Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

GVĐN 03: TRẦN HOÀNG VY NÓI VỀ THƠ

Trần Hoàng Vy
(HV Hội Nhà văn VN tại Tây Ninh)

NHẬN DIỆN “THƠ PHỈNH THƠ” VÀ CON LŨ BUỒN!

Tôi nhặt những câu thơ hay, xâu chuỗi huyền hồ và tặng cho nàng Thơ, dè đâu vàng thau lẫn lộn, đêm nằm nghe nhói đau buốt tận miền mơ mà ú ớ, hoảng loạn, ác mộng…
Biết làm thế nào được. Khen thì ai cũng thích, nhưng chê chỉ là “loáng thoáng”, cố gắng nâng câu từ lên bằng… lời chào xã giao thế là bàn ra tán vào, âm ĩ hờn giận. Có lúc sấm sét nhoáng nhoàng, mệt tâm và cả mệt… bàn phím!

 Người khen chê không là thầy, là bạn. Biến đi trong mắt nhau mà cười buồn. Thế mới là đời! Cái bản lĩnh của một con người nhiều khi như giòng nước mắc nghẹn. Dồn ứ mà óc ách đến tức? Mà sao phải “nhận diện”, vì rằng thì là, người ta cứ la toáng toàng toang, thơ bây giờ như nấm dại mọc sau mưa với thiên hình vạn trạng, biến hóa khôn lường. Cứ như Tề Thiên mà không phải Tề Thiên, đến Phật Tổ, Ngọc Hoàng thượng đế còn khó nhận ra đâu là… thứ thiệt! Thơ cách tân, thơ hiện đại, hậu hiện đại, thơ tắc tị, bí xị và bí hiểm? Và trong sự rậm rật của chữ nghĩa có cả sự dâm dật, cả những “Sút xổ đổ tháo” của niêm luật, câu từ, con chữ. Trong mớ hỗn độn, ảo mờ nhân ảnh. Nhìn kỹ, xuyên thấu thật khó. Thôi cố mà hình dung, nhận diện. Dù sao cũng nhìn thấy cái bóng. Mà thơ hay, thơ dở đều… bay cao, bay xa, chắc là dễ thấy?
Còn vì sao là “phỉnh” ư? Tôi nhấn mạnh “PHỈNH” chứ không phải “phản”. Phỉnh đồng nghĩa với “lừa”, “gạt”, không “đâm sau lưng” như cái anh “phản”. Trắng phớ ra là cái anh “thơ này” mượn xiêm áo nàng thơ mà “lừa”, mà “gạt” mọi người, cũng ỏng à, ỏng ẹo, uốn éo, ma mị câu chữ từ… ngây thơ con cóc cụ như “Con cóc trong hang” đến bẻ gãy vụn từ, gán ghép từ thành những câu “Bùa chú”, mê hoặc người đọc cả tin, nhẹ dạ hoặc luôn có tư tưởng “Bụt chùa nhà không thiêng”, phải mượn hơi giao lưu, hòa nhập, nhập ngoại mới là thi vương, thi bá! Đúng đà, đúng điệu?
Có người bảo, xứ mình nó thế. Đi đâu cũng gặp nhà thơ, lại phân chia từ cấp xã phường, câu lạc bộ đến huyện, tỉnh và thành phố? Chẳng biết đây có phải là “giả bộ khiêm nhường” hay cái bệnh “tự ti mặc cảm” nó hành ra làm vậy? Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Thôi thì cứ bình quân, chí ít một hộ gia đình cũng có một người làm thơ. Một đất nước làm thơ vinh dự và tự hào lắm chứ? Có người còn khẳng định, cứ để mọi người làm thơ xã hội sẽ tốt đẹp hơn, chí ít cũng bình yên hơn là sa vào các tệ nạn khác như đề đóm, bài bạc, ăn nhậu. Kể cũng có lý. Nhưng làm sao cấm việc “chia chiếu” để ngồi, và mỗi người có làm thơ, có đăng thơ, in thơ là tự coi như mình là cái rốn của… nàng thơ. Tất tần tật các người khác làm thơ đều thua ta một cái… nheo mắt!
Người ta lại ca cẩm cái sự dễ dãi của các nhà xuất bản trong việc duyệt thơ và cái thời có tiền là có thể… mua được thơ và in thơ. Cứ làm một phép tính đơn giản. Cả nước có bao nhiêu nhà xuất bản, nhân lên với số tập thơ được chào đời. Không ai kinh doanh và làm giàu bằng thơ, nhưng thơ vẫn in ra đều đều và vẫn… tặng hết. Thế mới tài?
Nhân nói chuyện tặng thơ mới buồn vì dường như có nhiều người sợ (bị) tặng thơ. Các tòa soạn báo, có nhận được thơ tặng thì cũng… nín thinh, không có một lời giới thiệu hoặc cảm ơn. Chỉ có mấy người mua ve chai, sách báo cũ thì… khoái vì mua được sách mới mà giá lại…cũ xì! Ấy vậy mà cái danh xưng “nhà thơ” nó cứ… huyễn hoặc lắm người, cố để được một tiếng gọi là “nhà thơ”.
     Lan man một chút, nhưng nói phải có sách, mách có chứng. Cái “thơ phỉnh thơ” ấy nó tròn méo thế nào, hiện diện ra sao. Tôi vào một tuyển thơ… cấp tỉnh, lại toàn những bậc trí lự cả. Đọc câu thơ: “Mười mấy năm rồi xa xóm nhỏ/ Từ ngày binh lửa đến thôn quê”, chợt thấy… hơi thơ quen quen, thì đúng là mang cái mùi vị của câu thơ: “Lâu quá không về thăm xóm đạo/ Từ ngày binh lửa cháy quê hương”, trong bài thơ “Hoa trắng thôi cài lên áo tím” của nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà, làm cách đây hơn nửa thế kỷ. Ừ thì,cứ coi như bị… ảnh hưởng, nhưng khi đọc hai câu: “Hoa lý, giờ anh cài nấm mộ/ Chập chờn em đẹp tóc mây mưa…”, thì tôi não cả lòng, không biết tác giả có hiểu hai từ “mây mưa” là chỉ cái gì không? Và khi ghép với từ “tóc” nó sẽ mang ý nghĩa gì? Nhất là đối với một người đã khuất! Cũng tuyển thơ ấy, đọc mấy câu: “Tôi làm nghề…. đã bao năm/ Nay đã nghỉ hưu sống cùng con cháu/ Nhưng vẫn nhớ mãi những ngày xưa ấy”, thì cứ thấy giống như những câu khẩu ngữ trong hỏi đáp được ghép lại mà thành? Ở một tập thơ khác, do một nhà XB danh tiếng về văn chương cấp phép, lại bắt gặp những bài thơ, câu thơ đại loại: “Tìm hồn thu thảo mong manh/ Lối xưa xe ngựa Huyện Thanh Quan Bà”, thì có mà… bóp mũi thơ lục bát. Hoặc ý tứ như: “Ngắm dáng Quan Âm hiền như lá/ Lắng lời Kinh Kệ lệ như mưa”, cái “lắng lời kinh kệ”, tiếp theo thì “lệ như mưa” thì không hiểu “lắng” ra làm sao nữa rồi! Hay như: “Nước đầu nguồn, rối rắm chảy về xuôi”, cái nghĩa rối rắm ở đây, cũng “rối rắm” như chính câu thơ của tác giả? Còn đây là lỗi “ thằng đánh máy” hay cũng là lỗi “phỉnh thơ” trong một thể loại thơ Đường nghiêm cẩn: “Non nước tưng bừng trổi vậy thôi/ Ngói dột dựng xây nhà ngói rực/ Mai tàn dung dưỡng cánh mai ngời”. Dễ dãi ở biên tập đã đành, nhưng lỗi quá dễ dãi theo cách nói “dung dưỡng” của người làm thơ mới thật đáng tội nặng!? 
Tất nhiên mỗi người thơ có quyền cho mình chọn những hình tượng, ngôn từ để mà hả hê vui sướng trong xúc cảm kỳ lạ của thơ ca, song tung hô, hay “hét” lên theo cái kiểu thơ… đường phố thế này, thì … thường quá: “ – Các ông cho chúng tôi được từ chối các ông nhé! / - Các ông cho chúng tôi được ước gì chúng tôi chẳng ước điều gì nhé!”, và đậm đặc những ngôn ngữ phi nghệ thuật đến hồn nhiên, huyễn hoặc: “Tôi không biết phải làm gì/ Khi mỗi sợi lông trên người tôi đều không phát sáng”? Và không hiểu sao, trong một bài thơ tưởng là “tưởng nhớ” song lại là những từ… tào lao nhất: “Dám giao cấu mặt trời, thủ dâm thượng đế”. “Thi trung” giờ không còn “hữu họa”, “hữu kim ngọc” nữa mà chất chứa “rác thải” từ đẩu từ đâu, xưa lơ xưa lắc mà người ta cứ tưởng “vàng”, tưởng mới, tải về từ các trang mạng, từ những nguồn “nghẽn” của sự bế tắc tâm linh, tâm tình và cả tâm tưởng!
     Không còn cái gọi là “suối nguồn” thơ ca, mà nó đã dềnh dàng lên thành ngập, thành lũ. Đó không phải là “con lũ đẹp” trong cảm nhận của đồng bào miền Tây sông nước mà là con lũ buồn của các phố thị mỗi khi có đợt triều cường “cổ vũ”, lênh lang, lai láng nhưng chẳng ích lợi cho ai, và chẳng ai tìm trong con lũ buồn ấy những thi vị của cuộc đời. “Thơ phỉnh thơ” giờ cũng tràn ngập trôi nổi trên cái thị trường chữ nghĩa đầy thượng vàng hạ cám này vậy.
     Tới lúc người ta chán làm thơ, chán đọc thơ, chán in thơ và… chán luôn cái danh hờ “nhà thơ”, may ra lúc đó không còn con lũ buồn và “thơ phỉnh thơ”  xuất hiện…
T. H. V.

1 nhận xét:

  1. Có một tác nhân nữa không kém phần quan trọng trong việc thúc đẩy tệ phỉnh thơ, đó là chấm giải các cuộc thi thơ. Gần đây có cuộc thi thơ lục bát NNHV nọ khá rầm rộ, số bài gửi, số tác giả dự thi rất đông đem lại nhiều hi vọng làm khởi sắc thể thơ mang hồn dân tộc. Thế nhưng, kết cuộc giải nhất đã trao cho một tác giả mà chùm bài lục bát mắc nhiều lỗi niêm luật và xem thật kĩ thì không hề có dụng ý làm mới mà cứ thuận tới đâu ra tới đó. Buồn quá, buồn cho tho thơ lục bát , buồn chung cho thơ Việt.

    Trả lờiXóa