Phan Văn Tú
(Khoa Báo chí - Truyền Thông, Đại học KHXH-NV TP HCM)
KẾ HOẠCH NGỰA
Tiểu phẩm
Lên mạng tìm thông tin thấy nói một con ngựa hiện nay ở Việt Nam chừng 30 triệu, rẻ hơn xe ô tô rất nhiều. Ngựa chắc chắn không tự cháy và chả đòi uống xăng như xe. Thức ăn cho ngựa thì nhiều như… cỏ nên chuyện tăng giá cũng khó xảy ra. Ngựa không có bánh, kiếng chiếu hậu hay gạt nước nên không lo bị trộm vặt. Lông ngựa chả ai tin là đem lại may mắn như lông đuôi voi nên hổng sợ ai bứt. Chưa hết, ngựa chạy được đường tắt, băng đồng, lội suối được chứ ô tô thì chắc là không. Đi ngựa không sợ bị kẹt xe, không thải khói độc, không cần đội mũ bảo hiểm và không sợ bị phạt khi nếu lỡ đi ngược chiều.
Phân và nước đái ngựa thải ra - tuy hôi và có phiền hà một tí - nhưng cũng có ích cho nhà nông. Vụ này cũng có thể giải quyết bằng cách treo cái giỏ tre phía sau đít ngựa, giống như cụ Nguyễn Công Trứ ngày xưa cưỡi con bò cái còn gắn thêm cái.... mo cau đó!
Nói chung, đi ngựa rất lợi, rất môi trường, mà tốc độ cũng không tệ. Đó là chưa kể, cưỡi ngựa đi tác nghiệp giữa phố hiện nay sẽ không đụng hàng. Ý tưởng này ra đời hôm qua khi mình đọc báo thấy ông Nguyễn Hoàng Hiệp ở Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thừa nhận: “Cả nước hiện có 37 triệu phương tiện giao thông, và con số này còn tiếp tục gia tăng, nên cần có biện pháp hạn chế. Trong các giải pháp đưa ra, có việc ban hành quỹ bảo trì và sắp tới sẽ thu phí hạn chế phương tiện cá nhân. Trước mắt 2 khoản phí “vào trung tâm thành phố” và “hạn chế phương tiện cá nhân” vẫn phải làm và phải làm ngay vì với tốc độ hiện nay thì 3 năm nữa Hà Nội và TP. HCM sẽ không còn chỗ để để xe, chứ không nói là để đi, đấy là điều chắc chắn. Đáng nhẽ phải thu cách đây 10 năm rồi, nếu thu cách đây 10 năm thì tình trạng ùn tắc đã không như thế này”. Ngoài ra, theo ông Hiệp, các đô thị phải có lộ trình giảm xe máy, riêng Hà Nội và TP. HCM chắc chắn sẽ có lộ trình cấm hẳn xe máy”.
Người đầu tiên mình thông báo kế hoạch này là bà xã:
- Em ơi, mình nên mua ngựa đi làm giữa thời buổi xăng tăng giá và phí sắp thu thêm các loại!
- Này, anh không bỏ cái tật cà rỡn à! Đi ngựa thì làm sao chở em đi shopping?
Con gái cũng nhào vô phản ứng:
- Mẹ nói đúng đó: Con mà nghe tới ngựa là run. Thôi nhà mình cứ đi xe đạp điện cho nó lành!
- Điện cũng đang rục rịch tăng giá đó! – Tôi phủ đầu.
Khi thấy vợ con vẫn chưa bị thuyết phục, tôi tung chiêu: Thực tình anh có thích đi ngựa đâu. Cỡ anh mà cưỡi ngựa thì chắc không có cô nào để ý. Lúc đó, thì em sẽ rảnh rỗi vì chẳng còn phải ghen tuông nữa nghe. Ngồi xe ô tô có máy lạnh ai không muốn nhưng thời buổi này thì mình phải thay đổi thôi em ơi!
Vợ có vẻ xiêu lòng:
- Nhưng nhà mình ở phố thì lấy đất đâu mà làm chuồng ngựa?
- Thì mình ngăn bớt nhà lại để dành cho ngựa. Chịu khổ tí đi để có những cái thoải mái hơn. Chẳng hạn, lỡ có bị cảnh sát giao thông ngoắc vô thì mình cứ đổ lỗi cho ngựa là xong! Biết đâu, phát kiến của anh được nhiều người bắt chước, mình sẽ được báo chí tới phỏng vấn, tha hồ mà nổi tiếng nhé!
- Thôi thì anh tính sao tùy anh, nhưng để em hỏi ý kiến má cái đã.
Nhất vợ nhì Trời, thuyết phục được vợ là thành công hơn 80%. Tôi đem tin vui này kể cho thằng bạn thân, nó bán tín bán nghi:
- Ông đi ngựa, nhà nhà đi ngựa thì sẽ có phí ngựa thôi, đừng có mơ thoát phí nhé!
- Nhưng lúc đó tôi sẽ chứng minh cho các cơ quan chức năng thấy nhờ phát kiến của tôi, xã hội sẽ có thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân như: Dịch vụ giữ ngựa; Dịch vụ tắm hay rửa xe ngựa; Dịch vụ chải lông, làm đẹp cho ngựa; Dịch vụ đóng móng, chải răng cho ngựa; Dịch vụ làm yên ngựa; Dịch vụ thức ăn cho ngựa; Dịch vụ thuê ngựa; Dịch vụ taxi ngựa; Dịch vụ số đẹp cho ngựa; Dịch vụ tiêu thụ phân ngựa... Sao lại thu phí?
- Sao ông không nhắc tới Dịch vụ nấu cao ngựa? Con ngựa ông cột ngoài cổng các cơ quan để đến liên hệ công tác chắc gì không bị bọn nấu cao nó bắt? Mà nói thiệt nghe, tớ không thích ngựa vì đi cái món đó chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” thôi chứ không hái được hoa. Nói thiệt, cưỡi ngựa khó mời bồ nhí đi chơi vì có thể bị nghi ngờ mưu đồ “quất ngựa truy phong”…
Thằng bạn cứ bàn ra như vậy làm tôi hơi cụt hứng, hổng thèm nói chuyện với nó nữa. Kế hoạch ngựa của tôi bây giờ chỉ còn có ý kiến quyết định của má tôi, vì trong nhà bà là chủ hộ.
Sau bữa cơm tối hôm đó, tôi thưa chuyện, rõ ràng, rành rọt. Má tôi thủng thẳng:
- Má nghe vợ mày nói hết rồi. Nhưng má không ủng hộ!
- Sao vậy má?
- Bây đi ngựa thì lợi đủ thứ nhưng mà sẽ chết danh!
- Là sao má?
- Mai mốt người ta gọi bây là cái “ông đi ngựa”, cái “bà đi ngựa”, mà mấy cái “nick name” đó dễ đọc trại ra lắm. Mà má thì không muốn tụi bây bị hiểu lầm. Giờ chat chit, tin nhắn người ta toàn dùng chữ không có dấu cho nó nhanh, phiền lắm con. Gia đình mình không có truyền thống ngựa!
@
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét