Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

GVĐN 04: Trần Hoàng Vy giới thiệu sách của Phùng Phương Quý

Trần Hoàng Vy
(HV Hội Nhà văn VN tại Tây Ninh)

Phùng Phương Quý và ước mơ rong ruổi đi tìm “Cái kiến” (*)
(Toquoc) - Tập bút ký không lời giới thiệu, không lời đề tựa, vỏn vẹn mấy ý kiến ngắn của nhà văn Dạ Ngân ở trang bìa 4: “ …Từ đó, “miền sáng tác” của tác giả đứng tuổi này (Phùng Phương Quý - người viết) không thay đổi. Tác phẩm nào cũng nhìn thấy những thân phận nhỏ nhoi đối trọng với những quan ông quan bà như cái kiến với củ khoai.
Tập bút ký này là kết quả của những năm tháng lăn lộn khắp miền đất nước của tác giả. Từ miền cực Bắc Hà Giang tới các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, lên tới miền rừng núi Tây Nguyên. Những bài viết đầy trải nghiệm và suy ngẫm, trong đó có những tác phẩm đã đoạt giải cao về bút ký văn học ở Trung ương và địa phương…”

Cả tập bút ký dày 298 trang với 26 bài viết, có bài viết từ Si Ma Cai, Bắc Hà đến Bát Xát, Lào Cai, lại ngoặt lên Đà Lạt, rồi xuống Tiền Giang, song có lẽ Phùng Phương Quý dành nhiều tình cảm cho vùng đất Tây Ninh, trung dũng kiên cường, nơi anh hiện dừng chân với một mái ấm gia đình… (với hơn 10 bài viết!). Mang tính khắc họa chân dung và những trở trăn của một ngòi viết giàu tính nhân ái, trước những thân phận đời người. Cái tình của Phùng Phương Quý, trước hết đó là sự “đền ơn đáp nghĩa”, tri ân những đồng đội đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc và cả sự bình yên của mọi người khi đất nước đã hòa bình, thống nhất. Như tâm sự của một vị tướng già trong “Khắc khoải tiếng gọi rừng xưa”: “ …Được biết, mới đây chú Chín Nghĩa vừa đi bàn giao ngôi nhà tình nghĩa của các cán bộ hưu trí ngành công an làm cho con gái chú Ba Bình (Phạm Thái Bường, nguyên trưởng ban An ninh miền) ở quận Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. “Anh Ba đông con lắm, mấy đứa còn nghèo quá. Cha làm lớn nhưng đâu để lại của cải gì cho các con”. Giữa rừng chiến khu xưa, tiếng nói của vị tướng già âm vang như lời nhắn gửi của lịch sử, của những người đi trước” (trang 12). Rồi hình ảnh người “Nữ huyện đội trưởng” Năm Mai một thời “Gan dạ, chiến đấu dũng cảm, khôn khéo cầm quân đánh giặc. Cái đầu của chị từng được bọn địch treo giá 25.000đ những năm thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước…” vươn lên từ những khó khăn vất vả trong hòa bình hay như người bác sĩ Vi Văn Đội trong “Áo trắng vùng biên giới”, kể về một ông bác sĩ người dân tộc Thái gắn bó hơn 26 năm với vùng biên giới Tây Nam của tổ quốc, đây cũng là bài bút ký với nguyên mẫu thực sinh động của đời thường đã giúp Phùng Phương Quý đạt giải ba trong cuộc thi bút ký do Bộ Y tế tổ chức năm 2010.
Người đọc còn bắt gặp những hình ảnh của các dân tộc ít người ở Tây Ninh như Lâm Xích, người Tà Mun, rồi những mảnh đời vất vả gian khó của đồng bào Mông, Lô Lô, H’ Mông… ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, họ cũng giống như đồng bào Kinh, biết vượt lên số phận, chăm chỉ lao động làm ăn và sinh sống với những khát khao về cuộc sống ổn định, vươn lên khá giả, cùng nhau góp sức giúp đỡ hàng xóm láng giềng trong lúc hoạn nạn vất vả,như những người dân ở Ngã tư Năm trại… với những cái tên mộc mạc, thân thương như Tám Gầm, ông Hai Sê-ri, bà Út vé số, ông Năm Bự v. v…
Ngòi bút của Phùng Phương Quý không xoáy vào những nỗi đau, sự cùng cực, vừa đủ để gợi nên những mảnh đời của những “cái kiến”, hướng người đọc vào niềm cảm thông, mong làm những việc thiện có ích để giúp đỡ mọi người: ”Bây giờ cuộc sống gia đình của người nữ huyện đội trưởng xưa đã bình lặng trở lại sau cuộc chiến…” (trang 178), hay “Nắm bàn tay gầy guộc của ông Trang, tôi hứa trong một dịp khác sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này để có thể viết tiếp những ký ức của vợ chồng ông…” (trang 190). Vì là văn phong của thể loại bút ký, nên người viết thiếu đi sự tung tẩy, mà phải dựa vào nhân chứng vật chứng cụ thể và có thật, do vậy, nhiều trang viết gần như đều dùng một giọng kể, cái cảm giác phải “suy nghĩ” cùng tác giả có lúc lại là những giải đáp có sẵn của tác giả. Bạn đọc dường như không phải “liên tưởng” gì thêm. Thế mạnh và cũng là nhược điểm của thể loại bút ký. Nhưng dù sao, sự vượt trội trong miêu tả, kể chuyện, Phùng Phương Quý đã thể hiện một bút lực sung mãn, vốn sống dồi dào. Chịu khó đi và viết, và anh đã truyền được sự nhiệt tình, chia sẻ đồng cảm là điều thật đáng quí.
Những “cái kiến” (chữ dùng của nhà văn Dạ Ngân) trong tác phẩm của Phương Quý đa phần chịu thương, chịu khó. Biết vượt lên thân phận, mới thật đáng yêu trong cuộc sống hiện nay…
(Nguồn: trang Văn học quê nhà - báo điện tử Tổ Quốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét