Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

GVĐN 09: Đứng khoanh tay

Thu Trân
(HV Hội Nhà văn VN)


Truyện ngắn (In báo Tuổi Trẻ cuối tuần 19/2/2012)


1. Riết rồi quen, Phương không thấy kỳ khi phải đứng khoanh tay, quay mặt vô vách chờ người ta ăn nữa. Phòng kín sang trọng, gỗ nâu bóng cách âm, máy lạnh dịu nhẹ, nhạc cổ điển không lời du dương suốt buổi tiệc.

Sang gì sang tới trời. Phương chạnh lòng nhớ đến mái nhà lợp lá dừa chốn miền sâu heo hút của mình. Thắc mắc làm gì, ráng kiếm tiền giúp má nuôi ba bệnh nằm một chỗ, mỗi lần kêu khó chuyện này nọ chỗ nhà hàng sang trọng mình làm, Phương đều bị má bẻ ngang như vậy. Má đúng. Mức thu nhập bình quân năm triệu đồng một tháng của Phương là quan trọng nhất, vừa giúp má nuôi ba bệnh, vừa có tiền cho hai đứa em nhỏ tiếp tục đến trường.
Trước ngày nghỉ dạy học để ở nhà nuôi ba bị tai nạn giao thông, má vẫn thường răn chị em Phương, gì thì gì thời nay bét nhứt cũng phải hết lớp mười hai mới cầm đơn đi xin việc được. Hết lớp mười hai, Phương không làm hồ sơ dự thi đại học, bay một phát lên thành phố, xin vô phục vụ nhà hàng “ca hai”. Ca hai cần con gái đẹp có nước da trắng như bông bưởi. Ca hai cũng có nhiều tiền “boa” hơn.
Hồi mới làm ca hai, đêm nào về phòng trọ Phương cũng khóc. Khóc thương mình chiều vội vàng không kịp ăn gì, phục vụ đi tới đi lui, bụng đói chân run muốn lăn ra xỉu. Em ơi, thêm đá. Em ơi, rót rượu. Buồn tới đâu, quay ra phục vụ khách cũng phải cười. Quên cười, khách “méc” chủ, thế nào cũng bị trấn lột tiền boa. Tiền boa không ít, nhiều ông khách say rượu dúi vào áo ngực Phương tờ năm trăm ngàn đồng mới cáu. Vậy mà Phương kể người thành phố lịch sự boa tiền cho con gái má bỏ trong phong bì, đưa hai tay nói cô vui lòng nhận cho. Má cười biểu thôi ráng, chừng ba hết bệnh má kiếm gì làm, con học lên cao đẳng hay đại học gì cũng chưa muộn.
Phương hăng hái trụ lại Sài Gòn còn có thêm lý do yêu. Thành, người yêu Phương, làm việc ở một công ty to, đi công tác nước ngoài như đi chợ. Hai người quen nhau ở quán cơm bình dân. Hỏi sao “ngon” vậy mà ăn cơm bình dân. Trả lời, ăn để hoài niệm thời sinh viên khốn khó. Thành thích Phương vì nói ra chuyện gì Phương cũng biết. Từ chuyện “toàn dân làm công tác nhân sự” đến chuyện ông to cưới vợ bé nguyên là người yêu của con trai. Phương kể chuyện Thành cho Linh - cô bạn làm cùng ca hai - nghe. Linh bảo dễ gì gặp được người như vậy, ráng giữ. Thành đã tặng hoa hồng cho Phương đến lần thứ một tỉ, đi chơi nhiều với nhau, chưa ai dám làm gì ai nhưng anh thường đưa tay vuốt tóc cô, rồi khẽ khàng quấn lọn tóc dài mềm mại vào ngón tay mình, bảo sao tóc mềm như tơ vậy.
Phương và Linh toàn được phân công tiếp khách “sộp”. Khách thường ngồi đến hai ba giờ sáng, uống hết chai rượu này đến chai rượu khác, hai cô thay nhau rót đến mỏi tay. Bù lại, được nhiều tiền boa. Khách sộp nói toàn chuyện cơ mưu nước nhà. Hai cô nghe riết rồi quen, nhớ tường tận như máy ghi âm, chuyện gì trong bàn dân thiên hạ cũng biết. Biết và được lặp lại theo cái kiểu đầy phương pháp luận. Linh mới học hết lớp mười cười ngất: “Nhờ vậy mà mỗi lần về quê thăm nhà, tao “nổ” tung xóm làng, nói dóc đi làm bộ ngoại giao, ba tao ổng tin sái cổ”. Phương bảo: “Xạo, mày học hành bao nhiêu mà nói làm bộ ngoại giao?”. Linh nhún vai: “Xời, nhà quê mà, trẻ đẹp như tao làm ngoại giao là đúng rồi!”. Bắt bẻ Linh nhưng Phương cũng nghe chạnh lòng. Cô giấu biệt Thành chuyện đi làm nhà hàng ca hai, bảo sinh viên năm ba quan hệ quốc tế. Thành ôm vai cô róng riết: “Hèn gì em biết nhiều chuyện thâm cung bí sử hơn anh”.
2. Tối thứ bảy. Dàn khách sộp sáu người say sưa nói về một nhân vật chưa có mặt. Nhân vật này trẻ nhưng mưu chước không kém gì Khổng Minh - Gia Cát Lượng. Anh ta chuyên rút ruột công trình bạc tỉ nhưng không để lại dấu vết. Không ai trong sáu “tay” ngồi uống rượu là không biết chuyện này nhưng họ cứ làm ngơ để ký. Ký cái gì, Linh che miệng hỏi nhỏ Phương khi vào góc phòng lấy thêm rượu. Phương bảo ký cái gì không biết, nhưng chắc được cái gì nên mới làm ngơ. Cô chợt nghĩ đến Thành, chàng kỹ sư xây dựng ít quan tâm đến tiền bạc, quanh năm suốt tháng chỉ biết có công trình... để phổng mũi thấy anh mình sao cao vời vợi...
Sau nhiều cuộc gọi thúc giục của sáu tay trên bàn nhậu, trái đất tròn nghiệt ngã, Thành của Phương - anh chàng mưu chước như Khổng Minh - đầu bù tóc rối thiểu não bước vào:
- Cầu sập rồi, mới cách đây một tiếng đồng hồ.
- Xài sắt mấy mà nên nỗi, tui biểu phải dùng sắt đó mà.
- Biểu vậy nhưng không phải vậy anh ơi.
- Anh giám sát công trình phải trả lời trước pháp luật về chuyện này, bao nhiêu mạng người chớ đâu có ít!
- Anh coi kỹ lại đi, tất toán công trình còn đây, anh ký sắt gì. Sắt gì nên mới có một trăm ngàn cổ phiếu trong khu du lịch sinh thái...
Phương quay mặt vô vách, lặng người đứng khoanh tay. Thành và các “chiến hữu” từng kề vai sát cánh bây giờ đang giết nhau.
Linh quay lại góc phòng, ấn chai rượu vào tay bạn: “Tới phiên mày, rót đi”. Rồi hồn nhiên vạch áo ngực khoe hai vồng vú trắng nõn nà: “Ê, cái này là của thằng cha trẻ mới vô”, lại một tờ năm trăm ngàn mới cáu. Mắt Phương nóng lên, giữ lắm cô mới không khóc òa, rồi cũng ngập ngừng bước ra... Thành - Khổng Minh ngồi ôm đầu sau khi uống sáu ly rượu đầy sóng sánh từ tay các bợm... Không nên, nên... Cô bặm môi lướt tới rót tràn ly thứ bảy...
Sao em lừa dối tôi, tôi thật lấy làm tiếc vì đã cố gìn giữ em như một thiên thần... Tin nhắn đầu tiên của Thành sau đêm uống say ngất ngư cuộc đời.
Tình yêu vỡ tan thường nói đến chuyện một cây cầu đã gãy, còn anh nghe chuyện cầu sập bao giờ chưa... Phương nhắn tin cuối cùng cho Thành trước khi chuyển nhà trọ và chuyển cả nơi làm.

Nhà văn Thu Trân giới thiệu tác phẩm mới

“Xanh đỏ dịu dàng” và  “Khúc tráng ca dã tràng” là hai tác phẩm văn chương mới nhất của nhà văn - nhà báo Thu Trân, vừa được tác giả giới thiệu đến công chúng tại Hội quán Cội Nguồn (Biên Hòa), sáng 11-3.
“Xanh đỏ dịu dàng” tập hợp nhiều truyện ngắn trong hơn 20 năm cầm bút của tác giả, phần lớn viết về thân phận người phụ nữ ở nhiều tầng lớp, vị trí khác nhau trong cuộc sống. “Khúc tráng ca dã tràng” là truyện vừa, tuy viết về tâm thế của một bệnh nhân ung thư chống chọi vô vọng với cái chết nhưng lại toát lên một tinh thần lạc quan và tình yêu cuộc sống. Hai tác phẩm trên đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao của đồng nghiệp trong giới cầm bút lẫn bạn đọc.
T.Thúy (Báo Đồng Nai)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét