Ngọc Khánh
(HV Hội VHNT Đồng Nai)
Giấc mơ không dài mãi! Giấc mơ đẹp quá chừng! Giấc mơ đưa tôi về với quá khứ hai mươi lăm năm trước!
Tôi năm tuổi, tung tăng nhảy múa. Những bài hát trẻ thơ. Những điệu múa hồn nhiên. Ba và mẹ nhìn tôi mỉm cười. Tôi nũng nịu với ba: “Con không làm nghề đi biển như ba đâu, con làm cô giáo như mẹ cơ. Và là cô giáo dạy giỏi như mẹ, được mọi người yêu quý nữa”.
Bàn tay ba nắm lấy tay tôi thật nhẹ. “Rồi con sẽ là một cô giáo dạy giỏi, chim én nhỏ của ba”. Ba thưởng cho tôi tấm thiệp Tết có hình một con chím én đang bay, xòe chiếc đuôi nhọn, nghiêng cánh trên bầu trời xanh nổi vồng lên những áng mây trắng xốp. Ba không còn phải nhìn từng cánh én để nhớ về đứa con gái nhỏ sinh vào mùa xuân của ba. Ba cũng không còn phải nhìn tấm ảnh có nụ cười dịu dàng để nhớ mẹ. Sân trước nhà đầy mùi dạ lý hương. Có ba ngôi sao trời như đang tỏa sáng gần nhau trong đêm xuân sum vầy.
Mẹ đọc khẽ mấy câu thơ chữ Hán mà mẹ vẫn động viên tôi mỗi khi tôi cố gắng làm cho kỳ được một việc khó khăn “Yến tử, yến tử, nhữ hựu lai hồ, cựu sào phá bất khả cư. Hàm nê hàm thảo trùng trúc tân sào. Đãi nhữ sào thành, ngô đương hạ nhữ”. Ông ngoại vốn là một giáo viên dạy Văn trước giải phóng. Nhà ở khu Cầu Bống, Nha Trang nhưng dạy học ở Đà Lạt. Ông dạy mẹ đọc và hiểu nhiều bài thơ, bài văn chữ Hán. Có những áng thơ văn bừng bừng hào khí yêu nước như “Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo”… Cũng có những bài chỉ để đọc cho vui như bài “Yến tử…”. Ông ngoại đọc cho mẹ nghe ngày 19 tháng Ba 1975, khi cả gia đình phải rời bỏ ngôi nhà quen thuộc trên con đường đi vào trường nữ trung học Bùi Thị Xuân để theo đoàn người di tản chạy mãi về đến tận Bà Rịa, khi ấy còn thuộc Đồng Nai. Mẹ lúc đó mười chín tuổi, đang là sinh viên trường Đại học Đà Lạt, ngồi yên lặng trên chiếc xe ben chở đầy đồ đạc cồng kềnh của cả nhà, buồn rầu nghĩ đến việc phải bỏ học. Ông ngọai an ủi : “Én nhỏ, chim én nhỏ - Ngươi lại đến đây sao? Tổ cũ đã bị phá - Chẳng còn ở được nào. Ngươi tìm rơm tìm đất - Xây lại tổ trên cao. Đợi hoàn thành tổ mới - Ta sẽ mừng ngươi sau!”. Mẹ bật cười: “Sao chim én lại xây tổ bằng rơm, bằng đất, nó phải làm tổ bằng chính nước dãi của nó chứ!”. Ông ngoại giải thích “Ừ, én nhỏ tìm mọi cách để xây lại tổ ấm. Chiến tranh tàn phá nhà ta, nhưng khi hòa bình, ta sẽ xây dựng lại”.
Sau chiến tranh, ông bà ngọai trở về quê Nha Trang. Mẹ ở lại nhà chồng, học Trung học Sư phạm Long Điền, rồi dạy học. Ba kế nghiệp ông nội làm thuyền trưởng trên chiếc tàu của gia đình. Tôi lớn lên, học Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, rồi lập gia đình với một chiến sĩ Hải quân, theo chồng về Nhơn Trạch. Hòa bình, cuộc sống thật yên vui, dù vẫn còn nhiều khó khăn.
Ba tôi bất chợt mở rộng tấm thiệp. Một tiếng chim hót ríu rít theo điệu nhạc. Con chim én trong tấm thiệp bỗng dưng vụt bay lên chấp chới trên trời cao. Cây mai đột nhiên nở tung ra những cánh hoa mai lóng lánh ánh vàng. Tiếng chim gọi tôi bay theo. Nhạt nhòa hình bóng mẹ, ba, ngôi nhà thời thơ ấu, trường lớp… Tiếng chim hót mãi không thôi. Tôi giật mình thức giấc trong điệu nhạc báo thức “Four seasons-Spring” quen thuộc từ chiếc điện thọai di động!.
R
Hương cà phê làm tôi tỉnh táo. Ai đó cho rằng đời không đẹp như mơ. Tôi vẫn thường nghĩ rằng vẻ đẹp giấc mơ chỉ là những ảo ảnh làm cho tâm hồn con người phong phú hơn. Mùi hương xưa trong giấc mơ dẫu rất nồng nàn cũng không thể bằng mùi hương hạnh phúc trong cuộc sống thực.
Thế nhưng hôm nay tôi lại chỉ muốn đắm mình vào trong những giấc mơ. Thực tế buồn quá! Tôi không hiểu học sinh sáng nay sẽ nhìn tôi với ánh mắt như thế nào khi cô giáo mà chúng vẫn coi là thần tượng vừa trải qua một thất bại cay đắng trong kỳ Hội giảng cấp Tỉnh.
Tôi nhớ tôi đã an ủi một đồng nghiệp của tôi khi bị hỏng ngay ở vòng đầu, vòng trình bày sáng kiến kinh nghiệm. Các giáo viên dự Hội giảng tập trung ở hai trường Ngô Quyền và Lương Thế Vinh, hồi hộp chờ đến lượt mình lên trình bày những sáng kiến kinh nghiệm ấp ủ trong suốt quá trình dạy học. Họ lắng nghe nhau, động viên lẫn nhau. Có người cẩn thận mang theo cả máy chiếu màn hình để trình chiếu bằng công nghệ thông tin. Có người đầy tự tin thuyết phục, cũng có người chưa đủ bình tĩnh sáng suốt để trả lời các câu hỏi phản biện của giám khảo.
Giờ thì tôi lại cần đến những lời an ủi của đồng nghiệp! Như những giáo viên khác, trong suốt thời gian từ ngày rút thăm bài dạy đến kỳ hội giảng tháng Ba, tôi đã đầu tư nhiều cho tiết dạy. Soạn giáo án điện tử thật hay. Dạy thử để cả tổ chuyên môn dự giờ góp ý. Đi thăm lớp, hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài… Tôi phờ phạc cả người trong cái nóng cuối xuân. Chồng tôi đang học lớp sĩ quan tận Nha Trang tối nào cũng gọi điện thoại động viên tôi. “Giá như có anh ở đây lúc này!”, tôi ao ước... Một vòng tay, một ánh mắt nhìn cũng khiến tôi thêm tự tin. Nhưng anh đang ở quá xa tôi. Con tôi lại đang bệnh, những chứng bệnh thường bất ngờ đến với trẻ ba tuổi, không trầm trọng, nhưng những đêm thức khuya dậy sớm để chăm sóc con cũng khiến tôi mệt mỏi, bần thần. Ngày hội giảng, tôi dạy ngay tiết đầu tiên của buổi sáng! Tôi đã đuối sức, dạy thiếu cảm xúc, thiếu chất Văn, phân phối thời gian chưa hợp lý, đổi mới phương pháp chưa hiệu quả…
Chiều hôm qua, khi nhìn những thầy cô trong trường đạt tiết dạy giỏi cấp tỉnh phấn khởi đi dự lễ tổng kết Hội giảng và nhận thưởng, tôi đã se thắt cả lòng. Tôi dạy học có uy tín, có tinh thần trách nhiệm cao, sao tôi lại không được hưởng niềm hạnh phúc ấy?
Sáng nay đến lớp, tôi sẽ dạy học sinh bài học mới “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway. Tôi phải cố tươi tỉnh. Tôi phải dạy thật hay, hay hơn ngày thường. Con người dù có gặp hoàn cảnh bi đát nhất vẫn phải sống mạnh mẽ. Con người có thể thất bại nhưng không thể khuất phục. Biển vẫn xanh, con người vẫn tiếp tục ước mơ.
R
Học sinh xin tôi vài phút trước khi ra chơi để thảo luận tiếp kế họach cắm trại mừng Sinh nhật Đoàn. Như thường lệ, năm nào gần đến 26-3, Đoàn trường cũng tổ chức hội trại cho khối 12. Buổi sáng, tranh thủ 10 phút đầu giờ, các em đã tự bàn bạc, nhưng cũng còn vài việc cần có ý kiến chủ nhiệm.
- Thưa cô, lớp mình chưa có đủ các tấm bạt để làm lều trại.
- Thưa cô, có mấy bạn xin rút tên ra khỏi danh sách thi kéo co, nhảy bao bố, đua xe đạp chậm.
- Thưa cô, bạn thi thuyết trình về “Gương sáng Đòan viên” nói là nhà bạn ấy có đám cưới không thể đi cắm trại với lớp được ạ
Lớp đưa ra nhiều trở ngại cần giải quyết. Tôi hướng dẫn các em tìm ra từng giải pháp cụ thể. Tuổi trẻ mà! Không có việc gì khó. Cuối cùng thì mọi việc cũng sắp xếp được. Một em nhà có nhiều bạt để phơi lúa, phơi khoai đã đồng ý cho lớp mượn. Thi những môn vận động sức lực thì lớp chọn ai cũng được, chỉ cần nhiệt tình, vì đây không phải là mặt mạnh của lớp, nên đầu tư công sức, trí tuệ vào những môn thi mà lớp có ưu thế như lều trại, hóa trang, văn nghệ để đoạt giải cao. Còn bạn thi thuyết trình chỉ cần có mặt ở trại vào buổi chiều thứ Bảy dự thi, sau đó được phép về nhà để phụ gia đình chuẩn bị cho đám cưới.
Tôi vừa ra khỏi lớp thì một em gái rụt rè đi theo:
- Thưa cô…
- Gì vậy em?
- Em không tham gia trại được ạ!
- Vì sao vậy em?
- Tối thứ Bảy em phải đi học ở thành phố Hồ Chí Minh, cô ạ!
Tôi nhìn em, thông cảm. Ba em là thương binh. Em đã nộp giấy xác nhận của Phòng lao động thương binh xã hội Huyện để hưởng chế độ ưu tiên. Thế nhưng tôi biết, với năng lực học tập của em, dù không có giấy xác nhận ấy, em vẫn đủ khả năng thi đậu tốt nghiệp, đậu vào một trường Đại học có điểm tuyển cao. Nhiều người thương binh từ sau cuộc chiến trở về vẫn tạo dựng được một cuộc sống tốt đẹp bằng chính trí tuệ, sức lao động của họ. Con cái họ đã tự hào đi vào giảng đường Đại học.
Tôi nói, giọng dịu dàng:
- Em dự trại với lớp từ hai giờ đến độ năm giờ chiều rồi đi học được không? Đoàn viên mà không dự Hội trại truyền thống sao được!
- Vâng, em sẽ cố gắng. Cô cho em nghỉ buổi tối nhé!
Tôi cười gật đầu. Tôi hình dung buổi tối đốt lửa trại. Anh sáng sẽ soi chiếu những khuôn mặt hân hoan. Những cánh chim nhỏ ấy sẽ bay vào đời, đi muôn nơi, mang theo những khát vọng, hoài bão, mang theo sức trẻ, mùa xuân, hòa bình, hạnh phúc, hy vọng, tiếp bước các thế hệ cha anh.
Tôi, cũng như các em, sẽ tiếp tục thực hiện những ước mơ đẹp của mình. Sau đợt Hội giảng Tỉnh, tôi sẽ tiếp tục ôn thi Cao học.
Chim én nhỏ vẫn tiếp tục đường bay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét