọng tiếng vỗ tay rền vang. Tôi về nhà chồng. Ngôi nhà là một biệt thự đắt tiền, nhiều phòng, tiện nghi đầy đủ, có một người đàn bà giúp việc; cô con gái thứ hai chiếm hai phòng. Bước vào cuộc sống vợ chồng tôi mới nhận ra nhiều điều mới lạ đáng buồn, không phải như suy nghĩ của mình ban đầu. Tôi không gặp trở ngại gì vật chất. Vật chất là thứ duy nhất được chồng ban phát không giới hạn! Nó là một thứ quyền năng gắn chặt tôi với người chồng. Tôi là một đứa con gái hai mươi sáu tuổi sung mãn về thể chất. Trừ đêm tân hôn chồng tôi đến với tôi hai lần. Sau đấy gắng gượng lắm có khi mươi ngày nửa tháng tôi mới nếm cảnh ân ái. Chồng tôi bảo áp lực công việc căng thẳng quá. Năm sau thì chồng tôi đến tuổi về hưu. Ông hối thúc tôi nghỉ việc để hai vợ chồng bên nhau đi du lịch đó đây. Chiều theo ý chồng, tôi cũng chẳng đắn đo gì, xin nghỉ việc. Đi du lịch được vài nơi thì tôi nhận ra chồng tôi có bệnh tim, đi máy bay trên tiếng đồng hồ đã thấy khó thở, ăn uống càng vất vả kiêng khem đủ thứ vì ông có bệnh đái tháo đường, phổi cũng không được tốt lắm - mặc dù bên ngoài ông vẫn béo trắng, không ai nghĩ rằng ông có bệnh - nên đi đâu xa tôi như một cô bảo mẫu. Đã thế, càng ăn ở với ông về mặt tinh thần ngày càng phải vào khuôn phép, tôi phải chịu đựng nhiều hơn là tôi không được chuyện trò với ai ở bên ngoài nhất là đàn ông, mà theo chồng tôi nói là kẻ xấu luôn dòm ngó, tìm sơ hở để có cách cướp trộm; tôi không được đi đâu vào ban đêm, ban ngày đến nơi nào đấy phải báo trước và không quá một tiếng đồng hồ. Cô con gái của ông lý giải nhỡ khi ông có việc gì bất trắc xảy ra, không ai chăm sóc bằng vợ chồng. Trong ngôi nhà của chồng tôi hàng ngày tôi chỉ nghe được những câu nói ấy được lặp đi lắp lại như người có đạo ngày nào cũng đọc kinh. Tôi cô đơn, tù hãm không biết trò chuyện với ai. Tôi làm thân với chị giúp việc. Chị cho tôi biết là người con gái út của ông chồng để, vì đi lại với nhiều người đàn ông không giới hạn, chưa có con, ở nhà riêng. Nhưng trước khi ông lấy tôi cô ta vội vã về nhà bố. Cái két sắt để ở phòng ông được chuyển vào một phòng khác, cô ta giữ chìa khóa. Hơn nữa, từ ngày tôi về thỉnh thoảng có một người lạ mặt hay xuất hiện trước cổng nhà. Một lần tôi bắt gặp người đàn ông ấy lấm lét quanh quẩn bên tôi trong siêu thị khi một người đàn ông khác đang tươi cười hỏi tôi nên mua thứ nước hoa nào tặng vợ nhân ngày sinh nhật của vợ. Tôi có kể người đàn ông lấm lét ấy với người giúp việc thì chị ta thốt lên: “Ôi dà! Người cô chủ thuê để canh chừng cô đấy!”. Tôi nghe hai tiếng canh chừng thì sợ hãi! Tôi làm gì ám muội mà luôn bị dòm ngó, nhất cử nhất động đều có người để mắt tới? Phải đến sau này tôi mới hiểu rằng một người chồng bất lực chẳng tin ai, luôn đề phòng; một cô con gái con chồng suy bụng ta ra bụng người, nơm nớp đa nghi tìm mọi cách để buộc chặt tôi trong ngôi nhà này. Ý nghĩ là ở họ, nhưng lỗi tại tôi: một đứa con gái trẻ nong nổi mù quáng nhanh chóng chấp nhận lấy một người chồng già! Lấy ông ta bây giờ tôi mới nhận ra sai lầm và tôi tự an ủi mình: duyên số! Đã là duyên số thì phải gắng chịu. Tôi đã sống đúng bổn phận một người vợ. Nhưng nhiều khi ở trong tôi cũng có những tính toán. Ông sáu hai, tôi hai tám Cứ cho tuổi thọ trung bình là tám mươi, ông có thể sống mười tám năm nữa hay lâu hơn chút ít. Bấy giờ tôi bốn mươi sáu tuổi mới giải thoát sai lầm của tôi. Bốn mươi sáu tuổi đàn bà làm gì có tình yêu đôi lứa trẻ trung! Tôi đã có ý li dị để sớm được giải thoát. Họ đủ ranh ma để đoán được ý định của tôi. Lại cái thằng đàn ông có bộ mặt lấm lét gặp tôi ngoài đường, hắn buông  một câu tưởng như vu vơ nói với ai đó nhưng mặt hắn gian manh đầy ác ý  nhìn thẳng vào tôi, tôi có cảm giác như một con thú dữ đang há hốc nanh vuốt đe dọa tôi: Bỏ chồng, sống không yên đâu! Tôi rùng mình!
Tôi đã đánh mất tuổi trẻ, khước từ tuổi trẻ, để bây giờ tôi rơi vào một hoàn cảnh cay nghiệt, khốn quẩn tôi không còn là tôi nữa! Không biết rồi đây số phận của tôi sẽ đi đến đâu? Tôi buông một tiếng thở dài. Nhưng nhiều ngày sau tiếng thở dài ấy, tôi đã nhận ra. Nó cũng tựa như những người đi núi, xuống hết dốc rồi thì phải lên dốc. Không có cách nào khác!
@

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét