Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

GVĐN 03: TRUYỆN NGẮN CỦA THANH THÚY

Truyện đạt giải cuộc thi Sáng tác văn học - nghệ thuật về Đề tài Gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Đồng Nai lần thứ I năm 2010

Thanh Thúy
(PV Báo Đồng Nai)

GIẬN NHAU
Truyện ngắn

Có ai tin nổi rằng vợ chồng Nhàn giận nhau chỉ vì… con vịt?
Không phải thứ vịt để hai người đàn bà họp lại thành chợ. Cũng không phải loại vịt cồ chuyên đưa tin khắp đầu làng cuối phố. Mà là vịt đồng nhà quê hẳn hoi, chuyên ăn tép ruộng ốc bờ, lúa mót ngoài đồng sau vụ gặt nên béo lẳng và thơm thịt phải biết.

Đổ thừa nguyên nhân vì nó thì cũng hơi bị tội, nhưng bảo đầu dây mối nhợ tại nó lại cũng chẳng sai. Bà chị chồng của Nhàn từ dưới quê lên chơi, quý vợ chồng thằng em lắm mới lễ mễ vác cho một mớ quà quê lỉnh kỉnh nào là trái cây, gạo nếp và đặc biệt là một cặp vịt đồng, vì món vịt kho sả là món hảo của Thịnh, chồng Nhàn. Chẳng quý giá gì, đều là cây nhà lá vườn không phải tốn kém, nhưng quý ở cái công mang vác qua ba, bốn chặng xe lại thêm một chặng phà, của một đồng mà công đến một nén nên Thịnh cứ xuýt xoa cảm động, chỉ có Nhàn là kêu khổ thầm trong bụng. Nhà không có chuồng để nhốt, đành phải tống đôi vịt vào toa lét. Cả đêm chúng nó thay nhau kêu ầm ĩ khiến Nhàn không sao ngủ nổi đã đành, mà mỗi lần Nhàn đẩy cửa bước vào đi vệ sinh, chúng nó cứ đưa mỏ về phía Nhàn táp lia táp lịa khiến cô sợ chết khiếp.
Sáng hôm sau phải đi công tác sớm, trước khi đi Nhàn dặn Thịnh nhớ đem vịt ra ngoài chợ thuê người ta làm hộ. Khổ thế đấy, các bà nội trợ ở thành phố ngày nay có mấy ai còn biết làm gà vịt, cứ mua sẵn ngoài chợ về mà nấu nướng cho tiện gọn. Thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiến vào nhà bếp đã lâu lắm rồi, bó rau, cọng cải còn được lặt sẵn huống gì đến con gà, mớ cá, nên quý nhau mà biếu quà kiểu này lại bằng mười hại nhau. Dặn đi dặn lại hai, ba phen, trưa Nhàn còn cẩn thận nhắn tin vào di động nhắc Thịnh, thế mà đến chiều lũ vịt vẫn còn nhơn nhơn kêu ầm ĩ khi Nhàn thò đầu vào, làm như chúng mới thật sự là chủ nơi đó còn Nhàn chỉ là kẻ quấy rầy. Và cả một ngày trời đã kịp cho đôi vợ chồng nhà vịt biến nơi đó thành một cái toa lét theo đúng nghĩa, mùi phân vịt quyện vào mùi thức ăn thừa thành một thứ mùi kinh khủng khiến Nhàn choáng váng muốn xỉu. Thịnh gãi gãi đầu cười hề hề, anh quên, thôi để anh phụ với em một tay. Nói vậy mà không phải vậy, con vịt bị cắt tiết hãy còn giãy đành đạch thì Thịnh đã biến mất tăm, và thoáng sau đã nghe tiếng anh cười ha hả bên bàn vi tính với thằng nhóc Bi. Thịnh có cái tật lớn, hễ vùi đầu vào ba cái trò chơi điện tử là quên hết cả trời đất. Biết thế nhưng Nhàn cứ thử gọi cầu may “Anh ơi, xuống phụ em nhổ lông vịt một tí”, Thịnh cứ ờ ờ chút anh xuống liền, mà mấy cái xuống liền rồi cũng chẳng thấy tăm hơi. Người gì đâu mà vô tư quá thể. Được, đã thế không thèm nhờ nữa, để xem bao giờ thì biết tự giác xuống giúp vợ.
Nhàn ôm nỗi dằn dỗi, ấm ức ấy suốt cả buổi chiều tối, một mình nhổ lông vịt, làm thức ăn rồi dọn sạch cả cái bãi chiến trường kinh khủng trong toa lét. Càng làm, nỗi ấm ức trong lòng cô càng lớn. Tại sao ông trời bất công quá, phân chi cho người phụ nữ cái thiên chức tề gia nội trợ, làm người nội tướng trong nhà? Tại sao chồng đi làm thì vợ cũng đi làm, nhưng về đến nhà thì quý ông coi như mình đã xong nhiệm vụ bình thản vô tư ngồi đọc báo, xem ti vi hoặc ôm lấy cái máy vi tính mà chơi, mà chát chít với những ai đó suốt cả buổi tối, còn các bà vợ thì cứ phải ngập đầu vào cái núi việc nhà? Nhàn cố nhớ lại coi có khi nào Thịnh tình nguyện phụ với mình công việc bếp núc? Hình như  ít lắm, ít đến nỗi cô cũng chẳng nhớ ra. Nhưng có phải ai cũng khổ như cô thế đâu. Chị Lan bên phòng kế toán đấy, phân công trách nhiệm giữa hai vợ chồng hẳn hoi nhá, tôi việc này thì anh việc kia, và anh chồng cứ thế mà tuân theo răm rắp. Nhàn thì lại không thích thế, cô muốn thấy sự tự giác của Thịnh, muốn Thịnh làm mọi việc chỉ vì thương cô, yêu cô, chứ cứ rạch ròi trách nhiệm ra theo bảng phân công thì chán quá. Ai ngờ chờ mãi vẫn không thấy sự tự giác ở đâu, rốt cuộc chỉ có cô là thiệt thòi. Tính Nhàn hay hờn mát, gặp Thịnh lại quá vô tư nên cái khoản thông cảm nhau của hai vợ chồng nhiều khi cứ trớt quớt chẳng vô hệ nào.
Đeo khẩu trang thật chặt, nhưng vừa bước vào toa lét Nhàn vẫn “nghe” thấy cái mùi lợm giọng kia làm cô nôn nao muốn ói. Giá như bây giờ Thịnh xuống và giúp cô nhỉ, hẳn Nhàn sẽ quên hết cơn giận nãy giờ. Nhưng từ nhà trên vẫn vọng xuống tiếng hò hét của hai cha con, và Nhàn ngao ngán cầm lấy chổi. Nước mắt cô đột nhiên chảy dài. Chị Lan ấy có gì hơn Nhàn đâu, người đâu mà nói chuyện duyên dùng chẳng có, cứ tô hô toác hoác suốt cả ngày thế mà cái số lại sướng. Còn Nhàn, cái tên là Nhàn mà có bao giờ được nhàn, mang tiếng vừa giỏi vừa đẹp lại khổ thân thế này, đi thôi về nhà hầu chồng có khác nào ôsin không công. Nghĩ sao mà ngày xưa cô lại đâm đầu đi lấy Thịnh nhỉ? Trong đám con trai trồng cây si trước nhà Nhàn ngày ấy, nhìn đi nhìn lại thì Thịnh là người kém cỏi nhất. Chẳng đẹp trai, cũng không tài giỏi gì, chỉ được cái hiền, chuyện gì cũng cười hề hề thế mà làm cô xiêu lòng. Mà ngay hồi ấy Thịnh cũng đã như người sống trên mây rồi, thế mà sao ngày xưa cô chẳng nghĩ ra cái tính vô tư, cà trớt ấy sẽ làm khổ cô sau này nhỉ? Nhìn lại mà xem, “cá xẩy là cá lớn”, những “cái đuôi” ngày xưa ấy giờ lại ngon lành cả. Như tay Long hồi ấy lù đù thế mà bây giờ nghiễm nhiên trở thành ông giám đốc đường đường một đống đi đâu cũng tiền hô hậu ủng, anh chàng Hùng cạy miệng chẳng ra răng ngày xưa lại biến ra ngài tiến sĩ đi nước ngoài như đi chợ, bét nhất như gã Khoa công tử thì vẫn bệ vệ ra vẻ sang trọng của ông chủ tiệm vàng. Có ai như Thịnh đâu, tiền không mà quyền cũng không nốt, suốt ngày hi hi hô hô với thằng con như nhà có hai đứa trẻ.
Nhắc đến con Nhàn lại bỗng phát bực. Thằng Bi mà không rủ rê thì chắc Thịnh cũng chưa sa đà vào ba cái trò chơi điện tử đến thế và hẳn đã nhớ đến chuyện cô dặn lúc sáng. Con người ta bằng từng ấy tuổi đã có khối chuyện được nhờ, đằng này 12, 13 tuổi rồi, nhớn tướng đến thế mà chuyện ăn cơm, đánh răng cũng phải đợi mẹ nhắc, nói gì đến chuyện giúp với đỡ. Thế mà hồi Nhàn sinh được con trai đầu lòng, gia đình chồng cứ cuống quít lên mừng rỡ vì đã có cháu nối dõi tông đường. Báu gì cái chuyện sinh con trai, ăn rồi cứ lo chuyện chơi nhởi ngoài đường ngoài xá, lớn lên một chút thì hết bồ đến vợ, nghĩ gì đến mẹ mà mong. Cái chuyện “trọng nam khinh nữ” ai ham chứ Nhàn là dứt khoát không màng. Đấy, con trai đấy, nhà có hai thằng con trai thì chúi mũi cả vào cái máy vi tính, bỏ mặc cho người phụ nữ duy nhất trong nhà đầu tắt mặt tối…
Bài diễn văn độc thoại trong lòng Nhàn còn kéo dài suốt cả đêm, vì cha con Thịnh sau khi nghe mùi thịt vịt kho sả thơm lừng đã vui vẻ xà vào mâm cơm, vừa ăn vừa sôi nổi bàn luận về cái trò chơi “Võ lâm kỳ kỳ” nào đấy mà quên cả nhìn thấy bộ mặt lạnh như tiền của Nhàn. Tối, Nhàn tỏ thái độ bằng cái gối ôm tấn dọc giữa giường như ngầm chia ranh giới. Giận dỗi như đứa trẻ con chờ dỗ, thỉnh thoảng Nhàn liếc sang Thịnh xem anh có biểu hiện gì về cuộc “chiến tranh lạnh” của mình. Không thấy phản ứng. Không gì vô duyên bằng giận mà khơi khơi một mình mình biết, một mình mình hay. Nhàn cố tình húng hắng ho, rồi ôm ngực kéo một tràng dài như thể ho lao sắp đến thời kỳ thứ ba. Nhưng phía bên kia, mệt mỏi sau trận chiến đấu căng thẳng trên màn hình, đã vô tư ôm luôn chiếc gối biên giới mà ngáy khò khò từ lúc nào, để lại một mình Nhàn trằn trọc với cơn giận không có chỗ trút …
Sáng ra, Nhàn đi làm với cái đầu thưng thưng, trống rỗng vì suốt cả tối qua cứ trằn trọc gậm nhấm cơn giận của mình. Cô chạy xe về hướng cơ quan theo quán tính, vừa chạy vừa suy nghĩ cách đối phó với Thịnh. Được, anh không quan tâm đến tôi thì tôi cũng chẳng việc gì phải lo lắng lại cho anh. Từ giờ trở đi sẽ như hai kẻ trọ chung nhà, mạnh ai nấy lo lấy thân mình xem ai là kẻ thiệt thòi cho biết. Cô sẽ… Mãi suy nghĩ, Nhàn không tránh kịp một chiếc xe bất thần từ trong hẻm chạy đâm ra. Nhàn ngã sóng xoài ra phía ngoài đường, kinh hoàng nhìn thấy chiếc bánh xe tải to tướng đang lăn về phía cô, nghe tiếng thắng xe rít lên rợn người và sau đó bất tỉnh không còn biết gì nữa …
­

Điều đầu tiên Nhàn cảm giác được là một bàn tay đặt nhẹ trên trán mình, lần vuốt những sợi tóc mai dọc hai bên má cô vén sang hai bên cho gọn. Rồi cũng bàn tay ấy nâng niu cầm lấy tay cô, xoa nắn nhè nhẹ dọc theo cánh tay đang nhức buốt của Nhàn. Bàn tay ấm nóng ấy nghe quen thuộc đến nỗi Nhàn phải mở mắt ra nhìn. Đập vào đôi mắt hãy còn lờ mờ của Nhàn là khuôn mặt đầy lo lắng của Thịnh. Vừa thấy Nhàn mở mắt, anh bật lên tiếng kêu mừng rỡ, và lần đầu tiên trong đời, Nhàn nhìn thấy Thịnh có ngấn nước mắt. Thằng Bi chen vô giữa ba và mẹ, nó không cần phải lén quay đi chùi nước mắt như ba mà cứ thế khóc tu tu lên, vừa khóc lại vừa cười. Nhớ lại giây phút hãi hùng dưới bánh xe, Nhàn lại bỗng thấy yêu cuộc sống, yêu cái gia đình nhỏ bé của mình hơn bao giờ hết và thầm tạ ơn trời là chiếc xe tải đã thắng kịp…
Được xuất viện sau 3 ngày nằm chết dí một chỗ, bước vào nhà Nhàn có cảm giác như người vừa đi xa trở về, nghe một nỗi bình yên, thân quen ùa vào làm cô thấy tràn đầy hạnh phúc. Cái chân đau vẫn bắt Nhàn nằm bất động, và cô thử tận hưởng cái cảm giác của kẻ thảnh thơi không phải lo việc nhà việc cửa. Quái, trước kia cô nhiều lần ao ước được vứt hết công việc nội trợ chán ngắt ấy sang một bên, ao ước được cái sung sướng không phải ngập đầu vào trách nhiệm làm vợ làm mẹ, thế nhưng bây giờ được như ý rồi cô lại không thấy thoải mái là cớ làm sao?
Đang nằm lơ mơ, Nhàn bỗng nghe tiếng chân nhè nhẹ của thằng Bi đi vào. Thấy Nhàn nhắm mắt, nó tưởng mẹ đang ngủ, quay trở ra suỵt suỵt với Thịnh đang đứng bên ngoài “Mẹ ngủ rồi, vậy là cứ theo kế hoạch, ba với con sẽ bắt đầu phục vụ cho mẹ, phải không ba?”. Chắc là Thịnh gật đầu, vì sau đó nghe tiếng anh phân công “Bi lo nấu cơm, còn ba nấu canh, chiên cá, OK?”. Nghe tiếng hai cha con đập tay vào nhau cái chát như trong phim Hồng Kông, Nhàn cười thầm trong bụng, để xem hai cha con “phục vụ” mẹ tới cỡ nào. Có tiếng thằng Bi hỏi “Ba ơi, nấu mấy lon gạo?”. Nhàn hình dung ra Thịnh đang gãi đầu, thói quen của anh khi bối rối, rồi anh hỏi ngược lại “Bình thường con thấy mẹ nấu mấy lon?” “ Con đâu có để ý mẹ nấu cơm lần nào đâu”. Thịnh làm mặt bảnh “Tính ra biết liền chớ gì, để coi, ba ăn 3 chén cơm, mẹ 2, con 2, vậy con lấy 7 chén gạo”. Trời đất, cha con nó tính nấu cho cả xóm ăn hay sao đấy. Định lên tiếng, nhưng sực nghĩ ra Nhàn làm thinh luôn. Kệ, tự làm có sai đi nữa cũng sẽ nhớ mà sửa, chứ cứ bao cấp hoài, hậu quả là cả hai cha con cứ vụng về như cha con nhà Bờm. Lục đục một lát, nghe tiếng thằng Bi “Ba ơi, nước trong nồi cơm nó đi đâu hết rồi á, cạn queo hà”. Thịnh hối “Vậy là con đổ ít nước rồi, thêm nước vô”. Nhàn bấm bụng không dám cười, biết rằng sau đó sẽ còn lắm trò hay. Quả như Nhàn dự đoán, chỉ một chốc sau đã nghe tiếng thằng Bi la lên “Ba ơi, cơm nó đội cái nắp nồi lên rồi”. Thịnh nhằn “Con có lấy dư gạo không mà nó tràn ra dữ vậy, mấy bữa mẹ cũng nấu mà có thấy gì đâu. Để ba múc bớt ra”. Một mùi khét xộc vào mũi, thằng Bi nhắc “Ba ơi, cá khét” “Trời đất, sao bây giờ con mới nói?” “ Thì con cũng mới nghe mùi chớ bộ” …
Nhàn phải lấy cái gối chặn lên mặt để tránh cơn bão cười của mình. Giọng thằng Bi buồn thiu “Giờ cơm thì sống, cá thì khét, lấy gì cho mẹ ăn hả ba”. Thịnh an ủi “Không sao đâu, bây giờ ba dọn dẹp nhà cửa phi tang chứng tích, còn con, cầm tiền phóng ngay ra quán bà Hai mua cơm với thức ăn về đây chữa cháy. Nhanh lên, nhóc”.
Tới bữa, Thịnh vào đánh thức và đỡ Nhàn ra bàn, giọng anh long trọng “Hồi trước tới giờ chỉ toàn là em lo cho cha con anh, nhưng kể từ bây giờ, cha con anh hứa sẽ phục vụ em thiệt chu đáo để chuộc lỗi. Nào, đây là bữa cơm đầu tiên tự tay cha con anh nấu, xin quý khách tự nhiên dùng và cho chúng tôi biết ý kiến ạ”. Nhàn vờ không nhìn thấy một thoáng lúng túng của Thịnh và nụ cười lém lỉnh của thằng Bi, cô gắp đồ ăn và xuýt xoa khen ngợi. Kệ, cuộc đời đâu phải lúc nào cũng nhất thiết phải rạch ròi như hai với hai là bốn, cũng có lúc nên mắt nhắm mắt mở chút xíu. Có điều, Nhàn băn khoăn không biết kiếm đâu ra một quyển sách “nấu ăn cấp tốc dành cho các ông chồng”, bởi thức ăn bà Hai nấu thì ngon tuyệt, còn tay nghề của Thịnh “không nói ra thì ai cũng biết”…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét