Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

GVĐN 03: Bài của PHẠM QUANG TRUNG

Phạm Quang Trung
(HV Hội Nhà văn VN tại Đà Lạt, Lâm Đồng)
Liệu đã đủ sức thuyết phục người đọc?

Cuộc Hội thảo Thơ Việt Nam hiện đại nhìn từ miền Trung do Hội Nhà văn tổ chức diễn ra trong hai ngày, kết thúc vào mồng 9 tháng 10 năm 2011 tại Thanh Hóa thì vào ngày hôm sau, 10 tháng 10, tôi được đọc bài KHÔNG THỂ CÓ THƠ HAY, NẾU KHÔNG CÓ SINH HOẠT THƠ LÀNH MẠNH của Nguyễn Hoàng Đức trên trang mạng lethieunhon.com. Bài viết gợi nhiều suy nghĩ trong tôi. Thuận chiều có, nhưng nhiều hơn là ngược chiều với tác giả. Định chỉ viết comment (bình luận ngắn) cho kịp thời, nhưng vì mấy lẽ sau khiến tôi thay đổi ý định ban đầu. Một là, anh Đức đặt ra một vấn đề văn học lớn với thái độ róng riết, tha thiết và nghiêm túc: “Câu chuyện làm sao để nền thơ của chúng ta hùng mạnh? làm sao để chúng ta có những bài thơ và nhà thơ đỉnh cao? phải nói tốn không biết bao nhiêu bút mực. Nhưng chúng ta có e ngại sự tốn kém đó không? Chắc là không!”. Hai là, anh lại là người rất ưa công khai và thẳng thắn: “Đề nghị báo Văn Nghệ hay tạp chí Văn Nghệ cho đăng nguyên văn những tham luận hay phát biểu…, sau đó cho mọi người phản biện, nếu có cái hay thì xin học tập phát huy, còn nếu là cái “nói dai, nói dài, nói dại” thì nói và nghe một lần cho đã, xong rồi thôi… chứ cứ tua đi tua lại làm sao có nền thơ tiến bộ được!”. Ba là, anh Đức có không ít fan hâm mộ, không chỉ riêng ở bài viết này thôi đâu. Như một bạn đọc đã không tiếc lời ngợi ca anh thế này: “Tôi rất thích những bài viết của nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức (trước đây cũng có rất nhiều bài viết hay trên Chungsta.com). Về cơ bản tôi đồng tình với cách đặt vấn đề và lập luận của tác giả ở bài viết này. Rất hay và sắc sảo”.

Cố nhiên, bài viết của Nguyễn Hoàng Đức có nhiều ý hay thể hiện qua cách nhìn và lối viết riêng ít nhiều cuốn hút. Chẳng hạn, những lời bàn về mối quan hệ giữa thơ với môi trường sinh hoạt thơ: “Muốn làm thơ hay, thì chúng ta không chỉ có mỗi một việc là viết thơ rồi ngâm vịnh, mà chúng ta phải sống thơ, hành động thơ, sinh hoạt thơ, văn hóa thơ”. Hay ý kiến về mối tương quan giữa đỉnh và nền trong sáng tạo nghệ thuật của một thời đại hay một dân tộc: “Làm sao để có tác phẩm đỉnh cao? Chắc chắn là phải có nền móng rộng thì mới có đỉnh núi cao. Đất nếu chỉ rộng bằng miệng thúng thì không cách gì có thể mọc lên một trái núi đùa giỡn cùng mây gió. Đây là tiêu chí chắc chắn nhất”. Rồi cả những quy luật của sáng tạo nghệ thuật đích thực nữa: “Cũng vậy, cho dù tượng trưng, siêu thực hay hậu hiện đại, thì người sáng tạo không phải lúc nào cũng nhằm nhằm đi trước hay đi theo nó, mà sáng tạo đích thực là cách người ta hòa đồng cùng nó, cái quan trọng hơn là người ta tạo ra tác phẩm chứ không phải là để tạo ra tên gọi trường phái này hay trường phái khác”. Thực ra, những chuyện đó người ta cũng đã bàn đây đó cả rồi, hay và thấm hơn nhiều kia, nhưng nhắc lại vẫn không thừa, nhất là với đông đảo công chúng yêu thích nghệ thuật trên mạng. Tuy nhiên, nhiều điểm khác, có cái thuộc về những yêu cầu tối thiểu khi dụng bút, lại có cái rất cơ bản và hệ trọng liên quan tới không chỉ tri thức mà cả tư tưởng trong bài viết lại rất cần được trao đổi lại, trao đổi thêm nhằm hướng tới chính mục đích tốt đẹp và đúng đắn mà Nguyễn Hoàng Đức hằng đeo đuổi: “Nhưng bàn về thơ như thế nào? Chúng ta cần phân biệt: bàn về thơ có trách nhiệm, có sở cứ; khác với bàn lung tung vô trách nhiệm bàn để trưng diện, khoe mẽ, làm sang, bàn để “được ăn, được nói’”. Chỉ xin anh hãy tuân thủ nguyên tắc chung trong tranh luận như đã được xác định đúng đắn trong bài viết rằng: “Người có văn hóa thì phải biết chấp nhận thước đo chung, khi ta chấp nhận thước đo giành cho người khác, đến lượt ta mới được đo bằng thước ấy. Đấy là một sinh hoạt lành mạnh, không à uôm, không tháu cáy, không cần gian…”.
Vâng, bây giờ tôi xin đi vào những nội dung chính cần trao đổi. Trước hết là cách thức lập luận quan hệ chặt chẽ đến phương pháp tư duy của tác giả. Nguyễn Hoàng Đức viết một đoạn văn thế này: “Sáng tạo thơ mà ngại bàn về thơ thì có khác gì ngành ca nhạc ngại hát hò múa may, ngành thể thao ngại chạy đua…”. Hình như phép so sánh để nhằm làm nổi bật bản chất của vấn đề ở đây chưa thật ổn. Người viết đang luận bàn về vai trò của thẩm định sau khi đã có sản phẩm (ở đây là thơ), sao lại nêu những biểu hiện của quá trình làm ra sản phẩm như việc “hát hò múa may” với “ngành ca nhạc”, hay việc “chạy đua” với “ngành thể thao” cho được. Như vậy có thể đánh giá là sai logic khi viết văn không? Hoặc như, đoạn văn dài sau: “Về trình độ văn hóa của văn nghệ sĩ Việt Nam ở mức lè tè thế này, một lần ngồi xem ti vi, nhìn cảnh các văn nghệ sĩ Việt mặc quần áo lôm côm, sắn áo dài tay, đi giầy thể thao… một anh bạn có nói, mọi người nhìn đi, những cầu thủ nước ngoài lên lĩnh giải thưởng, họ vận com lê đồng bộ đàng hoàng, vậy mà ở đây chúng ta toàn nghệ sĩ tên tuổi ‘nhớn’ lại ăn mặc ba vạ, lôm côm, tùy tiện như vậy, thử hỏi văn hóa của văn nghệ sĩ chúng ta ở mức nào?”. Tôi không hề coi nhẹ việc ăn vận, nhất là trong những lúc cần trang trọng như lên nhận phần thưởng, nhưng có nên quy kết nặng nề và quá đáng trong yêu cầu cao về phẩm cách “văn hóa” khi một ai đó còn chưa chú ý đúng mức để “sắn áo dài tay” hay “đi giầy thể thao” trong những trường hợp ấy không nhỉ? Tôi đồ rằng ở đây thước đo phẩm bình của Nguyễn Hoàng Đức chưa thật phù hợp cho lắm! Xin nêu một dẫn dụ nữa. Hãy nghe Nguyễn Hoàng Đức đưa ra phép đối sánh nhằm xem nhẹ yếu tố bẩm sinh và làm bật nổi vai trò quyết định của việc rèn luyện trong thành công nghệ thuật: “Chúng ta thử nhìn ra khắp thế giới, nước mênh mông vô tận thật là nhiều nhưng làm gì có giọt nước nào tự hóa rượu nếu không nhờ bàn tay tinh chế của con người?... Vậy nếu ta còn ít học thì hãy cố học nhiều lên, chứ đừng yên chí gối cao ngủ kỹ bằng một biện hộ phải có thiên bẩm mới thành tài, và hình như chính ta có thiên bẩm đó”. Giá anh gói gọn vào việc “tinh chế” nước lã thành rượu để bàn đâu là vai trò của “tiên thiên”, còn vai trò của “hậu thiên” đến mức nào thì mới có thể coi là đúng quỹ đạo cho được!
Thêm nữa, rộng hơn một chút, rất nhiều câu nói quan trọng có thể xem làm điểm tựa cho lập luận của bài viết đã không được tác giả nêu xuất xứ cho cụ thể và rõ ràng. Thật không giống với yêu cầu của Nguyễn Hoàng Đức đối với người khác: “Tất cả những người có học và tự hào mình là người có học thì như người Việt dạy đều phải ‘nói có sách mách có chứng’”. Mà không chỉ có một trường hợp thôi đâu. Có thể một phương ngôn phổ thông của phương Tây được nói hàng ngày như “luyện tập là bí quyết của thành công” thì không cần đến chú dẫn. Nhưng chẳng lẽ hàng loạt ý kiến sau của các nghệ sỹ dầu rất danh tiếng lại được dẫn ra một cách bâng quơ: “Nhạc sĩ thiên tài Schumann có nói: ‘Thiên tài chỉ là chút sắt gỉ, nếu không được tinh chế thì không thể thành dây cót đồng hồ’”; “Triết gia J. Sartre cho rằng: tất cả những người có tri thức cao đều có thể viết văn, chỉ có điều người ta làm nghề khác mà thôi”; “Chính văn hào Victor Hugo đã nói: ‘Thượng Đế làm ra nước, con người làm ra rượu’”. Và nữa: “Về việc này, mới đây có một nhà thơ bậc lão niên cho rằng: Người Việt chưa sẵn sàng đón đọc những tác phẩm hiện đại?”; “Và có những ý kiến phản biện rằng, chẳng qua nói bạn đọc Việt chưa đủ nhận thức hiện đại để đọc thơ Việt là để bao biện cho thứ thơ giả cầy hiện đại đọc không vào của mình”. Như đã thấy, toàn những ý tưởng lớn được tác giả xem làm xương cốt của luận điểm, lại không hề có xuất xứ đi kèm. Có nên đánh giá là thiếu khoa học không đây?
Còn có thể nêu ra nhiều dẫn chứng tương tự…           
Nhưng thôi, tôi xin đi vào vấn đề hệ trọng và thiết cốt hơn nhiều: sự lầm lẫn tai hại giữa hai khái niệm “tiếng nói” và “chữ viết” của một dân tộc. Điều này bộc lộ rõ rệt và tập trung trong đoạn văn Nguyễn Hoàng Đức đi sâu tìm nguyên do hạn chế tới thơ Việt trong ngôn ngữ. Anh có lý khi cho rằng: “Những người làm thơ xứ ta mang một vinh dự quá lớn vì nó đồng nghĩa với người có học và giới trí thức. Tại sao? Theo truyền thống Hán học ngày xưa, chỉ người có chữ mới múa bút viết câu đối hay tức cảnh sinh tình làm thơ. Vậy thì rõ ràng bây giờ ai làm được thơ, viết được văn thì là người có chữ”. Ngay sau đó, anh luận bàn về hạn chế của ngôn ngữ Việt Nam: “Nhưng do đặc điểm bình dân học vụ của tiếng Việt, chỉ sau vài năm tranh thủ học buổi tối, người Việt đã xóa mù gần 90%, đang chỉ vài phần trăm mù chữ hóa thành hơn 90% biết chữ. Tốc độ học chữ đó đã để lại một khoảng trống khổng lồ trong tâm thức của người Việt”. Tất nhiên, để thấy rõ khiếm khuyết đáng trách ấy, Nguyễn Hoàng Đức không quên đối chiếu tiếng Việt với các thứ tiếng châu Âu: “Chúng ta thử so sánh một chút với tiếng Nga có sáu cách ngữ pháp, tiếng Pháp chia động từ đặc biệt phải thuộc cả trang mà ngay cả các nhà văn lỗi lạc của họ khi chia động từ cũng phải tra sách, còn tiếng Latin có bảy cách…”. Nói một cách khác, theo tác giả: “Ngôn ngữ là trí tuệ! Trí tuệ là ngôn ngữ! Đấy là một đúc rút phổ quát bậc nhất của các nhà khoa học ngôn ngữ từ triết gia Platon trở đi. Và với một chữ nghĩa lỏng lẻo về cấu trúc, về các thành phần của câu nào tính từ, trạng từ, rồi chia động từ, chính thế đã tạo ra một thói quen, một tính cách, một phẩm chất khá hời hợt, dễ dãi, tùy tiện và buông thả, nhiều khi thiếu trách nhiệm của trí thức Việt”.
Chỉ tiếc là do sự hiểu biết của tác giả có vấn đề đã dẫn tới tình cảm đối với dân tộc còn có vấn đề lớn hơn: “Tiếng Việt ta do Alexandre de Rhodes chế tác bằng cách ghép những cấu tự Latin đơn giản nhất để truyền đạo cho dân ‘mọi’. Có chuyên gia đánh giá, người khôn học tiếng Việt thì mất 21 ngày, người ngu lòi tĩ học tiếng Việt mất khoảng ba tháng, có một bằng chứng phổ biến rằng tất cả các lớp một cho dù tận thâm sơn cùng cốc, sau một năm học, các em đều có thể cầm tờ báo đọc vèo vèo”. Trời ơi, sao một người tự nhận là có học, hơn thế một trí thức, như Nguyễn Hoàng Đức mà lại có những nhầm lẫn chết người đến thế! Xin thưa, ngay từ phổ thông, học sinh đã biết phân biệt giữa hai phạm trù ngôn ngữ cơ bản là “tiếng nói” và “chữ viết” rồi! Cái sau chỉ là phương thức, phương tiện biểu hiện của cái trước thôi. Đã thế thì tuyện nhiên không phải như tác giả nhận thức: “Tiếng Việt ta do Alexandre de Rhodes chế tác bằng cách ghép những cấu tự Latin đơn giản nhất để truyền đạo cho dân ‘mọi’”. Tôi đặc biệt không hài lòng về từ “mọi” được tác giả cố ý sử dụng ở đây; nó thể hiện tư tưởng tự ti đậm màu hậu thuộc địa thế nào ấy. Chẳng phải ngẫu nhiên, tác giả sau đó đã hạ bút viết những dòng này: “Và về hiện thực, nước ta còn hơn 80% tam nông, chúng ta chưa hề có nền tảng rồi thói quen rồi nhu cầu muốn tạo ra các loại trường phái trong sáng tạo”. Tôi không thể tán đồng với quan niệm của anh được: nó bị động, thực sự thiếu sinh lực và cả thiếu thực tế. Vậy nên tôi mới đưa ra phán xét: đó là một sự nhầm lẫn “tai hại”.
Đã thế thì lời khái quát cốt lõi sau của Nguyễn Hoàng Đức trở nên hoàn toàn chông chênh: “Như vậy, đặc điểm của dân trí Việt, trí thức Việt hay nhà thơ Việt nói chung có hai điểm chính: 1- Tiếng Việt là thứ chữ nghĩa dễ dãi; 2-Tiếng Việt học cấp tốc thời bình dân học vụ là một thứ “bánh xốp” nhiều bột nở gia tốc để lại vô vàn lỗ hổng…”. Hiển nhiên lời kết của bài viết cũng rơi vào tình cảnh tương tự: “Muốn trở thành nhà thơ lớn cũng như nền thơ lớn hiển nhiên chúng ta phải nhảy vọt qua 2 đặc điểm khiếm khuyết của ngôn ngữ tiếng Việt như đã trình bày ở trên”. Chẳng cần biện giải dài dòng gì cũng dễ nhận thấy những sự lầm lẫn trầm trọng của tác giả bài viết trên nhiều phương diện.
Tôi, anh Nguyễn Hoàng Đức và có lẽ hết thảy những ai quan tâm tới sự hưng thịnh của nền thi ca dân tộc chắc hiện vẫn còn băn khoăn trước một câu hỏi lớn: Thơ của chúng ta sao còn “làng nhàng, thiếu bứt phá, thiếu thăng hoa” mặc dầu “chúng ta có số đông người làm thơ bậc nhất thế giới?”. Mỗi người hãy đi tìm lời giải cho riêng mình. Chỉ mong Nguyễn Hoàng Đức hãy nhớ tới và làm theo ý hướng của chính anh toát lên qua đoạn văn sau: “Câu trả lời 99% là: vì sinh hoạt thơ của chúng ta quá nghiệp dư yếu ớt, thừa cãi vã lung tung vô sở cứ mà thiếu những ý kiến xác đáng nghiêm túc có trách nhiệm”. 
Thì ra, khoảng cách giữa nói và làm trong những trường hợp cụ thể mới khó vượt qua làm sao!
Đà Lạt, 11/10/2011
Nguồn: website pqtrung.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét