KHÔI VŨ
Gia đình & lối sống
trong một số truyện ngắn của Trần Thúc Hà
(Nhân đọc tập truyện ngắn NGƯỜI TRẦM LẶNG - Trần Thúc Hà -
NXB Quân đội Nhân dân - 9/2011)
14 truyện ngắn của tập NGƯỜI TRẦM LẶNG không hẳn đều viết về mối liên hệ của các nhân vật trong những gia đình khác nhau. LINH HUYỆT là một truyện dã sử về thời Trần, CON VÀNG ĐỐM BẠC là chuyện của một con chó khôn biết tìm chủ tốt mà chung sống, HẠT THÓC LÉP kể chuyện một cô gái bước đầu làm việc trong môi trường công nghiệp, CHỊ HOÀI thì là một chuyện tình cảm xúc động ở chiến trường. 10 truyện còn lại, ít nhiều đều có những nhân vật, chính và phụ, là những người trong cùng gia đình với những câu chuyện khác nhau của họ.
CHUYỆN NHÀ TÔI là câu chuyện của ba anh em ruột và người chị dâu cả. Lối sống khác nhau của họ bộc lộ mâu thuẫn cao điểm ở ngay đám tang của người bố. Sau đó là chia tay. Sau nữa là tai nạn của người anh cả và sự chăm sóc của hai em. Cuối cùng là sự hồi tỉnh dần của người anh và sự hồi tâm của người con dâu cả. Một kết thúc có hậu. Lối sống khác nhau cũng được thể hiện trong PHẬN BÈO TÂY với người chị sau đoạn đời đầy bi kịch thời sinh viên đã trở thành người lấy đồng tiền làm mục tiêu cuộc sống, trong khi đó người em còn đầy ắp những nghĩ suy trong trắng, không thể chấp nhận những hành động của chị. TÊN TỬ TÙ SỐ 15 có lối sống bất lương do ảnh hưởng người cha, trước khi ra pháp trường đã không còn vô cảm khi gặp mẹ, lại có ý tưởng hiến xác cho y học, một hành động chưa có tiền lệ. CHIẾC KHUNG XE ĐẠP thì là hai lối sống khác nhau giữa người cha luôn trân trọng quá khứ với người con thành đạt nhưng thực dụng.
NÉN NHANG NGOÀI CÔNG VIÊN kể chuyện một người vợ liệt sĩ lăn lội từ quê Bắc vào Nam thắp nén nhang vọng cho chồng, vồn là một lính đặc công, hy sinh trên sông. Sau đó, khi ghé thăm Dinh Thống Nhất, bà thắp thêm nén nhang “ngoài công viên” cho tổng thống Diệm, chỉ vì họ là người cùng làng. Cùng dòng truyện chiến tranh, HAI ANH EM là chuyện tình cờ nhận ra nhau giữa người anh là lính cách mạng với người em là lính ngụy giữa chiến trường, đề rồi kết thúc là cái chết của cả hai anh em vì vướng mìn. Thoát ra khỏi không gian chiến trường, đây vẫn là một chuyện tình cảm huyết thống. TÂM HỒN là một bi kịch của chiến tranh, khi nhân vật người límh bị nhiễm chất độc da cam có hai đứa con ruột mất sớm vì dị tật, ông đã thuyết phục vợ đi tìm con với người khác, để rồi khi đứa bé đến tuổi trưởng thành, ông quyết định nói ra sự thật dù trong lòng mình vô cùng đau đớn.
TÔI KỂ CHUYỆN TÔI với nhân vật TÔI mãi tới tuổi quá lứa mới tìm được người đàn ông thông cảm với nghề nghiệp của mình và yêu thương mình, không như người chồng đầu tiên ghen tuông ích kỷ hoặc người tình kế đó thì không chịu được sức ép của miệng đời. NĂM QUAN cũng là một bi kịch của người phụ nữ trong gia đình dư giả về kinh tế nhưng thiếu vắng tình cảm vợ chồng, hơn nữa, không thể có sự hiện diện của một đứa trẻ.
NGƯỜI TRẦM LẶNG có vẻ thoát ra những vấn đề trên mà lại có hầu như tất cả. Có quá khứ chiến tranh với hai người là đồng đội, có chuyện con đi tìm mộ cha, có lối sống khác nhau, có tội ác và tình đồng loại...
***
Tôi đã ghi nhận ở Trần Thúc Hà những gì ông trải ra trong khắp 14 truyện ngắn của tập sách này như thế. Với một người viết lâu năm, có nhiều tập truyện đã in sách, nhiều truyện ngắn đã in báo, sự chắc tay của ông, và cả đôi chỗ hơi “lỏng”, trong việc thể hiện các truyện ngắn, thiết nghĩ chỉ là chuyện nhỏ so với những nội dung truyện, những điều ông muốn nói - “chữ nghĩa” hơn là “chủ đề tư tưởng”.
10 truyện mà tôi điểm qua ở phần trên đều bàng bạc không khí gia đình, cách sống, nếp nghĩ, hành động ứng xử giữa các nhân vật với nhau, với làng xóm, xã hội, với cuộc đời. Tác giả lộ rõ sự nâng niu, ủng hộ sự ngay chẳng, chân thật, hướng thiện... và lên án mạnh mẽ lối sống thực dụng, vô cảm, tội lỗi. Truyện của ông, dù kết lửng, vẫn gợi cho người đọc nghĩ về một “sự có hậu”. Xuyên suốt 10 truyện, có thể cảm nhận được rằng tác giả muốn đề cao vị trí của gia đình trong cuộc sống, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi của xã hội Việt hiện nay. Gia đình đã hàn gắn ba anh em và người dâu cả trong CHUYỆN NHÀ TÔI, đã là sợi dây gắn kết - dẫu mong manh - giữa hai chị em trong PHẬN BÈO TÂY, đã tác động tận đáy sâu tâm hồn TÊN TỬ TÙ SỐ 15, là bài học cho người con trong CHIẾC KHUNG XE ĐẠP. Gia đình, qua tình thương yêu chồng vợ đã tạo nên sức mạnh giúp người vợ trong NÉN NHANG NGOÀI CÔNG VIÊN vượt bao gian khổ đề đến được nơi chồng mình hy sinh; giúp người lính nhiễm chất độc da cam có TÂM HỒN cao thượng; đó cũng là nỗi ước ao cháy bỏng của “tôi” trong TÔI KỂ CHUYỆN TÔI và người phụ nữ trong NĂM QUAN... Ngay cả truyện HẠT THÓC LÉP mà tôi tạm xếp vào 4 truyện có đề tài khác, thực ra cũng có yếu tố gia đình chen vào như một lý giải cho sự chuyển biến tâm trạng của nhân vật.
Tôi không biết khi chọn lựa những truyện ngắn đưa vào chung tập NGƯỜI TRẦM LẶNG này, tác giả có nghĩ về một chủ đề chung hay không, hoặc ông đã nghĩ đến điều muốn nói chung nhất nào đó của mình qua 14 truyện in, mà tôi không nghĩ ra? Với chủ quan của mình, nếu là tác giả, chắc tôi sẽ bớt đi ít nhất 3 truyện: CON VÀNG ĐỐM BẠC, CHỊ HOÀI và LINH HUYỆT (Dành cho các tập truyện khác), để các truyện còn lại “liền mạch” hơn.
Về chuyện “bếp núc”, nếu cần nói một chút, chắc tôi sẽ không thề tránh nói về hai điều: một, vốn sống của tác giả đầy ắp các trang truyện cho thấy ông là người từng trải, chịu khó góp nhặt cuộc sống để đưa vào trang văn; hai, là việc tác giả đã đặt ra một số tình huống “tình cờ” trong truyện của mình, để đạt được điều muốn nói, nhưng chúng đã ít nhiều làm giảm đi kỹ thuật “tưởng tượng như thật” trong sáng tác truyện ngắn.
NGƯỜI TRẦM LẶNG là một tập truyện ngắn “trầm” về hình thức, nhưng nó quả thật tạo cho người đọc nhiều giây phút “lặng” để ngẫm nghĩ về cách ứng xử với nhau giữa những người trong gia đình, sao cho phải đạo, sao cho phù hợp với xã hội và trước hết, không khiến mình phải rơi vào những tháng ngày đầy ray rứt, ân hận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét