Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

GVĐN 05: TRUYỆN NGẮN CỦA HOÀNG NGỌC ĐIỆP

Hoàng Ngọc Điệp
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

CON NUÔI

Truyện ngắn mini

Hạnh rất xinh: da trắng, mũi thon, mắt đen láy. Nó là con rơi của chủ một doanh nghiệp nhỏ (Sau này tôi mới biết anh này từng vào tù ra tội). Mẹ nó bán bia ôm, nghiện heroin và đã dính HIV/AIDS. Đứa con “ngoài luồng” đã làm nhà doanh nghiệp khốn đốn với những trận ghen lôi đình của vợ. Thế rồi, qua nhiều mai mối lòng vòng, nó rơi vào tay tôi, như trái banh rơi vào tay một kẻ chưa từng đá banh bao giờ.

Thủ tục nhận con nuôi chưa kịp làm, tôi vội vã mang Hạnh vào Biên Hòa để nó kịp vào học lớp một.
“Con thích ở đây không?” - Tôi hỏi Hạnh khi nó chạy tung tăng trong nhà. Nó nhìn tôi cười khoe răng sún “Dạ thích”. “Đây là nhà của con. Từ nay mẹ con mình sẽ sống với nhau” - Tôi nói. Nó gục gặc đầu, ra vẻ hài lòng.
 Từ ngày có Hạnh, cuộc sống của tôi thay đổi hẳn. Hết giờ làm tôi không còn “vui đâu chầu đấy” mà tất tưởi đón con ở lớp bán trú. Trước đây có khi cả tuần cơm bụi, nay thì ngày nào tôi cũng đi chợ. Hàng đêm hai mẹ con nằm ôm nhau, tôi kể chuyện cổ tích cho Hạnh nghe. Thấy nó mê sách, tôi mua sách cho nó đọc. Mỗi ngày, tôi hân hoan với những điểm 10 trong sổ liên lạc mà nó đưa về. Ai cũng khen tôi có đứa con gái dễ thương. Tóm lại, tôi thấy mình tảo tần và hạnh phúc như một mẹ gà đích thực.
Nhưng rồi giữa hai mẹ con bắt đầu xuất hiện vết rạn.Tôi nhận thấy Hạnh có những tật xấu phổ biến ở trẻ bụi đời. Nói dối nhem nhẻm. Thích gì làm nấy. Hung hăng như con thú hoang. Nó sẵn sàng đánh nhau, giật tóc, mắng nhiếc hoặc lấy cắp đồ của bạn một cách thản nhiên, không hề sợ bị cô giáo hoặc mẹ phát hiện. “Sao con làm như vậy? Con làm mẹ buồn quá” - Tôi lắc đầu nhìn nó. Hạnh im lặng, cụp mắt xuống rồi lảng đi. Tôi hiểu nó được “thừa kế” dòng máu giang hồ của “song thân”. Nó lại sống vạ vật, chui nhủi cùng người mẹ nghiện ngập, thường xuyên phải trốn tránh những trận đòn ghen tưng bừng của “mẹ cả” (nó gọi vợ của bố nó như vậy). Hoàn cảnh đã tạo cho con bé bản năng sinh tồn mạnh mẽ, sẵn sàng chống đối tất cả những gì trái ý mình. Tôi đã cố đưa Hạnh vào khuôn phép. Như người ta cố nắn cục đất sét thành cái chén kiểu. Nhưng nó dẫm lên mọi cố gắng của tôi.
 Một hôm, tôi phát hiện ra con heo đất trong tủ kính bỗng có tư thế bất thường. Tôi cầm con heo lên xem. Bụng nó toác hoác, trống trơn. “Con lấy tiền để làm gì? Sao cần tiền mà không nói với mẹ?” - Tôi tức giận tra hỏi. Hạnh lặng thinh, như thể bị mất lưỡi. Tôi bèn phạt nó đứng úp mặt vào tường. Nhìn nó đứng xụi lơ, mặt cúi gằm, tôi vừa giận, vừa thương. Nhưng tôi vừa quay lưng bỏ lên gác nó liền nhào xuống đất, giãy đành đạch, gào lên như hóa dại. Hàng xóm chạy sang. Họ ngỡ tôi bạo hành con bé. Cực chẳng đã, tôi đành “tha bổng” Hạnh. Thì ra, đó là trò láu cá của con bé. Đêm đó, tôi mất ngủ. Giọt nước cuối cùng đã tràn ly. Cộng thêm việc bố Hạnh không làm được giấy tờ cho con vì anh ta “đánh cắp” con bé từ tay bà ngoại nó, tôi quyết định chấm dứt “sự nghiệp”con nuôi của Hạnh. 
Nghỉ hè, hai mẹ con về quê. Tôi bảo Hạnh do chưa làm xong thủ tục nên tôi phải tạm đưa nó về với bà ngoại, bao giờ xong sẽ đón nó vào. Con bé lăn ra khóc. Nhưng khóc chán rồi nó cũng nguôi ngoai.
Ở quê có nhiều trẻ con nên Hạnh quên bẵng mẹ. Suốt ngày nó chạy nhảy vui đùa, cười như nắc nẻ với lũ con nít hàng xóm. Tâm hồn tôi dịu lại khi đêm về, mướt mát mồ hôi như cái hột vịt lộn, con bé rúc đầu vào lòng tôi ngủ. Nhưng rồi cũng đến ngày tôi vào Nam, phải gửi nó lại nhà, chờ bố nó tới đón. Sáng đó, khi Hạnh còn mê mệt, tôi hôn con gái, ngậm ngùi xách túi ra ga. Tàu chậm 50 phút. Tôi nhớ Hạnh điên cuồng, đành gọi điện về nhà. Đầu dây bên kia, con bé ngái ngủ nức nở “Mẹ ơi. Sao mẹ đi mà không gọi con? Con nhớ mẹ lắm”. Tôi an ủi nó, hứa hẹn rồi tắt máy, tự thấy mình là kẻ dối trá tệ hại nhất trên đời.
Trên tàu, lòng dạ tôi bấn loạn với hình ảnh đứa con bé bỏng tội nghiệp. Mặc kệ thiên hạ nhìn, tôi khóc sướt mướt. Cả ngày hôm đó, cả tháng sau đó, cứ nhắm mắt lại là tôi thấy hiển hiện đôi mắt trẻ thơ đang nhìn mình cầu khẩn. Lần đầu tiên, tôi hiểu thế nào là sự quyến luyến của tình mẫu tử. Hỡi ôi, tôi non kinh nghiệm dạy trẻ, cũng không đủ can đảm làm mẹ, để cảm hóa, uốn nắn Hạnh thành người.
Sau đó ít lâu, tôi được tin bố Hạnh đã đưa con gái ra Hà Nội, gửi ở nhà một người quen. Anh ta dứt khoát không giữ đứa con rơi, để khỏi bị rắc rối.
Tôi đã tìm đến nhà người nhận nuôi Hạnh, xem con bé sống ra sao. Những gì “mục sở thị” khiến tôi đau lòng. Đó là một quán nhậu ở cạnh bến xe, đêm ngày náo nhiệt. Chủ quán là người đàn bà tóc nhuộm màu lửa, ngón tay vàng sém khói thuốc lá. Bà ta đeo sợi dây chuyền to như sợi dây xích, nét mặt lạnh tanh. Nghe cách thưa gửi của Hạnh với “mẹ”, tôi biết con bé sợ bà ta như sợ cọp. Hàng ngày Hạnh ngủ trên căn gác gỗ, học bài ở một góc sàn nhớp nhúa, dơ bẩn, để tiện cho bà chủ sai vặt. Trong cái không gian nực nồng hơi rượu, khói bụi và mùi thức ăn hổ lốn, có thể đoán biết những gì đang chờ Hạnh, nhất là khi con bé trở thành một thiếu nữ nhan sắc và bất cần đời.
Nhưng tôi đã lo quá xa. Vì mới đây tôi được biết Hạnh đã bị trả về quê, đang sống cùng bà nội. Vậy là “trái banh” khó ưa lại bị đẩy qua chân người khác. Không biết nếu bà nội cũng không chịu nổi giọt máu rơi của con trai bà thì nó sẽ đi đâu?
Năm năm đã qua, lòng tôi vẫn chưa yên tĩnh về Hạnh. @

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét