Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

GVĐN 05: BÀI CỦA BÙI CÔNG THUẤN

Bùi Công Thuấn
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

XUÂN NHÂM THÌN LẤP LÁNH NHỮNG NIỀM VUI

Ngày xuân, một cành mai, một tách trà và trò chuyện với nhà văn thì thật thú vị. Tôi vẫn gặp đâu đây khuôn mặt trầm tư của lão nhà văn Hoàng Văn Bổn mỗi khi ông đến trụ sở Hội. Dường như ông còn nhiều trăn trở với văn nghệ Đồng Nai. Còn nhà văn Lý Văn Sâm để lại trong tôi ấn tượng không phai về dáng thanh thoát và nụ cười hồn nhiên. Tôi vẫn nhớ như in Nguyễn Đức Thọ nhìn tôi bằng ánh mắt hiền lành và nụ cười lém lỉnh ngày tôi được kết nạp Hội VHNT Đồng Nai (1988)… Ngày xuân, xin chúc tất cả nhà văn Đồng Nai vui và hạnh phúc trong năm mới đầy nỗ lực sáng tạo.


***

Tôi nghiệm ra điều này, nhà văn Đồng Nai xưa vay vốn hiền, cái hiền minh triết như “triết lý người hiền” trong tập truyện Sương Sớm (đầu sách thứ 7) của Lê Đăng Kháng. Đọc tập truyện này, tôi có nhiều điều muốn viết để chia sẻ với anh, nhưng anh bảo, “tính tôi đơn giản, không thích báo chí ì xèo... với tôi, anh có nghĩ đến, là điều rất cám ơn. Song vì: Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn...”. Tôi thực sự ngạc nhiên về sự “ẩn dật” của LĐK. Một bài thơ để đời đã là quý, huống chi anh đã có 7 đầu sách cho đời. Nhà văn viết tác phẩm là để chia sẻ với bạn đọc những gì mình đã trải nghiệm. Bạn đọc là tri âm tri kỷ. Nguyễn Du ngày xưa từng tự hỏi chẳng biết sau ba trăm năm ai là người khóc thương mình. Nghĩ vậy, tôi đã đặt bút viết về Sương Sớm. Thú thực là tôi rất lo. Không biết có hiểu được tác giả hay không vì ngôn ngữ tác phẩm là ngôn ngữ ẩn mật. Khó tránh khỏi những ngộ nhận. Lê Đăng Kháng lại thẳng tính và chân thành. Con nhà lính đã từng đối mặt với tử sinh, biết đâu bài viết của tôi sẽ làm anh buồn lòng. Nhưng rất may, đọc bài tôi viết, anh bảo: “Lạy Chúa lòng lành cũng như Đức Phật từ bi cao cả. Ông đã nói hết ruột gan tôi về nội dung và bút pháp của Sương Sớm rồi không còn biết bổ sung chỗ nào nữa. Nói lại lần nữa, tôi rất thích bài này. Những lần trước cứ viết xong là tôi không có ý nghĩ phải viết giới thiệu ồn ào (có lẽ tính như thế). Lần này một lần nữa củng cố ý nghĩ là viết xong cũng cần phải giới thiệu, phân tích cho ra để anh em bạn bè để mắt đến tác phẩm của mình”. Ôi! tôi cảm thấy nhẹ người! Xin cám ơn nhà văn LĐK. Hiểu được thế giới nghệ thuật của nhà văn tôi thực sự hạnh phúc. Ánh mắt, nụ cười của Lê Đăng Kháng dường như rạng rỡ hơn ngày thường. Tôi mong anh sẽ có đầu sách thứ 8, thứ 9 cho đời.

***

Ở Đồng Nai, không chỉ có Lê Đăng Kháng mới sống và viết theo “triết lý người hiền”, mà Hoàng Ngọc Điệp (HNĐ) cũng là một ngòi bút hiền lành. Nhà văn chia sẻ với tôi điều này. Truyện của em nó hiền quá anh ạ. Cái tạng của em là như thế, em không viết những chuyện gay cấn bi kịch được, mặc dù những gì em chứng kiến không ít chuyện thương tâm. Đúng là như vậy. Chuyện của Hạnh (Nắng Sớm), Chuyện của Vĩnh và Thủy (Cù Lao), chuyện của K’Hưng và K’Liu (Vợ Chồng K’Liu), chuyện về số phận bi đát của người chị (Trái Tim Người Chị) là những câu chuyện ẩn chứa nhiều niềm vui và nước mắt. Cái hiền của ngòi bút Hoàng Ngọc Điệp không phải ở kỹ thuật viết mà xuất phát từ tấm lòng nhân hậu nhà văn dành cho nhân vật. Sống sâu nặng nghĩa tình với đời, HNĐ muốn nhân vật của mình vượt qua bi kịch, muốn nhân vật tìm thấy hạnh phúc, dù trong đời thường họ có thế nào. Thế mạnh của Hoàng Ngọc Điệp là bút ký. Bài viết nào của HNĐ cũng đầy ắp chất liệu, nghĩ suy sâu sắc và cách viết có duyên. Nồng Nàn Hương Bưởi, Lời Tự Tình Của Đất, Dời Đô và Tâm Tình Nghệ Sĩ..., Như Là Huyền Thoại,… là những bút ký khẳng định tên tuổi HNĐ. Có lần HNĐ báo tin vui với tôi: “Em báo tin vui cho anh: Hai bài bút ký của em gửi ở hai cuộc thi đều đạt giải nhì, không có giải nhất. Bài bút ký Như Là Huyện Thoại được xếp đầu tiên,… Như vậy là tuy giải không cao nhưng cũng gọi là có cố gắng phải không anh? Em còn đang muốn viết một bài ký để dự cuộc thi ĐN - HN - một ngàn năm văn hiến. Em không viết truyện ngắn nữa vì đó không phải là thế mạnh của em… Nói chuyện với HNĐ, tôi luôn bị lôi cuốn bởi sự say mê sáng tạo của nhà văn cùng với sự dấn thân không mệt mỏi vào các hoạt động xã hội. Tôi luôn tự hỏi, ngọn lửa say mê ấy của nhà văn bắt nguồn từ đâu.
Bởi có lần tôi đã thực sự “mất lửa”vì chán nản trước ngòi bút của mình. Trái tim tôi bỗng lạnh ngắt và trang giấy trước mặt là một khoảng trống hoang vu. Rất may, tôi đã được tiếp sức bởi ngọn lửa từ trái tim nhà văn. Khôi Vũ nghe tôi chia sẻ, anh đã chúc tôi mau vượt qua mùa đông giá lạnh. Nói cho thật đúng, nhìn Khôi Vũ say mê hoạt động văn chương, tôi được tiếp sức và học tập ở anh nhiều điều. Tôi tự hỏi, ở tuổi lên lão của anh, sao anh dồi dào sức lực làm việc và sáng tác như vậy. Tôi chưa tìm ra bí mật sáng tạo của KV, nhưng tôi tìm thấy niềm tin yêu cho ngòi bút của mình. Năm rồi, KV làm tổng tập độc bản của anh, gần 4000 trang A4. Anh cũng sưu tầm lại những truyện ngắn viết trước 1975 đăng báo nay đã thất lạc. Anh bảo, may quá vẫn có người còn giữ được và gửi tặng lại tác giả. Đọc lại những truyện ấy, KV cười rất tươi. Anh chia sẻ, mình không ngờ ở tuổi sinh viên lại có thể viết được như vậy. KV cũng cho in hai tập truyện ngắn thiếu nhi, Sao Chim Không Hót, Mơ làm Thủ Lĩnh. Anh còn có Chuyện kể của chú bé phiêu lưu khá đặc sắc. Truyện anh viết cho thiếu nhi rất dung dị nhưng hấp dẫn và giàu tính giáo dục. Tôi không hiểu anh đã “lăn lộn” với trẻ con đường phố thế nào mà có thể viết được những truyện vừa rất hiện thực, vừa rất mơ mộng như vậy.
Tôi có cảm giác rằng anh vẫn sung sức như thời trai trẻ. Lần đi Sing thứ nhất trong năm, anh “khoe”, mình viết được 9 cái truyện ngắn. Lúc về, xuống sân bay, một truyện được đăng báo, tiền nhuận bút đủ mua vé máy bay. Tuyệt vời! Là một nhà văn như anh, đi, trải nghiệm, sáng tác, và chia sẻ, thật thú vị. Tôi tưởng anh đi Sing là để du lịch, thăm cháu ngoại, và để nghỉ ngơi. Vậy mà anh lại gặt hái được trên cánh đồng văn chương nhiều hơn cả lúc ở nhà... Trước khi đi Sing lần 2, KV dành một tuần ở Đà Lạt để viết. Ấy là chưa kể mấy chục cuộc thi văn nghệ anh được mời làm giám khảo. Gần cuối năm anh lại lập một hattrick văn chương nữa. Thế giới văn chương mạng có thêm  trang blog Gác Văn Đồng Nai của KV. Đó là  một trang KV dành để đăng các tác phẩm của nhà văn Đồng Nai. Tôi biết hiện anh đang chăm sóc 2 trang blog khác. Hàng ngày anh phải cập nhật bài và trả lời bạn đọc. Giờ lại ra một “đặc san” văn chương nữa, không biết anh lấy đâu ra thời gian để làm việc. Tôi rất thích tờ “đặc san” này. Bởi tôi có nhiều cơ hội được tiếp cận với tác phẩm của bạn bè, và ngoài ra, đặc san còn nhiều chuyên mục đời sống văn chương và xã hội đọc rất thú vị được KV trình bày bắt mắt như báo in. Tôi tin rằng tờ “đặc san” này sẽ lan tỏa sức nóng từ ngòi bút Khôi Vũ đến nhiều ngòi bút khác. Và biết đâu, nó sẽ làm cháy lên những tài năng văn chương trẻ Đồng Nai như một thời anh làm tập san Dưới Mái Trường. Có lần anh chia sẻ với tôi, năm 2012 anh sẽ cho in một tập tiểu thuyết mà anh đầu tư đã ba năm. Chúc  KV dồi dào sức khỏe để thực hiện những dự định văn chương của mình.
Thực ra không chỉ nhà văn Khôi Vũ lập hattrick trong hoạt động văn chương, mà nhiều nhà văn Đồng Nai cũng tham gia tích cực các trại viết. Đó là trại viết về Tam Nông, trại viết về Chất độc màu da cam - Nỗi đau còn lại sau cuộc chiến, trại về Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Trần Thúc Hà có Thế À, Nỗi đau này cho đến bao giờ và Chuyện chúng tôi; Xuân Bảo có Bác và trăng, Mưa nhân tạo và Di Họa Khôn Lường; Đào Sỹ Quang có Mối tình Da cam-Dôxin, Nổi dậy sau chuyến đi, Niềm vui của một già làng, Bác Hồ sống mãi trong trái tim tôi, Cái tâm của một bí thư chi bộ khu phố. Nguyễn Phương Liễu có Má Mai OK, Tam nông thời @, Lời nói dối chân thật và Da cam-Điôxin - vết thương chưa lành từ một cuộc chiến. Trần Thu Hằng có Câu chuyện của chiếc vali da, Vườn trong thành phố, Đêm Trắng. Nguyễn Quốc Hoàn có Lấy máu mình vẽ chân dung Bác Hồ, Đất chẳng phụ người, Ước mơ của chú bé tật nguyền, Tàn mà không phế. Đào Trọng Thử có Tôi làm nông, Bầu Nùng,Vào Đảng để làm gì, Người treo nhiều ảnh Bác Hồ. Đặng Minh Hân có Chất độc Da cam, nỗi đau còn lại sau cuộc chiến (phóng sự ảnh), Đôi điều suy nghĩ về cuốn”Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”, cùng với tác phẩm của các tác giả Đàm Chu Văn, Lê Thanh Xuân, Huyền Tùng, Tiêu Thanh Giang, Tấn Hoài, Phạm Quang Hợp, Nguyễn Thu Giang, Ngô Thị Mỹ Hường, Dương Thị Thu Hường, Nguyễn Thị Oanh, Bùi Kim Chi,… Tôi lấy làm tiếc là chưa ghi nhận được đầy đủ những nỗ lực sáng tạo của nhà thơ, nhà văn Đồng Nai, nhưng qua những gương mặt tiêu biểu trên, bạn đọc có thể thấy hoạt động rất tích cực của ban Văn Học Hội VHNT Đồng Nai trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, trong cố gắng tạo điều kiện cho hội viên sáng tác. Tôi cầu chúc các nhà văn Đồng Nai sẽ có một mùa bội thu trong năm 2012, năm con rồng, rồng gặp mây.
Nếu có điều còn băn khoăn thì ấy là, văn chương Đồng Nai năm 2011 chưa có tác phẩm bứt phá về nghệ thuật, chưa xông vào những vùng “nóng” của hiện thực. Ngòi bút của nhiều nhà văn vẫn theo quán tính của phương pháp Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa những năm kháng chiến. Văn chương Đồng Nai chưa tạo được sự chú ý của bạn đọc cả nước. Nói vậy để thấy văn chương Đồng Nai vẫn giữ “truyền thống” hiền lành nhân hậu của mình, dù khi phải đối mặt với những vấn đề gay gắt của Tam Nông (Bàu Nùng - Đào Trọng Thử) hay của nỗi đau chất độc Dacam (Di họa khôn lường -Xuân Bảo). Đòn Gió của Dương Thị Thu Hường có thế mạnh viết về đời sống công nhân hiện nay với bao nhiêu điều bức xúc, rất tiếc là ngôn ngữ văn chương của Dương Thị Thu Hường chưa được chọn lọc, và vì thế tính nghệ thuật của tác phẩm bị hạn chế.
Hai nhà văn mà lúc nào tôi gặp cũng nhận được sự sôi nổi trong phong cách sống và ý tưởng sáng tạo là nhà văn Nguyễn Một và nhà văn Phạm Thanh Quang. Nhà văn Nguyễn Một tuy rất bận công việc của công ty, song anh nói năm 2012 sẽ in một cuốn tiểu thuyết nữa, còn Phạm Thanh Quang thì bật mí, anh sẽ in Cỏ Tình. Tôi đã may mắn đọc được bản thảo của cuốn tiểu thuyết này. PTQ vẫn giữ nguyên giọng văn con nhà lính, ào ạt, sôi nổi và bộc trực. Anh kể lại cuộc sống lao động, chiến đấu và những sinh hoạt đời thường ở xã Cao Lâm trong kháng chiến chống Mỹ. Nơi ấy, tất cả trai tráng đều vào Nam chiến đấu. Nhiều người đã hy sinh. Phụ nữ đảm trách việc sản xuất, bắn máy bay và nuôi con. Nơi ấy, bao nhiêu khát vọng của cuộc sống dồn nén con người, xô dạt những số phận, rất nhiều đau thương và cũng không ít những nhếch nhác xô bồ. Nhưng nơi ấy, cái tình của nhà văn dành cho đất và người quê hương thật sâu nặng. Chất liệu hiện thực đầy ắp cùng với cách viết pha chất hài dân gian tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm. Văn chương Đồng Nai còn nhiều hy vọng ở hai tác giả này, bởi hai cây bút này có khả năng xâm nhập sâu vào đời sống để soi tỏ những góc khuất và những khía cạnh gai góc của nó, và cả những vùng “nhạy cảm” nữa.
Dự Hội Nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, Đồng Nai có 2 đại biểu: Đào Nguyên Thảo (thơ) và Phạm Thanh Vân (văn xuôi và thơ). Tôi không thấy hai tác giả trẻ này xuất hiện trong các diễn đàn của hội nghị, cũng chưa thấy họ ghi được dấu ấn của mình trên các diễn đàn trong những năm qua. Thơ Đào Nguyên Thảo là thơ tự tình, giàu chất suy tư về một tình yêu đã mất, chỉ còn lại bóng dáng những ngày yêu thương và nỗi cô đơn (*). Cảm xúc thơ trói buộc trong nỗi niềm của cái tôi. Truyện của Đào Nguyên Thảo cũng diễn đạt nhưng tâm tình ấy (Hoàng Hôn Muộn), cốt truyện đơn giản, kỹ thuật viết không mới. Dù sao thời gian còn dài trước mặt, và tôi hy vọng như Đào Nguyên Thảo đã viết: “Tôi gieo hạt trên cánh đồng thơ… để gặt về nhiều điều hơn một niềm vui mỏng mảnh cho riêng mình... Tôi sẽ gieo hạt, tôi ước mình sẽ giặt về những yêu thương xanh biếc… (Cánh đồng thơ cho những chiều lộng gió...).
Về tác giả trẻ Đồng Nai, cuối năm 2011 có một tin vui vui. Nhà văn Khôi Vũ cho biết, tác giả Hạnh Vân đang được giới văn chương trong nước chú ý qua truyện Quán Ven Sông in trên Văn Nghệ (số 44, ngày 29, 30/10/2011) và chùm thơ vừa in trên Văn Nghệ Trẻ ( số 51, ngày 17,18/12/2011) có lời bình của nhà thơ Văn Công Hùng. Trước đó, Văn Nghệ Trẻ số 48 (ngày 26,27/11/2011) đã đăng thơ Hạnh Vân. Năm 2009, trong chương trình Thơ của đài PTTH Đồng Nai do Hạ Thi phụ trách, tôi cũng đã có dịp bình bài thơ Nụ Cười Sen Thơm của Hạnh Vân.
Tôi lại nghiệm ra điều này, những trại sáng tác Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu mà Hội VHNT Đồng Nai  đã tổ chức cho nhà văn trong năm qua thực sự bổ ích. Nó tách nhà văn ra khỏi những vướng víu đời thường để chuyên tâm hoàn thành bản thảo. Nó cũng là dịp nhà văn tiếp lửa cho nhau những khi mùa đông nguội lạnh của ngòi bút chợt đến, và biết đâu những cọ sát làm tóe lửa những bước đường đi tới của nhà văn. Được sống bên nhau, dù ngắn ngủi, được chia sẻ những nỗi niềm mà ngày thường ít có dịp tỏ bày, được bạn bè tin cẩn trao gửi những thông điệp không nói ra trong tác phẩm,… những gặp gỡ như thế luôn đem lại hạnh phúc cho người cầm bút, để khi họ ngồi vào bàn viết, một thế giới hân hoan bao bọc lấy tâm hồn họ, và chắc chắn bạn đọc sẽ được đọc những tác phẩm hay, đầy ắp tin yêu…
Viết những dòng này, tôi lại ao ước được gặp bạn văn ở một nơi mà trời đất mênh mang, với nắng gió, cát mịn và sóng biển, nơi ấy mặc sức cho nhà văn vẫy vùng với thế giới nghệ thuật của mình…
Mùa Xuân Nhâm Thìn 2012
__________________________________________________
(*) Thơ Đào Nguyên Thảo: Tin vào điều có thật, Những cánh đồng hoa trắng, có những con đường, Hẹn gặp lại anh, Gieo, Em trả cho đời sự dịu dàng thẳm sâu

4 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Người Giữ Gác ơi, hãy xóa ngay còm của Bui Nguyen Mai vì không có nội dung xây dựng. Người này đang lợi dụng diễn đàn để chửi bới cá nhân mà đây đâu phải tinh thần đàm đạo văn chương thanh lịch của gác văn đồng nai.

    Trả lờiXóa
  4. Đồng ý với bạn là còm của Bui Nguyen Mai mang tính cá nhân nên NGG đã xóa. Cảm ơn bạn đã góp ý. Lần sau bạn cứ minh danh nhé.

    Trả lờiXóa