Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

GVĐN 05: BÀI CỦA PHAN NAM SINH VỀ NHÀ THƠ PHAN KHÔI

Nhân 53 năm ngày mất của nhà văn Phan Khôi ( 16-1-195916-1-2012)

Kỷ niệm nhỏ về thầy tôi 
- Nhà văn Phan Khôi
Phan Nam Sinh
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

Sau hiệp định sơ bộ (6-3-1946), thầy tôi từ quê làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ra chiến khu Việt Bắc, làm việc trong Ban Nghiên cứu Ngữ ngôn Văn tự thuộc Hội Văn Nghệ Việt Nam. Sau này, khi đọc bản lý lịch do chính tay thầy tôi viết, tôi mới biết lúc đó ông ra Bắc là theo lời mời của Bộ Nội vụ. Cũng trong năm ấy, quê tôi bị giặc Pháp chiếm, gia đình tôi phiêu bạt nhiều nơi trong vùng tự do tỉnh Quảng Nam, về sau mới định cư tại làng Chiên Đàn, huyện Tam Kỳ, quê chồng của người chị gái tôi.

Sau gần ba năm bặt tin tức, đầu năm 1948 chúng tôi mới nhận được thư thầy tôi từ chiến khu Việt Bắc gửi về. Hồi ấy tuy mới lên tám và đang học lớp nhì trường làng nhưng tôi cũng còn nhớ là mình xúc động thế nào. Bức thư đã giúp tôi nhớ lại hình ảnh, tính nết thầy tôi, tuy không rõ ràng lắm nhưng vẫn còn đọng lại trong ký ức non nớt của tôi hồi ấy.
Thầy tôi người cao to nhưng hơi gầy, ít nói, mà mỗi khi nói thì tôi và thằng cháu cùng tuổi đang chơi ở khu nhà ngang, cạnh hơn mười chiếc khung cửi máy đang chạy ầm ầm cũng nghe tiếng. Bình thường, thầy tôi rất ít khi trò chuyện với anh chị em chúng tôi, nhất là với mấy đứa nhỏ từ tuổi tôi trở xuống. Có lẽ đó là do sự cách biệt quá lớn về tuổi tác giữa thầy tôi và mấy đứa nhỏ chúng tôi. Tuy vậy, thầy tôi bao giờ cũng là người cha sống có trách nhiệm và giàu tình cảm với các con. Cho đến bây giờ, khi đã ngoài bảy mươi, nhưng mỗi khi nhớ về tuổi thơ tôi, bao giờ tôi cũng nhớ tới những trái banh của thầy tôi thắt cho, lúc tôi năm sáu tuổi. Ruột banh bằng lá chuối khô, to cỡ cái ấm pha trà, ngoài đan mắt lưới bện bằng tơ chuối hay dây vải xe, vừa nặng vừa bền. Sau này, khi có dịp được sống gần thầy tôi, không hiểu sao tôi cứ hay so sánh công việc dịch thuật của ông với những trái banh ấy và nhận ra rằng cái tính cẩn thận, chu đáo đã được thầy tôi giữ mãi cho đến cuối đời.
Ký ức của tôi không còn giữ lại được đầy đủ nội dung bức thư, chỉ nhớ là khá dài, không giống với thói quen viết ngắn của thầy tôi. Nhưng hai bài thơ ngắn lấy tên chung là “Nhớ nhà” viết theo thể Đường luật mà thầy tôi gửi kèm theo lá thư ấy thì tôi thuộc lòng từ dạo ấy đến giờ. Cũng dễ hiểu thôi vì bài thơ nhắc nhiều đến chúng tôi và đúng mười năm sau đó đã thành cái cớ để nhiều người chỉ trích trên báo. Trong hai bài đó, có một bài như sau:
Hai nhà cộng lại có mười con
Năm gái năm trai ngắm cũng dòn
Gả cưới tạm yên nguyền một nửa
Sữa măng riêng mủi máu ba hòn
Tư trào thôi hẳn đành chia rẽ
Nhân cách còn mong được vẹn tròn
Bé nhất Lang Sa mới ba tuổi
Tên mày ghi cái nhục non sông!
Anh chị em tôi do hai người mẹ sinh ra mà nếu không có chiến tranh chắc đã sống yên ổn trong một mái ấm gia đình. Mẹ các anh chị tôi mà chúng tôi quen gọi bằng “mạ” theo cách gọi của một số gia đình Quảng Nam, sinh hạ tám lần nhưng người anh thứ năm mất sớm nên chỉ còn lại bảy. Cộng với ba anh em do mẹ tôi sinh, thầy tôi có cả thảy mười người con, năm trai năm gái, nhưng lúc ấy chỉ mới non một nửa có gia đình. Trong số ba anh em do mẹ tôi sinh sau, có thằng út sinh đúng vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, ngày Nhật đảo chính Pháp. Có lẽ vì thế mà thầy tôi đặt tên cho em là Lang Sa, theo cách đọc Hán Việt chữ France, có nghĩa là nước Pháp.
Hồi đó và cho đến trước lúc thầy tôi chủ trương tờ “Nhân văn” và tham gia viết cho nhóm “Giai phẩm”, tôi chưa từng nghe ai chỉ trích cách đặt tên đó cả. Bản thân tôi cũng tin rằng cái tên thằng em tôi mang, như thầy tôi giải thích, là để đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp và nhắc nhở anh chị em tôi cái nhục “một cổ hai tròng”. Chỉ tới năm 1958, khi báo chí phát động rầm rộ cuộc đấu tranh chống “Nhân văn - Giai phẩm”, tôi mới biết thêm cách hiểu khác của các nhà phê bình (!). Chỉ thương thằng em tôi, lúc đó mới mười ba tuổi, đang học cấp 2, đã phải tự ý đổi tên và dùng cái tên không phải do thầy tôi đặt cho mãi tới bây giờ…
Năm 1957, thầy tôi bảy mươi tuổi. Lúc này báo “Nhân văn” đã bị đóng cửa, thầy tôi gần như tự cách ly hẳn với cuộc sống bên ngoài. Những người thường lui tới thăm hỏi và đàm luận văn chương với thầy tôi như các cụ Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ; các anh Phan Ngọc, Phùng Cung… bây giờ cũng không thấy đến nữa. Thầy tôi một phần do tuổi già và cũng buồn nữa nên chẳng đi tới đâu. Suốt ngày thầy tôi giam mình trên gác hai trụ sở Hôi Văn Nghệ Việt Nam, hết nằm đọc sách lại ngồi vào viết, thường là những bài nghiên cứu tiếng Việt. Hồi này thầy tôi thi thoảng bị run tay, căn bệnh thường thấy ở người già. Cứ vào khoảng bốn hay năm giờ chiều, lúc tay run nhiều, ông thường sai tôi ra cửa hàng nước trước cổng Hội Văn nghệ, chỗ ngã tư đường Trần Hưng Đạo và Hàng Bài, mua một hay hai hào rượu. Đó là thứ rượu quốc doanh, chắc bây giờ ít người chịu uống. Thầy tôi uống rượu cũng đơn giản như khi uống nước. Thường thì ông chỉ rót đầy một chén nhỏ, uống liền một hay hai ngụm là hết, xong lại làm việc.
Vào năm này, có người ở Hà Nội định tổ chức lễ mừng thọ thầy tôi bảy muơi tuổi. Nhưng rồi sau đó chắc lo bị liên lụy nên không thấy tổ chức nữa. Đây là thời gian thầy tôi viết hai bài thơ luật Đường lấy tên chung là “Bảy mươi tự thọ”. Tôi nhớ trong hai bài đó có một bài như sau:
Đã bảy mươi rồi mẹ nó ơi
Thọ ta ta chúc nỏ phiền ai
Đầy đàn con cháu năm mâm chẵn
Kể tuổi văn chương bốn chục ngoài
Đầy bụng báng nhau trăm bộ sách
Còng lưng thồ nặng chín triều vua
Giật mình trước mắt nền dân chủ
Hất cái bia đi kẻo trái mùa!
Bài thơ được thầy tôi chép tay trên giấy khổ lớn, giao mẹ tôi giữ. Trong gia đình, ngoài mẹ tôi và tôi, chắc không còn ai biết việc đó.
Hồi này tôi mười bảy, đang học lớp bảy, lớp cuối cấp 2 ở miền Bắc lúc bấy giờ. Tôi đọc bài thơ và không khỏi bùi ngùi nhận ra rằng thầy tôi cũng giống như phận con rùa trong câu ca dao xưa “Thương thay thân phận con rùa. Lên đình đội hạc xuống chùa đội bia”.
Và cũng chỉ có thế! Tôi không hề nhận ra những gì mà nhà văn nổi tiếng nọ, lúc bấy giờ ít ra cũng hơn tôi bốn mươi tuổi đã viết trong bài báo công kích thầy tôi hồi đó. Tôi càng thêm thương thầy tôi, chỉ vì một bài thơ viết riêng cho mình, chưa hề được công bố mà cũng bị đem ra đàm tiếu…
Cũng năm này, tôi về nghỉ hè tại gia đình. Không khí gia đình chúng tôi lúc đó đã khá nặng nề. Các anh chị tôi chỉ thi thoảng mới tới thăm thầy tôi nhưng chẳng nói được gì nhiều, ngoài mấy câu thăm hỏi sức khỏe. Như thế là vì thầy tôi từng giao hẹn với các anh chị tôi là không nói chuyện “Nhân văn” mỗi khi tới thăm ông. Hồi này thầy tôi đã yếu, một phần do tuổi cao nhưng phần lớn có lẽ là do ông buồn bực, suy nghĩ nhiều sau vụ “Nhân văn - Giai phẩm”. Cả ngày ngoài mấy bữa ăn, ông thường nằm đọc sách, chỉ thi thoảng mới ngồi lên ghi chép hay kéo mấy hơi thuốc lào với chiếc điếu cày từ hồi còn ở Việt Bắc bây giờ đã lên nước bóng nhẫy.
Vào một buổi sáng, thầy tôi nhận được thư. Sau khi đọc xong, ông gọi tôi tới ngồi  cạnh rồi bảo:
- Con xem nè, mới ở Trung Quốc mấy tháng mà đã viết được thế này!
Tôi cầm thư xem. Thì ra là thư của Nguyễn Đình Nghi, con nhà thơ Thế Lữ, người có thời gian học chữ Hán với thầy tôi, hiện đang theo học lớp đạo diễn ở Trung Quốc gửi về. Chờ cho tôi đọc xong, ông hỏi:
- Hiểu được không con?
Nhờ biết một ít chữ Hán hồi học lớp nhì trường làng; năm đó lại được tiếp tục học Trung văn theo chương trình cấp 3 của miền Bắc lúc ấy nên tôi mạnh dạn trả lời:
- Dạ, con hiểu!
Vậy là ông bảo tôi đọc và dịch cho ông nghe. Tôi hơi lo nhưng rồi cũng làm theo lời ông. Chữ nào không đọc được bằng âm Hán Việt thì tôi đọc theo âm Bắc Kinh. Gặp những chỗ khó, tôi không dịch được thì ông chỉ dẫn. Cứ như thế cho tới khi tôi đọc và dịch xong cả bức thư. Ông bảo:
- Học Trung văn mà đọc được âm Hán Việt là tốt lắm đấy! Nhưng muốn đọc được sách cổ thì còn phải học thêm “văn ngôn”.
Tôi trước đó cũng đã từng nghe nói tới văn ngôn, văn bạch thoại nhưng khác nhau thế nào thì còn chưa rành rẽ. Được dịp may, tôi mạnh dạn nhờ thầy tôi phân biệt. Thầy tôi giảng giải nhiều lắm. Nào là do đâu người Trung Quốc phải thay văn ngôn bằng bạch thoại, ai là người khởi xướng, cuộc đấu tranh giữa nhóm chủ trương văn ngôn và nhóm chủ trương bạch thoại gay gắt thế nào… Đến nay tôi đã quên mất quá nửa nhưng hai câu chữ Hán mà thầy tôi cử ra để phân biệt thì tôi nhớ mãi tới tận bây giờ. Đó là câu bạch thoại “Mặc Tử thị Chiến Quốc thời đại đích nhân” và câu văn ngôn “Mặc Tử Chiến Quốc thời nhân dã” cùng một nghĩa với câu tiếng Việt “Mặc Tử là người thời Chiến Quốc”.
Sáng hôm sau, thầy tôi dậy sớm hơn mọi khi và ngồi vào bàn làm việc ngay. Tôi lấy làm lạ nhưng không dám hỏi. Khoảng một tiếng sau, ăn điểm tâm xong, thầy tôi bảo tôi tới cạnh bàn, nơi ông ngồi làm việc và bảo:
- Hôm nay thầy dạy con chữ Hán. Thứ chữ này có tiếng là khó nhưng với ai chuyên tâm thì khó cũng thành dễ!
Tôi liếc nhanh tờ giấy màu ngà, kẻ ô vuông đặt ngay trước mặt mới biết đó là bài “Mao ốc vi thu phong sở phá ca” của Đỗ Phủ. Thì ra thầy tôi dậy sớm là để viết bài thơ này dạy tôi học. Chữ thầy tôi chân phương, vuông vức, sắc nét nên rất dễ đọc. Mãi về sau này đọc “Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí và Thơ mới” của nhà nghiên cứu Vu Gia tôi mới hiểu tại sao ngay từ năm 1908, khi mới hai mươi mốt tuổi và đang bị giam trong nhà lao tỉnh Quảng Nam, thầy tôi đã được một viên quan võ hàng tứ phẩm mời về tận nhà riêng để viết câu đối và tại đây ông đã có mối tình rất nên thơ nhưng cũng đầy bất trắc với cô vợ trẻ của thầy đội đề lao này. Nhờ vậy mà đúng hai mươi bốn năm sau cuộc tình lãng mạn đó, trên “Phụ nữ tân văn” số 122 ra ngày 10 tháng 3 năm 1932 ông mới có “Tình già” mở đầu bằng câu “Hai mươi bốn năm xưa...” khai sinh cho phong trào Thơ Mới và trên “Đông Dương tạp chí” số Xuân 1939 ông tiếp tục với “Tình trong tù” hay “Một Phan Khôi tự truyện”.
Ngày nay nghĩ lại, tôi thấy cách ông dạy tôi học chữ Hán không khác mấy so với lúc ông soạn bộ “Hán văn độc tu” đăng từng kỳ trên “Phụ nữ tân văn” năm 1932. Đầu tiên, ông yêu cầu tôi gạch chân những từ chưa biết nhưng lại không dạy ngay những từ ấy mà cẩn thận kiểm tra nghĩa các từ mà tôi đã biết. Bao giờ cũng bắt đầu từ nghĩa trong bài, sau đó mới đến các nghĩa khác. Thường thì sau khi nghe tôi trình bày, bao giờ ông cũng cắt nghĩa thêm, có lúc còn kèm theo thí dụ, kỳ cho tới khi nào tôi thật hiểu mới thôi. Đối với những từ tôi chưa biết cũng với một kiểu như vậy...Thuộc nghĩa từ xong, ông cho tôi tập viết suốt cả buổi sáng hôm ấy. Đến chiều mới chuyển sang phần dịch nghĩa rồi dịch thơ. Nhớ có lần học tới bài “Oán tình” của Lý Bạch, đến phần dịch, ông yêu cầu tôi không chỉ dịch nghĩa mà cả dịch thơ. Tôi tuy có được học chút ít về thơ luật nhưng dịch thì chưa bao giờ cả. Vậy là tôi lại có dịp được nghe ông giảng về luật thơ. Tôi còn nhớ như in bản dịch thơ bài “Oán tình” mà ông đọc cho nghe trong buổi chiều hôm ấy:
Người đẹp cuộn rèm châu
Ngồi nghiêm chau mày ngài
Chỉ thấy ngấn lệ ướt
Chẳng biết lòng giận ai
Hồi đọc cho tôi nghe bản dịch này, ông không cho biết tên dịch giả nhưng nhớ là tôi rất thích, nhất là câu “thâm tọa tần nga mi” mà dịch là “ngồi nghiêm chau mày ngài”. Cho tới tận hôm nay, khi ngồi viết những dòng hồi ức này, tôi vẫn không quên được ấn tượng mà câu thơ dịch đã mang lại cho tôi hồi ấy. Mãi sau khi ông mất, trong khi lập thư mục cho số sách vở, tài liệu, ghi chép của ông để lại, tôi mới tình cờ đọc được bản dịch bài thơ này trong một cuốn sổ tay của ông. Về sau nhờ đối chiếu với nhiều bản dịch khác, tôi càng tin chắc đây là bản dịch của thầy tôi nhưng lạ là trước nay chưa từng thấy đăng ở đâu. Và tôi nghiệm ra rằng, không chỉ đối với văn xuôi mà với thơ, thầy tôi cũng theo lối “trực dịch”; trực dịch nhưng lại muốn thêm giọng điệu cho tiếng bổn quốc và thêm một cách nói cho tiếng ta.
Hết thời gian nghỉ hè, khi tôi đã tàm tạm gọi là đọc được sách, ông đưa cuốn “Phản đối văn nghệ tu chính chủ nghĩa đích tư trào”( Phản đối trào lưu tư tưởng xét lại trong văn nghệ) của Diêu Văn Nguyên mà ông mang về từ chuyến đi Trung Quốc dự lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn, bảo tôi đọc. Khoảng hai hoặc ba hôm sau, khi đưa trả ông cuốn sách, thầy tôi hỏi:
- Con thấy thế nào?
Tôi thật sự bất ngờ nhưng rồi nghĩ sao cứ trả lời vậy:
- Thưa thầy, con chưa đọc mấy người bị lên án nên không biết đúng sai thế nào!
Thầy tôi nói như chỉ để mình nghe:
- Vậy mà  người viết thì đâu cần biết đúng sai!
Rồi với một giọng chậm rãi, thầy tôi quay sang tôi:
- Rồi mình đây cũng sẽ có những sách như thế. Chỉ không chầy thì chóng thôi!
Tôi không hiểu ông lúc ấy thực sự định nói gì nhưng rồi chỉ hơn một năm sau, khi phong trào đấu tranh chống “Nhân Văn - Giai Phẩm” lên tới hồi cao trào thì tôi đã hiểu ra tất cả và thầm phục khả năng tiên đoán của ông. Chỉ không ngờ điều ông dự cảm lại xảy ra nhanh đến thế và chính ông trở thành nạn nhân của những nhà phê bình kiểu... họ Diễu.
Buồn thay là lúc này ông đã bị tước cả quyền biện minh cho mình nên không thể nói gì, viết gì dù chỉ là một lời, một chữ để gọi là có. Vậy là điều ông lo ngại mọi cái miệng rồi đây sẽ bị vú lấp trong “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” đăng ở “Giai Phẩm mùa Thu” năm 1956 không còn là lo ngại nữa mà đã trở thành sự thật nhãn tiền…
16-12-2011
Phan Nam Sinh



Trả lời thư nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
(Có hay không việc C. L. V. hoạnh họe Phan Khôi?)

Tôi đã đọc kỹ thư anh viết. Được biết anh sẽ gửi “Kỷ niệm nhỏ về thầy tôi - Nhà văn Phan Khôi” cho một tờ báo mà anh tin cậy, tôi rất vui và thành thật cám ơn anh về điều này. Sau đây tôi xin trao đổi về những gợi ý của anh cho bài viết của tôi cũng như trả lời một vài câu hỏi mà anh đã đặt ra trong thư :                                  
1- Trong thư anh có gợi ý tôi nên thêm một đoạn nói về việc gia đình tôi từ Quảng Nam tập kết ra Hà Nội hồi năm 1955 vì chi tiết này chưa ai kể. Về việc này tôi xin nói để anh rõ như sau:
Ý định ban đầu của tôi khi viết “Kỷ niệm nhỏ về thầy tôi…” là để đưa vào một cuốn sách dự định có tên là “Phan Khôi trong lòng con cháu”, tập hợp những bài của con cháu Phan Khôi viết về ông. Nhưng rồi trong quá trình viết, tôi chuyển qua viết một bài báo, hy vọng được đăng để tưởng nhớ 53 năm ngày ông qua đời. Với dung lượng một bài báo, tôi chọn viết trước những gì gây ấn tượng nhất với mình. Vì vậy mà khi viết xong, tôi cũng thấy như anh là nó không được liền mạch cho lắm. Tôi sẽ khắc phục khuyết điểm này khi viết tiếp. Chẳng hạn như việc chúng tôi tập kết ra Bắc thế nào, lần đầu gặp lại ông sau gần 10 năm xa cách ra sao… nghĩa là những gì anh gợi ý, tôi sẽ viết hẳn thành một đoạn và để vào sau đoạn thứ nhất. Hy vọng cái cảm giác rời rạc lúc ấy sẽ không còn nữa.
2- Trong thư anh có nhắc và cũng có ý hỏi tôi thực hư thế nào về một chi tiết trong bài viết của họa sĩ Trần Duy vào dịp Tọa đàm về Phan Khôi tại Hà Nội nhân 120 năm ngày sinh của ông. Theo đó, trong một lần tới 51 Trần Hưng Đạo, Trần Duy đã tình cờ chứng kiến cảnh một vị mà người đọc ai cũng có thể đoán là C.L.V. đang thóa mạ Phan Khôi bằng những lời lẽ hết sức thô bỉ trong khi ông bà đang chuẩn bị chuyển chỗ ở. Về việc này tôi có ý kiến như sau:
Theo trí nhớ của tôi thì thầy tôi ở 51 Trần Hưng Đạo ngay lúc mới từ Việt Bắc về Thủ Đô. Vào khoảng cuối 1957, nghĩa là sau vụ “Nhân văn - Giai phẩm” khá lâu, ông mới chuyển sang 10 Nguyễn Thượng Hiền; ở được ba hay bốn tháng mới dời về 73 Thuốc Bắc. Hồi đọc bài của họa sĩ Trần Duy, ngay từ đầu tôi đã không tin việc ông chứng kiến cảnh C.L.V. đã hoạnh họe thầy mẹ tôi lúc ông bà chuyển từ 51 Trần Hưng Đạo về 73 Phố Thuốc Bắc (?). Bởi nếu quả lần đó Trần Duy thấy thầy mẹ tôi chuyển nhà từ Trần Hưng Đạo thì là chuyển về 10 Nguyễn Thượng Hiền chứ không phải chuyển về 73 Thuốc Bắc như ông nói. Vả lại, hồi ở 51 Trần Hưng Đạo tôi cũng chưa một lần nghe ai nói nặng với Phan Khôi kể cả lúc ông đã là chủ nhiệm tờ “Nhân Văn” và tham gia viết cho nhóm “Giai phẩm”. Tôi đã đem hai điều nghi ngờ này hỏi thẳng mẹ tôi. Mẹ tôi phủ nhận hoàn toàn và còn cho biết thêm: mỗi lần di chuyển chỗ ở; cơ quan Hội Văn Nghệ, lúc đó do ông Thụy làm Trưởng phòng Hành chính - Quản trị đều điều xe tới tận nơi để đưa thầy mẹ tôi và đồ đạc tới nơi ở mới. Hoàn toàn không có chuyện thầy mẹ tôi phải đi bộ hoặc phải di chuyển bằng xích lô. Và cũng không có chuyện ai đó mắng mỏ thầy mẹ tôi hết! Mới hai hôm trước đây, trong cuộc họp của một Hội Văn học Nghệ thuật địa phương thậm chí có vị hội viên cao tuổi còn bảo rằng đã ở tù chung với Phan Khôi hồi “Nhân Văn”. Tôi nghe mà buồn cười quá đành phải nói vui: Phan Khôi không ở tù, ông chỉ ở nhà dành riêng cho Bảo Đại thôi! Trong việc này tôi ngờ C. L. V. bị oan. Sau lưng thế nào không biết chứ trước mặt, như tôi chứng kiến, anh chị C. L. V. và tất cả những ai ở tại 51 Trần Hưng Đạo lúc đó, khi cần nhắc tới thầy mẹ tôi, họ đều một “Bác Phan”, hai “Bác Phan”; không hề có chuyện “lão nọ”, “thằng này” bao giờ cả. Tôi không có ác cảm gì với C. L. V., thậm chí còn giữ được một vài kỷ niệm đẹp về vợ chồng họ nữa. Tiện thể xin kể vài mẩu để anh nghe:
Giữa năm 1959, tôi 19 tuổi và đang học lớp 9 tại Trường Miền Nam số 24 ở Hải Phòng. Số là hồi đó tôi luôn ao ước được đứng vào hàng ngũ của Đoàn nhưng lại gặp không ít khó khăn. Vậy là tôi… làm thơ và trời xui đất khiến thế nào không biết lại đem gửi ngay cho C. L V. nhờ anh đọc. Gửi thư đi rồi, tôi chờ mỏi mắt mà cũng chẳng thấy hồi âm. Lạ là lúc này tôi lại mong cho thư bị thất lạc bởi nếu không, chắc là anh ấy sẽ phải cười vỡ bụng và tôi cũng xấu hổ đến chết mất! Lại tới năm 1966, lúc này tôi đã ra dạy được bốn năm, nhân một lần về Hà Nội thăm mẹ tôi, tôi lại nhờ vợ anh, lúc này đã là một nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng đọc và góp ý cho một truyện ngắn tôi vừa viết. Lần này thì tôi không phải chờ đợi lâu. Chỉ vài ba tiếng sau, chính chị đã mang ra chỗ mẹ tôi nghỉ trưa, cạnh phòng thường trực 51 Trần Hưng Đạo gặp tôi và góp ý kiến, thân mật như một bà chị nói chuyện với em trai. Tôi nhớ chị khen truyện tôi viết có “tứ” nhưng chê là còn quá ít chi tiết. Hồi này tôi đang tập viết truyện nên đọc khá nhiều sách dạy viết truyện ngắn và nhớ nhất câu của Nguyễn Công Hoan: “Truyện ngắn là cỗ máy chạy bằng chi tiết”. Đem lời khuyên của nhà văn viết truyện ngắn kỳ cựu này đối chiếu với truyện tôi viết, tôi thấy đúng như lời chị nhận xét thật! Sau lần đó, tôi còn thử thêm vài ba lần nữa nhưng đều không thành công vì không vượt qua được thử thách mà chị đã nêu ra.
Năm 1967, chúng tôi tổ chức đám cưới. Lúc này cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đã tới hồi ác liệt. Các anh chị bên vợ tôi, tuy quê ở Lý Nhân, cách Hà Nội chỉ non 60 cây số mà vẫn không sao lên Hà Nội dự lễ cưới được. Đám cưới vì thế chỉ có anh chị em, họ hàng thân thuộc nhà tôi ở Hà Nội, mấy ông bà cùng công tác với mẹ tôi tại 51 Trần Hưng Đạo và bốn năm thầy giáo dạy cùng trường với tôi từ Bình Lục lên. Vậy mà anh chị C. L. V. vẫn có mặt theo lời mời của mẹ tôi. Nhớ ở tại phòng họp Hội Văn Nghệ Việt Nam trên gác hai 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, lúc nói lời cám ơn, không nhớ vì lẽ gì đó, tôi có nhắc tới hai câu của C. L. V. mà tôi rất ngưỡng mộ “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Anh nhìn tôi chỉ cười mà không tỏ thái độ gì. Cho tới lúc chia tay, anh còn bắt tay và chúc mừng vợ chồng tôi. Hơn bốn mươi năm qua, khi đã có cháu nội, cháu ngoại, tôi vẫn không quên nụ cười và cái bắt tay thân thiện của anh hồi ấy!
Giữa tháng 10 năm 1977, tôi được Ty Giáo dục tỉnh Hà Nam Ninh điều động vào Biên Hòa công tác. Lúc về tới Hà Nội để chuẩn bị vào Nam, vợ chồng tôi có ghé thăm anh chị. Hồi này, anh chị vẫn ở 51 Trần Hưng Đạo, trong một căn phòng nhỏ thuộc dãy nhà dành cho các nhà văn mà bây giờ chỉ có thể nghĩ là nhà để xe. Anh chị tiếp vợ chồng tôi rất thân mật. Một lúc lâu sau, chúng tôi xin phép ra về. Khi đứng lên, tôi nhìn hàng chữ “Xin bạn chớ ngồi lâu” treo trước bàn làm việc của anh, nói: “Sợ chúng em ngồi lâu quá!”. Biết tôi nói vui, anh nở nụ cười rất tươi và còn giữ vợ chồng tôi ở lại chơi thêm nữa!
Vào khoảng cuối năm 1985, vợ chồng C. L. V. có dịp về nói chuyện với anh chị em Văn Nghệ sĩ Đồng Nai. Tôi có được mời dự buổi nói chuyện ấy. Nhớ lúc mọi người xúm lại đặt câu hỏi, tôi cũng góp một câu. Đại khái tôi nói, lâu nay tôi đọc “thơ vui” của anh nhiều rồi, vậy xin hỏi anh có bao giờ anh làm “thơ buồn” không? Lạ là trong khi trả lời mọi câu hỏi của người khác, anh không hề đả động gì tới câu hỏi của tôi. Sau buổi nói chuyện, tôi đuợc phép nhà trường nơi tôi đang công tác, lúc bấy giờ còn là Trường Sư phạm cấp 2 Đồng Nai, mời anh chị về trường gặp gỡ và nói chuyện thơ văn với thầy giáo và sinh viên. Anh chị nhận lời nhưng mãi tới hơn năm giờ chiều hôm sau, dưới trời mưa tầm tã, anh chị mới tới được cổng trường. Tôi mang áo mưa ra đón, định đưa anh chị về nghỉ tại phòng khách của trường nhưng anh nhất định không chịu. Thế là tôi mời anh chị về thẳng phòng mình trong khu tập thể giáo viên. Tối hôm đó, tôi dành phần anh chị chiếc giường đôi, còn vợ chồng, con cái tôi chen chúc nhau trên hai chiếc giường một ghép lại. Muốn để anh chị đi nghỉ sớm, không ngờ anh chị gần như thức suốt đêm hôm đó để nói chuyện cùng vợ chồng chúng tôi. Lâu nay tôi chỉ biết chị là một nhà văn viết truyện ngắn, vậy mà tối hôm ấy nhân một chuyện gì đó, chị quay sang phê bình cuốn sách nghiên cứu về Nguyễn Trãi mà tác giả là thầy dạy tôi hồi năm thứ tư Đại học, mà phê bình rất chi tiết và chuẩn xác… Sau lần ấy, tôi không còn dịp nào gặp lại anh chị nữa, mặc dù có nghe nói đâu như anh chị vẫn ở quận Gò Vấp thuộc ngoại thành Sài Gòn. Lúc anh qua đời rồi, nhân đọc mấy tập “Di cảo” của anh để lại, tôi mới tìm được câu trả lời cho thái độ im lặng của anh hồi gặp ở Hội Văn Nghệ Đồng Nai. Chắc là anh bảo tôi cứ nhẫn nại chờ đợi đi, tới một lúc nào đó rồi khắc biết!
Nhắc lại mấy kỷ niệm nhỏ này, chắc không ai nỡ cho tôi là kẻ “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Thực lòng, tôi chỉ viết những gì có thật, hy vọng chứng minh rằng: Với một C. L. V. như thế thì có lý nào lại là kẻ có thể đối xử thô bạo, vô văn hóa… với một nhà văn lão thành theo cái kiểu đầu đường xó chợ mà họa sĩ Trần Duy nói là đã chứng kiến như vậy được! 
Thực ra tôi cũng biết, có nhiều người chửi bới Phan Khôi, nhất là hồi “Nhân văn” nhưng đó là trên mặt báo. Nhưng qua thời “đổi mới”, người ta không còn nỡ nặng lời và cũng thôi không xách mé với ông nữa, trừ trường hợp nhà văn Tô Hoài trong “Chiều chiều”. Tôi nhớ ở cuốn này, Tô Hoài đã vài ba lần gọi Phan Khôi là “lão ấy” trong khi Phan Khôi vẫn gọi Tô Hoài, người chỉ đáng tuổi con mình bằng “anh”. Nhớ nhất là cái câu Phan Khôi hỏi Tô Hoài: “Phải anh là người viết truyện con giun con dế gì đó không?” như lời nhà văn này thuật lại. Vậy ra Phan Khôi - Nhân sĩ lịch sự hơn Tô Hoài - Nhà văn nhiều! Tôi không ưa mọi sự bịa đặt hoặc “quá đà” bởi cả hai đều mau chóng giết chết niềm tin nơi những người đọc sáng suốt đối với tác giả của nó.
3- Về chi tiết thầy tôi có “tình cảm” với cô vợ trẻ của thầy đội đề lao lúc ông ở tù vì vụ “xin xâu” (1908) để đúng 24 năm sau (1932) ông có “Tình già” và đến đầu năm 1939 có thêm “Tình trong tù” hay “Một Phan Khôi tự truyện” tôi lấy tư liệu từ cuốn “Phan Khôi - Tiếng Việt, Báo chí và Thơ mới” của Vu Gia, từ trang 353 đến trang 361. Anh  giở lại xem, sẽ thấy! Khi nhắc tới thời điểm xuất hiện “Tình Già” trên báo, tôi có nghĩ tới điều anh phát hiện nhưng vì không kịp đọc lại nên viết như xưa nay người ta vẫn viết. Nếu được, anh giúp tôi chữa lại theo hướng lấy cả hai vì như vậy vừa bảo đảm tính trung thực vừa cung cấp thêm thông tin cho độc giả…
                                                                                 23-12-2011
                                                                             Phan Nam Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét