Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

GVĐN 05: TRUYỆN NGẮN CỦA NGỌC KHÁNH

Ngọc Khánh
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

NIỀM VUI MÙA XUÂN

Bà Ba đứng kiễng chân nhìn qua hàng rào râm bụt có những bông xòe nở đỏ sẫm trong chiều cuối đông, nhìn sang nhà bên cạnh. Lớp học chưa kết thúc. Tiếng cười đùa của bọn trẻ đang vang lên.

Bà Ba lắng nghe. Thường lệ, buổi học sẽ được kết thúc bằng một trò chơi hoặc một bài hát tiếng Anh. Bà nhận ra bọn trẻ đang chơi trò chơi ghép hình, vì thằng Sang cháu ngoại bà vừa được bà giáo bên ấy thưởng cho một dĩa CD Rom “Từ điển tiếng Anh bằng hình 2.0”. “Lion - Lion là con sư tử. Hà hà, thêm một điểm nữa!”, “Shark - Elephant, Trời tiếc quá. Cá mập với voi làm sao ghép chung được, con ở dưới nước, con ở trên rừng!”, “Snake - Dog, Ủa, sao lạ vậy cà, ban nãy thấy rõ ràng cái hình con rắn ở đây mà sao giờ thành hình con chó!”…
Chợt có tiếng thằng Sang reo to:
- A! được một điểm nữa rồi. Đờ ré gần, Đờ ré gần, hai con rồng!
Tiếng đứa khác ganh tị:
- Đúng rồi, Dragon- Dragon! Nãy giờ thằng nhóc này ghép đâu trúng đó! Nó nhớ chỗ của từng con vật, lật lên là trúng phóc à! Giỏi quá heng!  Cô giáo lại sắp thưởng quà cho nó đó!
Có tiếng chào tạm biệt. Thoáng một cái, bóng thằng bé Sang bước ra sân, rồi nhanh nhẩu về nhà.
Bà Ba đón thằng cháu về với một tâm trạng vừa vui vừa rầu. Thằng bé đang học lớp một, rất thích học tiếng Anh. Chiều nào đi học về cũng hăng hái chạy qua bên đó để học chung với một đám trẻ nhỏ. Mỗi chiều học từ bốn rưỡi đến sáu giờ rồi về tắm rửa, ăn cơm. Chỉ hơn một tháng, thằng nhỏ đã đọc được các mẫu tự tiếng Anh, biết đếm từ một đến mười, học được một số từ mới,  biết giới thiệu về bản thân bằng những câu đơn giản, hát được dăm bài hát tiếng Anh dành cho trẻ em. Nhờ có bà giáo hàng xóm!  Bà ấy cũng gần bằng tuổi mình chứ ít gì. Sao mà bà ấy vẫn dạy được lũ trẻ nhỏ. Chiều nào bên đó cũng đầy tiếng nhạc hấp dẫn, lời thoại hồn nhiên. Không khí học tập thật vui vẻ.
Nhưng bà Ba vẫn không thích thằng Sang học ở bên đó! Dường như do một sự ganh ghét ngầm. Có lần bà hỏi thằng cháu ngoại: “Bà cô giáo có nói đóng bao nhiêu tiền một tháng không Sang?”. Bé Sang trả lời hồn nhiên: “Không ạ! Bà cô chỉ nói thích học thì qua học với các bạn cho vui”.
Bà Ba ngạc nhiên. Con gái thứ hai của bà dạy cấp một. Thằng bé Sang xuống nhà dì học thêm không tốn tiền, nhưng những trò khác mỗi tháng đều phải đóng học phí. Mỗi tuần dạy bốn buổi chiều, từ hai rưỡi đến bốn giờ, dạy thêm các môn Tiếng Việt, Toán, Mỹ thuật, nhưng không dạy thêm môn tiếng Anh. Mỗi tháng, mỗi trò đóng tiền học phí một trăm sáu chục ngàn đồng. Dạy cả lớp hơn bốn  chục trò, cô giáo kiếm thêm được một khoản thu nhập cao hơn tiền lương! 
Bà Ba thấy báo chí lên án việc dạy thêm.  Lúc đầu, con bà mở lớp ở nhà, bà cũng ngại, nhưng thấy có thêm thu nhập, bà cũng quen dần. Hơn nữa, đâu phải chỉ có con bà dạy thêm! Lương giáo viên thấp quá thì  ai mà chẳng tìm cách tăng thêm thu nhập. “Có thực mới vực được đạo!”. Miễn đừng tìm mọi cách để bắt ép học sinh phải đi học thêm là được rồi. Bà bên kia bộ giàu lắm hay sao mà dạy thêm không lấy học phí. Biết đâu lại có người so sánh này nọ!
Trước đây, bà vẫn ở nhà nên có điều kiện phụ giúp cho con gái đứng lớp. Mấy tuần nay, con  gái đầu của bà sinh con - em thằng Sang - nên bà lên đây giúp con. Vì vậy mới biết cái bà giáo hàng xóm này.
Bà ấy chắc chắn là một người ở nơi khác đến chứ không phải dân địa phương, cũng không phải là giáo viên ở trường cấp ba con bà từng học. Hồi con trai út của bà học cấp ba, bà không bỏ buổi họp phụ huynh học sinh nào, nên bà còn nhớ nhiều thầy cô trường Nhơn Trạch. Ai cũng có vẻ đẹp trí thức, thương yêu, quan tâm đến học sinh, lịch sự ân cần với phụ huynh.   
Lục tung hết các ngăn của ký ức, bà Ba không nhớ nổi đã gặp bà giáo hàng xóm ở đâu. Đi chợ hàng ngày, dò la tìm hiểu, bà Ba biết được bà giáo hàng xóm khó ưa ấy tên là Quế Minh, mới ở Sài Gòn dọn về.

µ

Nhơn Trạch những ngày cận Tết thật nhộn nhịp. Cái nhộn nhịp của một miền đất tuy đang xây dựng, phát triển lên thành phố nhưng vẫn còn giữ những nét chân quê. 
Chiều muộn, sau khi cho lũ trẻ học Anh văn ra về, bà Quế Minh ngồi ngoài hiên nhìn ra đường. Xe cộ qua lại đông vui hơn ngày thường. Sắp tết Nhâm Thìn. Lại thêm một tuổi đời. Lại thêm những nét phôi pha theo thời gian! Biết bao thay đổi đã diễn ra.
Nhớ những năm thời bao cấp, Quế Minh lúc ấy còn là một cô giáo trẻ, sống với cha mẹ ở Phước An, dạy ở trường Nhơn Trạch. Đường đi lại khó khăn, rừng cao su um tùm, lối mòn gió ngược. Quế Minh ở lại khu tập thể của trường. Trường hồi ấy còn ở chỗ trụ sở của một chi khu binh lính chế độ cũ, còn dấu tích những vòng rào kẽm gai. Khu tập thể chỉ có vài phòng, chủ yếu dành cho thầy cô ở thành phố Hồ Chí Minh sang dạy trú lại mấy ngày trong tuần. Ai cũng nghèo nhưng sống với nhau thật đầm ấm. Kinh tế thị trường chưa phát triển, hàng tháng, thầy cô được cấp phát các loại nhu yếu phẩm theo tiêu chuẩn tem phiếu. Tháng cận Tết, các loại lương thực thực phẩm có dồi dào hơn, ngon hơn thường lệ. Gạo thơm. Đường không thấm nước. Đậu xanh không bị mọt…
Đặc biệt là món thịt heo, thường thì một quý mới được một ký lô. Riêng ngày giáp Tết, khoảng 27, 28 tháng Chạp, trường được nhận nguyên một con heo. Mổ lợn, pha thịt, chia phần đồng đều xong, đầu heo và lòng heo đem nấu cháo. Bếp tập thể được một tối rộn ràng. Chỗ nấu cháo, chỗ thái tim gan, chỗ nhặt hành ngò, chỗ lại rủ nhau sên mứt dừa, mứt bí. Ánh lửa bập bùng. Tiếng đàn ghi-ta của một thầy giáo xa quê phả vào hợp âm vui những nốt lặng bâng khuâng.
Dạy được ba năm ở quê, Quế Minh theo chồng về thành phố. Thực tâm, Quế Minh không muốn xa các học trò cơ cực mà mộc mạc, nghĩa tình. Nhưng cuộc sống ở quê lúc ấy buồn quá. Tối tăm, lam lũ. Buổi tối đứng ở ngoài đường lộ vắng nhìn vào trường, leo lét ngọn đèn dầu, Quế Minh có cảm giác như nhìn vào một tòa nhà cổ âm u thấp thoáng bóng ma trơi! Học trò đi học một buổi, buổi còn lại theo cha mẹ lên rẫy, xuống ruộng, qua sông. Tiếng xe trâu, xe bò chậm chạp, rời rạc nhịp điệu buồn tênh.  Hơn nữa, thời bao cấp, học sinh cũng chưa chú trọng học môn ngoại ngữ, Quế Minh cũng nản. Đang ở Nhơn Trạch, chỉ cần qua phà Cát Lái, sang bên kia sông, đến quận 2, là đã thấy khác biệt. Đi đến Văn Thánh, Hàng Xanh là thấy cả một khoảng cách xa vời giữa bóng tối u trầm và ánh sáng rực rỡ.
Mãi đến những năm 2000, khoảng cách ấy mới được rút ngắn nhanh chóng. Những khu công nghiệp ở Nhơn Trạch được mở ra. Nhiều công ty nước ngoài, nhiều dự án đầu tư hấp dẫn. Điện lưới quốc gia tỏa sáng. Đường sá sửa sang thuận lợi. Đất Nhơn Trạch sốt lên nhiều đợt. Người dân thành phố Hồ Chí Minh đổ xô về tìm đất, mua bán, sang nhượng, xây dựng nhà cửa, biệt thự. Mùa xuân đang đến trên vùng quê đổi mới.
Nhờ một học trò cũ nay là giám đốc một công ty môi giới đất đai, Quế Minh mua được một mảnh đất ở Phước An, gần nhà cha mẹ, anh chị. Cô giáo Quế Minh ngày nào còn trẻ trung yêu đời, muốn đến công tác ở Sài Gòn náo nhiệt, bây giờ đã thành bà giáo về hưu, mong hưởng không khí yên tĩnh, thoáng đãng của quê hương.  Chồng Quế Minh cũng thích về sống ở Nhơn Trạch, đi lại Sài Gòn dễ dàng. Căn nhà nhỏ ở Sài Gòn giao cho con trai vừa tốt nghiệp Đại học quản lý.
Quế Minh mở lớp dạy Anh văn ở nhà buổi chiều để khuây khỏa nỗi nhớ những năm tháng dạy học. Học trò là những đứa cháu ngoại, cháu nội của các anh chị Quế Minh, do đó miễn phí. Có thêm mấy đứa nhỏ gần đó tới học cho không khí lớp vui hơn. Như thằng bé Sang, nhà bên cạnh. Thông minh, kháu khỉnh, lém lỉnh. Mỗi lần học tới một từ mới chỉ  một con vật nào đó là bé Sang lại làm động tác, giả tiếng kêu của con vật làm lũ trẻ cười khoái chí. Bé Sang rất thích dùng chuột máy vi tính để điều khiển những trò chơi vui nhộn trong đĩa CD Rom, hoặc mở những đoạn video clip nhạc, phim Anh văn được Quế Minh download sẵn về máy.
Bé Sang thích học. Nhưng chẳng hiểu vì sao bà ngoại nó có vẻ không ưa Quế Minh. Bà giáo nghỉ hưu định bụng hôm nào thuận tiện sẽ sang thăm cô con gái mới sinh bên kia, trò chuyện với bà ngoại bé Sang để đôi bên hiểu nhau hơn, sống thuận thảo hơn trong tình làng nghĩa xóm. Người miền Nam thường hay kiêng cữ. “À, hay là tại có lần ông xã mình cứ tấm tắc khen cây mai thế trước hiên nhà ấy, nên bà ngoại thằng Sang khó chịu?”

µ

Bà Ba bực mình ghê gớm. Có cây mai đẹp quá lại bị mất trộm ngay vào dịp gần Tết. Cây mai thế có những nhánh tỏa ra, uốn lượn khiến bà tưởng tượng ra dáng con rồng đang bay lên tầng không. Năm nay Nhâm Thìn, có cây mai ấy là phước lộc dồi dào. Hôm con gái bà sinh con, bà đã tiếc giá chậm lại được một tháng, vào năm Thìn, sinh con là quý tử. Nhưng bà an ủi là còn cây mai. Thế mà đứa khốn nạn nào lại bứng nguyên cây đi, chỉ để lại cái chậu lổn nhổn đất!
Bà đi chợ Tết buổi sáng. Hàng hóa chất đống, mời chào rôm rả, chợ chật như nêm. Có hôm, bà còn đi cả chợ tối. Từ hăm ba tháng Chạp, nhiều xã có chợ đêm, bán tới sáng. Mỗi lần đi bà chỉ mua một ít, lúc thì quả dưa hấu, lúc thì mấy hộp bánh. Bà cất công đi nhiều nơi, đi bộ, đi xe ôm, cốt để xem cây mai nhà bà có trong những khu bán hoa kiểng Tết không.
Hăm ba, hăm bốn, hăm lăm, hăm sáu,mỗi ngày nỗi thất vọng càng lớn hơn. Giờ đã là chiều hăm bảy rồi. Đang rầu rầu nét mặt, mắt bà bỗng sáng lên khi thấy anh bán cây kiểng dạo chạy xe chầm chậm tới. Kia không phải là cây mai nhà bà sao? Sao nó lại ở trên cái xe này?
- Anh bán cây kiểng ơi! Vào đây cho tôi lựa mấy cây!
Xe ghé vào cổng nhà bà Ba. Bà Ba chọn đúng cây mai của bà, nhưng bà chưa vội trả tiền.
- Nè, anh nói cho tôi biết, cây mai này làm sao anh có được? Nó là cây cảnh của nhà tôi mà.
- Bà này nói năng kỳ cục chưa. Cây nào của nhà bà? Bà thử lên tiếng gọi nó coi nó có thưa không. Người ta bán cho tui, tui bán cho bà. Ưng thì lấy, hổng ưng thì trả lại, tui còn đi bán chỗ khác.
Anh cây kiểng đang kèn cựa với bà Ba, bất chợt giật mình ngó sững khi thấy bà Quế Minh từ trong nhà đi ra. Anh vồ vập chào hỏi:
- Em chào cô… Cô là cô Quế Minh, hồi xưa dạy Anh văn ở trường Nhơn Trạch phải không cô. Cô nhớ em không? Em là Hoài Hận nè, có lần cô cho em hai điểm rồi cô đến thăm nhà em trong Mỹ Hội đó. Cô nhận ra em chưa?
Hai ba gợi ý liên tiếp khiến Quế Minh nhớ lại. Cậu học trò ngày nào bị điểm kém bài kiểm tra một tiết, vò ngay tờ giấy làm bài, trâng tráo vứt vào sọt rác khiến cô giáo trẻ giận điên người, mắng thậm tệ trước lớp. Sau hỏi ra mới biết em có hoàn cảnh đáng thương. Mẹ lầm lỡ. Cha chối bỏ đứa con rơi. Cái tên Hoài Hận như để đánh dấu một cuộc tình phụ bạc. Gần thi Học kỳ I, Quế Minh tìm đến nhà thăm hỏi, động viên. Hoài Hận cảm động, cố gắng hơn, bài thi học kỳ được điểm 5. Tết năm ấy, em đem đến biếu cô giáo một cành mai đẹp tự tìm được trong rừng, hứa với cô giáo sẽ nghĩ đến một ngày mai tốt đẹp. Mai là loài hoa thường sống bền bỉ quanh năm để chờ khoe sắc mỗi độ xuân về, rất được trân quý, tượng trưng cho người quân tử. Cô giáo ước mong khi học trò đã nhận thức được những giá trị cuộc sống, em sẽ cố gắng phấn đấu vượt qua số phận, kiên cường trước cuộc đời.
- Giờ thì cô nhận ra em rồi. Nhìn em rắn rỏi mạnh mẽ lắm. Em à, cây mai này là của bà Ba, hàng xóm của cô, bị mất trộm đó em. Cô có một tấm ảnh chụp về nó đấy. Các đường nét gốc cây đến những nhánh tỏa ra từ gốc đều được chụp rất rõ ràng. So ảnh chụp với cây mai này sẽ thấy giống như in như đúc. Em có cần xem ảnh không?
- Dạ thôi, cô ạ. Cô nói là em tin liền. Nhưng cây mai này người ta bán cho em…
Bà Ba chen vào:
- Thôi được, cậu để lại cho tôi đi. Coi như tôi chuộc.
Hoài Hận nhanh nhẹn bưng cây mai ra khỏi xe. Bà Ba ngạc nhiên quá. Bà không ngờ cây mai tưởng mất nay lại tìm thấy. Tuy có chịu khoản tiền nhỏ để chuộc lại nhưng có nó xuân này nhà bà vui rồi. Bà cũng không ngờ có lần thằng bé Sang thấy bà giáo hàng xóm khen cây mai, liền về thủ thỉ với ba nó, ba nó chụp một tấm ảnh thật đẹp về cây mai để bé Sang mang qua tặng bà cô. Nhờ vậy mà anh bán cây kiểng đã bị thuyết phục.

µ

- Thưa bà ngoại con đi học.
Tiếng thằng bé Sang làm bà Ba giật mình. Bên nhà bà giáo hàng xóm, lũ trẻ đã tập trung trước sân, đang chơi trò “Rồng rắn lên mây”. Chắc bà giáo bên ấy cho lũ trẻ học nốt chiều nay, mai hăm tám Tết mới nghỉ.
Bà giáo lại mở máy cho lũ trẻ chơi để học tiếng Anh. Lại trò ghép hình “Ant - ant là con kiến, đúng rồi” “Donkey - Frog, ôi trật rồi, con lừa con ếch ơi!” “Dragon - Snake. Rồng ghép với rắn cũng được!” “Ê ê thằng Sang ăn gian, rồng là rồng, rắn là rắn chứ. Máy cũng đâu có chịu ghép đâu!”
Bà Ba cười khi nghe tiếng nói hồn nhiên của lũ trẻ. Niềm vui đã đến với bà giáo lúc nghỉ hưu. Niềm vui cũng đã đến với bà Ba lúc xuân về.   @

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét