Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

GVĐN 02 - Truyện ngắn của Trần Thúc Hà

Trần Thúc Hà
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

Đồng nâu
Truyện ngắn

Khách sang đến nhà ông, sau khi ngắm nghía ngôi biệt thự thường trầm trồ cây cối trong khuôn viên có đến mấy trăm mét vuông quá tuyệt vời với những hàng cây thời thượng tỏa bóng sum suê, có màu xanh mướt vươn quá mái ngói tầng một, làm dịu mát cả khu vườn lẫn ngôi nhà dù trong những ngày nắng, nhiệt độ cao. Khách hỏi ông chắc cũng đến mươi lăm năm. Ông đáp, đâu có! Mới năm năm! Khách lại hỏi vậy khi trồng đã là những cây cao lớn rợp bóng? Ông cười, chỉ quá tầm đầu người! Khách tiếp, bí quyết gì để bắt chước?
Ông trả lời, chẳng bí, chẳng quyết gì hết! Nơi này đất tốt! Lại có vị khách dạo trên những con đường nhựa rộng cho hai làn xe xuôi ngược của khu nhà mới, toàn những biệt thự thì gật gật đầu phục ông ta là người đã ký cho Công ty Thịnh Hưng đầu tư hạ tầng để nơi đây trở thành một nơi vừa đẹp vừa sang trọng! Khách biết trước kia chỗ này có tên làng Đồng Nâu vì đất ở đây có màu nâu, thuần nông, đường làng chỉ rộng hơn chiếc chiếu, mùa mưa trâu dẫm lên như ruộng cày. Riêng ông, ông thật sự hài lòng với cơ ngơi của mình hiện tại: không bằng ai nhưng cũng không ai bằng mình! Ừ, mà bảy tám năm về trước thằng Thịnh Hưng không gợi ý thu hồi vùng đất này xây nên một khu biệt thự sinh thái rợp bóng cây xanh thì mình làm gì có được như vậy! Nhờ nó, nhiều người nhờ nó, mà nó cũng nhờ mình! Người ta nói tổ ấm là gia đình. Với ông, tổ ấm còn là ngôi nhà. Mà thực thế! Cứ sau một ngày làm việc căng thẳng, bước chân vào cổng là cảm nhận làn hơi mát mẻ từ đài phun nước trong hồ cảnh trước sảnh nhà, là đi dưới những hàng cây tỏa bóng thoáng làn gió nhẹ đưa hương hoa dìu dịu thì bao nhiêu mệt mỏi tiêu tan hết. Lại nghe con nhồng cất tiếng kính chào ông chủ, nghe con chim gáy cúc cù cù, rồi con xồm chạy ra xoắn xuýt mừng vui vậy là tâm trí không còn nhớ đến gì những bàn cãi, những bên trên không vừa lòng, bên dưới cứng đầu gây khó chịu. Thích thì dạo quanh vườn ngắm hoa, sai người giúp việc xới gốc tỉa cành. Không thì vào nhà, ngả người trên ghế tựa nhìn những bức tranh chép lại của các danh họa thời Phục hưng, mấy lọ sứ Giang Tây đời Minh cao quá đầu người rồi nhấm tí rượu tây, nghe đĩa ca sĩ Mỹ Linh, xem ti vi trình diễn thời trang, lim dim con mắt mà thư giãn tâm thần và phục hồi sức khỏe.
Tuy vậy, hôm nọ đến một nhà người bạn, nhìn lại thấy mình tuy có những hàng cây cau bành gốc người ôm không xuể, thân vút cao thẳng đứng uy nghi phô bày sự vững chãi cho ngôi nhà càng thêm bề thế, hay những cây long não, dạ hương, sa kê lá to tán rộng rợp bóng vẫn thấy có một cái gì đó còn thiếu vẻ mềm mại, chút lãng mạn nét đẹp sâu sắc mới được gọi là người biết chơi! Đó là những cây cảnh, những chậu bonsai. Hỏi bạn, bạn bảo về xã Vạn Xuân, một xã chỉ chuyên hai nghề trồng cây cảnh và đóng đồ gỗ cao cấp.
Chủ nhật. Ông cùng cậu lái xe đi mua cây cảnh. Xe qua một đoạn đường đất gần chục cây số thì đến Vạn Xuân. Ông bảo cậu  lái xe dạo quanh một vòng trong xã. Trước đây ông cũng nghe nói nhờ nghề thủ công mà xã này giàu có nhất vùng nhưng ông chưa bao giờ đến. Nhìn qua cửa kính, thấy đường sá rải nhựa trơn lì cho mọi loại xe ngược xuôi thông suốt, chẳng thua kém gì thành phố. Nhà toàn nhà xây một tầng có, hai tầng có, hiếm lắm mới thấy nhà cấp bốn. Tất cả đều có sân vườn rộng rãi, nơi làm xưởng cưa mộc, nơi cây cảnh choáng hết sân vườn. Ngày nghỉ nên không thấy nhộn nhịp người làm. Xe có đi qua một xóm nhỏ, nằm cạnh một rìa làng, nhà được cất hơi khác với đại đa số các nhà trong xã: nhà liền kề, cũng xây tầng nhưng không có vườn, từa tựa như phố thị. Thấy lạ, ông bảo cậu lái xe chạy chầm chậm. Cậu lái xe nói hẳn đây là những người sống nhàn nhã, không phải lo nghĩ đến công việc, miếng ăn… Ông cũng nghĩ thế.
Nắng. Mệt. Thấy bên vệ đường có quán giải khát lại chưng mấy chậu cây cảnh khá bắt mắt, ông bảo cậu lái dừng xe dưới cây xà cừ lớn đổ bóng che hết mặt đường, cách đấy một đoạn rồi vào quán. Uống chai bia lạnh, nhìn mấy chậu cảnh, ông gợi chuyện với bà chủ quán. Chủ quán nói, trong làng trồng cây cảnh vườn nào nhà nào cũng có cây cảnh quý. Nhưng nhà ông Đường có gốc Đại Lão Mai Vàng độc nhất vô nhị, cả trăm năm, lấy từ xứ lạnh trên núi cao Yên Tử nên vừa đẹp vừa có mùi hương thanh thoát; tiền tỷ mà chủ nhân không gật đầu! Nhà ông Hoàng có mấy chậu cây tùng cây bách thế Quần Thụ Tam Sơn, chưng loại ấy tam đại đồng đường phúc lộc ấm no. Nhà ông Dũng có chậu đại cảnh thế Long Bay, làm quan quyền chỉ có thăng chứ không có dừng lại… Các ông cần loại gì tôi đưa đến, khỏi phải mất công đi tìm kiếm. Tôi rành lắm! Tôi đã từng giúp nhiều người không nhầm lẫn tuổi tác cây nọ qua cây kia. Chỉ xin các ông cho tôi cốc nước. Nhận ra là cò, ông cười, cảm ơn, nói, biết thế chứ hôm nay chưa định mua. Chủ quán nguýt dài. Ông rút tờ bạc năm mươi nghìn với tiền bia dúi vào tay chủ quán cho xong chuyện. Ra khỏi quán, ông nói với lái xe đến nhà chủ tịch xã vừa được tiếng viếng thăm vừa khỏi nghe những lời mời mọc, cò mồi. Nhà chủ tịch xã cách đấy chỉ vài trăm bước. Chủ tịch xã đi vắng. Vợ chủ tịch xã đâu chừng hơn bốn mươi tuổi, ăn mặc xềnh xoàng, chẳng biết hai người là ai, hỏi, hai chú đến chơi, có việc gì? Ông đáp, có quen biết nên ghé vào thăm. Vợ chủ tịch xã đem nước mời khách, nói chủ tịch xã sang nhà ông bác bàn chuyện đám cưới cho cháu trai. Khách nhìn toàn bộ cơ ngơi của chủ tịch xã. Một ngôi nhà tầng cũng chỉ độ trăm hai mét vuông, dáng cũ kỹ. Nhưng bên cạnh là một xưởng mộc lớn, máy phay, máy bào, những sản phẩm bàn ghế cái hoàn thành, cái dở dang đều được bố trí sắp xếp một cách ngăn nắp, hợp lý. Không thấy ai làm việc, người lái xe hỏi, hôm nay thợ không làn hả? Vợ chủ tịch xã trả lời, ngày chủ nhật tất cả đều được nghỉ. - Nhà có mấy người làm? Ông hỏi. Vợ chủ tịch xã đáp, hơn hai mươi thợ. Ông hỏi tiếp, có xưởng nào trong xã đông hơn thế? Đáp, cũng có vài ba nhà! Ông khen, chủ tịch xã là người vừa tròn việc nước vừa giỏi làm ăn kinh tế, điều khiển cả một xưởng mộc lớn. Được khen, vợ chủ tịch xã bộc bạch, thằng con đi học kỹ thuật về, mở xưởng. Tiêu thụ hàng bán cho khách xa, nhưng chủ yếu nhờ chủ tịch xã quan hệ với nhiều cơ quan nên bán được nhiều mối, lại được giá. Đang tính kêu thêm thợ. Ông tiếp, xã này toàn nhà giàu, trong vùng không ai bì kịp! Vợ chủ tịch xã nói, vẻ tự hào, đó là người xã tôi, chứ cái xóm mấy nhà nơi khác mới đến thì cùng cực, miếng cơm không đủ no. Ông ngạc nhiên, đang định hỏi tiếp vì sao họ đói nghèo thì chủ tịch xã về. Thấy có khách lạ, chủ tịch xã dựng chiếc xe Dream trước sân rồi vội vã vào nhà. Chủ tịch xã tuổi năm mươi, mặt xương, to con, lanh lợi. Nhận ra khách là ai, chủ tịch xã cung kính nhưng khuôn mặt vồn vã tươi như hoa: Dạ thưa anh! Anh về mà không điện trước cho em. Ông nói, định đi mua ít cây cảnh, tiện ghé vào thăm cậu! - Chủ tịch xã tiếp lời - Vậy thì em dẫn anh đi đúng nơi, đúng giá. Em làm đồ mộc. Vừa rồi mua được súc gỗ lát hoa, em đóng một bộ xa lông kiểu mới, nhân thể em tặng anh làm kỷ niệm. Ồ! Cảm ơn nhiệt tình của cậu. Nhưng thú thực nhà mình chật hết rồi, khi nào sắp xếp có chỗ để mình đến xin cậu. Ông từ chối khéo cho khỏi mất lòng chủ tịch xã. Chủ tịch xã xoa xoa hai bàn tay giục vợ ra quán chuẩn bị cơm trưa. Vợ chủ tịch xã tròn xoe con mắt, biết khách quan trọng, cấp trên, sờ sợ vì trước đó mình đã đối xử với khách như những người thường.
Vừa cơm nước vừa chuyện trò. Ông tỏ ra thân mật, sáng nay mình đã dạo quanh một vòng trong xã, đúng là xã của cậu giàu, có đóng góp sự lãnh đạo của cậu. Chủ tịch xã đỡ lời, dạ, anh quá khen! Đó là nhờ sự chỉ đạo của cấp trên và công sức của toàn đảng ủy. Ông hỏi, người thu nhập thấp nhất trong xã là bao nhiêu mỗi tháng? Dạ thưa anh, bốn triệu rưỡi là kém nhất! Ông thốt lên, bốn triệu rưỡi là kém nhất! Ông im lặng nhíu đôi lông mày rậm trên khuôn mặt bành trắng trẻo, đôi má đầy đặn đã có dấu hiệu chảy sệ tỏ ra khó chịu làm cho chủ tịch xã lo lắng. Chủ tịch xã định và miếng cơm nhưng buông đũa. Ông gắp miếng thịt gà vào bát cho chủ tịch xã nói, ăn uống tự nhiên đi cho ngon miệng, rồi ông tiếp, mình hỏi thật cậu nhé, có người nói có một xóm đến bát cơm không đủ no thế là thế nào? Chủ tịch xã thở phào nhẹ nhỏm, dạ thưa anh, là thế này cái xóm mấy ngôi nhà liền kế, ở cuối xã, trong sổ bộ gọi là xóm Bảy, mới lập đâu chừng năm năm… Ông nói, sáng nay mình đã đi ngang qua đó, thấy cũng nhà tầng, nhà lầu có thua kém xóm thôn nào trong xã! Chủ tịch xã tiếp, cái vỏ bên ngoài ai nhìn thấy cũng nhầm tưởng khá giả, chứ bên trong trống rỗng, nghèo xơ xác, đến mức có gia đình ngày không đủ hai bữa cơm. Vậy họ không lao động hả, ông hỏi. Chủ tịch xã đáp, chúng tôi cũng mời họ đến xưởng mộc, vào giúp việc cho những nhà vườn nhưng người thì tay chân long ngóng, người ngoảnh mặt bỏ đi. - Họ ở đâu đến? - Dạ thưa! Họ ở Đồng Nâu. Ngày họ mới đến, họ giàu hơn chúng tôi. Họ mua đất. Họ ồ ạt xây nhà làm cho chúng tôi cũng phải nể. Hai ba năm sau có người phải đi ăn xin. Ông nói, điều lạ! Sao có sự thay đổi kỳ cục vậy! Mình phải đến xem sao. Chủ tịch xã tiếp lời, dạ! Mời anh nghỉ chốc lát rồi hẵng đi.
Không để chủ tịch xã cùng đi vì không tiện, ông với người lái xe đến đầu xóm Bảy. Ông chọn cái nhà có vẻ to nhất, đẹp nhất. Vào nhà, họ trông thấy hai ông bà già tuổi chừng sáu mươi; bà uể oải vét mấy thìa cơm còn lại trong cái xoong nhôm; ông thì ngán ngẩm húp bát canh rau. Chán chường, im lặng. Bắt chuyện. Ông hỏi, ngày trước hai bác ở đâu? Chủ nhà trả lời, ở làng Đồng Nâu. Ông tiếp, nghe nói hồi đó đất và ruộng dự án họ bồi thường nhiều lắm mà nhà ai cũng trở nên giàu có. Chủ nhà tiếp, phải! Không giàu có thì chúng tôi nông dân đời này qua đời nọ chỉ có hạt thóc nuôi miệng, gặp năm mất mùa đến giáp hạt có khi thiếu trước thiếu sau sao làm được nhà tầng! Rồi chủ nhà buông một tiếng thở dài, cũng vì sự giàu có mà chúng tôi đói, đói hơn cả những năm mất mùa! Chờ cho nỗi buồn lắng dịu, thấy khách chịu lắng nghe chủ nhà kể tiếp như trút cái vận không may của mình: năm đó trên có chủ trương thu hồi đất ruộng của làng tôi để mở rộng phố. Bà con hoang mang, ai cũng phản đối. Nông dân không có ruộng thì làm gì mà sống! Người ta gợi ý thời buổi hiện đại, tiến lên công nghiệp, trai trẻ có thể học nghề, chuyển thành công nhân, tương lai sáng sủa hơn. Ai không thích thì đi lập nghiệp nơi khác. Chuyện di chuyển nơi quê cha đất tổ là một việc khó khăn. Nhưng khi thấy chủ dự án đưa ra một con số đền bù thì ai cùng xiêu lòng: Với vài sào ruộng, ngôi nhà tranh, một mảnh vườn con bốn năm trăm mét gì đấy, nhà ít nhất cũng được ba trăm triệu, có nhà lên đến trăm sáu trăm triệu, như nhà tôi. Con số mà làng tôi không bao giờ tưởng tượng mình có được. Người ta tính toán xây ngôi nhà như nhà tôi cả đất chỉ đến hai trăm rưỡi triệu. Còn bao nhiêu đem gởi ngân hàng, lấy lãi, cả đời ăn không hết. Các ông biết cho. Nông dân mà. Cạn nghĩ! Lam lũ suốt đời thấy vậy thì ham. Người biết chữ thì ký, người không biết chữ điểm chỉ, nhận tiền. Làng tản mác đi khắp nơi. Mấy hộ chúng tôi không muốn con trâu, cái cày, dầm mưa dãi nắng nên rủ nhau về đây. Tôi xây xong ngôi nhà còn hơn ba trăm triệu. Chả nhẽ chỉ có ngôi nhà không! Rồi nào là ti vi, quạt máy, tủ lạnh sắm đủ cả cho bõ một đời nghèo khó, quê mùa. Con cái thì đứa nào cũng có xe máy, có điện thoại vi vu dạo phố cho bằng anh bằng em, mình thấy cũng sướng con mắt, mình cũng thoát được cảnh chân lấm tay bùn. Hơn nữa, cứ để cho con cái thoải mái một thời gian rồi tính đến chuyện nghề nghiệp làm ăn. Trước mắt các xưởng mộc, vườn cây cảnh vẫn gọi người làm công, kiếm cơm ngày hai buổi không khó. Tính vậy mà không được như vậy! Đã chơi thì phải có ăn. Ăn chơi rồi đâm ra quen nết, lười làm, lũ con chúng cứ bấu vào tiền tiết kiệm. Cha con bất hòa. Nói lắm chúng cũng đến xin việc phụ mấy xưởng mộc, nhưng chỉ được một hai hôm lại kêu gò bó, không quen tay. Chúng bảo ra thành phố kiếm việc. Nửa tháng sau, thấy chúng ló mặt về, không đồng hồ, không điện thoại, không xe máy. Nằm lì ở nhà, đòi xin tiền. Thương con, lâu lâu mẹ lại dúi cho một ít rồi lại ra đi. Bây giờ chúng lê la ở thành phố, nhưng không hiểu chúng làm gì để kiếm ngày hai bữa cơm. Còn lại hai thân già, đồng tiền ngày càng vơi dần, đi xuống, mất giá, mọi thứ từng ngày một, đi lên. Ngoảnh đi ngoảnh lại đồng tiền không có chân mà chạy đâu sạch! Ti vi tủ lạnh, trong nhà có thứ gì người ta mua được đều đem bán. Bây giờ thì trống trơn hết rồi. Nếu ở quê, có mảnh vườn trồng ngọn rau, thả con lợn cũng qua ngày tháng. Về nơi đây vợ chồng tôi có tuổi, không lao động nặng được. Nhìn ngôi nhà bên ngoài ai cũng tưởng chúng tôi sướng. Đang kêu bán nhà. Có người đến thấy tường nứt nẻ, nền lún sụt rồi bỏ đi. Mình cả đời biết xây nhà xây cửa là gì, giao cho thợ. Thợ bớt xén đủ thứ, làm dối mới ra nông nổi này. Người khác đến coi nhà thì nói chỉ tính miếng đất, ép, trả trăm rưỡi triệu, không bằng một phần năm giá cả hiện tại. Nhưng cũng không thấy quay trở lại. Có thấp giá hơn nữa chắc rồi cũng bán. Bán, kiếm chút tiền làm cái trại đâu đó chui rúc mưa nắng để đi chăn trâu thuê, hay ở đợ quét dọn nhà cửa cho người ta. Nay thiếu miếng ăn mới nhận ra tại mình. Đã làm nông dân đừng nghe ai nói ngon nói ngọt mà bỏ ruộng đồng. Nông dân không có ruộng đồng chẳng khác nào cá lìa khỏi nước, chỉ có chết. Hiểu được thì đã quá muộn! Chủ nhà ngậm đắng rồi im lặng. Người lái xe không muốn thủ trưởng của mình phải nghe thêm những chuyện không đáng nghe, có ý muốn thôi chuyện trò. Ông cũng thấy xốn xang, mình là kẻ có dính dáng chút ít trong chuyện này níu ông lại, ông hỏi, trong xóm có nhà nào gặp khó khăn hơn? Chủ nhà trả lời, nhà tôi còn may! Có nhà con gái đi làm điếm để nuôi miệng, có nhà con hút hít ma túy, đi lưu manh rồi vào trại cải tạo cai nghiện. Cách nhà tôi ba căn, cũng nhà tầng như tôi, hai ông bà già già hơn tôi ngày ngày phải đi ăn xin từ bà con cho đến người lạ để nuôi đứa con nằm bất động. - Bệnh hả? người lái xe chen vào. - Dạ không, chủ nhà tiếp, cũng mua đồng hồ, xe máy cho con vi vu như ai. Mấy tháng sau đèo bồ bịch, hứng chí lên lạng lách phóng bạt mạng, xe tông vào nhau, một đứa chết, một đứa chấn thương sọ não, sống mà như chết rồi! Cũng đang kêu bán nhà, chưa thấy ai đến! Chủ nhà mặt buồn thiu, nhìn khách vẻ cầu cứu, hẳn các ông đi nhiều, quen biết nhiều, nhờ mối lái chúng tôi cần bán nhà. Bán được nhà, chúng tôi không để các ông thiệt công đâu! Vâng, vâng! Chúng tôi sẽ cố gắng giúp các bác, người lái xe đáp.
Quay lại nhà chủ tịch xã. Chủ tịch xã hăng hái nói, bây giờ thì mời anh đi xem cây cảnh. Trước hết ta sẽ đến nhà có nhiều loại bon sai, cây thế đẹp nhất trong xã này. Ông đáp, trời nóng, mình hơi mệt. Thôi để một dịp khác. 
Trở về. Đã xế chiều mà nắng vẫn còn gắt. Khi quay lại con đường đất nhiều cơn gió thốc làm đất cát tung lên như trời sắp có gió chướng lớn, chiếc xe màu trắng nhuốm đầy bụi, xám ngoét. Người mệt mỏi. Khi bước xuống cổng nhà ông cảm thấy chếch choáng, đất như chao đảo… Ông vào nhà. Ông ngả lưng xuống ghế tựa nhắm mắt nhưng đầu óc không trở về được với trạng thái thư giãn như mọi hôm! Cái làng Đồng Nâu này, cái xóm Bảy nơi xã Vạn Xuân kia với những con người thiếu ăn cùng cực cứ ẩn hiện đâu đó trong ngôi biệt thự nơi có những bức tranh ưa thích, nơi có đủ mọi phương tiện sang trọng giàu có ám ảnh không cho ông nghỉ ngơi, mà cứ vang lên trong đầu óc ông: Các ông đi đây đi đó, biết nhiều, thấy ai hỏi mua nhà chỉ dùm cho. Chúng tôi bán được nhà, không để các ông thiệt đâu…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét