Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

GVĐN 05: BÀI CỦA CÙ THỊ THANH HUYỀN

Cù Thị Thanh Huyền
(TP HCM)

Thương lấy đồng quê

Em ra trường đã mấy tháng, chạy nhiều nơi mà chưa xin được việc. Đọc thư em, tôi như hình dung ra khóe mắt rưng rưng sau từng con chữ: “Cô ơi! Chẳng lẽ ba mẹ em, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tích cóp nuôi em ăn học, mong em thoát khỏi kiếp chân lấm tay bùn, mà rồi, sau 3 năm đèn sách ở thành phố lớn nhất nước, em lại phải quay về với ruộng đất sao cô?”.

Câu hỏi của em làm tôi nghẹn lời…
Vì tôi cũng ngày ngày cày trên bàn giấy, cắm mặt vào laptop. Mỗi ngày, nhìn qua khung của sổ đầy nắng, cái nắng rát của mùa khô Nam bộ, tôi cũng ngại phải bước chân ra ngoài… và thấy thương những lưng áo không kịp ướt dưới ánh mặt trời, thương những làn da đen xạm với nét cười khắc khổ…

Một thời công nghiệp là chuẩn mực...
Em lớn lên đúng vào cái giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ. Người ta mơ chung một giấc mơ  về một nền công nghiệp hiện đại, tiên tiến. Ở đó, tỷ lệ cư dân đô thị phải cao, tỷ lệ công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế phải cao.
Thế nên, quê em cũng có nhiều cụm công nghiệp lớn nhỏ, những khu quy hoạch công nghiệp hình thành từ khi em còn là cô bé lần đầu được quàng khăn đỏ, đến khi em trưởng thành cầm đơn đi xin việc, nó vẫn còn trống không.
Nhưng từ khi người ta san ủi cái khu công nghiệp ở quê em ấy, ba mẹ em đã thôi ý định truyền nghề nông cho em để một mai em cai quản ruộng vườn, trang trại. Họ đã bắt đầu mơ giấc mơ, em, cô con gái yêu của họ, sẽ có một chỗ trong cái đô thị mới kia và trong cái khu công nghiệp, được quảng cáo là sẽ rất hiện đại kia.
Cũng có khi ruộng đất của gia đình em cũng đã bị chia sẻ cho công nghiệp. Có đúng vậy không nhỉ?
Chắc em cũng có biết, hơn chục năm nay, hàng triệu thanh niên nam nữ đã đổ ra thành thị, đã di chuyển từ miền Bắc, miền Trung vào các tỉnh phía Nam, bổ sung vào đội quân cổ xanh cổ cồn…
Nhà trọ chen chúc nhau mọc lên. Một vòng khép kín hình thành: đi làm - tăng ca - ngủ trong những ô vuông nóng nực, ẩm thấp - và đồng lương vừa đủ tồn tại…
Những đứa con được sinh ra trong những khu nhà trọ chật chội và thường là được gửi về đồng quê cho ông bà…
Nhưng 3 năm nay rồi, người ta đã dừng lại, để tự trả lời câu hỏi, vì sao mình lại bỏ chốn chôn nhau, bỏ lũy tre làng, bỏ anh em cha mẹ, bỏ cả khung trời thanh thản để chen nhau về thành phố, nơi rồi cũng chỉ đủ ngày 3 bữa và trả cho một chỗ ngủ hàng đêm? Nhưng, cay đắng là, nhiều thanh niên, sau khi từ giã giấc mơ đô thị và công nghiệp, thì phải tập để yêu lại ruộng vườn, cày cuốc. Vì họ cũng như em và tôi, lỡ xa tình yêu đó lâu quá rồi.

Đi đâu rồi cũng…
Chị chồng tôi, một người rặt nông thôn “bị” ra thành phố. Chị loay hoay với những bức tường và vài khoảnh đất khô cằn kẹt giữa những tòa nhà cao tầng. Chị cố trồng vài thứ nhưng nó không chịu lên. Ngày kia tôi thấy chị kiếm đâu được một ít lá keo và bã cà phê. Chị ủ trong một ô đất chưa đầy một mét vuông. Ít  tuần sau, một khoảng xanh của rau muống, rau cải vươn lên. Rồi có cả một dây gấc leo lên mái nhà. Và cứ thế chị tìm đất trồng keo. Lấy keo bồi bổ đất…
Sau giờ làm việc, chị “kiếm” rau xanh cho đại gia đình tôi bằng cách thủ công như vậy. Cả nhà hạnh phúc vì được ăn những sản phẩm sạch của chị, trên đất trống đô thị, những khoảnh đất người giàu mua để đấy... chơi!
Mới đây, sau khi làn sóng di dân về đô thị làm công nghiệp trở nên trầm lắng, công nhân “hồi hương ngày càng nhiều”, một đôi vợ chồng trẻ đi tìm mua đất vườn ở vùng sâu của huyện Long Khánh, Đồng Nai. Mô hình ban đầu sẽ là, chồng quản lý vườn, vợ đi làm ở một khu công nghiệp gần nhà thêm một thời gian. Khi vườn cho thu nhập ổn định, họ sẽ thu về một mối. Đôi vợ chồng ấy vốn sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo phía Bắc, nên tình yêu ruộng vườn chưa bị lấn át. Họ mua được một khu vườn với giá rất rẻ, vì chủ của nó cũng chạy ra thành phố rồi. Và cả năm nay, họ đang hạnh phúc với mảnh đất của riêng mình, mảnh đất có sẵn những nọc tiêu trưởng thành, dù ở hơi xa trung tâm. Họ đang học cách chăm vườn của người Nam bộ một cách đầy hứng khởi.
Em có biết, thế giới đã bắt đầu thiếu thực phẩm và ngày càng thiếu? Em có biết nông nghiệp gồm cà phê, cao su, lúa gạo, cá tôm đã cứu chúng ta trong những lúc khó khăn không?

Và câu hỏi chính tôi…
Các em bây giờ đều có điện thoại di động, thậm chí một người có vài cái. Các em có máy tính, laptop, Ipad. Các em sử dụng nó rất thạo và có thể say sưa cả ngày với nó. Nhưng các em đã quên cách gieo một chậu cải mầm. Hay các em chưa hề biết gieo nó.
Ước mơ có được một công việc đúng chuyên ngành đào tạo của em là chính đáng. Không ai có quyền ngăn em thực hiện ước mơ của mình. Nhưng em có biết, có biết bao nhiêu người lao vào thị trường truyền thông đang cạnh tranh khốc liệt hiện nay? Người ta vẫn còn ảo tưởng về nó, như khi xưa mơ về công nghiệp và đô thị.
Tôi không phải đi cày dưới nắng. Tôi không trải qua nỗi đau đớn của những mùa lúa chín rục trong nước lũ. Tôi không thấu hiểu khoảnh khắc phải cày lật những luống rau tươi tốt xuống làm phân. Tôi không biết đến nỗi ray rứt của những vụ cà phê được mùa mà giá rớt thê thảm… Vì thế, tôi không trả lời được câu hỏi của em. Dù rằng, hàng ngày tôi đều ăn những hạt ngọc mà ba mẹ em còng lưng làm ra. Dù rằng mỗi bữa tôi vẫn rón rén nhấm nháp những đọt rau mua ngoài chợ và thầm ước, giá mà biết chắc nó là sạch, thì đắt gấp mười, gấp trăm, vẫn vui vẻ mua ăn cho thật đã thèm…
Tôi thương các em, một thế hệ có vẻ như không được truyền cho tình yêu với đất đai - vườn ruộng. Thậm chí, các em còn cảm thấy sợ nó, muốn xa lánh nó. Và tôi đang thương chính tôi, vì tôi cũng đã rời xa tình yêu ấy lâu lắm rồi.
Trước khi trả lời câu hỏi của em, tôi đang hỏi chính tôi, liệu tôi có quay về được nữa không, về với chốn đồng quê yên bình, nơi khởi nguồn và hàng ngày vun đắp cho cuộc sống của tất cả chúng ta, đặc biệt là cư dân đô thị và lao động công nghiệp? Và làm sao, để tôi và em và thế hệ sau nữa, không còn đau khổ với nỗi niềm “phải” quay về với đồng quê… @

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét