Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

GVĐN 10: TRUYỆN NGẮN CỦA KHÔI VŨ

Khôi Vũ
(HV Hội Nhà văn VN)

Vòng luân hồi của nước
Truyện ngắn (In Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 13, ngày 1/4/2012)

Anh không biết là tôi đang quan sát anh đâu! Anh cũng chẳng biết là tôi biết khá nhiều về anh đâu!
Chẳng hạn, vào ngày đầu tiên từ căn hộ trên tầng 10 chung cư nhìn xuống, anh và ba người bạn ở chung trông thấy nước trong con kênh nhỏ chảy quanh khu vực ở phía dưới có màu đen thẫm, các anh đã nói với nhau thì ra ở cái đất nước có tiếng là xanh và sạch này, cũng có ít nhất một con kênh “nước đen” như ở nước mình!

Nhưng những ngày sau đó, khi mỗi ngày hai lượt đi về dọc theo con kênh để đến trạm tàu điện ngầm và về nhà, các anh đã biết mình nghĩ sai. Cái màu đen thẫm của nước tưởng bị ô nhiễm kia chỉ là màu ảo khi các anh nhìn từ trên cao, cộng với mặt nước bị phản chiếu đủ thứ màu sắc của những tòa chung cư cao tầng, của bóng cây và cả bóng râm. Màu thực của nước trong dòng kênh đâu có khác gì màu nước của con sông quê anh...

***

Tôi biết, thuở nhỏ của anh là vào những năm chưa có sự phát triển ồ ạt những khu công nghiệp. Nhà anh ở Cù lao Phố, nơi từng là một thương cảng sầm uất với tên gọi Nông Nại Đại phố của thời khai phá cách nay ba trăm năm. Đi học ở trường tiểu học, anh phải lội bộ qua chiếc cầu Gành, còn khi theo ba má vào thành phố, anh ngược qua cầu Rạch Cát, là hai chiếc cầu sắt người Pháp làm từ đầu thế kỷ XX. Hồi ấy anh cũng rất “thứ ba học trò” khi cùng lũ bạn lén người lớn, rủ nhau leo lên thành cầu Gành rồi nhảy ùm xuống dòng sông, sau đó thi nhau bơi vào bờ. Nhiều lần khác, anh cùng bạn bè bơi qua nhánh Sa Hà dưới chân cầu Rạch Cát, đến giữa dòng thì dừng lại, ngụm vào miệng mấy ngụm nước trong mát mà “giải khát”. Ấy tại vì các anh nghe người lớn nói: uống nước giữa dòng sông sẽ có sức khỏe dồi dào.
Hơn ba mươi năm qua, dòng sông đã khác. Khác nhiều lắm. Vì những đổi thay trên bờ.
Hàng loạt nhà máy sản xuất mọc lên trong các khu công nghiệp ven sông dọc theo hạ nguồn. Lấy mốc là Cù lao Phố quê anh thì ở phía thượng nguồn, số các nhà máy được xây dựng cũng chẳng kém cạnh là bao. Bây giờ, những đứa trẻ tuổi anh ngày xưa vẫn nghịch phá đầy nguy hiểm như anh và lũ bạn, nghĩa là chúng cũng rủ nhau leo lên thành cầu Gành rồi nhảy xuống sông bơi tắm, chấp nhận những trận đòn đau của người lớn khi bị phát hiện. Chỉ có điều, chắc chắn chẳng đứa nào dám uống nước giữa dòng để có “sức khỏe dồi dào” như anh và lũ bạn ngày trước. Tuổi còn nhỏ, chúng vẫn dư biết nước sông bây giờ đầy chất độc.
Anh cũng đã là một người đàn ông trưởng thành, có vợ, có con, có việc làm trong một đơn vị chuyên về môi trường của tỉnh. Không ít lần anh phải ra sông lấy mẫu nước để tìm hiểu vì sao cá bè của bà con nuôi lại chết hàng loạt sau một trận mưa, vì sao nước sông đổi màu và có mùi khó chịu...
Tất cả đã thay đổi đến không ngờ...

***

Buổi sáng chủ nhật ấy, trên đường đi các anh chợt dừng lại ngắm dòng kênh khi thấy chiếc ca nô nhỏ với hai nhân viên là người gốc Ấn nhập cư ngồi bên trên, sử dụng vợt để vớt những đám lá cây hai bên bờ rụng nổi trên mặt nước.
Sáng nào cũng thế, lũ sáo hay đua nhau sà xuống những khoảng cỏ xanh của công viên tìm thức ăn. Tôi quen chúng và chúng cũng chẳng xa lạ với tôi. Nhưng chắc chúng ngạc nhiên lắm khi cứ ngúc ngoắc những cái đầu nhìn các anh. Còn tôi thì lắng nghe câu chuyện của các anh.
- Thật thú vị khi nước máy ở đây có thể uống trực tiếp không cần đun nấu. Ông thầy giải thích là nguồn nước thô được nhập từ Malaysia qua rồi xử lý tiệt trùng.
- Ông thầy còn nói là đảo quốc phải làm cả một hệ thống kênh như thế này để chứa nước mưa bổ sung cho nguồn nước nhập kia ...
- ... và thêm những nhà máy hiện đại xử lý nước thải sinh hoạt thành nước sạch để ưu tiên nước thô dùng vào việc ăn uống...
- Này, ông quên mất rồi, ông thầy bảo là ở đây họ không gọi “nước thải sinh hoạt” mà gọi là “nước sinh hoạt đã sử dụng”...
- Chỉ là một cách nói!
Tôi đồng ý với anh đó chỉ là một cách nói. Chẳng sung sướng tự hào gì đâu khi buộc phải nói thế để động viên tinh thần mọi người. Tôi muốn nói lời đồng cảm cùng anh mà không thể.
Gió chợt thổi mạnh, tôi không khỏi rùng mình, lao xao. Một người bạn của anh vừa nhìn theo chiếc canô đang rời xa, vừa gật gù:
- Chắc chắn là nhà máy của họ phải rất hiện đại và đầu tư tốn kém lắm mới biến nước chết thành nước sống được. Đúng là cái khó ló cái khôn!
Tôi không hiểu ý nghĩa câu nói cuối của bạn anh. Chắc đó là một kết luận về việc tái chế nước? Tôi muốn hỏi mà chẳng thể. À! Mà các anh cũng đã tiếp tục hành trình rồi. Tôi biết, hôm nay các anh rủ nhau đi tàu điện ngầm để qua đảo Sentosa chơi. Chúc các anh một ngày đi chơi vui vẻ!

***

Từ Cù lao Phố quê anh vừa qua khỏi chiếc cầu sắt Rạch Cát để vào thành phố, theo dọc con đường ven sông có một nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho cả thành phố.
Tôi còn biết ở gần đó, gie ra sông có một cái quán “nhậu” mà anh và các bạn thỉnh thoảng ra ngồi. Ở đây, các anh hay gọi các món cá. Món cá chiên xù hay món cá chưng tương mà cuốn bánh tráng cùng rau sống đều thật hấp dẫn. Giá mà tôi có thể một lần... Vừa thưởng thức món ăn, các anh vừa ngắm dòng sông lặng lờ trôi, xa xa phía bên kia bờ là hình ảnh ngọn núi Châu Thới nhiều huyền thoại, còn gần hơn là những người câu cá lén, lắm khi họ tóm được một con cá to bằng bắp tay, miệng tươi cười nhìn chúng giãy dụa muốn thoát khỏi số phận hẩm hiu một cách bất lực.
Có điều này nói ra, tôi mong anh không giận. Là chẳng hiểu sao mỗi lần đi “nhậu”, các anh uống bia nhiều quá. Chỉ vài ba người ngồi quanh bàn mà chủ quán vẫn đem ra cả thùng đến hai mươi chai. Chắc các anh còn nhớ, trong ngày chủ nhật đầu tiên đi dự lớp tập huấn ở đây, buổi tối các anh xuống khu ăn uống bên dưới chung cư vừa gọi cháo ếch, vừa gọi bia, mỗi người hai chai Heineken loại 650ml. Những người ngồi chung quanh đó đều nhìn các anh với ánh mắt ngạc nhiên và các anh nhận ra điều đó! May là sau lần ấy các anh đã biết là ở đây người ta không uống bia nhiều như thế. Vả chăng, tiền mỗi chai bia như thế cũng đến hơn sáu đồng Sing, xấp xỉ giá ba chuyến tàu điện ngầm đến nơi các anh học!
Mà thôi! Tôi đang muốn nói về sự tự hào của anh với dòng sông quê mình. Một tình cảm đáng trân trọng. Quả là một dòng sông đẹp! Anh hay dùng nhiều mỹ từ khi nói về dòng sông đó. Một dòng sông phát nguồn từ đất mẹ! Một dòng sông chảy qua chín bậc ứng với chín cái thác lớn nhỏ, có đoạn ngang thành phố đã đi vào văn chương với cái tên Sông Phố đầy thơ mộng. Một dòng sông ngơ ngác dừng lại hai bên bờ phố, nước lặng và trong như nước hồ (Từng có một thời phong kiến được gọi tên là Kính Hồ), có những giề lục bình mỗi buổi sáng trôi chầm chậm đến bờ cù lao thì quay lại. Trên ấy thỉnh thoảng lại có mấy con cò trắng đậu, tựa như những chàng lãng tử ngồi thuyền dạo cảnh thật an bình...
Nhưng gần đây có lần tôi được nghe mấy du khách Việt trò chuyện với nhau, họ bảo nó là dòng sông đang bị giết chết. Tôi thực không hiểu là họ nói có đúng không? Tôi không muốn tin đó là sự thật...

***

Anh và ba người bạn lại ra bờ kênh chứa nước mưa chơi. Đây có lẽ là buổi chiều cuối cùng các anh ra đây. Tôi biết là khóa học đã kết thúc và các anh chỉ còn ở lại một ngày nữa là về nước. Tôi không biết bằng cách nào nói lời từ giã nhiều thiện cảm với các anh.
Trên tay anh có một chai nước mang nhãn hiệu NEWater mà ở lớp tập huấn người ta tặng học viên mỗi người một chai. Người ta viết hoa chữ NEW và bỏ chữ w đầu tiên của chữ water nối sau đó. Cách viết này rất gây ấn tượng. Tôi chắc là các anh đã được nghe “thầy” kể chuyện về những chai “nước mới” này. Nó được ra đời từ những năm 2000 đầu tiên, qua ba phương pháp lọc hiện đại để tái chế nguồn nước thải sinh hoạt thành một thứ nước trong lành, mát sạch. Con người thực có luân hồi như niềm tin của tín đồ đạo Phật hay không thì tôi không dám cả quyết, nhưng nước ở đây thì có. “Nước mới” chính là kiếp sau của một kiếp nước trước đã được con người dùng phục vụ cuộc sống cho họ. Vào thời gian đầu, chính một lãnh đạo của đất nước này, ông cựu thủ tướng Goh Chok Tong đã uống NEWater “làm gương” để kêu gọi người dân của ông hãy tin tưởng vào sự tinh khiết của nó. Hồi ấy, nhiều người dân dù vẫn tin vào sự vô hại của thứ nước uống mới này, nhưng họ không giấu diếm rằng họ khó có thể có cảm giác bình thường khi biết mình đang uống một thứ nước có nguồn gốc là nước thải. Từ ấy đến nay đã gần chục năm qua, với mục tiêu chủ yếu là sử dụng trong các nhà máy công nghiệp và các khu thương mại, “nước mới” đã tiến đến giải quyết được một phần nhu cầu dùng nước của cả nước này.
Tôi hồi hộp nhìn anh với chai nước. Chính anh cũng ngập ngừng khá lâu mới chịu khui nắp nó. Rồi cũng khá lâu, anh mới đưa lên miệng uống một ngụm nhỏ. Anh nói với những người bạn:
- Đúng là chẳng khác các loại nước đóng chai ở nước mình. Nhưng... nói thật nhé, tôi vẫn thấy... ghê ghê thế nào ấy...
Ba người bạn của anh, mỗi người thử “thưởng thức” một ngụm. Tất cả đều đồng ý với nhận xét của anh là “ghê ghê thế nào ấy”.
Tôi có một suy nghĩ khác, thuần lý. Tôi cho rằng nước của “dòng sông đang bị giết chết” ở quê anh - nếu đúng như du khách Việt từng nói - có thể còn độc hại hơn, vì nó chỉ được xử lý bằng những phương pháp cũ, khó thể so sánh với các phương pháp tiên tiến ở đây, vậy sao anh dùng nó lại không cảm thấy sợ? Rõ ràng là anh chưa công bằng, anh còn để cái “tình” lấn át cái “lý”. Phải không? Mà thôi! Anh là khách của chúng tôi... Tôi chẳng nên nói ra những điều khiến anh không được vui ấy. Đó là phép lịch sự cần có.
Tôi đang muốn tìm cách thể hiện tình cảm của mình với các anh. Các anh chỉ còn ở lại đây có một ngày nữa thôi mà...
Gió thổi nhẹ, rồi dần mạnh hơn. Lát nữa thôi, chắc trời sẽ mưa. Đứng cách bờ kênh hơn mười mét, phía trên chỗ các anh, tôi cảm thấy lạnh. Có tiếng sấm ì ùng từ xa. Rồi một ánh chớp lóe lên trên bầu trời. Trong tôi cũng lóe lên một ý nghĩ. Tôi biết mình phải làm gì rồi.
Tôi rùng mình. Từ trên cao mười mấy mét, một vật tròn, góc cạnh, da màu vàng xanh, rời khỏi thân thể tôi rơi xuống trên thảm cỏ sát băng ghế đá các anh ngồi.
Vừa đứng dậy để có thể mau chân trở lại chung cư kịp trước khi cơn mưa rơi, anh giật mình quay lại nhìn và kêu lên ngạc nhiên:
- Một trái dừa!
Chắc anh không thể ngờ là tôi còn biết ở quê anh, nơi ven đoạn sông lặng và trong như một cái hồ, vào thuở nhỏ của anh, có trồng một hàng dừa đến vài chục cây. Những cây dừa đều vươn mình ra sông như những cô gái tóc dài đỏm dáng thích soi gương để tự chiêm ngưỡng sắc đẹp của mình. Tôi còn biết là anh ỷ mình bơi giỏi, từng có nhiều lần nhảy ùm xuống sông, bơi ra vớt những trái dừa chín rụng xuống nước đó, đem lên bờ “thết đãi” các bạn.
Hãy nhặt trái dừa lên đi anh! Đó là quà tặng của tôi. Tôi tặng các anh để lát nữa về nhà uống. Nước dừa không phải là NEWater nên các anh sẽ không cảm thấy “ghê ghê”. Duy có một điều này mong anh thông cảm, tôi biết là nó không thể sánh với vị ngọt của nước dừa quê anh. Đơn giản là bởi vì dù tôi chính là hậu duệ nhiều đời của một cây dừa tổ ở quê anh, thì khi lưu lạc qua đây tôi cũng chỉ được nuôi dưỡng từ một nguồn nước nghèo nàn và hiếm hoi.
Đất nước anh có nhiều con sông dài, rộng và đẹp nữa. Riêng nguồn nước ở quê anh, chỉ cần một con sông xuyên tỉnh, cũng “giàu” hơn chúng tôi nhiều lần. Tôi ganh tị với những rặng dừa ở quê anh vì chúng được sống bên nguồn nước giàu có ấy.
Mưa rơi xuống rồi. Con kênh ngoài kia đang vui mừng đón nước trời. Tôi cũng vui mừng sẽ được tắm mát và được hút vào bộ rễ một nguồn sống thiên nhiên trong lành. Sao không vui mừng kia chứ, khi đất nước chúng tôi “giàu” nhiều thứ khác mà lại quá “nghèo” về nước!
À! Hôm trước anh bạn anh đã nói gì nhỉ? Cái khó ló cái khôn... Bây giờ thì tôi đã lờ mờ hiểu... Những con kênh chứa nước mưa của chúng tôi dẫu sao vẫn gặp “khó” hơn những dòng sông có thể là “đang bị giết chết” ở quê anh gấp nhiều lần... Chắc chắn anh và đồng bào của anh sẽ có cách giúp chúng “sống khỏe mạnh” hơn.
Tôi chẳng bao giờ ủng hộ đám trẻ nhảy cầu Gành xuống sông bơi tắm. Thời trước, bây giờ và mai sau, đó luôn là việc cần ngăn cản, cấm đoán. Nhưng nếu có một ngày chúng rủ nhau bơi qua dòng Sa Hà, yên tâm uống nước giữa sông “để có sức khỏe dồi dào” thì tôi vui lắm. Riêng tôi, tôi hằng mơ được soi bóng mình dưới mặt nước “hồ” Sông Phố. Ai bảo tôi không có nhu cầu nhìn ngắm dung mạo xinh đẹp (!) của mình. Tôi vẫn ước mơ dù biết rằng muôn đời đó chỉ là một ước mơ không thành sự thực của một cây dừa lưu vong lớn lên ở đảo quốc này, lòng không nguôi nhớ về quê tổ.
Whampoa Drive, Singapore - Th. 8/2011
Biên Hòa, Việt Nam - Th. 2/2012
(Trong tập truyện CON SÁO NÂU BIẾT NÓI TIẾNG VIỆT)

LỜI NÓI THÊM:
Năm 2011, tôi có dịp sống ở Singapore một tháng. Theo dự định ban đầu, tôi hy vọng mình sẽ “lang thang” nhiều nơi trên đảo quốc nhỏ bé mà nổi tiếng là xanh và sạch này để ghi chép lại những điều tai nghe mắt thấy. Chỉ là ghi chép thực tế thôi chứ chưa biết sẽ dùng vào việc gì trong sáng tác. Mấy ngày đầu, tôi đã làm đúng như mình dự định: trong ngày đi đến một địa điểm nào đó (đi một mình), đêm về nhớ lại rồi ghi chép; hình ảnh thì chuyển từ máy ảnh vào máy vi tính.
Bất chợt trời chuyển mưa mấy ngày liền. Mưa không lớn nhưng dai dẳng gây trở ngại việc đi lại. Ở nhà rảnh rỗi, tôi vào mạng tìm đọc các tài liệu về Singapore. Đọc mãi cũng chán, bèn nảy ra ý định mới: thử viết một cái truyện ngắn với bối cảnh và sự việc xảy ra trên đảo quốc sư tử này, còn nhân vật là người Việt, người Đồng Nai mà mình “thuộc” càng tốt.
Thật không ngờ là chỉ trong hai ngày ở nhà, tôi viết xong truyện ngắn đầu tiên. May mắn hơn là sau đó, mạch cảm hứng vẫn được duy trì. Thế là tôi chuyển qua cách làm khác: đi thực tế để bổ sung chi tiết có thật cho các ý tưởng truyện ngắn mình định viết. Chẳng hạn, với ý tưởng viết về quan niệm sống khác nhau giữa một cặp thanh niên nam nữ, tôi đã “đi thực tế” một chuyến du thuyền đêm trên sông Singapore và tìm đến cây cầu mang tên Sài Gòn Pulau...
Kết quả là sau 3 tuần lễ “vừa viết vừa đi thực tế”, tôi đã viết xong lần thứ nhất đến... 8 truyện ngắn. Sau này về nước, tôi đã bỏ ra hai tháng để đọc lại, sửa chữa hoàn chỉnh những truyện này, đồng thời viết thêm được truyện thứ 9. Tất cả đủ để in một tập truyện với nội dung vừa là truyện ngắn, vừa là chút “tài liệu” điểm xuyết về đất nước và cuộc sống của Singapore.
Khoảng giữa thời gian ở Singapore, tôi đã bỏ một ngày sửa hoàn chỉnh được một truyện và gửi email về báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Đầu tháng 9, tôi về nước, cũng vừa lúc báo TTCT in truyện này (Truyện Con sáo nâu biết nói tiếng Việt).
Truyện “Vòng luân hồi của nước” giới thiệu trên gácVănđồngnai số này là truyện đầu tiên tôi viết trong loạt truyện đã kể trên.
Khôi Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét