Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

GVĐN 10: CÂU CHUYỆN CỦA CUỘC SỐNG

Thần đồng viết sách chia sẻ bí quyết thành công

Vào đại học năm 8 tuổi, có 2 bằng dự bị đại học năm 11 tuổi và tốt nghiệp với điểm số tuyệt đối, đến nay 14 tuổi sắp học xong đại học California nhưng Cavalin không thích được gọi là thần đồng. Cậu viết điều này trong một cuốn sách chia sẻ về bí quyết thành công của mình.

Trong cuốn sách đầu tay mới xuất bản mang tên “We can do” (tạm dịch là “Chúng ta có thể làm được”) dày 100 trang, Moshe Kai Cavalin chia sẻ với các bạn trẻ phương pháp làm thế nào đạt được những thành công mà cậu đã kinh qua. Đơn giản đó là nhờ sự tập trung cao độ khi làm việc và tiếp cận mọi thứ với nỗ lực cao nhất. Thông qua cuốn sách, Cavalin muốn gửi đến mọi người thông điệp rằng thực sự không có thiên tài mà mọi thứ có được là nhờ lao động chăm chỉ.

“Bạn nên biết rằng bạn không cần thiết phải trở thành một thiên tài. Chỉ cần làm việc chăm chỉ thì bạn có thể đạt được bất kỳ điều gì mình mong muốn”, Cavalin nói trên huffingtonpost.com.
Thêm một điều mà Cavalin đề cập là nên cắt giảm thời gian xem truyền hình. Mặc dù là “fan cuồng” đối với phim của tài tử Thành Long nhưng Cavalin cho biết, cậu phải hạn định thời lượng xem tivi chỉ còn 4 giờ mỗi tuần. Song điều này không có nghĩa là Cavalin thiếu đi những hoạt động giải trí hay do bị cha mẹ ép học hành, mà chỉ đơn giản là em dành khoảng thời gian đó để tham gia những hoạt động giải trí ngoài trời.
Trong cuốn sách vừa xuất bản, Cavalin cho biết em đang học lặn ở biển và rất thích đá bóng cũng như võ thuật. Hồi còn nhỏ, cậu bé đã từng tham gia vào đội thể thao của trường và giành được nhiều chiến thắng danh tự về cho đoàn của mình.
Trên hết, thông điệp chính mà cuốn sách muốn nhắn gửi là mỗi khi làm gì cần phải tập trung toàn tâm toàn lực vào đó và không nên chểnh mảng. “Tôi có thể tiếp cận được những vì sao nhưng người khác thì có thể với được cả dải ngân hà”, Cavalin viết.
Nói về quá trình viết sách, Cavalin kể, người đã tạo cảm hứng cho em chính một giáo sư ở Đại học Cộng đồng East Los Angeles. Lúc đầu cậu bé không thích môn học của thầy nhưng vì muốn đạt điểm A bằng mọi giá nên em đã áp dụng những phương pháp này với chính bản thân mình. Cuối cùng, sau sự thành công có được, cậu đã quyết định viết tất cả những gì đã góp nhặt lại thành một cuốn sách.
Phải mất 4 năm Cavalin mới viết xong tác phẩm trên, bởi mẹ của em là một người Trung Quốc nên muốn con xuất bản sách bằng tiếng Trung. Chính việc dịch từ tiếng Anh sang tiếng Trung đã ngốn mất khá nhiều thời gian của Cavalin.
Sau khi xuất bản, cuốn sách được bán khá chạy ở Đài Loan, Singapore, Malaysia và một số nhà sách của cộng đồng Châu Á ở miền Nam California. Riêng tại thị trường Mỹ, tác phẩm được xuất bản bằng sang tiếng Anh.
Sau khi lấy bằng cử nhân ngành toán học, “thần đồng” Cavalin dự định tiếp tục học lên cao để lấy bằng tiến sĩ. Song với cậu mọi thứ vẫn chỉ là dự tính bởi hiện tại Cavalin mới chỉ ở tuổi thiếu niên.
“Ai biết đâu được. Tương lai đang ở rất xa, bây giờ thì tôi chưa thể nhìn thấy được. Hiện tại tôi có một số kế hoạch cho vài năm tới”, Cavalin cười mỉm khi nghĩ về những điều còn đang chờ đợi ở tương lai khi em trưởng thành.
Thụy Ân


‘Micheal Jackson’ Việt Nam gây choáng ở Sài Gòn

22h đêm trong một con hẻm, giai điệu bài hát Billie Jean xập xình nổi lên, chàng trai ăn mặc giống như Micheal Jackson với chiếc nón phớt, áo thun trắng, bộ khoác đen nhún nhảy uyển chuyển thu hút hàng trăm người xem.

Bị cuốn hút bởi những giai điệu sôi động, đông đảo người lớn và trẻ em cũng ùa ra đường vỗ tay cổ vũ rồi hào hứng nhún nhảy theo nhạc. “Giống Micheal Jackson quá. Nhảy nữa đi cho thêm tiền nè!”, lời động viên của mọi người càng làm cho chàng trai nhảy bốc hơn. Đặc biệt mỗi khi chàng trai biểu diễn những màn “đi gió” được đánh giá là giống hệt điệu moon walk của ông hoàng nhạc Pop, khán giả thích thú ồ lên.
Mồ hôi nhễ nhại sau gần nửa tiếng đồng hồ “cháy” hết mình với âm nhạc, “Micheal Tý” (nghệ danh mà nhiều người đặt cho chàng thanh niên có vóc dáng và khuôn mặt sắc cạnh giống Micheal Jackson) lại cầm bọc kẹo mút và chewinggum lân la đi từng bàn mời khách mua.
“Tui mới thấy Micheal Jackson trên tivi chứ chưa được xem thiệt ngoài đời như thế nào. Cậu này nhảy đẹp thiệt, giống y chang luôn”, anh Hữu, một thực khách đang dùng bữa cũng một số người bạn trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh, TP HCM) tặc lưỡi. Sau đó anh vui vẻ rút hầu bao mua ủng hộ 5 cây kẹo mút với giá 15.000 đồng.
Sở hữu dáng người và nhảy khá giống ông hoàng nhạc Pop Micheal Jackson nổi tiếng, ”Micheal Tý” cho biết tên thật là Nguyễn Hữu Xuyên, 21 tuổi, quê ở Bến Tre, con cả trong một gia đình có 3 anh em. Vì hoàn cảnh khó khăn nên Tý chỉ học hết lớp 9 đã phải nghỉ để phụ cha mẹ làm đồng áng kiếm tiền nuôi các em ăn học. Sau đó, năm 17 tuổi Tý theo chân người trong xóm lên Sài Gòn kiếm việc làm.
“Em theo các anh làm đủ nghề, từ phụ việc nhà đến bán bánh bao, thu nhập khá hơn làm ruộng quê nhưng vất vả lắm. Cũng may trong thời gian đi bán bánh bao em quen được anh Hải. Sau này anh không bán bánh bao nữa mà chuyển sang bán kẹo kéo rồi chỉ nghề lại cho em”, Xuyên tâm sự.
Ban đầu Tý được “sư phụ” chỉ lại một số điệu nhảy cơ bản học lỏm từ những bạn đồng nghiệp khác. “Lúc em nhảy, mọi người khen em giống Micheal Jackson, em cũng vui lắm. Thế là hàng ngày em lân la học lỏm chỗ này chỗ kia và lên mạng tìm những đoạn clip nhạc của Micheal Jackson để nhảy theo”, Tý phấn khởi kể.
Chỉ trong một tháng rưỡi chú tâm tập luyện, Tý đã bắt đầu thực hiện được những động tác khó, nhất là điệu đi gió làm nên “thương hiệu” của “Micheal Tý” như bây giờ. Từ khi nhảy được thuần thục một số bài hát quen thuộc mà ông hoàng nhạc Pop lúc còn sống hay biểu diễn, Tý được “sư phụ” dắt đi làm và tận tình chỉ việc.
Thời gian đầu vì không có vốn nên Tý được Hải thuê đi làm, toàn bộ số tiền vốn mua kẹo, xe và các thiết bị âm thanh, phí phòng trọ, ăn uống “thầy” đều bao hết, đổi lại mỗi tháng anh trả cho Tý hơn 3 triệu đồng. Với số tiền lương có được, hàng tháng Tý gửi về nhà khoảng 2 triệu, còn lại hơn một triệu em để dành sắm sửa vài thứ lặt vặt.
Không chỉ riêng nhóm nhảy của Tý, hiện nay ở Sài Gòn còn có nhiều nhóm khác vừa biểu diễn nhảy và ảo thuật bán kẹo kéo nên “đất làm ăn” của anh không còn rộng như trước. Để bám trụ với nghề, Tý đành phải chuyển địa bàn hoạt động sang một số tuyến đường ít nhóm biểu diễn hơn như ở quận Bình Thạnh, Thủ Đức và một số tuyến đường tỉnh Bình Dương.
Công việc cũng khá vất vả, có nhiều đêm nhảy về toàn thân ê ẩm không ngủ được nhưng thu nhập ổn định hơn nên mới đây Tý rủ thêm một người bạn ở quê lên làm chung cho vui. Cậu bạn tên Dũng, hơn Tý 2 tuổi cũng biết vài đường nhảy hiphop nên thường nhảy “thay ca”.
Ngày nào cũng vậy, cứ chập tối hai người bạn đồng hương lại chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng sờn màu, quại theo nhiều thứ đồ nghề lỉnh kỉnh lân la đến từng con hẻm trong thành phố. Mỗi khi đến những quán nhậu đông khách, cả hai lại chống xe, mở nhạc biểu diễn những điệu nhảy sôi động, sau đó mang kẹo, chewinggum đến mời khách ủng hộ.
“Mỗi tối đi từ 6h đến 11h, hai đứa em bán được khoảng 300 cây kẹo, nhiều khách thương còn cho thêm tiền ‘bo’ nữa. Nhưng sợ nhất hôm nào trời mưa không biểu diễn được, kẹo ế chỉ bán được mấy cây”, Dũng vui vẻ kể trong lúc đứng chỉnh âm thanh cho bạn biểu diễn. Kết thúc màn trình diễn, hai chàng trai xứ dừa lại lóc cóc lên đường tiếp tục hành trình mưu sinh. Trời Sài Gòn về đêm se lạnh, những giọt mồ hôi vẫn lã chã rơi ướt đẫm lưng áo những “nghệ sĩ đường phố”.
@

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét