Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

GVĐN 03: Ý nghĩa tên huyện, thị xã và thành phố ở Đồng Nai

Liên Chi
(Giảng viên trường đại học Lạc Hồng)

Ý nghĩa của tên 11 huyện, thị xã và thành phố ở Đồng Nai

1. HUYỆN CẨM MỸ
Huyện Cẩm Mỹ được thành lập vào tháng 11 - 2003, trên cơ sở 7 xã của huyện Long Khánh và 6 xã của huyện Xuân Lộc.
Cẩm Mỹ có nghĩa là đẹp như gấm.

2. HUYỆN ĐỊNH QUÁN
Huyện có diện tích 966,5km2, gồm thị trấn Định Quán và 13 xã.
Định Quán vốn là tuần, còn gọi thủ Ba Can, được lập dưới thời Gia Long (1802 - 1820) để thu thuế thủy trình.
Có giả thuyết cho rằng khi chúa Nguyễn đem quân vào Nam đã từng đóng quân ở đây, nên gọi là “Định Quân”, về sau đọc trại ra “Định Quán”.


3. HUYỆN LONG THÀNH
Trước năm 1976, Long Thành là huyện thuộc tỉnh Biên Hòa, nay là một trong 9 huyện nằm ở phía nam tỉnh Đồng Nai. Long Thành có một thị trấn Long Thành và 18 xã. (Xem lại)
Về tên của địa danh này, có người cho rằng Long Thành có nghĩa là “thành rồng”. Thật ra không phải như vậy.
Nếu chỉ căn cứ theo nghĩa phổ biến “long là rồng” thì kết quả nghiên cứu có thể dẫn đến sai lệch. Bởi trong từ Hán Việt có nhiều từ đồng âm. Theo tác giả Lê Trung Hoa (Cửa sổ tri thức, tập 2) thì có bốn từ long, trong đó có hai từ phổ biến nhất có nghĩa là “con rồng” và “thịnh vượng”. Có ba từ thành và hai từ được nhiều người biết nhất, đó là “cái thành” và “thành công”. Trong các địa danh Thăng Long, Hạ Long, thì “long” là “rồng”. Trong hai địa danh Vĩnh Long, Long An, thì “long” lại là “thịnh vượng”.
Trong địa bạ Biên Hòa (1836), chữ “long” được viết bằng chữ Hán mang nghĩa “thịnh vượng”, còn “thành” là “thành công”. Hơn nữa, quá trình tìm hiểu trên sách báo và đi thực tế, chúng tôi nhận thấy ở vùng này trước đây không có cái thành nào. Vì vậy, Long Thành phải được hiểu là “thành công và thịnh vượng” chứ không phải là “thành rồng”.

4. HUYỆN NHƠN TRẠCH
Huyện Nhơn Trạch có diện tích 410,9km2, gồm 12 xã.
Nhơn Trạch (Nhân Trạch) có nghĩa là theo nơi ý người mà tuyển chọn, tức nhân vi tuyển trạch.

5. HUYỆN TÂN PHÚ
Huyện có diện tích 773,7km2, gồm thị trấn Tân Phú và 17 xã.
Tân Phú có nghĩa là giàu có và mới mẻ.

6. HUYỆN THỐNG NHẤT
Huyện Thống Nhất có diện tích 247,2km2, gồm 10 xã.
Thống Nhất là tên huyện được đặt sau năm 1975 để chỉ việc đất nước đã hợp lại thành một khối, có chung một cơ cấu tổ chức, có sự điều hành chung.

7. HUYỆN TRẢNG BOM
Tên một huyện của tỉnh Đồng Nai thành lập tháng 8-2003, được tách ra từ huyện Thống Nhất, gồm một thị trấn Trảng Bom và 16 xã.
Có ý kiến cho rằng danh từ Trảng Bom phải chăng từ tiếng Pháp Transport (vận chuyển) lâu ngày đọc trại thành? Vì nhà máy BIF (1907) lập riêng 2 nhánh đường sắt từ ga Biên Hòa đến nhà máy và từ ga Trảng Bom đến Bến Nôm. Nhà máy này sản xuất mặt hàng xuất khẩu là gỗ xẻ, đồ mộc… Sau còn sản xuất thêm rượu và cao su.
Một cách lý giải thú vị khác là vào lúc chiến tranh, quân đội Mĩ đã dùng máy bay B52 oanh tạc vùng đất này. Bom sau khi nổ tạo thành những hố lớn, gọi là chảng bom mà đọc trại đi là trảng bom. Từ đó tên gọi Trảng Bom đã trở thành đơn vị hành chính nơi đây.
Theo chúng tôi, Trảng Bom hay Trảng Bôm là trảng có trồng nhiều cây bom. Trong Đất Việt trời Nam có đoạn: “… Trảng Bôm (Trảng là một cái đồi bằng phẳng và rộng rãi, plateau) có trồng nhiều cây chum-bao lom, đọc trạnh thành bom, sinh ra một thứ dầu gọi là chaulmougra, dùng để trị phong hủi”. Theo tác giả Bùi Đức Tịnh thì: “Ở Thủ Dầu Một có Trảng Bom, được gọi như thế có lẽ vì ngày xưa gần trảng có cây bom; theo một bô lão, cây bom nay không còn nữa, là một loại cây mà con tê giác thích ăn lá”.
Ý kiến này có thể đúng vì các lý do sau: 1. Có người từng nói với chúng tôi là đã thấy cây bom ở vùng Thủ Đức (TP. HCM); 2. Ở Phú Yên, Vĩnh Long có địa danh Cây Bôm (Cây Bôm trong từ điển này, có lẽ nói chệch); 3. Loại địa danh “Trảng + tên cây” khá phổ biến ở Nam Bộ: Trảng Bàng (cỏ bàng), Trảng Lớn,…

8. HUYỆN VĨNH CỬU
Huyện Vĩnh Cửu có diện tích 1.092km2, gồm thị trấn Vĩnh An và 11 xã.
Vĩnh Cửu là một từ Hán Việt có nghĩa là lâu dài.

9. HUYỆN XUÂN LỘC
Huyện Xuân Lộc có diện tích 726,8km2, gồm thị trấn Gia Ray và 14 xã.
Xuân Lộc là lộc mùa xuân.

10. THỊ XÃ LONG KHÁNH
- Thị xã Long Khánh được thành lập tháng 8 - 2003, gồm 6 phường và 9 xã.
Long Khánh nghĩa là vui mừng và thịnh vượng.

11. THÀNH PHỐ BIÊN HÒA
Địa danh Biên Hòa ngày nay có xuất xứ từ tên của dinh Trấn Biên (huyện Phước Long) được thành lập vào năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn kinh lược xứ Đàng Trong. Năm 1808, dinh Trấn Biên đổi thành trấn Biên Hòa. Năm 1832, trấn Biên Hòa đổi thành tỉnh Biên Hòa. Năm 1976, ba tỉnh Biên Hòa, Long Khánh và Phước Tuy nhập lại thành tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, Biên Hòa là một thành phố loại II thuộc tỉnh Đồng Nai, với 23 phường và 7 xã.
Tác giả Lương Văn Lựu đã giải thích địa danh Trấn Biên và trấn Biên Hòa như sau: Dinh Trấn Biên vào năm Kỷ Tỵ (1629) nguyên là phủ Phú Yên, cương thổ cuối cùng của Đại Việt, giáp phía nam là nước Chiêm Thành. Năm 1679, dân ta chiếm đất Đông Phố của Thủy Chân Lạp. Chúa Hiền Thái Tông Hiếu triết Hoàng đế Nguyễn Phước Tần sắp đặt lại địa hạt hành chính và chia đất Đông Phố ra làm hai dinh, trong số có Trấn Biên. Dinh là một căn cứ lãnh thổ, theo binh chế cũ, gồm lối 500 người. Trấn Biên có nghĩa là trấn của biên cương (giáp cận Thủy chân lạp quốc). Chữ “Biên” xuất phát từ đó và được lấy đặt tên cho cương thổ miền Đông Nam Việt.
Còn về địa danh trấn Biên Hòa thì sau 24 năm (từ năm 1778 đến năm 1802) chống Tây Sơn, Nguyễn Vương Phúc Ánh thống nhất sơn hà, xưng đế hiệu là Gia Long, tổ chức lại nền hành chính quốc gia. Nhà vua chia địa giới hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn ra làm nhiều trấn nữa. Nguyễn Vương đặt lại tên là “Biên Hòa” với ý nghĩa: Trấn Biên, một doanh trấn ở biên cương sau thời binh biến nhiễu nhương tao loạn, được phục hồi tình trạng an hòa thái lạc. Về sau, người Pháp gọi là “PORTE DE LA PAIX”. Biên Hòa được chính thức xưng danh kể từ đó, trên phương diện chính trị và hành chính.
Nói tóm lại thì Trấn Biên có nghĩa là trấn của biên cương. Còn Biên Hòa có liên quan đến chữ “Biên” trong địa danh trên, nghĩa là một trấn ở ven biên cương nay được thái lạc, an hòa. Nếu nói ngắn gọn thì Biên Hòa là hòa bình ở biên giới.

(Tác giả là Thạc sĩ Ngôn ngữ học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét