Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

GVĐN 04: Phà Thủ Thiêm ngày kết thúc sứ mệnh lịch sử


 - Sau một thế kỷ tồn tại, cuối tháng 12/2011, nhiệm vụ lịch sử của bến phà Thủ Thiêm sẽ chấm dứt. Hình ảnh con phà hàng ngày lầm lũi đưa khách sang sông chính thức khép lại. Một chút ngậm ngùi thoáng hiện về trong tâm thức những người đã nhiều năm gắn bó với Sài Gòn... 

Lịch sử một bến phà

Hiện chưa có tài liệu nào có thể khẳng định chính xác thời điểm ra đời của bến đò và sau này là bến phà Thủ Thiêm.
Nhưng qua các trang tư liệu còn ghi lại, bến đò Thủ Thiêm xuất hiện vào khoảng năm 1912. Như vậy, tính đến ngày 31/12/2011 ngày chấm dứt hoạt động, tuổi thọ của bến đò (phà) Thủ Thiêm vừa chẵn 100 năm.

Theo Đại Nam nhất thống chí, một quyển sách địa lý được soạn bằng chữ Hán dưới triều Tự Đức có đoạn viết về vùng đất Thủ Thiêm: “Ở thôn Giai Quý, huyện Nghĩa An có chợ tục gọi là Cựu Thiêm; trước chợ có sông Bình Giang, đối diện tỉnh Gia Định. Tàu biển, thuyền sông tấp nập, dân sở tại làm nghề chở đò ngang, đò dọc và theo dòng nước đem bán thực phẩm như cá, thịt, rau, quả”.
Huyện Nghĩa An, nay là quận 2 và quận 9. Sông Bình Giang tức sông Sài Gòn. Như vậy, có thể nói trước thời Tự Đức nơi đây đã có hoạt động của một bến đò. 
Về địa danh Thủ Thiêm, theo từ điển địa danh Sài Gòn, Thủ Thiêm là một địa danh có từ cuối thế kỷ 18. Thủ có nghĩa là đồn canh, về sau để chỉ chức vụ người đứng đầu một thủ. Thiêm có lẽ là tên người đứng đầu thủ đó.
Chính quyền thời đó đã cho lập đồn binh Thủ Thiêm để kiểm soát việc đi lại trên sông Sài Gòn và để phòng thủ cho khu vực trung tâm. Về sau tên gọi Thủ Thiêm được đặt cho vùng đất này.
Ngoài sự xuất hiện của chợ Thủ Thiêm trong thời gian sơ khai còn có nhiều đình, chùa, miếu thờ của cư dân Thủ Thiêm quây quần xung quanh trục đường chính nơi có bến phà. 
Từ những tư liệu cho thấy, vùng đất Thủ Thiêm đã được khai khẩn từ thế kỷ 18 nhưng mãi đến đầu thế kỷ 20 khi bến đò Thủ Thiêm xuất hiện khu vực này mới trở nên đông đúc, mà dấu tích còn lại chính là những đền thờ, miếu, chùa chiền có mốc xây dựng vào thời gian này.
Nhiệm vụ của những chuyến đò, chuyến phà Thủ Thiêm là nối liền hai bờ đông tây sông Sài Gòn. Đứng tại bến Bạch Đằng (nay là đường Tôn Đức Thắng) nhìn sang bên kia nhiều năm trước vốn là vùng lau sậy.
Cư dân nơi này thưa thớt từ các địa phương khác đến đây khẩn hoang chủ yếu sống dọc theo sông tập trung thành một quần cư rồi sau đó hình thành xã An Lợi Đông thuộc quận Thủ Đức.
Nông nghiệp vùng này không phát triển nên một số ít người dân chủ yếu sống nhờ vào những con tàu viễn dương qua lại trên sông. Số đông còn lại, hàng ngày vượt sông để vào thành phố mưu sinh bằng đủ các ngành nghề. Nhu cầu đi lại ngang sông trở nên cần thiết... 
Lúc sơ khai, những chuyến đò ngang qua lại trên sông dùng sức người, chèo bằng tay là chính. Dần dần theo tiến hóa, sức người được thay thế bằng máy đuôi tôm mà chủ yếu dùng máy nổ hiệu Koler. Những chuyến đò như thế chòng chành, mỏng manh chở khoảng 10 người thường xuyên xảy ra những tai nạn thương tâm. Đến khoảng thập niên 60, khi xí nghiệp đóng tàu Caric thành lập, hai chiếc phà có trọng tải 20 tấn (còn gọi là phà hột vịt) được hình thành.
Từ đó bến phà Thủ Thiêm (còn gọi là bến Cây Bàng) chính thức nhận nhiệm vụ đưa khách sang sông cùng song hành với những chuyến đò ngang. Song song với bến phà, trong khu vực Thủ Thiêm còn có nhiều bến đò được phép hoạt động, trong đó có bến đò An Lợi Đông.    
Trước 2009, sau khi nhiều bến phà ở các địa phương giải thể vì xây dựng cầu, một số phà có trọng tải lớn được điều chuyển về cho bến phà Thủ Thiêm. Lúc này lượng khách sang sông mỗi ngày lên đến 45.000 người. 
Con số này không thể tồn tại lâu hơn bởi sự xuất hiện của cầu Thủ Thiêm đã giảm đáng kể chỉ còn 9000người/ngày. Gần đây, ngày 20/11 hầm Thủ Thiêm đưa vào họa động đã khiến cho phà trở nên vắng lặng.
Đóng cửa bến phà vì vắng khách là điều không thể tránh khỏi nhưng điều ai cũng phải thừa nhận, nhờ có những con phà đưa khách nối 2 bờ đông tây sông Sài Gòn đã giúp cho vùng đất quận 2 ngày nay phát triển không ngừng.

Ngậm ngùi chia tay  

Chấm dứt nhiệm vụ của bến phà Thủ Thiêm, những con người đã nhiều năm gắn bó nơi đây không khỏi chạnh lòng.
Quân số hiện nay của bến phà có 44 lao động, trong đó có thuyền viên và nhân viên phục vụ trên phà cũng như tại bến. Tất cả những con ngưòi này đều thuộc sự quản lý của công ty TNHH một thành viên cầu phà TP.HCM.
Phà Thủ Thiêm ngừng hoạt động, việc làm của họ cũng bước sang một bước ngoặc khác. Họ sẽ được chuyển về phà Cát Lái. Cũng có thể về phà Bình Khánh hoặc được điều chuyển về trung tâm quản lý hầm Thủ Thiêm.
Không một ai mất việc, không một ai phải bận lòng với cuộc mưu sinh, nhưng tất cả đều chung một tâm trạng, quyến luyến một bến phà mà cả một đời người đã gắn bó với nó.
Chúng tôi có mặt tại đây vào những ngày cuối cùng của bến phà. Phòng vé vắng lặng. Những công nhân phục vụ ngồi đưa mắt lãng đãng về một nơi xa xăm. Đường vào bến trống trơn. Cổng vào phà không ai buồn đóng.
Thỉnh thoảng một vài người đi xe đạp, gánh hàng rong chậm chạp, nặng nề bước tới. Có lẽ họ là những người khách cuối cùng của con phà Thủ Thiêm. 
Đến bây giờ, chỉ còn hai chiếc phà nhỏ hoạt động cầm chừng cho đến ngày cuối cùng. Khác hẳn khi xưa, phải rất lâu mới có một chuyến tách bến nhưng trên phà vẫn lác đác vài người.
Những người bán hàng rong trên phà, những đứa bé, ông già bà lão bán vé số cũng không còn. Chúng tôi hỏi một anh công nhân cầm dây neo ở đầu mỏ bàn đò về số phận của những mảnh đời hẩm hiu đó. Anh cho biết phà vắng khách thì số người này cũng dần chuyển hướng mưu sinh.
Có thể họ đến một địa phương khác, có thể họ chuyển phương cách làm ăn mới phù hợp hơn. Bám lấy con phà này rồi để chết đói cả nút sao?
Phà cập bến quận 2. Khách trên phà uể oải nặng nề lê bước chân. Bến phía bên này cũng không khác hơn bên kia. Cũng vắng vẻ đìu hiu.
Bến xe ôm ở hai đầu phà đang đối diện với nguy cơ tan đàn xẻ nghé. Anh Trần Văn Sửu, người có thâm niên chạy xe ôm ở đầu bến quận 1 than thở: “Khách của mình chủ yếu là khách đi phà. Phà đóng của có nghĩa là mình không còn khách. Các anh em đang tính mỗi người một phương tìm nơi khác may ra còn có chén cơm”.
Con phà qua sông Sài Gòn vốn là hình ảnh đặc trưng của thành phố. Đã từ bao nhiêu năm nay, hình ảnh con phà Thủ Thiêm luôn trong mắt người dân và những người yêu mến Sài Gòn. Mất đi hình ảnh này, dường như Sài Gòn mất đi một nét đẹp cổ xưa.
Vì thế, Ban giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý cầu phà TP đã có phương án trình cho UBND TP. Theo phương án này là mở bến thủy nội địa tại bến Bạch Đằng (Q.1) để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách đi lại trên sông Sài Gòn.
Có như vậy, hình ảnh con phà Thủ Thiêm được tiếp tục hiện diện làm công việc nối đôi bờ. Với phương án này sẽ có 30 người chủ yếu là đội ngũ thuyền viên sẽ được giữ lại. Những lao động còn lại sẽ chuyển sang công tác khác. Nếu không được phép mở bến thủy nội địa, toàn bộ 44 công nhân này sẽ được bố trí công tác ở những đơn vị phù hợp. 
Được biết, hiện nay Sở Giao thông vận tải thành phố đang xem xét đề nghị này. Tuy nhiên, cách thực hiện làm sao để làm tăng vẻ đẹp của thành phố và lưu giữ được hình ảnh con phà xuôi ngược hàng ngày trên sông Sài Gòn mới là vần đề cần được lưu tâm.

Trần Chánh Nghĩa
(Nguồn: VietNamNet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét