Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

GVĐN 09: CẢM THÔNG VỚI VĂN NGHỆ SỸ HẢI PHÒNG


 NGUYỄN LONG

Vụ việc cưỡng chế đất ở Cống Rộc xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với tiếng đạn hoa cải chống trả của hai anh em nông dân Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý đã làm chấn động cả nước và lan rộng ra cả thế giới. Có lẽ rất lâu rồi mới có một sự kiện được giới truyền thông công khai đưa tin rầm rộ hàng, ngày hàng giờ và được nhiều người quan tâm theo dõi cũng như viết bài phản ánh, tham gia bình luận đến thế. Chỉ riêng nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Vinh trong gần hai tháng ăn nằm ở Tiên Lãng đã viết gần 100 bài báo và một phóng sự dài hơi hơn 30 kỳ về một vụ việc này.
Bây giờ cứ vào mạng Google, tìm khoá Tiên lãng thì cho ngay hơn 9 triệu kết quả trong 0,18 giây. Còn khoá Đoàn Văn Vươn thì có ngay gần 5 triệu kết quả trong vòng 0,1 giây. Mà không phải chỉ có giới báo chí và nhân dân quan tâm, rất nhiều các quan chức, các chí sỹ có tên tuổi, những người có lương tâm, yêu công lý, ủng hộ sự thật và lẽ công bằng đều đã lên tiếng. Từ cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh, cựu Phó thủ tướng Vũ Khoan, các bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh công an, quân đội  văn nghệ sỹ ở khắp mọi miền đến rất nhiều trí sỹ sống ở ngoài nước... Vậy mà sự kiện xảy ra ở quê hương sau hơn một tháng trời, giới văn nghệ sỹ Hải Phòng vẫn biểu lộ một sự im lặng khác thường, khác hẳn với giới báo chí của địa phương.
 Ngay sau khi vụ việc cưỡng chế xảy ra, đài PTTH Hải Phòng, đài huyện Tiên Lãng và một số tờ báo trong tỉnh đều đưa tin công lao và việc làm đúng đắn của huyện Tiên Lãng và của các cơ quan chức năng của tỉnh. Đồng thời kết tội anh nông dân Đoàn Văn Vươn. Tôi xem Đài PTTH Hải Phòng có phóng sự mấy kỳ liền đều khẳng định gia đình anh em anh Vươn, anh Quý là kẻ xấu, chống đối chính quyền, đã từng trốn lậu thuế và không có công lao gì trong việc ngăn đê chắn sóng, xây dựng khu đầm bãi ở xã Vinh Quang. Những thông tin đó đều sai với sự thật sau này các báo chí khác đưa ra và hoàn toàn ngược lại với kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Chắc cũng chẳng ai nỡ lên án những nhà báo Hải Phòng. Vì xưa nay báo chí ở địa phương nào cũng phải “ăn cây nào, rào cây ấy”, phải nói theo sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, huyện. Thông tin thường chỉ một chiều là biểu dương thành tích. Những vấn đề phức tạp, có tính chất nhạy cảm liên quan tới chính quyền của địa phương càng không được “cầm đèn chạy trước ô tô”. Chỉ thoải mái đưa tin khi cá nhân người dân phạm tội, phạm pháp và bị chính quyền xử lý. Quá lắm thì người ta cũng chỉ trách cứ hoặc cười báo chí: ở tại địa phương, một người dân ít học còn biết ai sai, ai đúng. Sắc sảo khôn ngoan như mấy anh chị nhà báo mà còn cố tình vào hùa, cổ suý cho những việc làm sai thì sau này rất khó rút lời. Mà báo chí thì ngày nào cũng phải đưa tin, cũng phải định hướng dư luận.
Sự im lặng của giới văn nghệ sỹ Hải Phòng trước một vụ việc lớn như vậy khiến nhiều bạn bè cùng giới sốt ruột. Đến nỗi trang mạng trannhuong.com trong mục Cùng vui đã có bài Tiên Lãng ở đâu, trong đó vẽ một bức tranh biếm hoạ hai ông văn nghệ sỹ Hải Phòng đắp chăn hỏi nhau: - Ông ơi, Tiên Lãng nó ở Cu Ba hay Bắc Triều Tiên ấy nhỉ? – Có lẽ bên Trung Quốc thì phải... Và còn chua thêm đoạn thơ châm: Các bác im thin thít/ chắc xơi thịt nấu đông/ ôi thư ký thời đại/ suốt ngày trùm chăn bông. Sau này tôi mới hiểu, sự im lặng đó không phải là cách “ngậm miệng ăn tiền” hay thờ ơ với thời cuộc của những người là thư ký thời đại ở Hải Phòng. Đó là sự im lặng của những con người biết liêm sỉ và có cả sự hổ thẹn của người biết điều.
Ít ngày sau đó, tôi được nghe chính kiến của người đầu tiên là nhà thơ Thi Hoàng. Ông vừa là lão làng của văn nghệ Hải Phòng vừa là cây đại thụ thơ Việt Nam hiện nay. Qua bài viết của nhà báo Nguyễn Thông về Hải Phòng được tiếp kiến ba vị tiên chỉ của đất Cảng, trong đó có hai văn nghệ sỹ là nhà thơ Thi Hoàng và đạo diễn Đào Trọng Khánh, ai cũng có chính kiến vừa rành rẽ vừa minh triết về vụ Tiên Lãng. Riêng nhà thơ Thi Hoàng, không cần vòng vo thơ phú né tránh điều gì, ông nói như bắn thẳng: “Mấy cha lãnh đạo Hải Phòng và cả Trung ương nữa hãy bỏ thói sỹ diện, tự ái đi. Làm sai thì nhận thì sửa, càng sớm càng tốt, cứ quanh co che đậy mãi chỉ tổ dân ghét”. Rồi nhà văn Đình Kính phát biểu trên báo Văn nghệ. Không biết có phải ông viết theo sự đặt bài của báo sau khi đã có kết luận của Thủ tướng hay không mà thấy ông chỉ đưa ra hai bài học kinh nghiệm sâu sắc từ Tiên Lãng. Một là Quyền lực không bị giám sát, hai là sự bất cập của luật đất đai. Giống như ý kiến của những nhà quản lý tầm vĩ mô, chứ ông không nói đến tâm tư hay chính kiến của một người Hải Phòng. Chỉ khi nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh lên tiếng với những lời tâm sự dốc ruột qua bài Nỗi đớn đau, hổ thẹn này  trên quechoa.ìnfo của nhà văn Nguyễn Quang Lập lấy từ nguồn Blog TL, bạn đọc mới hiểu rõ được nỗi niềm của giới văn nghệ sỹ đất Cảng. Nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh là tác giả của nhiều kịch bản phim dài tập về Cảnh sát hình sự, nhiều người biết đến ông từ bộ phim nói về vụ buôn bán gốm cổ Chu Đậu. Ông quen thân và thường xuyên qua lại với một số anh chị em văn nghệ sỹ Thái Bình. Theo ông tâm sự, ông viết bài báo này trong tâm trạng ...đau đớn, hổ thẹn khôn cùng khi có những điều thật khó nói ra. Nhưng ông đã nói hết. Vì sao mà một thành phố có tầm cỡ thứ hai cả nước được dựng lên bởi nữ tướng lẫm liệt Lê Chân, đã có bề dày lịch sử oai hùng “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”... Vậy mà gần hai chục năm trở lại đây tụt hậu thảm hại tới mức đã có câu ca truyền miệng: “Rủ nhau đi vịnh Hạ Long/ nhớ qua thị xã Hải Phòng chờ em”. Đó là vì: Không có thành phố nào có những vụ đất đai như Quán Nam, Đồ Sơn với bản danh sách cán bộ nhận chia đất dự án gần 200 người được đăng tải trên báo Pháp luật Thành phố HCM cho cả nước xem. Không có thành phố nào có ông Phó chủ tịch và các ông giám đốc sở này, chủ tịch huyện nọ, trưởng phòng địa chính... hai lần được đứng trước vành móng ngựa và bị dân la ó, ghét bỏ đến thế... vv và vv. Ông kể nhiều lắm, toàn những chuyện quan chức tham nhũng, nội bộ xâu xé nhau và ăn cướp của dân, của nước...
Và ông bộc bạch: đã lâu văn nghệ sỹ chúng tôi không viết được những dòng tự hào về thực tế đang diễn ra ở thành phố quê hương mình, Cho đến vụ Đoàn Văn Vươn với tiếng súng hoa cải loé sáng để cả nước tập trung vào mổ xẻ, thoá mạ những người lãnh đạo ở xã, ở huyện, ở thành phố, chúng tôi buộc phải choàng tỉnh, phải mở mắt, dỏng tai nghe những gì cả nước nói về Hải Phòng... Rồi ông nói về vụ Tiên Lãng với chính kiến của một người sở tại. Biết hết, hiểu hết đấy nhưng lâu nay không nói ra được, nên ông đau đớn tự hỏi: Ai đã bôi nhọ thành phố của mình?.. mà thành phố vinh quang của chúng tôi làm gì nên tội... Là một người cầm bút, không có quyền hành gì, ông cũng như anh chị em cùng giới chỉ còn biết than thở và chờ đợi khi sự việc đã vỡ ra ở địa phương mà: Lãnh đạo thành phố vẫn bảo thủ, giải quyết lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm: Thành phố đổ cho huyện, huyện đổ cho xã, xã đổ cho dân. Khi sự thật bị phơi bày thì đình chỉ cán bộ 15 ngày để làm kiểm điểm! Thật hệt như vụ đất đai ở Đồ Sơn năm nào khi toà phạt mỗi bị can 50.000 đồng án phí. Rồi chuyện sẽ đi tới đâu, hồi kết thế nào? Là người Hải Phòng, văn nghệ sỹ chúng tôi đành chịu, không thể biết. Chúng tôi không có quyền sử lý, tham gia, làm gì? Chỉ có thể bằng tiếng nói đớn đau, bức xúc của người cầm bút (viết hay không viết, nói hay không nói).
Tôi tin nỗi niềm của nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh cũng là tâm sự chung của nhiều anh chị em văn nghệ sỹ Hải Phòng, bởi trong một bài thơ hài của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn gửi nhà thơ Thanh Tùng, cả hai hiện đang sống ở phía Nam nhưng là người gốc hoặc đã gắn bó với đất Cảng, cũng nói về tâm trạng hổ thẹn vì quê hương: Chỗ đông cúi mặt lảng xa/ chối phăng không phải quê ta ... Phỏng Hài (Hải Phòng).
Nói như nhà văn Nguỵ Minh Luận (Trung Quốc): Đương nhiên vận nước thịnh hay suy văn chương có trách nhiệm, song khả năng có hạn... văn học không thể làm bồ tát cứu thế, cũng không thể làm anh hùng loạn thế... Ngày nay cũng không phải là thời “dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ những vần thơ bom đạn phá cường quyền” nữa. Xã hội bây giờ con người ta đã nhàm với cái ác, cái sai và vô cảm trước sự đau thương, oan khuất của người khác. Sự im lặng và hổ then của những người văn nghệ sỹ Hải Phòng trước sự việc tai tiếng, xấu xa ở quê hương mình, tôi tin được sự đồng cảm và cả sự đáng trân trọng của nhiều người. Với tôi, xin được bày tỏ lòng khâm phục và trân trọng các anh thêm một lần nữa vì các anh đã không phụ hoạ, bênh vực cái sai cái xấu của chính quyền, của các vị quan tham để nói xấu và kết tội những người dân lương thiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét