Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

GVĐN 05: TRUYỆN NGẮN CỦA HOÀNG THÁI SƠN

Hoàng Thái Sơn
(HV Hội Nhà văn VN tại Quảng Bình)

Cái chết của một tiền đạo
Truyện ngắn

Người quê tôi vui mừng khôn xiết trước sự kiện khánh thành sân vận động Mỹ Tú trên một vạn chỗ ngồi với trận bóng đá giữa đội tuyển thành phố và đội SK.Đất Cảng, hai kẻ đang kình địch nhau vị trí thứ ba giải nhất quốc gia. Không khí ăn thua nóng dần lên từ các khán đài và trên sân cỏ, báo hiệu trận đấu sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ một trận giao hữu. Tiếng trống, tiếng loa, tiếng hò hét hòa trong màu cờ và băng-rôn rực rỡ, phấp phới khắp nơi. Không còn chỗ trống nào, trừ chiếc ghế bên cạnh tôi.

Chẳng hiểu sao Quân chưa tới. Hay cậu ta đùa? Tôi lo lắng, bồn chồn thực sự, và dù giữa đông người, tôi vẫn thấy lạnh gáy. Đêm qua, tôi nằm mơ gặp lại Quân đã chết cách nay non nửa thế kỉ với áo bộ binh bạc màu, dép cao su… Quân bảo tôi  mai có trận bóng đá rất đáng xem, thế nào cũng phải xoay lấy một cặp vé, rồi hai đứa cùng đi xem với nhau! Tôi không tính đi xem, vì bận công chuyện, nên cả sáng nay đã phải lùng vé chợ đen để có cặp vé vào sân. Bây giờ chẳng thấy Quân đâu cả.
Trận giao hữu giữa đội tuyển thành phố và đội SK.Đất Cảng bắt đầu khi nào, tôi không rõ, mơ màng một chút đã thấy mấy phút trôi qua. Đội SK.Đất cảng thình lình xâm nhập khu cấm địa đội nhà, một cú sút như trái phá, quả bóng đập xà ngang, dội ra, thật nguy nan. Tôi dướn người theo, hồi hộp, lo lắng như bao nhiêu người khác. Đến khi quay lại, thì đã thấy Quân một bên, cậu ta cũng rướn người lên, hò hét như ai. Liếc mắt nhìn lại, đúng thằng Quân. Hắn đến từ bao giờ, từ đâu lại, và bằng con đường nào? Tôi đã suy nghĩ cả đêm thức trắng, dặn lòng đừng sợ hãi khi gặp Quân. Chính thế nên tôi không run, chỉ tim đập mạnh một khắc, rồi qua ngay. Tôi mỉm cười, bắt tay thằng bạn nối khố đã hi sinh trong chiến tranh, giờ hiện về ngồi một bên mình xem bóng đá. Quân vẫn bộ quân phục cũ kĩ ngày nào, và vẫn như xưa, trẻ trung, sôi nổi bên cạnh tôi tóc bạc lươm nhươm, mặt mũi nhăn nheo ở cái tuổi sắp sửa lục tuần.
Chúng tôi không nói gì với nhau, và thú thực ngồi bên Quân, hình như tôi cũng không còn là mình xưa nay nữa, một ma lực nào đó nhập vào khiến mình mất hẳn mọi cảm giác của một người bình thường. Tôi quan sát xung quanh, và thêm tự tin, bởi trong nhận biết của mọi người, cái gã mang áo lính kia cũng không khác ai, họ không hề biết đó là con người của một thời đã vào dĩ vãng, rằng ngồi bên họ, là một kẻ tái thế từ chốn âm ti về đây.
Nguyễn Bình Quân học với tôi từ nhỏ đến năm lớp Mười, nay là Mười hai, thì nhập ngũ. Hắn đá bóng rất giỏi, rất mê quả bóng tròn. Có  thầy giáo Văn bảo “Câu văn của thằng Quân loằng ngoằng như đường ban vậy”.  Quân nằm trong đội trẻ của thành phố, nhiều lần thi đấu với vị trí tiền đạo, sắc sảo, nhanh nhẹn. Trong những ngày đánh giặc gian khổ, hắn hay nói chỉ mong hòa bình, để được đá bóng. Hắn tin thế nào cũng sẽ có ngày xỏ giày ra sân, sẽ tung hoành ngang dọc với chiếc áo số 10, là chiếc áo hắn hay mặc lúc lâm trận…
Nhưng Quân đã hi sinh trong một trận chiến, với vị trí một pháo thủ cao xạ. Quân hi sinh ngay trên mảnh đất quê hương, đáng nói hơn nữa là ngay trên mảnh đất giờ đây là cái sân vận động hiện đại vào diện bậc nhất các địa phương. Trận đánh vô cùng ác liệt, bom vùi cả khẩu đội, trong đó có hai chiến sĩ không còn tìm thấy xác, Quân là một. Hình như hai người bị vùi quá sâu vào lòng đất ở một nơi không còn nhận ra địa hình nữa!
Quân nằm nơi đâu trên ba chục năm nay mà giờ đây, vì ham mê bóng đá, mới hiện về thế? Gia đình, đơn vị, bạn bè cầu xin bao nhiêu lần, Quân vẫn im ắng giấu mình, thế mà nay xuất hiện rất lạ kì. Không rõ Quân có báo cho ai ngày tái sinh ngoài tôi nữa không? Hình như không, bởi hắn đang bên tôi, hiện hữu bằng vóc người cao ráo, săn chắc, mồm nói, tay chỉ, lúc bật hẳn dậy theo một đường bóng, lúc lại tiếc nuối đập hai bàn tay vào nhau… Tôi mắt theo dõi đường ban, nhưng hồn vía lúc càng nghiêng về thằng bạn một thời đang ngồi bên cạnh như trong mơ.
Đội nhà tràn lên tấn công. Tiền đạo đội nhà, một “ngoại binh” da mầu to con nhận được đường chuyền của đồng đội nhưng rồi lúng túng trước cầu môn đội bạn. Anh ta tỏ ra nặng nề để hậu vệ đối phương vượt qua, đá tung quả bóng ra khỏi đường biên dọc cứu nguy cho khung thành. Khắp các khán đài bùng lên những lời tiếc nuối và những câu tục tằn chê trách.
- Trời ơi! Cái thằng cha chậm như rùa! - Quân chồm lên, gầm gừ - Thằng cha người xứ nào nhỉ? Có phải dân tỉnh ta đâu?
 Tôi đã phải vừa xem vừa giải thích cho Quân rõ nãy giờ về đám cầu thủ nước ngoài đá thuê cho các câu lạc bộ, là điều Quân rất ngạc nhiên, bởi làm sao đội nọ đội kia của chúng ta mà lại có bọn người ngoại quốc cao lênh khênh, da trắng, da màu, tóc vàng, tóc đỏ rất lạ lùng! Mà ít đâu, mỗi đội có tới ba “ngoại binh” được ra sân, họ khỏe, tốc độ, càn lướt tốt, cầu thủ ta thấp bé nhẹ cân có khi bị họ bỏ lại đằng sau hoặc làm cho ngã lăn quay…
- Đội tuyển quốc gia đã có một vài cầu thủ nhập tịch tham gia rồi, tới đây sẽ ngày càng nhiều thêm - Tôi nói.
- Vậy là sẽ thành đội bóng của một “hợp chủng quốc”! - Quân càu nhàu.
Kết thúc bốn lăm phút hiệp một, hai bên chưa ai ghi được bàn thắng. Mọi người nhốn nháo đi lại, chuyện trò, đã thấy có tiếng to, chắc lại cổ động viên hai bên đấu khẩu với nhau. Tôi và Quân ngồi yên vị, gọi nước uống. Quân lúng túng không mở được chai nước lọc, thời xưa có nước lọc đâu mà biết.
- Vì sao lại đi thuê bọn ngoại quốc đá bóng? Ta thiếu gì người tài! - Quân thắc mắc - Tao không hiểu.
Tôi biết sẽ phải đứng trước những câu hỏi lạ lùng, không giống ai của thằng bạn, và chắc chắn càng giải thích, hắn càng thắc mắc. Tôi nói cho Quân rõ về những khái niệm  như thế giới phẳng, hội nhập, rồi trái đất là mái nhà chung, con người là “công dân toàn cầu”… là những thứ thời đánh giặc chưa hề biết tới. Hắn ngồi như phỗng đá, mồm há ra, mắt không chớp; nhưng kết thúc với một cú lắc đầu:
- Không hiểu nổi! Tao không thích thế này!
Tôi biết Quân sẽ phản ứng, đó là lẽ thường, khi trong hắn còn nguyên chất lính những năm hi sinh gian khổ giành độc lập đất nước. Thời bấy giờ, ai mà nghĩ tới thời cuộc sau sẽ thế nào. Và chính tôi, dẫu sống đến hôm nay, thú thật vẫn chưa thoát khỏi nghĩ suy một thời, điều này đồng nghĩa với việc  mình đã đứng bên lề đời từ lâu, khó hòa nhập nổi, bị thời mới bỏ lại bên đường đi tới!...Tuy thế, so với Quân, tôi vẫn chưa phải mù tịt. Quân là quá khứ, là dĩ vãng trăm phần, là chiếc chìa khóa cũ kĩ không mở được vào cánh cửa hôm nay!
- Này! - Quân chậm rãi nói - Tao nhớ hình như tao đã gặp cái thằng tiền đạo ngoại quốc đội tuyển của ta đâu rồi. Tao đã nhìn vào mắt nó, lâu rồi.
- Mày nhầm. Thằng ấy mới sang Việt Nam mấy năm nay, vậy gặp ở đâu?
- Không! Gặp rồi. Có thể nhìn tao, nó nhận ra.
Tôi nói cho Quân biết thằng ấy là Marino, và đã nhập tịch Việt Nam, tên là Lê Văn Ma, còn lấy vợ Việt Nam nữa kia. Hắn rồi sẽ được hưởng mọi quyền công dân như chúng ta, như mày với tao! Nghe thế, Quân cau mày, bởi Quân đâu còn được làm người ngót bốn chục năm nay! Tôi lỡ lời vì xúc phạm Quân, chạm vào nỗi đau của hắn, nỗi đau của người đã nằm ngoài mọi buồn vui của cộng đồng con dân đất Việt!...
Quân càng ngạc nhiên hơn trước những thông tin trên. Hắn vung tay nói to những câu giận dỗi trước những bất bình cuộc đời mang lại, rằng vì sao như thế được? Không thể có chuyện vô lí đến thế…
- Mày không hiểu. Mày không thể hiểu những đổi thay trên cõi đời này.
- Nhưng đổi gì cũng khó tin có chuyện những anh mắt xanh mũi lõ lại thành người Việt Nam!
Tôi nói:
- Đừng ngạc nhiên. Nên nhớ có chừng ba triệu người Việt Nam hiện sinh sống ở nước ngoài, và đa phần đã mang quốc tịch nước ngoài. Vạn vật luôn biến đổi. Ngày nay cả nhân loại phải cố kết để tồn tại trước những hiểm họa khôn lường; độc lập dân tộc là chân lí bất di bất dịch nhưng không thể không hòa nhập, xưa ta hiểu máy móc quá…
Quân lại gân cổ lên. Tôi không cãi nữa, cãi gì với một kẻ như Quân. Tội nghiệp, hắn lạc điệu hoàn toàn với thế giới này, hắn đúng là từ một hành tinh chưa phát hiện rơi xuống trái đất này…
- Cái vị trí của thằng Ma đúng ra là tao! Đá như thế mà đá! Tao mà ra sân, thì đội nhà đã có bàn thắng rồi! Dở ẹc! Vì sao người ta không cho tao ra sân?!
Trận đấu tiếp tục, rồi kết thúc với thắng lợi 2 – 0 thuộc về đội bạn, cả hai bàn thắng đều do công của các “ngoại binh”. Mọi người ra về trong giận dữ, đây đó còn nghe tiếng chửi đội nhà non kém, bọn đá thuê ăn lương cao, mà đá tồi…
Tôi đứng lại với Quân một lúc, chưa gặp tình thế nầy bao giờ, biết tính sao? Quân ngơ ngác đưa mắt nhìn khắp nơi, cuối cùng quay lại với tôi:
- Tao sẽ đến chỗ đội tuyển của thành phố. Tại sao tao không được ra sân? Tao sẽ trở lại với đội tuyển. Tao sẽ thay vị trí của gã tây đen dở òm kia! Cái áo số 10 phải tao mang…
Dòng người chen lấn qua chỗ chúng tôi. Và trong một khắc, Quân đã biến đâu mất.
Thời hội nhập thật lắm những buồn vui không đoán được!

***

Tối lại, tôi đang ăn cơm, thì nghe tin vừa có một vụ tai nạn giao thông ngay trước sở Thể thao thành phố. Người ta đồn rầm lên, rằng có một anh bộ đội hình như không biết gì về luật giao thông, cứ tự nhiên chạy ngang đường rồi bước qua giới hạn đèn đỏ mà đi. Mấy cái xe đi đầu đã nhanh chân tránh được anh, nhưng một chiếc xe con sang trọng của một gã trai đã đâm vào anh nọ trong tiếng chửi tục tằn! 
Anh bộ đội ngã sóng soài trên mặt đường, còn thằng nọ, một thằng tóc tai nhuộm vàng cứ thế phóng xe đi, coi như không có gì xảy ra! Anh bộ đội tắt thở trên đường đi cấp cứu!
- Mà lạ, anh bộ đội này có lẽ là một diễn viên đang tham gia đóng phim về chiến tranh hay sao ấy, bởi áo quần, trang bị như thời đánh Mỹ với dép cao su, áo Tô Châu nhầu nhĩ… - Một người từng trải nói.
- Đôi dép của chú ấy dính bùn non nhoe nhoét. Người ta ném vô sọt rác rồi!
Mọi người kháo nhau, bảo trong người anh không có giấy tờ tùy thân nào, như CMND chẳng hạn, chỉ thấy trong túi áo có một cái lược duya-ra hình chiếc máy bay, là thứ chỉ thấy trong bảo tàng… Lạ thế chứ. Anh đi một mình, không bạn bè, hình như anh lạc từ đâu tới hoặc đã cả trăm năm sống cô độc giữa rừng sâu với khuôn mặt ngơ ngác, mồ hôi đầm đìa...
Tôi ngồi nghe, lòng nặng trĩu. Chắc hẳn đó chính là Nguyễn Bình Quân của tôi, một kẻ cô đơn lạc loài giữa thiên hạ hôm nay. Chia tay tôi, Quân đi đâu? Còn đi đâu nữa. Hắn định đến sở Thể thao để trình bày nguyện vọng được tham gia đội bóng đá của thành phố. Hắn mong được trở lại vị trí tiền vệ mà chiến tranh đã vĩnh viễn lôi ra khỏi đội hình suốt bốn chục năm nay. Hắn định xứng đáng thay chân Marino, trong khi gã “ngoại binh” đã thay chân hắn một cách lúng túng. Niềm ước mơ của bạn tôi thật đẹp, nhưng hỡi ôi!...
Tôi lôi điện thoại di động ra, lần tìm số máy của Quân, họa may thằng bạn đang còn. Nhấp nhoáng hiển thị bao con chữ, bao dãy số, nhưng tuyệt nhiên không có thông tin của Quân. Tôi sực tỉnh, nhớ ra là Quân không có trong thế giới ảo, không như chúng ta vừa thực vừa hư một cách rất đáng ghét. Hắn chân thực hơn chúng ta, hắn sống vào thời rõ ràng xấu tốt không trộn lẫn, không giấu mặt!
Tôi gạt nước mắt, mang áo, dắt xe ra đường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét