Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

GVĐN 09: DỌC ĐƯỜNG VĂN

“NỖI BUỒN CHIẾN TRANH” RA MẮT Ở IRAN

Nhà văn Bảo Ninh. Ảnh: phunutoday.vn Tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh vừa ra mắt bản tiếng Farsi (Ba Tư) ở Iran và là cuốn tiểu thuyết VN đầu tiên được dịch ra tiếng Ba Tư.
Trước đây, một vài cuốn sách VN được dịch ra tiếng Ba Tư là “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Hồi ký về Ðiện Biên Phủ” của đại tướng Võ Nguyên Giáp...
Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đang được cựu đại sứ Iran tại VN Seyed Kamal Sajjadi chuyển dịch sang ngôn ngữ giàu tính văn chương này.
Buổi ra mắt sách được tổ chức ngày 26-2-2012 tại một trong những hiệu sách của nhà xuất bản Ofoq ở trung tâm thủ đô Tehran.

Nhiều nhà văn, dịch giả danh tiếng của Iran đã có mặt và trao đổi về cuốn sách họ mới đọc. Nữ văn sĩ Belgheys Soleimani kể rằng bà sinh năm 1963 - một năm trước khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc VN, và từ khi lớn lên, dường như thế giới bên ngoài Iran chỉ là chuyện chiến tranh VN do cha bà kể lại.
Sau chiến tranh, cuộc sống ở VN vẫn thu hút sự chú ý của bà. Khi đọc Nỗi buồn chiến tranh, bà lại được biết về chiến tranh thông qua cái nhìn của một người trong cuộc và thấy nhiều điểm tương đồng giữa VN và Iran trong những cuộc chiến mà cả hai đất nước phải gánh chịu.
Nhà văn, nhà phê bình đồng thời là dịch giả Shahryar Vaghfipour nói rằng Nỗi buồn chiến tranh là cuốn sách về sự hủy diệt và tình yêu trong chiến tranh, về một quá khứ mất mát và một hiện tại ám ảnh. Ðó là lý do tại sao những hồn ma lại là yếu tố quan trọng đến thế trong cuốn sách. Theo anh, đây là cuốn tiểu thuyết có màu sắc hiện thực huyền ảo.
Dịch giả Masoud Amirkhani đọc thư của nhà văn Bảo Ninh gửi NXB, có đoạn: “Tôi rất kỳ vọng cuốn Nỗi buồn chiến tranh sẽ là một trong những tác phẩm mở đầu cho quá trình xích lại gần nhau, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn học VN và Iran. Tôi mong mỏi rằng tôi và độc giả VN nói chung sẽ sớm được đọc các tác phẩm văn học Iran dịch ra tiếng Việt”.
Dịch giả Masoud Amirkhani sinh năm 1978, ban đầu vốn học chuyên khoa toán, sau chuyển sang học dịch văn học. Anh đặc biệt thích những tác phẩm về chiến tranh của các nhà văn như Eric Maria Remarque (người Ðức). Gặp được Nỗi buồn chiến tranh bản tiếng Anh, anh đọc say mê và quyết định dịch ra tiếng Ba Tư.
Để hình dung về chiến tranh VN, anh đã phải tìm đọc nhiều cuốn sách, xem nhiều bộ phim về chiến tranh, chủ yếu là của Mỹ và phương Tây. Với Nỗi buồn chiến tranh, anh muốn cho người đọc Iran được nhìn thấy chiến tranh VN qua góc nhìn của một tác giả người Việt.
Ofoq là một nhà xuất bản tư nhân, đứng hàng đầu những nhà xuất bản Iran in sách văn học. Mỗi năm trung bình Ofoq xuất bản khoảng 100 cuốn sách. Nỗi buồn chiến tranh ra mắt lần này với 2.000 bản, giá bán lẻ 52.000 rial (khoảng 70.000 đồng).
Nhân dịp ra mắt sách, đại sứ quán VN tại Iran đã mua 100 bản sách để tặng bạn bè Iran.
(Nguồn: Tuổi Trẻ Online)


Thay quá khứ chiến tranh bằng văn học

Ngày 9 và 10.3, tại TP.Huế, hội thảo Diễn đàn văn học Việt - Mỹ nhìn lại và phát triển đã diễn ra. Tham dự hội thảo có các nhà văn Mỹ như: Kevin Bowen, Bruce Weigl, Harry Heinemann, Martha Collins, Sam Hamill, Lady Borton… cùng nhiều nhà văn, nhà thơ Việt Nam đến từ mọi miền đất nước.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, nhấn mạnh trong 15 năm (1975-1990) sau chiến tranh, những bên tham gia cuộc chiến đã ngồi lại với nhau để “thay quá khứ chiến tranh bằng giao lưu văn học” và Trung tâm William Joiner với nhiều nhà văn cựu chiến binh Mỹ chính là chiếc cầu nối bền bỉ suốt 20 năm qua, giới thiệu nhiều nhà văn VN và các tác phẩm văn học VN tới công chúng Mỹ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động nhắc tới những nghĩa cử của các nhà văn Mỹ, qua việc nhà văn Harry Heinemann trong một lần đến VN đã bóc tấm huân chương của quân đội Mỹ đặt lên nấm mộ các chiến sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn. Nhà thơ Mỹ Kevin Bowen lập cả một bàn thờ trong nhà mình với quốc kỳ VN, và nhà thơ Mỹ Bruce Weigl nhiều lần lặn lội sang VN để nhận một em bé mồ côi ở Ninh Bình làm con nuôi, hay như việc nhà văn Lady Borton đã rời nước Mỹ, tự học tiếng Việt sang làm việc lâu dài ở VN…
Các nhà văn Việt - Mỹ cũng cho rằng, phải bằng mọi cố gắng từ hai phía để tiếp tục góp phần làm thay đổi cách nhìn của người Mỹ với VN. Đánh giá cao những đóng góp của Trung tâm William Joiner (WJC), nhà văn Tô Nhuận Vỹ cho biết các thành viên của trung tâm này đã vận động máy móc, thuốc men giúp Bệnh viện T.Ư Huế ngay sau năm 1975. Toàn bộ nhuận bút tuyển tập các tác phẩm của những nhà văn Mỹ và VN cũng đã được tặng cho bệnh viện này, giúp máy trợ thính cho trẻ em khuyết tật và sách vở, học bổng cho học sinh, sinh viên.
Cũng tại hội thảo trên, các nhà văn Việt-Mỹ đã cùng nhau bàn thảo một chương trình khung cho sự hợp tác sắp tới. Hai bên nhất trí sự hợp tác cần đi vào chiều sâu, coi trọng nghiên cứu văn hóa và ảnh hưởng xã hội của các dự án. Theo đó, ưu tiên số một là dịch và xuất bản các tác phẩm ưu tú của cả hai nền văn học nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức, học tập, nghiên cứu và giảng dạy trong nhà trường. Hai bên cũng đề nghị cần phải huy động được các nguồn tài trợ và đặc biệt là các chuyên gia giỏi tiếng Anh và tiếng Việt, cần tổ chức cho các nhà dịch thuật hợp tác chặt chẽ với các nhà sáng tác để có những bản dịch tốt, tiếp tục hội thảo về các tác phẩm của nhau và lắng nghe hồi âm từ phía bạn đọc.
VIỆT CHIẾN (Thanh Niên Online)

Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Định khóa IV 

Tham dự Đại hội có hơn 150 hội viên trong tổng số hơn 200 hội viên của hội.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội khóa IV nhiệm kỳ 2012 – 2017 gồm 13 người, ông Nguyễn An Pha, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL được bầu làm Chủ tịch Hội. Các chức danh Phó chủ tịch, Uỷ viên thường vụ thường trực Hội sẽ được bầu trong phiên họp thứ 2 của BCH khoá IV. ĐH cũng đã bầu ra Ban Kiểm tra Hội gồm 5 người do ông Mai Thìn làm Trưởng ban.
Trong thời gian tới, Ban Chấp hành Hội sẽ sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý để Tạp chí Văn nghệ Bình Định tiếp tục được xuất bản…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét