Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

GVĐN 05: TRUYỆN NGẮN CỦA TRẦN THÚC HÀ

Trần Thúc Hà
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

Chuyện chúng tôi
Truyện ngắn

Dạo trước mấy ông Khuyến nông trên về xã tôi làm cho ấp chúng tôi xôn xao bàn cãi. Chuyện nhà tôi thì cha con giận nhau, anh em ngủng ngẳng bất hòa. Xã chúng tôi có mười hai ấp là nông dân mà chẳng thuần nông chút nào. Cây lúa không nuôi sống được chúng tôi, nhờ mảnh vườn đám rẫy lo toan mọi chuyện nhưng cũng chẳng khá lên được, mặc dầu một đôi nhà có con lên thành phố ăn học, cái luẩn quẩn thiếu hụt đại đa số vẫn bám chúng tôi như đỉa bám vào bụng trâu vậy.

Mười hai ấp là mười hai cái vườn đủ thứ cây chen lấn, đủ thứ con chạy nhảy cào bới lung tung. Nói đâu xa như nhà tôi, bố tôi nhân ra dăm cây mít, vài chục gốc ổi, mươi bụi chuối, lại nghe người ta nói trồng tiêu thu lợi khá cha tôi cũng gầy dăm bảy nọc cho có với thiên hạ. Mẹ tôi thì thả một bầy gà, ít con ngan, con vịt, lại hối thúc tôi đóng chuồng nuôi vài đôi thỏ. Tôi cày mấy sào ruộng khi có nước trồng lúa, không có nước trồng ngô. Có thể nói vườn nhà tôi mùa nào thức nấy, chẳng thiếu thứ gì, không đói mà cũng chẳng dư giả. Nhà tôi có ba anh em. Tôi con đầu, bốn mươi hai tuổi, lúc trẻ chỉ học hết lớp Năm rồi cầm cày cầm cuốc, nay đã có vợ con, ở với cha. Hai đứa em, sáng dạ, nó có chí nhận ra rằng phải có chữ để đổi đời. Nhưng cha tôi cũng không biết tính thế nào có tiền cho con ăn học. Ông chỉ hối thúc trong nhà bóp bụng, ông trồng thêm cây đu đủ, đám mãng cầu. Bà chăm một vạt rau để ngày ngày ra chợ có thêm đồng vào. Còn tôi thì không được nhởn nhơ như trước nữa, rỗi mùa ông bảo tôi đi cuốc rẫy thuê cho người ta. Ông động viên tôi: “Đầu óc con chữ không vào được, con ráng kiếm tiền giúp em”. Thế rồi cả nhà tôi như bầy gà bươi cào cần mẫn suốt ngày từ con giun hạt thóc rơi mà đẻ trứng: hai em tôi cũng học được đến nơi đến chốn. Bây giờ chúng ở thành phố, thằng Ba ra trường trung cấp kỹ thuật dần dần làm quản đốc phân xưởng, thằng Tư giỏi hơn, leo lên tới đại học rồi đi làm cho một công ty lớn, chúng nó đều có vợ, có con, lương tháng gấp mấy lần cả nhà tôi quần quật với đất đai cây cỏ. Ngày thằng Tư tốt nghiệp đại học, cha tôi hãnh diện lắm. Mẹ mổ gà, cha mua rượu mời thân thích bạn bè. Mà không hãnh diện vui mừng sao được! Trong cái ấp nghèo quê mùa như chúng tôi được mấy nhà có hai đứa con thành đạt như nhà tôi! Ai cũng khen cha tôi là người biết dạy bảo con cái. Dạo ấy mỗi khi các em về tết là nhà tôi rộn rịp vui mừng như có hội! Chuyện của thành phố mang về, quà của thành phố đem theo, cha chai rượu bổ, gói trà sâm, mẹ bộ áo quần mới, hộp thuốc nhức xương, mấy đứa con tôi có bánh kẹo ê hề. Các cháu ở thành phố về thì tung tăng háo hức đảo khắp trong vườn theo bà nội lúc leo trèo cây này khi thì chỉ trỏ qua cây kia, bà nội hái cho chúng nó đến mức không còn túi giỏ để mà đựng nào mãng cầu, ổi, xoài, đu đủ, một quả mít to tướng nặng trĩu làm chúng thích thú như lần đầu tiên đi chơi công viên thấy con công xòe đuôi múa lượn.
Vậy mà lần này do căng thẳng, mâu thuẫn không một ai giải quyết được nên mới có cuộc gặp mặt bất thường đông đủ cả nhà, trừ bọn trẻ con ra, chúng tôi mỗi người mỗi tâm trạng riêng, đã không vui vẻ lại còn nặng nề bất hòa với nhau. Cha tôi bần thần ngẫm nghĩ, ít nói. Hai em trai tôi thì khó chịu, tỏ thái độ dứt khoát không đồng tình với tôi. Cha tôi nói: “Tại mấy ông Khuyến nông mà ra”. Tôi định nặng lời với cha: “Nói không nghe lọt lỗ tai” như to tiếng với hai đứa em nhưng kịp ghìm lại sợ ông thêm bực bội. Nói tại ông Khuyến nông mà ra là trước đây cán bộ Khuyến nông trên huyện về chuyện trò với bà con nông dân trong xã rằng, vùng đất của xã thích hợp cho trồng cây ăn quả. Tuy xã cũng đã làm như vậy. Nhưng năng xuất không cao, đời sống không khá lên được. Bây giờ, phá bỏ cách cũ là vườn nhà ai cây gì cũng có, mà tập trung chuyên canh một loại cây, giống mới vừa cho năng suất cao, được giá, việc chăm bón, dùng thuốc trừ sâu trên một vùng đất sẽ có hiệu quả hơn. Ban đầu chẳng mấy ai nghe. Người ta bảo nhau xưa nay cha ông ta đã nhờ trồng trọt như vậy mà sống. Mất cây này còn cây kia. Chứ như trồng một loại mất trắng thì tựa hồ cha mẹ chỉ sinh được một con, có chuyện gì là tiệt nòi. Đói là cầm chắc! Cán bộ Khuyến nông không nản. Các ông tìm được một số người trong xã có ý muốn thay đổi, trong đó có mấy cựu chiến binh tổ chức cho đi tham quan một số nơi chuyên canh của các tỉnh bạn. Mấy ông còn nói thêm rằng khoa học kỹ thuật bây giờ đủ sức ngăn ngừa dịch bệnh hại cây và cho ra quả trái vụ. Thế là lác đác trong xã ấp nào cũng có người phá bỏ vườn tạp canh, nhận cây giống cùng với hệ thống tưới tiêu của nhà nước tài trợ. Đến mấy năm sau vườn nhà họ cam ra cam, bưởi ra bưởi, xoài ra xoài… Thương lái cứ chọn mấy nhà vườn ấy mà vào. Thôn ấp thấy lợi đã có nhiều nhà chuyên canh trồng giống mới. Nhà tôi thì khác. Cha tôi thản nhiên nói ai đua đòi gì mặc. Quả khế, trái chanh, con gà, con lợn một thứ mội ít góp lại chắc ăn mà con cái nhà này có thua kém gì ai! Không phải thay đổi gì cả. Còn tôi đã ngoài bốn mươi tuổi thấy phải đào lên cuốc xuống trồng lại cái cây chỉ to bằng ngón chân cái, cao không quá thắt lưng thì cũng ngán. Trong khi đó chẳng tốn kém bao nhiêu sức cứ dạo quanh gốc mít gốc xoài cả người ôm không xuể thu kiếm cơm ngày hai bữa nhàn nhã biết bao! Hai cha con tâm đầu ý hợp cứ ngồi rung đùi, thích nhắm rượu bắt con gà, mấy đứa nhỏ thích bưởi ra khèo, thích chôm chôm ra hái. Nhưng chẳng bao lâu tôi chợt nhận ra rằng mình không bằng người ta. Nhìn cây quả trong vườn người ta nung núc xanh mượt, có người trúng vụ mãng cầu xây nhà mới cả bảy tám trăm triệu, tiện nghi ngày một đầy đủ. Hơn nữa, người ta ấn cái nút bơm vài tiếng đồng hồ là tưới đủ cả vườn cây rộng gấp ba vườn mình, còn mình thì cứ còng lưng cầm cái vòi bơm tưới suốt ngày chưa hết. Té ra mình vất vả hơn họ mà đồng tiền kiếm được thì chẳng là bao! Tôi bàn với cha tôi: “Mình cũng phải bằng xóm bằng ấp, phá bỏ thải loại hết cây cũ trồng giống cây mới, vất vả vài năm đầu thôi cha ạ!”. Trước thái độ thay đổi bất ngờ của tôi, nét mặt cha tôi sững sờ tựa như sau một đêm sáng ra thấy cây trái trong vườn rụng hết, nhìn tôi: “Mày nghe ai mà xiêu lòng? Ai làm gì mặc, tao cứ thế!”. Tôi đáp: “Con nghĩ phương pháp mới đem lại nhiều cái lợi”. Cha tôi đáp: “Tao già rồi, tao không ham gì nữa. Tao không muốn thay đổi trong khu vườn này”. Biết tính cha tôi đã nói là khó lòng lay chuyển, thuyết phục được ông, tôi biên thư cho mấy đứa em ở thành phố, mong tìm sự đồng tình mỗi đứa nói vào cho một tiếng may ra cha tôi nghĩ lại. Nào ngờ, cả hai đứa về hùa với cha tôi. Chúng còn nói tôi không được tự tiện phá bỏ bất kỳ một thứ cây gì có trong vườn. Chúng có kế hoạch cho khu vườn tương lai. Đến thế thì tôi chịu thua. Nghĩ mà tức. Cái việc nên làm, đáng làm ra tiền mà mình đành chịu lép. Trên thì sức nặng của cha, cái quyền hành quyết định mọi bề từ trước đến nay trong nhà này, dưới thì bị hai thằng em ở thị thành phản đối. Tôi là số ít. Ban đầu tôi cũng đành cam phận. Nhưng đêm nằm nghĩ về lâu về dài không sao chịu nổi. Ba đứa con tôi đứa lớn chỉ mới mười ba tuổi. Nó không giống như hai thằng em tôi hơn mười năm về trước, việc ăn học chỉ cần có chí, chút vật chất bát cơm no, ít tiền sách vở là theo học được. Còn bây giờ không thế! Cái ăn cũng khác, tiền học phí thì ngợp mắt, rồi đồng tiền để học thêm ngoại ngữ, có cái phương tiện để đi lại… Lấy đâu ra. Không thể cam chịu! Dù sau này con có làm nông dân đi nữa thì là nông dân có chữ, có trình độ khoa học như mấy anh Khuyến nông. Phải có lối thoát! Tôi nghĩ ra một quyết định cuối cùng vừa gây sức ép vừa ý chí của tôi, tôi nói với cha: “Cho con ra ở riêng, con kiếm miếng rẫy lập vườn”. Cha tôi không tỏ ra ngạc nhiên nhưng gay gắt: “Thế mày để cho tao sống một mình hả (mẹ tôi đã mất ba năm trước)?”. Tôi không chút đắn đo: “Cha còn có hai thằng con ở thành phố. Gọi chúng về mà lo liệu”. Cha tôi lạnh lùng nói: “Vậy là gây khó cho nhau rồi”. Tôi tính kĩ, một là buộc cả nhà phải đồng ý cho tôi cải tạo khu vườn để có thêm thu nhập lo liệu cho con cái sau này. Hai là tôi còn sức, năm nay mới ngoài bốn mươi, có đất với giống và cách trồng khoa học mới, đến năm thứ sáu tôi đủ sức nuôi con tôi ăn học đến nơi đến chốn. Mấy ngày sau đấy thấy tôi rì rầm công chuyện cùng vợ tôi là bàn tính về bên ông ngoại mấy cháu vừa xin, vừa thuê của ông ngoại một đám rẫy để lập vườn. Lại thấy tôi không nói gì với cha tôi, cha tôi nhận rõ sự kiên quyết ra đi của vợ chồng tôi là thật, ông bèn cấp tốc gọi mấy đứa con ở thành phố về bàn việc nhà. Vì vậy mà có cuộc gặp gỡ bất thường của gia đình tôi hôm nay.
Im lặng mãi rồi cha tôi nói: “Thằng Hai tính chuyện đem vợ con đi nơi khác lập nghiệp, thằng Ba thằng Tư nghĩ sao?”. Thằng em kế cận tôi nói: “Anh Hai thế là cạn nghĩ. Thử hỏi khi cha ốm đau lấy ai chăm sóc?”. Vốn đã bất đồng từ trước tôi xẳng giọng: “Vậy cha mẹ chỉ đẻ ra một thằng anh này thôi à! Mấy chú không phải con cái nhà này?”.  Nó tiếp: “Vì điều kiện làm ăn với lại anh là anh Hai, anh có trách nhiệm hơn các em”. Tôi không nhịn được nữa, đáp ngay: “Cha mẹ, tôi còng lưng ra xới đất cho các chú ăn học để cho các chú có cuộc sống khá giả hơn. Bây giờ cái khó nhọc của cha khi về già lại đổ lên đầu tôi. Anh Hai với không anh Hai được cái gì nào?”. Thằng Tư tiếp: “Thôi, anh Hai bớt lời. Chúng em biết công ơn cha mẹ và anh. Chúng em đã bàn với nhau như thế này, khu vườn này để nguyên, chúng em tháng tháng gởi ít tiền về gánh vác cùng anh, anh trồng thêm những cây mới lạ cho khu vườn nhà mình thêm phong phú thành một nơi cho các cháu thỉnh thoảng về hưởng không khí trong lành. Vậy là gia đình mình đầm ấm hạnh phúc”. Tôi nổi nóng lên: “Hừ! Ra thế. Từ ngày các chú về thành phố các chú nhiễm thói ích kỉ là ai ở thành phố cũng thích về nông thôn bỏ ít tiền xem cây cảnh, hưởng không khí trong lành, ăn ít quả tươi chứ có mấy ai chịu cầm cày cầm cuốc, ở lại nông thôn! Các chú muốn biến khu vườn này như là một vườn bách thảo, thành một nơi nghỉ dưỡng cho các chú sau những ngày làm việc mệt nhọc ồn ào nơi phố phường, cho các con chú vui chơi thỏa thích trong những ngày nghỉ học. Các chú vung vãi ra một ít tiền, các chú buộc chân tôi lại làm thằng coi vườn cho các chú hưởng lạc. Ý của các chú là như vậy!”. Thằng Tư lại tiếp: “Anh quá lời. Em út trong một nhà đâu dám xem anh như vậy!”. Tôi vẫn to tiếng: “Trong một nhà đâu dám… nghe cũng xuôi tai. Nhưng tôi nói cho các chú biết, tôi ít chữ, tôi không đến nổi ngu dốt mà không nhận ra cách tính toán của các chú. Tôi không nhờ cậy ai cả”. Thằng Ba tiếp: “Anh Hai! Anh nghĩ xấu cho các em…”. Tôi ngắt lời: “Tôi lạ gì cái khôn lỏi của các chú. Tôi vừa mang ơn vừa chăm sóc cha già cho các chú. Tôi phải nghĩ cách của mình mà có đồng tiền để nuôi con tôi khôn lớn nên người. Tôi nói một lần nữa với cha, với các chú là khu vườn này phải để cho tôi cải tạo lại chuyên canh cây cho thu nhập cao. Nếu không được, tôi về bên ông ngoại các con tôi tôi lập nghiệp”. Thằng Tư hỏi: “Thế cha anh bỏ cho ai?”. “Cho cả ba thằng con”, tôi đáp. Căng thẳng, bế tắc nhưng không ai nói gì nữa. Cha tôi thở dài, than: “Chỉ tại mấy ông Khuyến nông”. Hai thằng em ấm ức trở lại thành phố.
Vợ tôi sang nhà ông ngoại của mấy đứa con tôi. Ông ngoại các cháu ở xã khác. Ông xấp xỉ tuổi cha tôi. Chỉ vài hôm sau ông ngoại đến nhà cha tôi. Hai ông chuyện trò với nhau. Sau lời thăm hỏi, ông ngoại nói với cha tôi: “Tôi muốn biết ý anh. Chuyện nương rẫy tôi sẵn sàng cho các cháu. Nhưng tôi không muốn vì chuyện đó mà giữa hai sui gia sẽ không vui, tôi mang tiếng là xúi dục chúng nó”. Cha tôi kể rõ chuyện nhà tôi rồi nói: “Tôi không nghĩ như anh. Anh có bụng giúp cho con cháu là quý lắm! Sự tình là tại nhà tôi mà ra”. Rồi cha tôi tỉ tê: “Anh tính, cây cối trong khu vườn một phần ông cha để lại, một phần tôi gầy dựng nên. Mồ hôi và nước mắt của mình thấm từng gốc cây, ngong ngóng nó lớn lên, nó cho quả nuôi sống mình. Có năm bị lốc xoáy cây gãy ngọn, cành lá xơ xác vợ tôi nhắt nhạnh từng cành cây mà khóc, còn tôi thì xót xa đến cơm không buồn nhai. Trong vườn cây mít có từ thời cha tôi, múi to gần bằng nắm tay, ăn cả xơ lẫn múi đều ngọt như mật. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, gặp năm hạn cây lúa không trổ được bông, thứ gì trong vườn cũng khô quắt lại, cả nhà tôi nhờ cây mít mà cầm hơi. Cây khế là tôi trồng cũng bốn mươi năm nay. Ngày ấy vợ tôi có bầu thằng Hai, thấy nhà người ta có cây khế là đứng nhìn, thèm giỏ dãi. Đến hồi có bầu thằng Ba, tôi khèo khế, vợ ăn ngon lành, tôi sung sướng và thương vợ không biết để đâu cho hết. Rồi có chuyện vắng vài ngày, khi về ra vườn hết trông cây này ra hoa đến ngóng cây kia kết nụ, giờ nở nào mình chặt bỏ! Nghĩ tới tôi thấy nhói trong lòng, không chịu được”. Ông ngoại mấy cháu ngồi nghe hồi lâu rồi mới nói: “Ai không đau lòng khi đành đoạn những gì mình gầy dựng nên. Bên tôi cũng vậy. Tuy không có những cây gắn liền cả cuộc đời mình sâu sắc đến như thế. Nhưng khi tôi cải tạo khu vườn, phá bỏ những cây cũ bà nhà tôi níu tay tôi lại, con cái nói hơn nói thiệt cả tuần bà mới chịu. Bây giờ mình không có nhiều đất nên tôi cũng đang loại những cây chôm chôm mới trồng tuy có năng xuất nhưng giá trị không cao để thay thế cây quả đắt tiền hơn là cây bơ, sầu riêng, giống mới, ba năm là có quả chứ không như trước đây phải mất bảy, tám năm. Nó vừa giảm được công cán mà cho mình thu lợi nhiều hơn. Ngày nay phải thế ông ạ! Cái thằng nông dân muốn mở mặt mở mày với người ta thì phải tìm cách làm ra nhiều của cải, mà cách đó không gì khác được là phải áp dụng khoa học tiên tiến của các nơi giàu có người ta đã thực hiện. Ông nghĩ lại đi rồi dàn xếp cho cha con êm ấm”. Cha tôi không nói gì. Ông ngoại cũng chỉ trò chuyện đến thế rồi ra về.
Cha tôi vắng nhà. Thường thì lên thành phố thăm cháu dăm ba hôm ông  về. Chẳng biết ông có đi đâu nữa không mà lần này có đến mươi hôm chưa thấy ông trở lại, tôi bồn chồn lo lo. Có lẽ nôn nóng quá, muốn mau chóng bằng người ta mà tôi làm căng cho cha giận, có đôi lời nói gay gắt không phải, đẩy ông vào thế cô đơn để ông buồn nên ông ở lì trên mấy thằng em cho qua những ngày cha con im lặng, bất hòa. Phần nhớ cha, phần ân hận. Đáng ra mình có cách gì mềm mỏng cho cha không bực mình. Ông tuy mới hơn sáu lăm tuổi, chưa già lắm, vợ mới mất mấy năm trước, hoàn cảnh ấy, tuổi ấy cần được an ủi tĩnh dưỡng thì tốt hơn là phải nghe những lời nặng nề, lo nghĩ, buồn phiền. Tôi suy nghĩ mãi mà không có cách gì hay hơn. Lần này ông về chắc tôi phải làm dịu với ông. Chợt tôi nhớ trong buổi trò chuyện với ông ngoại mấy cháu, tôi thấy mắt ông gần rơm rớm nước khi nói: cây khế là của tôi, cây mít là của cha tôi trồng… đốn hạ nó đi tôi đau lòng lắm. Trời ơi! Trước đây tôi có nghe cha tôi kể nhưng để mà nghe, không nghĩ tới đó là những kỷ niệm sâu nặng trong cuộc đời ông. Tôi thật đáng trách là đứa con không biết tôn trọng cái nghĩa cái tình của cha, mà còn là kẻ không có trước có sau, hủy hoại những gì gắn bó đời mình, cho mình lớn lên trong chốc lát thì thật bất nhân. Rất may! Tôi mà động vào nó chẳng khác gì ngầm đem dao cứa vào tin gan cha mình trong sự im lặng và bất lực của tuổi đã xế chiều. Chưa bao giờ tôi mong cha tôi về như lúc này.
Ít hôm sau thì cha tôi về. Tôi chú ý vẻ mặt cha không rầu lòng như lúc cha ra đi. Trong bụng tôi mừng thầm. Và thật không ngờ, sau khi đưa quà bánh cho các con tôi do các em gởi về, cha tôi nói: “Cha không ngăn cản con cải tạo khu vườn. Cha chỉ muốn con để lại mấy gốc cây mà gắn bó từ đời ông nội đến đời cha, chiếm không hết bao nhiêu đất đâu con ạ!”. Tôi vô cùng ngạc nhiên! Tôi nhìn ông xúc động: “Cha! Cha ơi! Con có lỗi với cha. Sao lâu nay con không nghĩ được là những cây mít cây khế kia, những cây gì cha muốn chúng ta sẽ để lại cùng một góc vườn nho nhỏ trồng các loại cây các cháu ưa thích để cho cha buồn, anh em nặng nhẹ với nhau. Con ân hận với cha lắm” - “Thôi con! Lo nghĩ, buồn bực mới vỡ chuyện. Vừa rồi cha sang bên ông ngoại mấy cháu, người già với nhau dễ nói chuyện, rồi lên thành phố gặp mấy đứa em con. Con không có lỗi mà cha cũng lú lấp, không nhìn ra cái điều hay. Bây giờ thì sáng ra rồi. Phải chịu khó chịu nhọc, đổ mồ hôi nhiều hơn nữa tấc đất mới ra tấc vàng con ạ!”. Tôi dạ, lòng lâng lâng niềm vui. @

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét