Trần Hoàng Vy
(HV Hội Nhà văn VN)
BIẾC…
Truyện thiếu nhi
Con Biếc ngồi mân mê cái chùm tóc của nó vừa được bà Năm chải gỡ và cột đuôi gà nhỏng nhảnh cho nó. Những ngọn tóc chẻ ngọn, vàng hoe và khét nắng! Còn ba ngày nữa là sinh nhật mười tuổi của Biếc, nhưng nhìn con bé nước da đen nhẻm, gầy gò, trong chiếc áo bà ba mặc khính của người lớn, trông giống một… bà già hơn là một con bé mới vừa mười tuổi.
Biếc mồ côi cha mẹ năm nó sáu tuổi, vừa vào học lớp một có một ngày. Buổi trưa tan chợ cá, cha mẹ Biếc chèo ghe đón nó về. Trời đang nắng chang chang, bỗng mây đen vần vũ, sấm chớp ì đùng và gió lốc nổi lên. Con sông ngày thường phẳng lặng hiền hòa, lăn tăn gợn sóng, vậy mà phút chốc đã chuyển mình biến thành con thuồng luồng hung dữ. Nước ngầu đỏ, sùng sục dâng sóng, vặn nát chiếc thuyền như chiếc lá khô trong lòng bàn tay thô bạo. Vì muốn ba nó rảnh tay đưa con vào bờ. Mẹ Biếc đã buông tay xuôi theo dòng nước. Loay hoay vất vả lắm, ba nó mới đưa nó được vào bờ. Trao con cho người hàng xóm, ba nó lại lao ngay xuống nước tìm kiếm mẹ nó, mặc cho mọi người ngăn cản, nắm áo kéo lại. Ba nó xé tung cả áo, xô dạt mọi người và cùng chìm nghĩm với dòng nước bây giờ đã đen sẫm như một cái vực hun hút. Ba mẹ nó đã tan biến cùng với dòng nước hôm đó. Biếc nghe người lớn nói, cha mẹ nó đã “ra” biển. Còn bà Năm nói “Cha mẹ nó đã được rước lên thiên đàng!”. Biếc sống với bà Năm từ khi ấy.
Bà Năm sống một mình trong cái chòi nhỏ ven bờ sông Vàm, bà trồng các loại rau thơm quanh nhà, thêm các loại lá hái cặp hai mé sông, là hàng ngày bà đã có một rổ rau đủ loại, bỏ mối cho các hàng bánh canh ở chợ Trảng. Có lẽ tô bánh canh chợ Trảng thơm ngon nổi tiếng, là nhờ vào cọng bún to tròn vừa dẻo vừa mềm, nồi nước lèo thơm ngon, trong trẻo, nóng hôi hổi, vừa thổi, vừa ăn, nhưng chắc chắn một điều là không thể thiếu đĩa rau xanh rất bắt mắt, mà người ta hay gọi chung chung là “rau sông”.
Một đĩa rau sông, ngoài các loại rau trồng trong vườn như: Rau quế, tía tô, giá sống, cần tàu, ngò gai, xà lách, rau ngổ… còn phải có những loại rau và lá non của các loại cây hái ven sông: Rau vị, lá sơn, lộc vừng, lá cóc, lá cách, lá xoài… mới đủ hết các hương vị thơm, cay, nồng, chua, chát, ngọt… bùi. Góp phần làm nên một tô bánh canh, đặc sản của chợ Trảng. Rau sông còn được cuốn với bánh tráng phơi sương, thêm mấy miếng thịt “ba chỉ” thái mỏng, bỏ ít dưa chua, củ kiệu, chấm với nước mắm, ăn… “bá cháy”.
***
Từ ngày nhận nuôi con Biếc, bà Năm đã giao phần việc chèo thuyền đi hái rau sông cho Biếc, sau mấy buổi đi “thực tế”, nhận biết các loại rau, lá, ăn được. Biếc học tập hăng say, vừa mê, lại vừa tham hái lá, nó chọc phải ổ kiến vàng, bị một bữa “tiệc kiến” đến phồng rộp cả cánh tay. Một kinh nghiệm quý giá cho Biếc ở những lần sau.
Biếc quen dần với dòng chảy của sông, hiểu rõ từng con nước lớn ròng. Nhiều lúc, sau khi hái đầy bao rau sông, con Biếc hay neo thuyền dưới gốc bần cổ thụ, thích thú, nhìn ngắm những con chim bói cá, lông ánh lên màu xanh biếc, đậu lặng im trên cành cao, hai mắt đau đáu nhìn xuống mặt nước, cũng giống như Biếc, nhưng mắt Biếc lại dõi theo từng cành cây, bụi cây de ra ven bờ sông, để tìm hái lá non, những chiếc lá óng mượt như tơ, màu nâu hồng, luôn ẩn mình sau những chiếc lá già xanh bóng! Như tìm sự chở che, nâng đỡ. Tội nghiệp những chiếc lá, Biếc tội nghiệp luôn những con cá mà chú chim cần mẫn vừa săn được. Nhưng chẳng biết làm sao? Hỏng lẽ nó ngưng hái lá, hay xua đuổi những con bói cá hiền lành? Tất cả chỉ vì một mục đích mưu sinh, nuôi sống chính bản thân mình. Từ đó Biếc có một thói quen, trước khi hái một ngọn rau, chiếc lá, nó thường rủ rỉ nói chuyện. Những câu chuyện mà Biếc nói với rau sông, nếu tập họp lại có thể… nhiều như một quyển truyện cổ tích xứ… ven sông!
Buổi sáng, trời bỗng mù sương dày dặc, ông mặt trời dường như cũng bị muôn triệu hạt sương, bám dầy trên hai mi mắt, nên phải nhắm tịt mắt. Hơi lạnh làm ông run rẩy, không dám hé hết cửa nhà mình, nên con Biếc thấy trước mặt mình như có đám mây mù màu sữa đục, nó không dám bơi thuyền ra xa, sợ đụng phải thuyền ngược chiều, thẻo rạch phía trước mặt lòa xòa những cây lá, chừng như quyện bụi vôi, đùng đục. Những chiếc lá non chừng như bị đám sương muối bám đuổi, quiu dần từng phiến lá. Con Biếc cố đứng thẳng người, kiểng chân, vin từng nhánh lá, nó cố dũ mạnh, cho tan hết sương, nhưng những chiếc lá cách, lá dừng (lộc vừng), dù được những hàng lá khác che chắn, bảo vệ, vẫn cứ như những ngón tay rũ xuống, nhợt nhạt. Không phải mù sương, hay sương muối, con Biếc thắc mắc. Lúc này, ông mặt trời chừng đã lên, chênh chếch mé cây thốt nốt, hắt từng tia ánh sáng vàng rực rỡ vào mé rạch Tắc, xuyên qua mấy tầng lá cây, lóng lánh như dát ngọc xuống mặt nước. Sương mù tan biến mất. Từng hàng cây như có lửa táp, rũ rượi, khô nám. Mùi hăng hắc từ mặt nước rạch bốc lên, Biếc choáng váng. Mặt nước lừ lừ cái màu đỏ của mật đường, váng như đám mây màu ngũ sắc loang xa, loang xa. Con Biếc chèo thuyền cặp bờ, ngửa mặt lên nhìn ống khói nhà máy ở cách đó rất xa, nhô lên nền trời buổi mai, với một vệt khói đen đùn lên như dấu chấm than!
Người lớn ở dọc theo dòng sông Vàm, và con rạch Tắc, làm đơn gửi lên Ủy ban, kiện nhà máy Z, xả thải xuống rạch hủy diệt môi trường và thiên nhiên. Cây khô và chết dần. Lá quiu quắt và rụng xuống. Con Biếc không còn chèo thuyền xuống miệt ấy nữa. Nhiều đêm nó chiêm bao…
***
Chim Bói cá, sau cú lao mình nhanh như mũi tên bắn xuống dòng sông, đã vội ngoi lên như chiếc pháo thăng thiên, cùng với cú lượn người “trượt không khí nghệ thuật”, nó hạ cánh xuống cây bần cổ thụ, vẫy mình mấy cái liền, như xua những giọt nước còn bám trên bộ lông xanh biếc của Bói cá. “Ôi! Hôi quá! Ghê quá!”. Bói cá bật thốt lên tiếng người. Con Biếc mặt xanh như chàm lá, nín thở, núp nhìn chim Bói cá.
Bộ lông của Bói cá đang từ màu xanh biếc, bỗng chuyển sang màu đỏ như máu. Bói cá liên tục rùng mình, cánh giăng ngang, đập liên tục vào khoảng không. Màu đỏ của lông biến dần sang màu nâu. Bói cá rũ mình trút hết bộ lông chim. Trước mắt Biếc là một… người tí hon, đang cố bám hai tay vào cành bần sần sùi và đầy kiến vàng. “Tỏm”, người tí hon đã buông tay rơi xuống dòng sông, như một chiếc lá.
Biếc hốt hoảng, đưa dầm, xoay nhẹ con thuyền đến chỗ người tí hon vừa rơi xuống. Một con cá Mè đang há to miệng cũng lao nhanh về hướng người tí hon.
Cái dầm của Biếc đã chắn ngang trước mặt con cá Mè. Nó đưa tay ra và nhấc bổng người Tí hon lên khỏi mặt nước và nhẹ nhàng đặt xuống đống rau sông trong lòng thuyền. Bất ngờ một con sâu xanh mướt to bằng ngón tay của Biếc, nhô đầu lên từ đám lá sông, há miệng, nhe hai cái răng gớm ghiếc về phía người Tí hon. Con Biếc hoảng hốt nhoài người, nằm trườn lên thuyền, xòe bàn tay chận về phía con sâu.
- Á! - Biếc hét lên đau đớn. Hai cái răng của con sâu đã phập vào bàn tay Biếc, tê dại.
Một hạt nước từ trên mái tóc Biếc lăn xuống, chạy dài dọc cánh tay trần của Biếc, chảy ngay xuống chỗ vết cắn của con sâu. Một cảm giác mát dịu. Không còn cảm giác đau nơi vết cắn. Biếc mở to mắt nhìn.
- Tất cả dừng tay! Ta là Thủy thần của dòng sông. Ai vi phạm đều bị trừng phạt! - Một tiếng thét to, dõng dạc vang lên.
Một hạt nước trong vắt to gần bằng quả trứng gà, chểm chệ “ngồi” trên mũi thuyền, ra lệnh.
- Không không ! Ta là “sâu rau sạch”, chuyện không liên quan tới ta! - Con sâu nằm khoanh tròn trên chiếc lá lên tiếng.
- Ối ! Ối! Nó nói dóc… Nó cắn lén và ăn chúng tôi - Những chiếc lá rau sông đồng loạt trở mình, phản đối.
- Còn… ông? Ông là ai? - Con Biếc rụt rè hỏi người Tí hon.
Người Tí hon đã lồm cồm ngồi dậy, hai tay đập liên tục như cánh loài chim, nói trong hơi thở: “Tôi là Hoàng tử Chài, vua loài chim bói cá…”
Mặt sông bỗng dậy sóng, đẩy chiếc thuyền lên và nghiêng về phía phải. Biếc chụp vội be thuyền, la lớn: “Mọi người cẩn thận! Coi chừng thuyền lật”.
- Hi, hi… Tất cả bình tĩnh, “Ngự lâm quân” của ta… hơi khó thở, nên rùng mình đấy. Có ta, không ai dám hại các ngươi đâu! - Hạt nước nhảy tưng tưng, trấn an mọi người.
Đám rau sông lại nhao nhao: “Không đúng! Không đúng! Gần tháng nay, nước của ông hôi quá, tôm, cá của mấy ông nổi lều phều làm ảnh hưởng chúng tôi khó thở và ngạt thở thì có…”.
Hạt nước lăn qua, lăn lại thở dài.
- Đúng rồi! Nước gì kỳ quá! Làm mấy chiếc lá héo queo, tôi… nhai thấy đắng sít cả họng! - Sâu nghiến răng nói.
- Mấy người sai hết rồi! Nước của con sông này bị chính loài người tham lam, đầu độc bởi vô số những chất thải độc hại. Loài chim của tôi cũng bị cắt nguồn sống đây này - Hoàng tử Chài giọng bùi ngùi nói.
Mọi cặp mắt đều trố lên và đổ dồn về phía Biếc. Con Biếc sợ quá, co rúm người lại. Nó còn giữ chặt cái dầm trong tay, mồ hôi tuôn ướt đẫm cả áo.
Biếc tỉnh giấc, tiếng con vạc sành ngoài vườn bỗng trổi giọng thảm thiết…
***
Chiếc thuyền vừa chạy chừng vài trăm mét, Biếc bỗng nghe như gió hu hu gào thét dữ dội hơn, ánh mặt trời gay gắt cháy bỏng, chiếu xiên mặt sông, phản chiếu như lửa hắt lên từ sông. Cái bờ phải và con rạch hôm nào xanh um cây lá, giờ như một cái đầu hói loang lổ, trắng bóng. Những cây lộc vừng cổ thụ, những cây lâu năm của vùng sông nước, chỉ sau có một đêm, người ta đã bứng sạch. Bờ sông trống thưa thớt như vừa qua một cơn bão “thế kỷ”. Để nhổ, bứng những cây lớn, cổ thụ, người ta cày ủi những cây con không chút thương tiếc. Nước sôi réo, đập dữ dội vào bờ, kéo theo từng tảng đất lớn, trước đây đã được cây cối che chở. Con Biếc khuấy dầm thật mạnh xuống dòng nước, nó thầm thì: “Lão Thủy thần ơi! Xin thương bờ sông! Đâu còn ai che chở…”, mủi lòng nó ngồi trên thuyền khóc ngon lành.
Tiếng khóc của Biếc chừng như làm lão Thủy thần động lòng. Đâu phải lỗi của Biếc, càng không phải lỗi của bờ sông. Mặt nước bỗng chốc hiền hòa, gờn gợn chút nhíu trán của Thủy Thần. Biếc thương đám rau sông, sáng giờ mới được lưng cái thúng . Những cành lá mới chỉ là mầm, là lộc mà Biếc đã để dành nhiều ngày qua, giống như người đi hái thuốc, phải chừa lại cây thuốc, hoặc trồng lại cây đã cắt hái, để lần sau hoặc người khác cũng có thể tìm thấy, hái được. Biếc chỉ lờ mờ hiểu được là cây lá cũng có tình cảm giống… con người. Buổi chiều, tối, muốn hái cái lá trầu, trái ớt, cũng phải “đánh thức” cây, và nói câu “xin” hẳn hoi, nếu không cây sẽ héo úa mà chết. Cây mít ở gần nhà, bà Năm vắt trên nhánh vài cái quần áo rách, cũ, để cây có “hơi người”, không “sợ ma” mà ra nhiều quả. Nhiều lần Biếc vuốt ve cái lá lụa của cây lộc vừng, miệng nói nhỏ “Cây ơi! Cho Biếc xin ít lá nhé”, nó thấy hình như cành chìa ra nhiều lá hơn, và cũng ít… kiến vàng hơn. Còn cứ “vô phép”, nhặt hái ào ào xem, chí ít cũng bị vài con kiến đốt cho đau nhói.
Biếc tưởng tượng một ngày nào đó hai bên bờ không còn cây nữa, chắc dòng sông sẽ buồn hết biết! Nó và bà Năm sẽ thất nghiệp, phải đổi nghề khác. Nhưng buồn nhiều, là những ai ra chợ Trảng, mua tô bánh canh, hoặc ràng bánh tráng phơi sương, mà không có rau sông… chắc món ăn sẽ… dở lắm. Còn đâu hương vị đặc sản của quê nhà.
Nước mắt Biếc một hôm nhỏ giọt xuống, lại mọc lên những mầm cây mới, xanh mơn mởn. Cây con rồi sẽ lớn lên, sinh sôi thành chòm và thành rừng. Biếc hóa thành con chim Bói cá xinh đẹp, bay theo “Hoàng tử Chài”, vào một khoảng trời xanh ngắt, xanh ngắt…
Bên bờ Vàm Cỏ, tháng 5/ 2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét