Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

GVĐN 02 - ĐỌC SÁCH: Triết lý người hiền

Bùi Công Thuấn

Triết lý người hiền
(Đọc tập truyện Sương Sớm của Lê Đăng Kháng,
Nxb Quân đội Nhân dân, 2011)

Nhà văn Nguyễn Nguyên Chương (truyện Bốn giờ kém 15) đã có 4 bài được đăng trên báo. Nhưng rồi trong một lần ngồi chờ gặp người phụ trách của tờ báo nọ, vô tình nhận ra sự thật là, anh đang đối diện với bọn người buôn bán văn chương. 
Thành phố lên đèn, chờ mãi chẳng được, Chương đành phải về. Một bà già ăn xin từ trong quán đi ra. Bà cụ vấp ngã làm văng thức ăn xin được ra đường. Chương vội lấy những  tờ giấy bản thảo bài viết mà anh đem theo gói đồ ăn cho bà... Một thoáng hương hoàng lan thanh khiết theo gió thoảng đến. Anh nghĩ: “Người làm văn có lúc tự phát hiện ra mình say sưa “ăn hương ăn hoa” thế này”. Rồi anh ngước nhìn ngôi nhà đồ sộ, nơi đặt tòa soạn của nhiều tờ báo, ở đó nhung nhúc người, và ngẫm nghĩ: “Họ còn nợ anh. Nợ thì phải trả. Vì anh vẫn được nhiều hơn mất” (Tr.141).

Vâng, đó là triết lý của người hiền. Họ còn nợ anh. Nợ thì phải trả. Chương tin như thế. Niềm tin ấy trong mắt người đời, sẽ là một niềm tin ngây thơ. Bởi trong xã hội hôm nay, mọi thứ đều trở thành món hàng có thể mua bán, mà bán buôn cũng có khi đồng nghĩa với lọc lừa. Tuy vậy, Chương sẵn sàng lấy bản thảo của mình mang theo, gói thức ăn cho bà già ăn mày mà không tính toán thiệt hơn. Đó là một chi tiết nghệ thuật mang ý nghĩa tư tưởng. Nó tương phản quyết liệt với hành vi bọn người mang mặt nạ trí thức đã ăn cướp công sức của anh. Người đọc hiểu rằng, niềm tin của anh vào con người được đặt trên lẽ thiện. Thiện nghiệp đem đến cho anh niềm hy vọng “anh vẫn được nhiều hơn mất”.
Có thể nói triết lý người hiền là cốt lõi tư tưởng của tất cả các truyện trong tập Sương Sớm của Lê Đăng Kháng. Nhà văn quan tâm đến những vấn đề nhân sinh có tầm bao quát hiện thực rất rộng. Đó là những vấn đề từ thời Cải cách ruộng đất ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa (Sương sớm), vấn đề anh em ở hai chiến tuyến trong di cư 1954, trong kháng chiến chống Mỹ trước 1975, rồi cải tạo, rồi chuyện người di tản H.O (Những điều chưa hóa giải); đến những vấn đề của đời sống đương đại. Một Phó giám đốc kiêm Trưởng Ban bảo vệ lâm trường “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản XHCN” phải đi tù, để rồi gia đình tan nát. Những người phụ nữ nhờ cơ hội mà ngoi lên địa vị quyền lực. Không biết họ đã tha hóa từ bao giờ và trở nên trơ trẽn đốn mạt đến không ngờ (Tiếng chuông ngoài cổng). Những cô ả nhờ nhan sắc trời cho, giỏi nghề xoay sở, hàng chục lần bị kỷ luật cũng không sao (Liễu nương)
Tất cả những vấn đề, những hoàn cảnh, những số phận mà Lê Đăng Kháng phản ánh đều được soi chiếu qua lăng kính của triết lý người hiền, triết lý tình nghĩa. Tiếng nói thiết tha của nhà văn với cuộc đời là tiếng nói xuất phát từ tấm lòng sâu nặng nghĩa tình, nhờ thế, đó là tiếng nói tin yêu, dù phải đối mặt với thực tại nhiễu nhương. Quế ra Hà Nội để bảo vệ luận án tiến sĩ, nhưng khi nghe tin Dũng, đồng đội K24 năm xưa đã hy sinh, Quế đã dùng tiền làm luận án của mình giúp làm nhà cho vợ con bạn, để họ an cư, an ủi một phần linh hồn người đồng đội đã không còn trên cõi đời này (Người lính hát đơn ca). Ông Bếp Kính (Sương sớm), từng là đội trưởng đội Cải cách ruộng đất năm xưa, đã dùng quãng đời còn lại của mình để làm việc tình nghĩa với dân làng và với gia đình Nguyên, chuộc những lỗi lầm ông gây ra trong thời bão táp cách mạng ấy. Chính cái tình cái nghĩa của cuộc tình 30 năm không thành giữa Dung và Nguyên đã tác động kỳ diệu đến ông Kính, hóa giải mọi ân oán của quá khứ...
Triết lý người hiền không chỉ thể hiện ở nội dung tư tưởng mà còn trở thành một đặc điểm thẩm mỹ của ngòi bút Lê Đăng Kháng. Truyện của anh luôn kết thúc bằng những tình tiết, sự việc, mở ra một chân trời thương yêu và hy vọng, để lại trong lòng người đọc cái đẹp của tình người rất đỗi chân thực. Kiệm lời là một truyện thật thú vị, bởi nhà văn dẫn dắt người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, nhưng bất ngờ và ấn tượng là ở sự khám phá vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp ứng xử và cách kết lửng của tác giả về một cuộc tình còn chờ ở phía trước giữa hai nhân vật bác sĩ Mai Thi và anh bộ đội xuất ngũ tên Tuấn. Ước gì trong cuộc sống luôn có được những con người giàu tình nghĩa và giàu văn hóa như họ.
Triết lý người hiền cũng chi phối nghệ thuật xây dựng nhân vật của Lê Đăng Kháng, đặc biệt là nhân vật anh bộ đội và người phụ nữ. Nhân vật anh bộ đội thời bình, dù trong hoàn cảnh nào cũng sống sâu nặng tình nghĩa, sống vươn lên. Họ trở thành chỗ dựa, thành niềm tin của mọi người xung quanh. Họ còn là những giá trị làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, đáng yêu hơn. Còn Thục Trinh (Tiếng đàn) có thể là tiêu biểu cho số phận người phụ nữ bất hạnh mà Lê Đăng Kháng đặc biệt quan tâm. Thục Trinh lầm lỡ với một thằng Sở Khanh, cô nhẫn nhục âm thầm nuôi con. Bố của Thục Trinh là một nhà giáo về hưu. Ông như người mất hồn. Dù vậy, ông bảo con gái: “Con đã nhẹ dạ cả tin người mà lầm lỡ. Nhưng bố khen con chưa mất hết lương tâm, đã dũng cảm nhận lấy trách nhiệm nuôi cháu bé. Rồi cuộc đời sẽ để phúc cho con” (Tr.166). Đó là triết lý của người hiền.
Triết lý người hiền là triết lý ở hiền gặp lành, và những kẻ ác nhân thất đức đều phải trả giá cho ác nghiệp đã gây ra: “Nợ đời vốn sòng phẳng. Dù khó vẫn phải trả cho xong” (Tr.108). Tất nhiên Lê Đăng Kháng không lý giải sự việc một cách duy tâm, mà chính logic lẽ thiện của cuộc sống đã lý giải thay cho nhà văn. Nói cho thật đúng, trong tập Sương Sớm không có kiểu nhân vật ác, bởi ngòi bút của Lê Đăng Kháng là ngòi bút hiền lành. Thấp thoáng trong truyện của anh có bọn đầu gấu ở trại giam, bọn lưu manh ở nhà ga, bến tàu, có thằng Sở Khanh (Tiếng đàn), có những cô gái cơ hội chủ nghĩa (Liễu nương), xa hơn có đội trưởng đội Cải cách ruộng đất và người lính Sài Gòn tên Đức. Nhưng trong mắt nhìn của Lê Đăng Kháng, họ không phải là nhân vật ác, mà chỉ là những kẻ bị hoàn cảnh xô đẩy mà trở thành lưu manh, thiếu lương thiện, vô tình bạc nghĩa. Dù vậy, họ vẫn phải trả giá cho sự bất lương của mình.  
Là một ngòi bút hiền lành, Lê Đăng Kháng không đẩy truyện phát triển thành bi kịch, cũng không đẩy ngòi bút lên những xung đột kịch tính nên truyện của anh không gây được ấn tượng mạnh đối với người đọc thích những cái dữ dội, bất ngờ. Anh có lối kể chuyện đơn tuyến, điềm đạm. Sự việc trôi chảy theo  thời gian, tự nhiên như nó là vậy. Nhà văn ít chú ý đến cấu trúc truyện, ít sắp xếp tình tiết sự việc để tạo ra cấu trúc mới. Anh thường bắt đầu truyện bằng một sự việc đang diễn ra ở hiện tại, sau đó hồi tưởng ngược về quá khứ để làm rõ lai lịch nhân vật, gỡ cho ra đầu tơ mối nhện của câu truyện, rồi trở về hiện tại giải quyết tiếp công việc mà nhân vật đang theo đuổi. Đây là cách viết truyện đã trở thành “truyền thống”, đã quen thuộc, không còn sức hấp dẫn. Lê Đăng Kháng không có cách tân trong nghệ thuật viết truyện ngắn. Tuy vậy, anh cũng có những truyện mà cốt truyện đầy yếu tố bất ngờ như Kiệm lời, Chân trời màu bạch kim, Bốn giờ kém 15,… Chính những truyện này đã hé lộ ra khả năng Lê Đăng Kháng theo kịp với trào lưu truyện ngắn Việt Nam đương đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét