Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

GVĐN 03: TRUYỆN NGẮN CỦA BÙI KIM CHI

Bùi Kim Chi
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

Dưới nắng hanh vàng
Truyện ngắn

Biên Hòa một ngày có nắng hanh vàng. Trời xôn xao thả hoa nắng yếu đuối xuống đường. Đường ngập nắng hanh vàng. Trong nắng chiều, cô đạp xe đạp chầm chậm trên con đường Võ Thị Sáu, mắt dáo dác tìm kiếm. Con đường nay khác hẳn, đẹp hơn, nhà cửa bề thế hơn nhưng ngôi nhà cũ thì không còn dấu tích. Ngôi nhà mà cô đã có lần đặt chân đến và chỉ một lần duy nhất trong đời - một lần mà ấn tượng cả đời. Cô bùi ngùi dừng xe đúng ngay vị trí của ngôi nhà mong tìm lại một phút giây ấm áp của những ngày đầu tiên cô đến Biên Hòa…

***


1977. Tôi đến Đồng Nai.
Biên Hòa đón tôi trên chiếc xe ngựa chông chênh, con ngựa vàng, bờm dày có chuông reo leng keng ở cổ. Nghe lạ tai và vui vui vì tôi chưa được thấy xe ngựa bao giờ huống chi là được ngồi trên xe, nhìn ngựa kéo xe lóc cóc  với tiếng nhạc chuông rộn rã lại được nhìn cảnh quan là lạ hai bên đường. Con đường yên ả. Thỉnh thoảng, một hai chiếc xe lam xuôi ngược. Ngồi chung quanh tôi đa phần là người buôn bán. Họ, chuyện phiếm rôm rả. Tôi, một mình không hiểu được gì qua câu chuyện của họ. Tiếng Nam lạ tai, khó nghe. Chú ý lắm tôi mới nghe và đoán mò được vài tiếng không đâu vào đâu. Xe chạy được một đoạn đường khá xa, ý chừng là sắp đến nơi, tôi bỗng hồi hộp vì sắp phải sử dụng tiếng địa phương của mình - cũng là một giọng nói khó nghe nhưng nhè nhẹ, để xin ngừng xe. Tôi nắm chặt thành xe, lấy lại bình tĩnh rồi quay người sang bà bên cạnh, chú ý dùng từ và nói thật chậm: “Chị ơi! Gọi giúp em. Cho em xuống Bệnh Viện Tâm Trí”. Bà ta la to át cả tiếng xe ngựa: “Ưở … Ưở … đâu ?”. “Dạ, Bệnh Viện Tâm Trí”. Rồi bà tiếp, vẫn giọng nói ồm ồm nghe lạ tại: “Nhà thương điên… hả?”. Tôi ngại ngùng gật đầu. Hai ba người trên xe nhìn tôi dò xét. Luống cuống không biết xuống xe ngựa bằng cách nào. Cao quá. Vừa mắc cở, vừa sợ té. Nhưng rồi tôi cũng xuống xe được. Mọi con mắt đổ dồn về phía tôi. Tôi biết chắc như thế nên vội kéo chiếc nón lá che nghiêng mặt bước đi…
Tôi thao thức không ngủ một phần vì lạ nhà, khung cảnh khác hẳn; phần không phải là ngôi nhà có vườn lá vàng ướt cuối mùa thấp thoáng dưới ánh trăng non; tự nhiên tôi buồn và nhớ Huế vô cùng. Cảm giác vừa buồn vừa lo lắng đan xen trong hồn. Tôi mơ màng tưởng tượng ngày mai khi tôi tiếp xúc với người có thẩm quyền giải quyết công tác cho tôi: Cô là ai? Tìm tôi có việc gì? Chuyển công tác hả? Về huyện. Huyện đó đang cần giáo viên… Trời ơi! Một huyện thật xa Thành phố Biên Hòa, cách Biên Hòa 80km, tôi làm sao đi được. Con tôi mới 2 tuổi … Tôi nhắm mắt cố dỗ giấc ngủ. Rồi tôi lại nghĩ đến lời nói của bạn tôi: “Có ai quen không?”… Sao lại phải quen thì mới được giải quyết đúng công việc và hợp lí, hợp tình? Tôi băn khoăn. Con tôi bỗng trở mình. Tôi đưa tay vuốt nhẹ những sợi tóc non tơ trên đầu con và đưa nó đi sâu vào giấc ngủ an bình. Riêng tôi, tôi vẫn ngụp lặn trong những suy nghĩ rối tung về buổi làm việc ngày mai …
Hôm sau khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, tôi đạp xe ra đi. Đường từ Bệnh Viện Tâm Trí ra phố khá xa. Từ từ đạp xe, tôi vừa đi vừa hỏi đường. Không khó khăn mấy để tôi tìm ra Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Cầm tờ quyết định trên tay, tôi ngập ngừng nói với anh bảo vệ: “Anh cho tôi vào gặp chú Tám Đô”. Anh bảo vệ mở to cặp mắt đen hơi xếch nhưng hiền hành có vẻ dò xét: “Chị gặp có việc gì?”. Ngại ngùng vì tiếng nói của mình, tôi không trả lời anh ta mà trao ngay tờ quyết định. Anh ta dịu giọng: “Chị đi thẳng, đến hành lang trình giấy tờ có người hướng dẫn tiếp”. Tôi rối rít cám ơn anh bảo vệ rồi rảo bước. Lần đầu tiên đến một cơ quan lớn, tôi hơi ngán và run run. Tiếp tôi ở bộ phận hướng dẫn là cô Ba. Tôi nghe những người chung quanh gọi như thế. Tôi rụt rè ngồi ở hàng ghế đầu chờ đợi và quan sát cô Ba. Cô Ba nhỏ người, nước da trắng hồng trong bộ đồ bà ba màu đen nên trông cô rất xinh. Qua cách tiếp dân cởi mở, hiền hậu, tôi yên tâm và tự nhiên thấy có cảm tình với cô Ba. Nhưng cô ấy không phải là cô Ba mà là Nguyễn Thị Hoàng Mai. Tấm bảng để ở bàn trước mặt cô Ba ghi như thế. “Chị cần gì?”. Tôi giật mình một thoáng rồi lại bình tĩnh: “Chị giúp cho tôi được gặp chú Tám Đô”. Cô Ba không trả lời mà mỉm cười. Nụ cười khó hiểu. Rồi cô Ba tiếp: “Chị người Huế?”. “Dạ”. “Tiếng chị nói nghe dễ thương quá!”. “Dạ”. “Chị nói nữa đi!”. “Dạ”. “Sao chị lại dạ?”. “Dạ …”. À thì ra tôi đã hiểu, nụ cười của cô chỉ vì tiếng Huế là lạ của tôi. Không làm khó dễ như nhiều người vẫn nói: Vào cửa quan… Cô Ba vui vẻ rời ghế dẫn tôi lên lầu đến phòng Tổ chức cán bộ. A, đây là chú Tám Đô, tôi reo nhỏ trong lòng, người mà giám đốc của chồng tôi bảo tôi đến gặp để lo thủ tục thuyên chuyển. Giao tôi cho chú Tám, cô Ba rút lui. Chú Tám dáng người khỏe khoắn, da ngăm đen, mặt phúc hậu. Tôi yên tâm. Rồi chú Tám mời tôi ngồi. “Cháu cần gì?”. “Dạ … thưa …”. Tôi lấy can đảm trình bày đầy đủ nội dung, nguyện vọng thật khúc chiết, mạch lạc và trao quyết định thuyên chuyển của tỉnh Bình Trị Thiên cho chú Tám. Sau một hồi nghiên cứu hồ sơ, chú Tám hỏi tôi, giọng rắn rỏi, dứt khoát và rất chuyên nghiệp: “Chồng làm bác sĩ ở Bệnh Viện Tâm Trí?”. “Dạ”. “Nhà ở đâu?”. “Dạ… ở Bệnh Viện Tâm Trí”. “Ở Huế sao vào tận đây công tác xa thế”. “Dạ, cháu theo chồng”. Chú Tám cười hiền lành, hồn hậu nhưng phảng phất nét uy quyền. Hỏi thăm thêm về hoàn cảnh gia đình của tôi, chú nói chắc nịch: “Thôi được rồi”. Tôi mừng, yên tâm và vui trong lòng. Chú Tám với tay lấy điện thoại bàn. Tôi lắng nghe cuộc điện đàm giữa hai người đàn ông: “A lô! Anh Vu... ô... ? Chào anh. Tôi khỏe. Có cô giáo ở Huế chuyển vào theo diện hợp lý hóa gia đình. Anh cho cô ấy về Biên Hòa nghe”. Không hiểu đầu dây bên kia nói gì mà chú Tám dặn dò thêm: “Cố gắng sắp xếp cho về Biên Hòa, con còn nhỏ”. Cuộc điện đàm chấm dứt. Gọn nhẹ. Quay sang tôi chú Tám nói: “Xong rồi, cháu sang Sở Giáo dục Đồng Nai, sát bên cơ quan này, tìm chú Vu… ô gì đó ở phòng Tổ chức cán bộ”. Tôi cám ơn chú Tám rồi vội vàng sang Sở Giáo dục. Không ngờ việc thuyên chuyển của tôi chóng vánh đến thế, ngoài sức tưởng tượng của tôi. May quá! Vậy mà lúc ra đi tôi cứ hồi hộp, lo âu trong lòng.

***

Trường tôi dạy là một ngôi trường nho nhỏ, xinh xinh, sau hai bờ ruộng xanh mướt, nằm xéo đối diện với BV.TT nơi tôi ở. Trường mới nhô cấp 2. Tôi vô cùng mãn nguyện. Con còn nhỏ nên được dạy ở thành phố mà trường lại gần nhà. Lạy trời! Thế mà tôi cứ tưởng. Tôi cứ tưởng… bởi trước khi rời Huế vào Đồng Nai, các bạn của tôi nói: “Vô đó có ai quen trên tỉnh, trên Sở Giáo dục không?”. “Không”. Tôi trả lời. “Không thì mệt đó nghe”. Nhưng mà thực tế bây giờ tôi có “mệt” chi mô.
Về nhà. Nghe tôi kể về cuộc tiếp xúc của tôi với ông Tám Đô, Trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh, chồng tôi xúc động. Cả hai vợ chồng tôi cùng ngưỡng mộ và cùng mang ơn. Một người dân Nam bộ lần đầu tiên tôi được gặp và đã nhiệt tình giúp đỡ tôi vô điều kiện. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình bằng một hành động nào đó cụ thể nhưng không thể. Một tuần lễ sau, Mẹ chồng tôi từ Huế vào. Bà mang nhiều quà đặc sản. Thức ăn quý giá nhất lúc này là mực khô, nem, chả Huế. Tôi ngỏ ý xin Mẹ một ít để biếu ông Tám Đô.
Trời nắng hanh. Vẫn cái nắng khó chịu cuối mùa ở một thành phố thuộc tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tôi đạp xe đạp đi lui đi tới hai ba lần trước một ngôi nhà nhỏ nằm trên đường Công Lý. Tôi ngừng xe, rụt rè thập thò trước cửa nhà. Chủ nhân mở cửa mời tôi vào nhà … Vào được nhà nhưng giọng nói của tôi bỗng lạc đi vì sợ. “Thưa chú …”. “Cô tìm ai?”. “Thưa chú … Chú không nhớ cháu?”. Nhận ra tiếng Huế nhỏ nhẹ, lạ tai, người đàn ông vui lên: “Chú đã nhớ ra rồi. Công việc yên ổn hả cháu?”. “Dạ”. Tôi nói thật nhỏ: “Thưa chú, vợ chồng cháu cảm ơn chú rất nhiều”. Người đàn ông dịu giọng: “Có gì đâu mà cháu phải bận lòng. Đó là nhiệm vụ mà chú phải làm”. Sau một lúc trả lời về những lời thăm hỏi của người đàn ông, tôi rụt rè lần giở trong giỏ xách lấy ra một gói quà nhỏ đặt lên bàn. “Thưa chú, gia đình cháu có chút quà nhỏ xin được biếu chú”. Người đàn ông mỉm cười, trầm tĩnh rồi gương mặt bỗng trở nên nghiêm nghị thay cho nét mặt tươi vui ban đầu. “Cháu cất gói quà đi. Chú không bao giờ được phép nhận. Cháu phải hiểu cho chú. Chú biết cháu muốn trả ơn. Muốn vậy thì cháu hãy công tác cho thật tốt, phải thương yêu, lo lắng nhiều cho học sinh …”. Người đàn ông nói nhiều lắm. Còn tôi ngồi chăm chú nghe, cố gắng hiểu cho ý của người đàn ông với giọng Nam bộ rắn chắc, sang sảng mà tôi đã mày mò tiếp xúc suốt cả tuần, qua đồng nghiệp và học sinh của mình. Không yên tâm nên tôi cứ chân thành năn nỉ mãi. Cuối cùng người đàn ông nhận một lọn nem nhỏ gọi là nhận. Còn mực khô, chả và những lọn nem còn lại, người đàn ông gửi lại cho tôi. Cảm kích trước tấm lòng của ông Tám Đô, người ơn của tôi, tôi xúc động cúi đầu đáp lễ và từ giã … Suốt trên đường về nhà, tôi cứ thắc mắc mãi: Sao mà cán bộ ở Đồng Nai tốt đến thế. Một cô giáo, một người dân bình thường như tôi, không gia đình cách mạng, không giàu có, lại được cấp trên đối xử tốt như thế. Đó là bài học về đạo đức đầu đời của tôi ở tuổi 26, sau năm năm làm nghề dạy học.

***

Mưa đổ ào ào, sân trường ngập nước. Cả một vùng nước trắng xóa, ngôi trường nho nhỏ lỏm thỏm ở giữa. Học trò và tôi dồn vào hành lang đứng nhìn. Trường không được sáng sủa, khang trang cho lắm nhưng tôi vẫn vui. Đồng nghiệp, học sinh chân chất, hiền lành. Bất chợt tôi nhớ đến anh Ba Thảo, Trưởng Phòng Giáo Dục Biên Hòa. Khi tiếp nhận tôi, anh nở nụ cười hiền hòa, thoải mái của người Nam bộ: “Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, thôi cho về T.H.Đ nghe”. Tôi tần ngần: “Dạ thưa … T.H.Đ có gần BV.TT không?”. Anh Ba ôn tồn: “Gần BV.TT thì có trường Cấp 2 Tân Tiến”. Tôi mừng rỡ : “Dạ, anh cho em về trường nớ”. Và trường cấp 2 Tân Tiến là ngôi trường mà tôi đang đứng ở đây dưới cơn mưa tầm tã, nước ngập trắng cả sân trường. Một chị đồng nghiệp đứng cạnh tôi kháo chuyện. Chị cười làm quen rồi hỏi nhỏ vẻ thân thiện:
- Ê, bồ chuyển từ ngoài Huế vào đây tốn bao nhiêu tiền?
- Chị ơi! Tốn ít thôi. Em chỉ chuyển một ít đồ đạc cần thiết theo xe. Giá cước cũng rẻ, không đến nỗi. Tôi thỏ thẻ.
Tự nhiên chị ấy cười thật to rồi lấy tay đập nhẹ vào vai tôi:
- Trời ơi, em ngây thơ quá. Nghĩa là chị muốn hỏi em phải tốn bao nhiêu tiền để được về thành phố và được dạy ở đây?
Tôi tròn mắt, ngớ người hiểu ra, kèm theo một chút hờn dỗi khi sự thật bị tung hê tàn nhẫn.
- A, chị nói chi lạ rứa. Em có tốn đồng nào cho ai mô?
- Thì chị chỉ hỏi vậy thôi. Chứ em không có quà cáp gì sao?
- Có chị ạ.
Mắt chị mở to, giọng nói hồ hởi:
- Đó thấy chưa ? Làm sao mà không có gì được.
Tôi dấm dúi trong lòng tìm cách giải thích:
- Chị ơi! Quà chỉ là tấm lòng của em. Một gói mực khô, một cây giò chả, hai chục nem chua. Đặc sản mẹ chồng em mang từ Huế vào. Nhưng chú ấy từ chối không nhận.
Chị giáo viên cười và có vẻ nhiều chuyện:
- Người ta chê đó em.
Tôi ấm ức. Tự nhiên giọng nói của tôi trở nên sắc và khó chịu:
- Không phải, chị đừng nghĩ xấu cho người ta. Em năn nỉ mãi, cuối cùng chú ấy chỉ nhận một lọn nem chua nhỏ. Số còn lại chú nói nhận, nhưng chú gửi cho con em.
Lúc này gương mặt chị ấy mới hết căng thẳng:
- Ừ hén, nếu chê thì người ta trả hết. Đây chỉ nhận một phần rất nhỏ gọi là để em yên tâm. Người ta cũng tốt quá em hén. Thế mà chị cứ tưởng…
Tôi bật cười trong lòng: “Tôi cứ tưởng …” rồi “chị cứ tưởng …” và “mọi người cứ tưởng…” để “nghi ngờ” về lòng tốt của người đời. Chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được lòng tốt ấy và nếu là người ở ngoài cuộc thì không nên vội vàng “tưởng” và “cứ tưởng” để rồi cuối cùng vào một lúc nào đó phải buộc miệng: “Thế mà tôi cứ tưởng …”.
Tôi nghĩ đời vốn đã đẹp, vẫn đẹp và trên đời này vẫn có nhiều những nét đẹp đáng trân trọng về tấm lòng, về đạo đức làm người như ông Tám Đô, anh Ba Thảo và còn, còn nhiều nữa …

***

Năm 1983 tôi được gặp lại ông Tám Đô ngay trong sân BV.TT, nơi tôi ở tập thể. Tôi ngờ ngợ nhìn ông, còn ông Tám thì không nhớ gì về tôi - người mà ông đã từng giúp đỡ: “… cố gắng sắp xếp cho về Biên Hòa vì con còn nhỏ”. Tôi xúc động thật sự khi nhìn ông Tám. Gương mặt ông có vẻ già đi so với trước nhưng nét hiền lành, thoải mái vẫn còn nguyên trên gương mặt có nước da ngâm đen của ông. Nhưng sao ông lại ở trong BV.TT? Tôi nhìn ông Tám tìm hiểu. Nhưng rồi tôi yên tâm ngay. Đến bên ông, Tôi nói: “Dạ thưa chú”. Ông Tám nhìn tôi nhạc nhiên: “Ai đây?”. “Dạ, cháu đây”. “Cháu là ai?”. Không trả lời ông Tám, tôi nói: “Chú vào BV.TT có việc gì?”. Bây giờ ông Tám mới bình tâm giải bày: “Cháu ơi, cả buổi sáng nay đến giờ chú năn nỉ mãi mà không được”. “Sao thế chú?”. “Chú có bà mẹ ở ngoài Trung bị bệnh tâm thần đã chuyển vào đây nhưng khác tuyến nên người ta không cho nhập viện. Tôi vồn vã: “Mời chú vào nhà cháu nghỉ một lát. Cháu sẽ gọi chồng cháu về tiếp chú và anh ấy sẽ cố gắng giúp chú”. Gương mặt ông Tám tươi tỉnh hẳn lên nhưng giọng nói thì lộ vẻ nghi ngờ: “Được không cháu? Chồng cháu làm chức gì trong bệnh viện này mà giúp được?”. Tôi cười, an ủi ông Tám: “Dạ chỉ là bác sĩ thôi, không có chức vụ gì cả nhưng chắc chắn anh ấy sẽ tìm cách giúp chú”. Thế là ông Tám yên tâm.
Chú cháu gặp nhau hàn huyên tâm sự. Tự nhiên ông Tám buột miệng: “Cháu à, quả đất tròn cháu nhỉ. Khi  giúp cháu, chú chỉ vì trách nhiệm của công việc chứ không nghĩ có ngày chú sẽ gặp lại cháu và nhờ cháu giúp trong tình huống vô cùng khó khăn này. Nếu bà mà không được nhập viện thì thật là nan giải. Trở về ngoài ấy, không có ai chăm sóc. Con cái đều ở xa cả. May quá cháu ơi!”. Tâm trạng vui mừng của ông Tám bây giờ giống như tâm trạng của tôi cách đây sáu năm - ngày đầu tiên tôi đến Đồng Nai nhận công tác. Ngày ấy tôi không biết gì về ông Tám Đô, về anh Ba Thảo nhưng trong tôi lúc ấy, đó là hình ảnh đẹp nhất đã tạo cho tôi niềm tin về con người, về cuộc đời và đó cũng chính là hành trang vào nghề của tôi - cái nghề trong sạch mà tôi đã tự chọn và yêu thích.

***

… Cô đang đứng ở đây dưới nắng hanh vàng mong tìm lại “dấu ấn” ngày xưa. Con đường Công Lý nay là Võ Thị Sáu đẹp đẽ, khang trang hơn xưa rất nhiều. Ngôi nhà của ông Tám Đô không còn nhưng cảm giác ấm áp của những ngày đầu đến Đồng Nai nhận công tác vẫn nồng ấm và quyện lấy hồn cô với hình ảnh đẹp của một người dân Nam bộ một thời mà lần đầu tiên cô được gặp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét