Mùa gặt đã qua. Không còn những dòng thác lúa chảy vàng qua sườn núi, mất cơ hội để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang Mù Căng Chải. Nhưng khi mùa gặt qua, những thửa ruộng mới bộc lộ hết những đường nét gợi cảm của chúng, và một vẻ đẹp khác hiện lên…
Ruộng nằm ngửa mà nùi thì nằm nghiêng
Đó là vẻ đẹp của tâm hồn người Mông, chủ nhân những thửa ruộng bậc thang.
Người dẫn đường, ông trưởng phòng văn hóa cực đoan, đã nói đúng. Không ai lãng mạn bằng những nông dân Mù Căng Chải bởi khát vọng mang cây lúa nước lên lưng chừng trời mà cấy. Mà đúng là lên trời thực sự. Để vào đến đất Mù Căng Chải, để chạm tay vào những gốc rạ của người Mông, tôi đã phải đi qua một biển mây ở cổng trời (đèo Khau Phạ có nghĩa là đèo cổng trời). Phía đông Khau Phạ là Tú Lệ, cũng là một vùng đất nổi tiếng với gạo nếp được trồng trong thung lũng.
Nhưng qua sườn tây đèo Khau Phạ, hình ảnh ruộng lúa đã hoàn toàn khác bởi không còn những cánh đồng bằng phẳng, mà ở đây cây lúa cõng nhau, lên cao, cao mãi. Toàn huyện Mù Căng Chải có tới 700ha lúa nước (ruộng bậc thang). Con số này đáng để ngạc nhiên khi mà mọi điều kiện tự nhiên ở đây đều cho thấy sự bất lợi để canh tác lúa nước.
Mù Căng Chải nằm trong hệ thống núi Hoàng Liên Sơn, địa tầng được cấu tạo bằng đá magma. Các nhà địa chất cho rằng, những vận động địa tầng 150 triệu năm trước đã tạo ra những uốn nếp khổng lồ. Kèm theo đó là hàng loạt những đứt gãy với các khối đá hung hãn chọc xiên qua nhiều nơi như Phu Ba (2.512m) và Púng Luông (2.985m)... Ở Việt Nam, không nơi nào cảm nhận thấy sức mạnh ghê gớm của tự nhiên như ở đây.
Bản thân sự tồn tại của con người đã là một sự phi thường. Và để tồn tại, họ làm một việc còn phi thường hơn, đó là trồng lúa nước. Đặc điểm chính của canh tác lúa nước là phải có mặt phẳng, mà núi lại nằm nghiêng. Núi nghiêng thì đè ngửa núi ra mà cấy chứ sao!Anh cán bộ kiểm lâm Mù Căng Chải cười khà khà.
Không ai biết chính xác người Mông bắt đầu “đè ngửa núi ra” từ khi nào, chỉ biết người Mông được xác định có mặt tại Mù Căng Chải khoảng hơn 200 năm nay. Bao nhiêu thế hệ người Mông đã bám trụ trên vùng đất mù sương này cứ tiếp nối nhau biến núi thành ruộng.
Ở bản Hán Sông, xã La Pán Tẩn, có ông lão Lý Khủa Sang. Diện tích ruộng nhà mình có bao nhiêu, ông không biết, chỉ biết ông bà, cha mẹ để lại cho “mấy chố”, mình làm thêm “mấy chố”… mỗi vụ gặt được mấy tấn gạo, ăn cả năm không hết… Nhìn những thửa ruộng bậc thang xoáy ốc biến những trái núi thành một mâm xôi tròn trịa, bất cứ ai cũng phải ngạc nhiên về việc làm thế nào để đưa nước lên trên đỉnh mâm xôi. Đó là một kỳ tích! Họ dùng một hệ thống máng bắc trên cao, đưa nước từ nguồn, là đỉnh núi, nơi khởi thủy của những con suối, về đỉnh mâm xôi. Từ đỉnh đó, nước tràn xuống những luống ruộng thấp theo hình xoáy ốc.
Đưa nước về là một kỳ công, giữ nước trên ruộng bậc thang cũng kỳ công không kém. Trên địa hình núi dốc như vậy, nhưng luống ruộng nào cũng phẳng đến kinh ngạc, để đảm bảo cây lúa nào cũng đủ nước như nhau. Người Mông làm ruộng bằng cảm giác, họ chăng dây từ đầu luống đến cuối luống, cảm thấy dây thẳng là ruộng phẳng. Để làm ra một luống ruộng, một gia đình 5 người như nhà ông Lý Khủa Sang chỉ mất có 3 ngày. Thế mà, luống nào luống nấy phẳng đét.
Đợi hoa tớ dây
Ở Mù Căng Chải, tôi được nghe một bài hát tiếng Mông, âm thanh líu lo, líu lô rất gợi cảm. Người hát dịch nghĩa rằng: ”Chín mươi chín bông hoa tớ dảy/ Có một bông hoa nở/ Để đồng bào làm vụ mùa sớm hẳn/ Đẹp cả lá gan…”.
Người Mông Mù Căng Chải một năm chỉ làm một vụ lúa. Mà vụ mùa duy nhất ấy, cái ăn của cả một năm trời lại được bắt đầu từ một nụ hoa. Khi tôi nghe bài hát này, trời đang giữa đông, hoa tớ dảy (hoa đào - tiếng Mông) chưa nở, có nghĩa vụ mùa chưa bắt đầu. Mùa này là mùa rảnh rỗi nhất trong năm. Đàn ông đi chơi, đi rừng, còn đàn bà ở nhà thêu áo, thêu khăn, làm bánh giày đợi Tết. Tết bắt đầu từ đầu tháng 12, cuối tháng hoa đào nở, Tết càng vui dù đã bắt đầu vào vụ mới. Cái sự đợi hoa của người Mông, nhiều người cho rằng họ ham chơi, hoặc lãng phí thời gian.
Nhưng không phải thế. Người có đời người, núi có…đời núi. Lúc con người nghỉ ngơi cũng là khi núi nghỉ. Cái sự nghỉ ngơi ấy giúp cho những thửa ruộng bậc thang hồi phục, hấp thu nguồn sinh lực của đất trời cho vụ mùa tốt tươi. Nếu không có quãng thời gian nghỉ ngơi ấy, liệu những thửa ruộng bậc thang không phân hóa học có tiếp tục nuôi sống con người đời này qua đời khác?
Năm trước, ruộng bậc thang Mù Căng Chải trở thành di tích văn hóa cấp quốc gia. Có người so sánh với di sản thế giới ruộng bậc thang ở Philippines, tiếc rằng ở đây người ta không làm du lịch không, biến những thửa ruộng thành sản phẩm không có vụ, lúc nào cũng có thể gặp lúa chín để chụp ảnh. Nhưng nỗi tiếc nuối ấy không hiện hữu trong ánh mắt của người dân nơi đây. Ruộng bậc thang không phải để ngắm. Nó là mồ hôi, là trái tim, là khối óc và cũng là truyền thống văn hóa của người Mông Mù Căng Chải.
Vào nhà ông Sùng Khua Lồng, bản Tà Chơ, xã Kim Nọi, hỏi có biết chuyện đó không? Ông Lồng cười: “Không biết đâu. Sẽ có nhiều người du lịch lắm! Sẽ dễ kiếm tiền”. Rồi ông Lồng lại cười: “Thế thì vui. Nhưng mà mình đủ ăn rồi”.
Thoạt nghe, thoáng nghĩ rằng người đàn ông này không có nhiều khát vọng. Nhưng, nếu đo chỉ số hài lòng với cuộc sống, chắc chắn rằng họ sẽ là một cộng đồng có mức độ hài lòng cao nhất. Khát vọng khác rất nhiều sự tham lam. Hài lòng với cuộc sống còn thiếu thốn của mình không có nghĩa họ không mang một khát vọng lớn. Họ khát khao chinh phục thiên nhiên, nhưng họ không tham lam bắt thiên nhiên kiệt sức vì cuộc sống của mình. Từ nhà ông Lồng nhìn ra phía trước có một ngọn đồi cao được gieo mạ sớm.
Chiều buông, những cây lúa mùa sau thầm lặng mọc lên trời. Đó là một vẻ đẹp kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy. Những lá lúa như mũi tên xanh biếc lao thẳng vào trời sương. Tôi tin rằng tâm hồn của người Mông Mù Căng Chải cũng như vậy, luôn ẩn chứa những khát khao chinh phục thiên nhiên, khát khao ấy cũng mạnh mẽ như một mũi tên, nhưng cũng mềm mại như một nhành mạ non trong sương núi sớm xuân.
(Nguồn: Đất Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét