Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

GVĐN 03: TRUYỆN NGẮN CỦA NGỌC KHÁNH

Ngọc Khánh
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

Vầng trăng êm ả
Truyện ngắn

1
Nhân thức giấc. Những cơn gió trưa mùa hạ thổi qua vườn cây sau nhà khiến Nhân thích thú. Vườn quê mùa này rộn tiếng ve. Mẹ vẫn giữ hàng tre xanh và những cây dừa già để chúng tỏa bóng êm mát. Có tiếng mẹ dịu dàng: “Nhân ơi, dậy chưa? Vào ăn sầu riêng đi con”
Mẹ  săn sóc Nhân như thể Nhân đã đi xa lâu lắm rồi vậy! Ừ mà cũng đã ba năm Nhân mới từ Mỹ về thăm nhà lần đầu. Cảm giác của người đã bắt đầu quen với không khí nước ngoài khiến Nhân có chút bỡ ngỡ khi trở về quê xưa  nhất là khi thấy miền quê Nhơn Trạch có nhiều đổi mới.

Chiều hôm qua, xuống máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, Nhân đã xúc động khi thấy cả gia đình bao nguyên chuyến xe ra đón. Ba, mẹ, anh trai, chị dâu, hai đứa cháu. Ba bảo; “Mai mốt có phi trường quốc tế ở Long Thành, đi đón con đỡ phải đi xa!” Anh trai thì cười: “ Đến chừng chú Nhân đậu Tiến sĩ vinh quy bái tổ, có khi nhà mình có xe hơi riêng rồi! Ở quê lúc này nhiều nhà đã sắm được ô tô rồi đấy”.Mẹ thì chỉ nhìn Nhân cười âu yếm. Hai đứa cháu tíu tít đẩy va li của Nhàn ra xe.
Đường về nhà nhiều thay đổi quá! Bến Cát Lái nhộn nhịp phà lớn qua lại liên tục, không phải chờ đợi lâu như xưa. Những ngôi nhà đang xây kiểu dáng hiện đại. Chợ mới Đại Phước sầm uất. Nhiều ngôi nhà thờ dọc hai bên đường từ Phước Lý về Vĩnh Thanh được tôn tạo khang trang. Nhàn thích thú ngắm nhìn cảnh vật cho đến khi về tới nhà. Con chó Vic ki gặp lại cậu chủ vẫy đuôi mừng tíu tít.
Nhân đã dành trọn buổi sáng nay để đi thăm hàng xóm láng giềng. Ở quê, tình làng nghĩa xóm bao giờ cũng nồng hậu. Rồi một giấc ngủ trưa yên lành trong bóng mát vườn xưa..  
Nhân khoan khoái bước vào nhà. Mùi sầu riêng thơm lừng. Ba mẹ và  Nhân đều rất thích món đặc sản sầu riêng Phú Hội. Anh trai thì không chịu nổi mùi sầu riêng, nhưng đã cất công đi mấy cây số từ Vĩnh Thanh vào Phú Hội để tìm mua loại ngon nhất mừng em mới về. “Ở Mỹ chắc khó thưởng thức được đúng hương vị quê nhà? Con ăn nhiều vào nhé”. Mẹ ân cần tách cho Nhân từng múi sầu riêng vàng ươm, béo ngọt.
Ngày Nhân lên đường, mẹ cũng ân cần như bây giờ. Nhưng lúc ấy, miếng sầu riêng bỗng dưng trở nên đắng chát. Không chỉ vì nỗi buồn sắp xa gia đình, xa quê hương khiến hương vị quả ngon cuối mùa thay đổi, mà còn vì những dòng tin nhắn SMS của Lê: “ Ba Lê bị xe đụng hôn mê phải vào bệnh viện cứu cấp. Lê không thể đến tiễn Nhân được. Chúc Nhân thật nhiều niềm vui và thành công nơi xứ lạ quê người” 

 2
Lê là bạn cùng lớp với Nhân suốt ba năm dưới mái trường cấp ba Nhơn Trạch. Nhà Lê ở Long Tân, vốn có truyền thống Cách mạng. Bà nội Lê là mẹ liệt sĩ. Anh của ba Lê hy sinh thời chống Mỹ khi còn rất trẻ. Ba của Lê làm cán bộ xã. Mẹ Lê ở nhà làm vườn, trồng sen. Anh của Lê học Đại học Nông Lâm ở Thủ Đức. Hình như có một sự cách biệt giữa những người Nam từng hoạt động cách mạng và những người dân Vĩnh Thanh, gốc Bắc 54, lại theo đạo Công giáo. Nhân cảm thấy như vậy vì mỗi lần đến chơi nhà Lê, Nhân thấy mẹ Lê có vẻ hờ hững với mình, không tỏ vẻ ân cần như với mấy đứa bạn đi cùng, đứa thì con sĩ quan trong thành Tuy Hạ, đứa lại là con một thầy giáo Đảng viên.
Ba Nhân không có gốc cách mạng. Năm giải phóng 1975, ông đang là học viên sĩ quan không quân của chế độ Sài Gòn. Đi cải tạo một hai đợt ngắn ngày trong huyện, ông được trả quyền công dân. Rồi quen và làm đám cưới với mẹ ở nhà thờ. Hai vợ chồng làm ruộng bên sông, làm rẫy trên đồng, cần cù qua những năm tháng khó khăn thời trước đổi mới.  mua được mấy công đất ở Bàu Trâm, lúc ấy còn xa xóm làng chưa phải là khu công nghiệp, và mấy công đất ở Ông Kèo, lúc ấy còn  hẻo lánh, chưa đầu tư thành khu du lịch Bò Cạp vàng, để dành làm của thừa kế cho hai đứa con trai.
Về sau, đất Nhơn Trạch sốt lên với nhiều dự án xây dựng. Nhơn Trạch tựa như tâm điểm giữa Biên Hòa, Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Từ  Sài Gòn đi Vũng Tàu qua đường 25B Nhơn Trạch gần được khoảng ba chục cây số. Đất Nhơn Trạch thoáng mát, không ngột ngạt, chật chội. Dân Nhơn Trạch hiền hòa, mộc mạc, thân thiện. Vì vậy, người Sài Gòn nô nức sang mua đất đầu tư. Đất tăng giá mỗi ngày. Một công đất chỉ qua một đêm có thể tăng vài triệu, thậm chí vài chục triệu. Gia đình Nhân, cũng như nhiều gia đình khác trở nên giàu nhờ đất. Ba mở một cửa hàng kim khí điện máy hoành tráng ngay trên đất nhà mặt tiền. Đời sống vật chất ngày càng khá giả, nhu cầu hường thụ chất lượng cuộc sống ngày càng tăng, cửa hàng  của ba mẹ ngày càng phát đạt, đủ để chứng minh khả năng tài chánh cho Nhân du học tự túc.
Nghĩ là mẹ Lê không ưa mình lắm, Nhân ngại ngần mỗi khi đến nhà Lê, dù rất thích khu vườn chôm chôm rộng.  Ở  đó có thể nghe rõ “Tiếng chim hót trong bụi mận gai’. Ở đó, có mạch nước trong vắt chảy không ngừng giữa hai hàng cau trồng cho bà nội Lê ăn trầu . Ở đó có một cái giếng độc đáo chỉ cần đào sâu một thước là nước tuôn lên không ngừng. Đôi khi, biết Nhân đạo Công giáo, Lê rủ Nhân lên chỗ ngôi nhà thờ nhỏ trên đồi cao, có tượng Đức Mẹ hiền từ nổi bật trong khuôn viên ngát xanh cây lá, mát rượi gió chiều.
Còn Nhân thỉnh thoảng cũng mời Lê về Vĩnh Thanh chơi. Đưa Lê ra cánh đồng lộng gió, nơi tuổi thơ Nhân trôi qua với nhiều kỷ niệm thả diều trên bờ ruộng, bắt chuột trong sóng lúa lao xao. Có lần, Nhân còn bạo gan rủ Lê đi thuyền trên sông. Dòng sông ngày xưa mỗi lần theo ba sang thăm ruộng, Nhân mải mê bắt những con cáy càng đỏ, ba nha càng tím, hoặc nhìn bọt nước trên ruộng để đoán chỗ ẩn mình của những con chem chép đem về nấu cháo ngọt lừ. Dòng sông thủy triều bán nhật ngày xưa tuy bây giờ đã bị ô nhiểm bởi nước thải công nghiệp, nhưng vẫn còn vai trò quan trọng trong từng bước phát triển của quê hương. Những đốt hầm Thủ Thiêm đúc ở Phước Khánh đã theo dòng sông về tận nơi lắp đặt. Nhà máy điện Nhơn Trạch cũng ở bên bờ dòng sông này.
Mẹ Lê có vẻ không ưa Nhân. Còn mẹ Nhân thì vói với anh trai, nhưng cũng hàm ý nói với Nhân: “Lấy vợ thì chọn cô nào cùng làng, cùng xóm, đừng lấy vợ khác quê, khó hiểu nhau. Bên đạo cho  phép đạo ai nấy giữ, nhưng mẹ không thích thế, cùng đạo vẫn hơn, sau này còn lo phần linh hồn cho con cái!”. Ba Nhân thì bảo: “Ngày xưa, thời ông nội, trai trong làng có tệ lắm mới phải đi lấy vợ làng thiên hạ, người ta cười cho”. Anh trai Nhân lấy vợ cùng ấp, cùng tôn giáo, cùng trình độ Đại học. Lời hứa thiêng liêng trước bàn thờ Chúa trong lễ cưới khiến hai người dù có khắc khẩu cũng nương nhau mà sống, mà thuận thảo, làm gương sáng cho con.

3
Thời gian Nhân đi du học, mẹ đã ngầm chọn cho Nhân một chỗ ưng ý. Trúc giỏi giang xinh đẹp, làm ở phòng nhân sự một công ty nước ngoài trong khu công nghiệp Nhơn Trạch. Với mẹ Nhân, ngoan đạo là lý tưởng, huống chi còn tài giỏi, hát hay. Nhân không lạ gì Trúc vì  hồi học phổ thông, Trúc học trên Nhàn hai lớp. Hai người cũng từng gặp nhau trong một dịp hội diễn Thánh ca mừng Chúa Giáng sinh. Trúc hát sô-lô cho một ca đoàn, còn Nhân chơi đàn organ cho một ca đoàn khác. Cả hai ca đoàn đều đoạt giải.
Nhưng Nhân chỉ coi Trúc như một người bạn quen, không thân. Nhân không thích có một cô bạn gái lớn tuổi hơn mình, lại quá tự tin, linh hoạt, sôi nổi như Trúc, đó là những tính cách tốt của người phụ nữ hiện đại. nhưng Nhân thích sự dịu dàng, thùy mị truyền thống hơn.

4
Xế chiều, Nhân mượn xe anh trai đi về phía trung tâm huyện.  Nghe nói đất Long Tân ở khu vực nhà Lê sẽ giải tỏa để chuẩn bị đầu tư xây dựng  trường Đại học Đông Sài gòn. Nghe nói Lê đã tốt nghiệp khoa Toán trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai và đang dạy ở một trường gần trung tâm huyện. Trường cấp hai Long Tân? Hay trường trung cấp nghề mới được khánh thành?  Có lẽ phải hỏi thăm ở cả hai trường!
Con đường từ Vĩnh Thanh lên huyện qua Phước An phẳng phiu rộng rãi, đẹp đẽ. Khác hẳn với những con đường Sài Gòn ngập nước hoặc đoạn đường từ Cát Lái về tới Đại Phước lỗ chỗ ổ gà, bùn đất nhầy nhụa. sau mưa Nhân mới đi về chiều qua. Đường thênh thang nhưng vắng người. Một chiếc xe bus Cát Lái Hiệp Phước vụt qua với vài hành khách. Những chiếc xe gắn máy đời mới vội vã chạy vế phía khu công nghiệp. Chưa đông dân cư nhưng ở trung tâm huyện đã xây hẳn một hầm ngầm tròn xoay hoành tráng dành cho người đi bộ, như chỉ để tạo thêm nét duyên cho thành phố tương lai.
Nhân về bao giờ vậy? Mới hôm qua, Lê có khỏe không? Bình thường, một ngày như mọi ngày! Gia đình Lê khỏe không? Ba Lê nghỉ hưu rồi, phụ mẹ Lê làm vườn, trồng sen. Nhà Lê có trong diện giải tỏa không? Không, nhưng ba Lê có hiến một nửa công đất để mở rộng ngõ nối với đường Nhơn Trạch sang quận 9, hôm nào mời Nhân đến nhà Lê chơi nhé. Ừ , hôm nào Chủ nhật Lê nghỉ, Nhân sẽ đến thăm hai bác. Nhân biết không, hôm Nhân đi, ba Lê bị hôn mê, Lê lo quá, lên nhà thờ cầu nguyện với Đức Mẹ. Có lẽ do Lê thành tâm nên  ba  Lê hồi phục dần. Mẹ Lê không còn thành kiến với người công giáo, thỉnh thoảng còn nhắc đến Nhân nữa. Bà nội bảo đạo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành để được phước. Ba của Lê thì cho rằng dân công giáo Vĩnh Thanh đang đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của huyện nhà  Nhờ vậy, anh của Lê mới dám đưa cô bạn gái về thăm gia đình, chị ấy cũng đạo công giáo, anh chị gặp nhau trong  một lần đi tặng nhà tình thương. Anh chị quen thân vậy chứ còn đang mộng học tiếp cao học., chưa nghĩ chuyện thành hôn.

5
Nhân đưa ghế bố ra hiên nằm nhìn ra đường. Đường Vĩnh Thanh buổi tối vẫn dập dìu xe. Điện sáng rực. Vầng trăng thượng tuần sau Đoan ngọ lặng lẽ trên cao. Ánh trăng muôn đời vẫn chung thủy, dù chứng kiến bao chuyện đổi thay. Từ khi miền quê này còn là mái tranh đường đất, đèn dầu tối tăm, đêm đêm dân làng ngóng rằm trăng tỏa sáng, cho đến bây giờ, nhà xây, đường nhựa, điện sáng rực, người ta quên ngắm cả ánh trăng,
Lúc ăn cơm tối, mẹ kể chuyện mấy đám cưới tổ chức ở nhà thờ, ca đoàn hát hay lắm. Nhân hiểu ý mẹ. Ba cười: “Lớp trẻ bây giờ có suy nghĩ thoáng hơn xưa. Cũng có đứa yêu sớm, kết hôn sớm, nhưng phần lớn chúng nghĩ đến cơ hội thăng tiến hơn”. Anh trai đùa “Mấy năm nữa, chú Nhân học xong, đưa về một nàng  dâu nước ngoài mắt xanh, tóc vàng, hoặc một cô Việt kiều không biết tiếng Việt, mẹ có ưng không?”. Mẹ mắng yêu: “ Lúc ấy tao cho chúng nó đi luôn!”. Hai đứa cháu thấy không khí vui vẻ nên ríu rít đòi ông bà nội nhân dịp hè có chú về chơi tổ chức cho gia đình một chuyến du lịch. Lên Đà Lạt ngắm rừng thông, thác nước mơ mộng, rồi xuôi về Nha Trang đắm mình trong làn nước biển xanh.
Con Vicki nằm bên cạnh Nhân nghe tiếng lá rụng sủa khẽ lên một tiếng. Nhân huýt sáo khe khẽ, nhớ lại tin nhắn của Lê mới gửi: “ Tối nay, anh của Lê về Vĩnh Thanh. Lê muốn đi theo nhưng ngại phiền anh nên thôi. Nhà chị ấy ở cách nhà Nhân mấy ấp lận. Nhân có biết chị Trúc không? Hát hay nổi tiếng đó nghe, Thôi để hôm nào bọn mình mời anh chị cùng đi tham quan Bò Cạp vàng nhé. Hẹn gặp lại, Chúc buổi tối vui vẻ!”
Nhân mỉm cười. Một ngày nào đó, Nhàn sẽ học xong, sẽ trở về, sẽ chứng kiến bao điều thay đổi khác. Cahỉ mong ngày đó, tâm hồn Nhân vẫn trong sáng, như vầng trăng êm ả trên cao.
Trại sáng tác Nha Trang 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét