Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

GVĐN 10: TRUYỆN NGẮN CỦA CHU BÁ NAM

ChuNam
(HV Hội VHNT Lâm Đồng)


Độc thoại của đất

Bà già lưng còng, mặt úp đất vẫn cuốc, cánh tay củi khô đen mốc, khẳng khiu giơ lên hạ xuống đều đều. Bà cuốc như thế hơn nửa thế kỷ nay. Đứng chống cuốc bà thở, tay trái khoành ra sau tự đấm lưng mình. Cánh đồng hoa trải thảm mênh mông, xa xa núi non trùng điệp đẹp như vẽ. Trời xanh xanh đến vô cùng, trong vắt và khó hiểu. Mùa mưa ướt sũng đã qua, những đám mây xám chì nặng nề vắng bóng trong không gian tràn ngập nắng thu dịu ngọt hăng hăng mùi hoa cúc.
Phập!... Phập!... Phập!...

Tiếng cuốc bổ vào đất đều đều buồn tẻ. Nó vang lên trong nắng cháy mưa chan suốt từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, ngày lại ngày triền miên vô tận. Tiếng cuốc bền bỉ, kiên cường, háo hức mường tượng một vụ mùa bội thu hay thất vọng trễ nải nhưng chưa bao giờ ngưng nghỉ. Thì ra sống cũng là định mệnh, và làm việc là một thói quen khó thay đổi, vì thay đổi mình không còn là mình nữa, mình thành người khác mất rồi. Chọn nghề trồng cây là chọn tự do, ít dính líu đến người khác. Có hạt giống, có đất có trời, có sức người nhất định có thu hoạch. Thiên nhiên cây cỏ biết sẻ chia du dín con người. Chăm sóc, vun bón, đối thoại cùng cây chẳng bao giờ chán, nó thai nghén, di dưỡng những ý nghĩ tốt đẹp.
Bà già lưng còng, mặt úp đất vẫn cuốc, cánh tay củi khô đen mốc, khẳng khiu giơ lên hạ xuống đều đều. Bà cuốc như thế hơn nửa thế kỷ nay. Đứng chống cuốc bà thở, tay trái khoành ra sau tự đấm lưng mình. Cánh đồng hoa trải thảm mênh mông, xa xa núi non trùng điệp đẹp như vẽ. Trời xanh xanh đến vô cùng, trong vắt và khó hiểu. Mùa mưa ướt sũng đã qua, những đám mây xám chì nặng nề vắng bóng trong không gian tràn ngập nắng thu dịu ngọt hăng hăng mùi hoa cúc. Dã quỳ nở đúng hẹn mà sao vẫn cứ thấy bất ngờ. Màu vàng mê thiết rực sáng cả sườn đồi như một đám cháy, nó thách thức, mời gọi các loài hoa trồng trong thung lũng bừng nở. Thung lũng vàng! Vàng trong nhà kính ni lông, vàng phủ kín mặt đất, chừa lại dòng suối trắng bạc vòng quanh. Bướm ong chập chờn vũ điệu, thỏa sức hút mật, chúng háo hức, rộn rã, tất bật giữa mùa làm ăn ngắn ngủi. Tất cả đã quá quen thuộc.
Mới đấy đã thành ngày xưa rồi. Ôi, cái ngày xưa sao mà gần gũi thế. Khi còn trẻ, cái ngày xửa ngày xưa trong truyện cổ tích nghe xa xôi, mơ hồ như mất hút vào quá khứ, như chưa từng có trên đời này. Với người còn trẻ, hôm nay là hôm nay, với người tuổi tác, hôm nay còn là hôm qua. Cánh đồng hoa này cũng là cánh đồng hoang lau lách ngút đầu, trăn rắn lúc nhúc quẩn lấy chân người mỗi bước đi. Muỗi mòng, ruồi vàng và vắt xanh… tất cả như thách thức những người mở đất, khai khẩn lập ấp. “Nhất đánh đuổi hà bá, nhì phá thạch khai sơn”. Sức mạnh của người nông dân là sức bật của kẻ bị dồn vào chân tường. Không có đất là chết, là thành nô lệ. Đất cưu mang nhưng cũng nuốt chửng đời họ. Bốc nắm đất là thục tay vào thùng gạo đầy. Từ nay sống rồi, mừng mừng tủi tủi.
Trồng rau, trồng hoa là đánh bạc, thị trường giá cả lên xuống thất thường như trở bàn tay. Trúng thì phất nhanh đến chóng mặt, ngược lại thì trắng tay, phá sản. Mặc, họ vẫn chung thủy với nghề, sinh vì nghệ, tử vì nghệ. Lúc mất lúc được, thôi thì vụ nọ bù cho vụ kia, thất bát và hy vọng tiếp nối dài dài. Rau ế còn đỡ, chứ hoa ế mới ê chề, đẹp thì đẹp thật, khổ nỗi không ăn được!
Vợ chồng bà đến mảnh đất heo hút này lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Đúng hơn là có một cặp gà, con trống con mái, của hồi môn mang theo. Gà đẻ trứng gây đàn, bán gà nuôi heo, rồi bán heo tậu bò, dựng nhà mái tôn thưng gỗ. Bà thọ quá nên độc thân khi về già, chồng con lần lượt kéo nhau đi. Đường đời cực nhọc gian truân vạc những vết nhăn sâu trên mặt như khắc gỗ. Nổi bật sự sống nơi ánh mắt, ánh mắt nhẫn nhục chịu đựng, trải nghiệm và bao dung.
Phập!... Phập!... Phập!...
Chợt cô gái bận đồ trắng như tiên sa hiện lên giữa vạt cúc vàng, cô tung tăng nhảy nhót, gió thổi hai vạt áo mỏng cánh chuồn rập rờn bay lên, đậu xuống những đám hoa đung đưa. Cô là ong, là bướm, là chim.
- Con chào bà - Tiếng cô vang trong như khánh.
Bà lão dừng tay cuốc, nghển mặt cười nhăn. Cô gái lại gần, vẻ đẹp lạnh lùng của người mẫu thời trang tự giới thiệu là ca sĩ về đây phục vụ lễ hội hoa sắp tới.
- Bà ơi, sao bà lại cuốc dập cả luống hoa xuống thế?
- Thì hủy làm phân xanh mà cô.
Bà này lẫn rồi, cô nghĩ.
- Quá lứa, trồng ra chả ai mua - Bà lão than phiền.
Ngắm bông cúc trên tay, cô hỏi:
- Cúc này là cúc gì hả bà?
- Cúc “Bốn số chín”.
Đúng với tên gọi, những cánh hoa óng như vàng lá “Ét gi xi” (SJC), mỉa mai thay lại không thành tiền.
- Ở Sài Gòn, phải năm ngàn đồng một bông bà ạ.
- Thế cơ à?
Bà lão tiếp tục cào đất từ rãnh lên lấp những vạt hoa nằm ngổn ngang trên mặt luống.
- Trồng hoa sống được không bà?
- Được chứ.
- Ngày ra bao nhiêu tiền hả bà?
- Ba tháng, bán cả vạt này được gần triệu đồng.
Cô gái há hốc miệng:
- Thế thì sống thế nào được?
- Sống được chứ. Vẫn sống đấy. Cháu hát một bài được bao nhiêu?
- Mười triệu bà ạ.
Mười triệu một bài hát! - Đến lượt bà lão há hốc miệng.
Ca sĩ là người yêu hoa. Cô không thể sống thiếu hoa. Hàng ngày đi siêu thị có khi chỉ để mua hoa. Loại hoa cô thích chính là hoa cúc vàng. Cô có thể rưng rưng trước một ngọn cỏ và giật mình thảng thốt cánh hoa rơi. Cô đọc rất nhiều sách viết về hoa và hiểu ý nghĩa của mỗi loài.
- Bà ơi, bà có biết hoa cúc tượng trưng cho cái gì không?
- Không.
- Hoa cúc biểu tượng của sống lâu, vạn thọ đấy bà ạ.
Và cô kể cho bà nghe huyền thoại về hoa cúc.
Ngày xửa ngày xưa có bà mẹ bị ốm nặng. Người con trai vào rừng tìm cây thuốc gặp ông Bụt hiện lên nói rằng phải tìm loài hoa có nhiều cánh, mỗi cánh mẹ cậu sẽ sống thêm được một tuổi. Chàng trai đi mãi, đi mãi, cuối cùng tìm ra hoa cúc.
- Hay nhỉ - Bà già buông một lời bình.
Khổ thân bà lão, con người tiên phong khai khẩn mảnh đất này, người trồng ra những bông hoa đầu tiên của Thung Lũng Vàng giờ chỉ còn là chứng nhân lịch sử, hiện vật sống của bảo tàng hoa. Bà là đại diện cuối cùng của cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ. Xưa ế hoa vì nhiều, nay ế vì ít, không đủ hợp đồng. Thế hệ con cháu sản xuất hoa công nghệ cao, nhân giống nuôi cấy mô, quảng cáo hàng trên mạng. Hoa chở hàng công-ten-nơ bằng máy bay đi khắp thế giới. Mỗi hecta trồng hoa thu bạc tỷ là thường. Bà là người của thế kỷ trước, bị văng khỏi vòng làm ăn hôm nay. Trong sự gắn kết của ba nhà: nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp, không có bà. Kẻ tiên phong giờ thành tụt hậu. Bà đã thắng trời nhưng thua người. Song mảnh đất cưu mang không quên người khai phá. Cô gái mảnh mai có bàn tay ngón búp măng nhón hạt giống hoa trộn cát gieo trong vườn ươm uyển chuyển nhịp nhàng như múa chèo, như nhã nhạc cung đình, khiến những chuyên gia canh nông ngoại quốc phải gật gù thán phục: “Người nông dân Việt Nam là giỏi nhất thế giới!”.
Tiếc thay, trong cái thế giới phẳng của thiên niên kỷ thứ ba này không còn chỗ cho vợ chồng An Tiêm hoặc Robinson một mình trên hoang đảo. Bà không thể tiếp tục solo trên mảnh đất sân khấu choen hoẻn lòng bàn tay, biệt lập từ A đến Z, thức ngủ theo mặt trời. Những nhà kính xung quanh mọc lên như nấm sắp xóa sổ bà, đêm đến đèn sáng như sao sa cho ra những giống cúc mới bông to bằng hoa thược dược, cắm trong bình tươi cả tháng. Mỗi bông là một sản phẩm công nghiệp được chuẩn hóa, đều chằn chặn, ngàn bông như một. Sản phẩm của bà chỉ có thể bày bán vỉa hè vào ngày rằm, mồng một cho bà con nghèo, không sang Pháp sang Nhật được.
- Bà cho cháu mua mấy bông nhé - Vẫn giọng cô gái.
- Cứ lấy đi đằng nào tôi cũng vứt.
Cô ca sĩ xoay lưng về phía bà, hơi nghiêng người cúi xuống mở bóp. Bên trong chật cứng tiền “một trăm”. Thật không may cho bà lão.
- Đằng nào bà chẳng vứt, phải không bà?
- Vâng. Đằng nào cũng vứt, tôi không lấy tiền của cô đâu. Cẩn thận kẻo bẩn áo, để tôi hái cho.
Ôm bó hoa cúc “Bốn số chín” màu vàng phát sáng trên nền áo trắng mỏng tang cánh chuồn, hiện rõ những đường cong cơ thể uốn lượn trong ráng chiều, cô nói:
- Cứ thấy hoa là cháu mua ngay. Bà biết không, cháu không thể sống thiếu hoa được.
Lại tung tăng trên cánh đồng hoa, cô ca sĩ quên ngoái nhìn bà lão đang gập lưng cuốc. Đất dính như nam châm níu chặt lưỡi cuốc của bà không chịu buông thả. Bà cố sức nhấc lên được thì suýt bật ngửa người, rồi mệt mỏi để lưỡi cuốc tự do rơi xuống.
Đất cằn đã nở hoa, đất không phụ người. Những bông cúc sắp bị vùi lấp mở to mắt ngơ ngác nhìn bà. Anh xe ôm đúng hẹn đến đón cô gái, nói:
- Hoa tươi không đốt được, bà phải rắc thuốc khử trùng, diệt nấm mới lấp đất để mùa sau khỏi bệnh.
- Mùa sau…
Bà lặp lại. Một nỗi buồn mênh mang tràn ngập xâm chiếm tâm hồn bà. Anh xe ôm khoác cái áo vải bạt đi đôi ủng nhà vườn lượm mấy bông, rút túi đưa bà tờ “một trăm” màu xanh lá:
- Cháu giúp bà tiền thuốc…
Không phải bà không thấy cái bóp của cô gái trước đó. Không tiếc hoa, cũng không tham tiền, nhưng ánh mắt cụp xuống, buồn vì nỗi thất vọng nơi con người, giờ như được lấy lại, ngước lên bừng sáng:
- Cậu hiểu cho thế là tốt lắm rồi…
Độc thoại của đất từ lòng thung hắt lên trời:
Phập!... Phập!... Phập!...   

(Nguồn: VNCA online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét