Hạnh Vân
(HV Hội VHNT Đồng Nai)
Trăng xưa
Truyện ngắn
Chuông cửa reo khi chị còn đang loay hoay trong bếp, không lẽ hôm nay anh về sớm? Chị tất tả chạy lên, thì ra là nhân viên đến ghi số điện. Thở phào, chị muốn chuẩn bị bữa tối thật chu đáo trước khi anh về, chị muốn dành một bất ngờ nho nhỏ cho anh, dẫu biết rằng anh cũng không mấy chờ đợi sự lãng mạn ngẫu hứng từ chị…
Anh chị cùng làm chung ở công ty cũ, quen biết nhau đã lâu nhưng yêu nhau chỉ được vài tháng thì tổ chức đám cưới. Mà chị cũng không chắc vài tháng đó có phải là thời gian yêu nhau không nữa. Chị thuộc týp người lãng mạn, trước khi nhận lời yêu anh, chị đã trải qua vài ba mối tình, mối tình nào ban đầu cũng đẹp đẽ, thơ mộng cùng với những vần thơ đầy xúc cảm mà chị tập tành sáng tác, nắn nót ghi vào sổ tay. Nhưng chỉ được một thời gian, khi đối tượng của chị gần hơn, thật hơn, chị lại thấy nhàn nhạt, thường thường, lại tìm cách rút khỏi cuộc phiêu lưu tình cảm mà mình vừa mới hăm hở bước chân vào. Mẹ chị cằn nhằn, kén cá chọn canh cho cố thế nào cũng gặp phải người chẳng ra sao. Chị giả lơ, mình có đẹp đẽ gì đâu mà kén với chả chọn, tại cái duyên, cái số chưa tới thôi mà.
Thế rồi duyên số đến vào lúc chị cũng không ngờ. Chị gặp lại anh trong lần đi dự sinh nhật nhỏ bạn ở công ty cũ, ngạc nhiên khi biết anh vẫn chưa lập gia đình. Ngày trước, chị vẫn thường được nghe mọi người kháo chuyện anh nặng tình với một cô gái đã theo chồng sang Úc, lúc đó chị nghĩ nặng tình mấy thì cũng vài tháng, hoặc vài năm là cùng. Đàn ông mà, có chàng tháng trước bộ dạng còn thất tha thất thểu nói không thể xa chị, tháng sau chị đã thấy chàng tươi hơn hớn tay trong tay với một cô gái khác. Hai chữ “nặng tình” nghe cứ mơ hồ, như thể nó thuộc về một thế hệ nào xa lắm… Hôm ấy, chị uống hơi nhiều, nói cười hơi nhiều, lại còn táo bạo trêu chọc anh, người mà trước đây khi còn làm chung chị rất ít khi trò chuyện, bởi anh thuộc lớp đàn anh, bởi anh thực tế, nguyên tắc và rất kiệm lời…
Sau bữa tiệc, anh đưa chị về vì chị đã chuếnh choáng say. Dọc đường anh cằn nhằn, con gái gì mà uống bia như uống nước ngọt, uống vào nói năng lung tung chẳng đâu vào đâu. Không hiểu sao chị nghe mấy lời cằn nhằn mà cứ cười toe toét, chẳng thấy tự ái chút nào, cứ như đang nghe mẹ càu nhàu chuyện cái phòng sao mà bừa bộn, nghe ba cự nự con gái gì mà đi về không có giờ giấc… Cái cảm giác thân thuộc bắt đầu từ đó, rồi chỉ sáu tháng sau, một đám cưới nho nhỏ được tổ chức. Mẹ chị rối bời, nắm chặt tay anh, “con bé trông lớn xác chứ còn trẻ con và bốc đồng lắm, con ráng… chịu đựng nghen!”
Vậy là tới nay, theo như lời mẹ thì anh đã “chịu đựng” chị được tròn năm năm rồi. Năm năm, cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhưng chị cảm nhận được sự bình yên trong căn nhà nhỏ. Một thằng nhóc con nghịch ngợm ra đời giúp ngôi nhà có nhiều tiếng cười hơn, giúp anh ít đi sớm về khuya hơn trước và giúp chị có đối tượng để… đổ thừa cho những lúc căn nhà bừa bộn… Thú thật, chị hơi sợ chồng, mặc dù anh chẳng bao giờ nặng nhẹ chuyện nhà cửa, cơm nước. Tính chị đểnh đoảng, nếu hôm nào chị cố gắng nấu một bữa cơm thiệt tươm tất thì thế nào căn bếp cũng vung vãi, lộn xộn; còn nếu chị vừa nấu cơm vừa dọn rửa thì thế nào cũng có món bị cháy, khét hoặc sống, sượng. Nhiều lúc thấy anh đi làm về chưa kịp tắm rửa đã lao vào lau dọn căn bếp, hay lúc anh vội vã ủi cái áo nhàu nhĩ để kịp đi làm, chị lại ân hận vì mình đã không chu đáo hơn... Hôm nay, chị quyết định gửi cu Bin sang nhà chị chồng, cố gắng hoàn thành tất cả mọi việc một cách tươm tất trước khi anh về…
Mà lẽ ra giờ này anh phải về đến nhà rồi chứ?! Chị xem đồng hồ và bắt đầu dọn bữa, bàn ăn toàn những món anh thích. Chị nhìn quanh, mọi thứ dường như đã ổn. À, mà còn thiếu một bình hoa tươi, hoặc cây nến thơm cho không gian thêm lãng mạn, sao lúc chiều mình không nghĩ ra nhỉ... Mà cũng không sao, màu mè quá có khi anh lại cho là cải lương, là sến ấy chứ. Chị soi gương trang điểm lại một chút, chị vốn không khéo léo lắm trong việc làm đẹp nên mỹ phẩm chị sắm cũng ít ỏi, chỉ hộp kem, hộp phấn, thỏi son cho gương mặt không quá nhợt nhạt. Mà nếu có nhiều mỹ phẩm, đồ trang sức hay dụng cụ trang điểm thì chắc chị cũng sẽ cất lung tung đâu đó trong các góc tủ, các ngăn kéo rồi quên bẳng đi mất. Cho đến nay, chị vẫn chưa từng có một chiếc bàn phấn, một góc trang điểm riêng cho mình. Ngày chưa lấy chồng, chị sống trong căn nhà chật chội, ba mẹ chị lại thuộc lớp người bảo thủ, không ưa những cô gái mắt xanh mỏ đỏ, hễ ra đường là bôi bôi, trét trét. Ngày ấy xem phim, thấy các cô gái, hay quý bà ngồi trước bàn phấn trông thiệt kiều diễm, chị nghĩ mai mốt lấy chồng nhất định cũng phải có một chiếc bàn phấn như thế. Vậy mà đã năm năm rồi chị vẫn chưa nghĩ đến việc thực hiện mơ ước nho nhỏ ấy, bởi anh chị đã phải gồng mình lắm mới có thể mua được miếng đất, cất được một căn nhà nhỏ, mua sắm được các trang thiết bị cần thiết trong gia đình. Năm năm không phải là thời gian dài, trong đám bạn bè, những đứa phải tự lập như anh chị tới nay vẫn còn lận đận chuyện nhà cửa, vẫn long đong thay đổi chỗ trọ như cơm bữa đấy thôi. Chị cũng không dám tiêu xài phung phí, bởi chị biết anh còn gánh nặng những đứa em đang ăn học, biết anh cố gắng lắm mới bảo đảm được cuộc sống gia đình ổn định như hôm nay.
Chị lại xem đồng hồ, lạ thiệt, từ khi có cu Bin đến giờ, anh rất ít khi về trễ. Những khi bận công việc đột xuất, anh đều gọi điện về nhà, sao hôm nay… Chị nhấc điện thoại gọi cho anh, một khoảng lặng im… rồi tiếng từ tổng đài “Số điện thoại quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin…”, chị dập máy, mở tung cửa sổ cho gió mát ùa vào, xua cái lo lắng vô hình đang len lỏi vào lòng chị. Một vùng ánh sáng dịu dàng bỗng mở ra trước mắt, mặt trăng tròn vành vạch đang lững lờ trôi trên nền trời bàng bạc. Chị bỗng nhớ tới đêm tân hôn năm năm trước.
Đêm ấy, trăng cũng sáng như đêm nay, chị với tâm trạng rối bời, vừa hoang mang, vừa ngượng ngùng trong phòng khách sạn chỉ có hai người. Sáu tháng tìm hiểu, chị dường như chưa kịp tìm thấy những xúc cảm yêu đương, nên đêm tân hôn chị ngại đến không dám nhìn anh. Hơi lạnh phả ra từ cái máy đang chạy rù rì trên tường khiến máu trong người chị như đông lại. Chị mở cửa bước ra ban công, giả bộ thơ thẩn ngắm ánh trăng sáng vằng vặc, anh bước theo đứng bên cạnh, kiên nhẫn suốt hai giờ đồng hồ lắng nghe chị huyên thuyên những chuyện trên trời dưới đất… Khi chị đã cạn đề tài, lúng túng như cô học trò nhỏ chưa thuộc bài, anh ấp bàn tay lạnh ngắt của chị vào trong bàn tay to bè, thô ráp nhưng rất ấm của mình. Và nhìn sâu vào mắt chị, chị như tan ra trong cái nhìn sâu thẳm ấy…
Nghe tiếng xe máy xa xa, chị thấp thỏm nhón người ra nhìn, không phải anh, cái lo lắng mơ hồ lại vờn quanh chị. Chị bấm điện thoại gọi cho anh lần nữa, vẫn không liên lạc được. Chị bấm số gọi cho nhỏ bạn, nay vẫn làm cùng công ty anh, giọng nhỏ lanh lảnh trong điện thoại “Ổng về lâu rồi mà… Sao?... Chưa tới nhà hả?... Thôi đi bà, lo gì cho mệt xác, chắc bù khú đâu đó rồi”.
Chị bắt đầu lo lắng thực sự, anh không phải người hay đàn đúm nhậu nhẹt sau giờ làm, càng không phải người ham vui đến quên gọi điện cho vợ con. Chị bồn chồn, nhấp nhổm, không dám nghĩ đến một tai nạn nhưng cái hình ảnh đáng sợ ấy cứ lởn vởn trong đầu. Cầu mong đó chỉ là một va quẹt nhẹ, người không sao nhưng xe hỏng, anh phải tấp vào đâu đó để sửa chữa…
Nhưng sao anh lại tắt cả điện thoại? Không lẽ anh sợ chị nghe cái âm thanh gì đó nơi anh đang có mặt? Nơi đó là nơi nào? Chị cố xua đi cái hình ảnh méo mó vừa le lói trong đầu. Không! Chị biết anh là người nghiêm túc, là người nặng tình nặng nghĩa, trước khi đến với chị, anh đã đóng cửa lòng gần chục năm trời khi mối tình đầu tan vỡ đó thôi!
Chị bỗng lạnh người. Nhớ hôm rồi đám giỗ má chồng, trong bữa cơm gia đình, chị Hai vui chuyện kể:
- Hôm trước đi chùa tao gặp con Hà, bồ cũ anh Ba bay đó, lấy chồng giàu nên giờ nó vẫn trẻ đẹp! Ngặt nỗi chưa có con, về nước lần này nó đi các chùa, khấn vái khắp nơi chỉ mong kiếm được thằng cu…
Anh cười cười:
- Cần gì khấn vái, gặp em một lần thôi là có thằng cu liền chứ gì!
Lúc ấy, chị chỉ lườm anh một cái, rồi quên bẳng, biết anh đùa tếu táo cho vui chớ nếu thiệt có ý gì ai lại nói ra tỉnh rụi như thế bao giờ.
Vậy mà lúc này mồ hôi bắt đầu rịn ra lấm tấm trên trán. Chị lập cập bấm số máy chị Hai. Nghe tiếng a lô khàn khàn ở đầu dây bên kia, chị bỗng lúng túng, không biết nói gì... Ba má chồng mất sớm, chị Hai lâu nay vẫn ở vậy lo cho các em, dựng vợ gả chồng cho đứa nào, chị Hai cũng nhắc phải theo gương vợ chồng anh Ba bay mà sống cho hạnh phúc, giờ không dưng đi hỏi thăm người tình cũ của anh thì chị Hai sẽ nghĩ sao…
Ấp úng mãi, chị mới a lô đáp trả, nghe tiếng chị hai cười xòa:
- Tưởng ai, bữa nay bay bày đặt khách sáo nữa… Thằng Bin ngủ rồi, yên tâm đi, nó không đòi mẹ đâu mà lo!
Chị thẫn thờ gác máy, đau nhói khi nghĩ về cảnh tượng anh ở bên người tình cũ, tay trong tay thật chặt như thể sợ vuột mất nhau một lần nữa. Và một cái nhìn sâu thẳm… Chị rùng mình…
Có tiếng xe dừng trước cổng. Chị không nhìn ra, bởi chị đang chìm đắm trong một nỗi đau tưởng tượng…
Anh cùng người tài xế khiêng một đồ vật hơi cồng kềnh vào nhà, hốt hoảng thấy chị nước mắt vòng quanh, dàn dụa. Anh rối rít xin lỗi:
- Điện thoại hết pin không gọi cho em được, lẽ ra anh phải ghé điện thoại công cộng… em lo lắng lắm hả? Anh xin lỗi nghen!
Thấy chị ngơ ngác nhìn món đồ, anh kéo tấm nhựa phủ ra khoe:
- Là chiếc bàn phấn “Ánh trăng” đó! Anh nghe giới thiệu, vậy mà loanh quanh tìm suốt buổi tối mới thấy có nơi bán.
Chị đưa tay vuốt nhẹ những đường sắt uốn lượn tuyệt đẹp trên chiếc bàn phấn. Trên mặt gương tròn vành vạnh như mặt trăng, chị thấy nụ cười ngượng nghịu của chính mình…
Kỷ niệm năm năm ngày cưới, chị lại tan ra cùng ánh trăng bàng bạc bên thềm và cả ánh trăng dịu dàng trong phòng ngủ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét