Võ Nguyện
(HV Hội VHNT Đồng Nai)
Tôi đã từng bị rừng cầm tay giữ lại một buổi chiều.
Nói thì tưởng như bịa nhưng sự thật 100% đấy.
Sáng đó tôi đi “lượm chai”. Chai là một loại nhựa cây khi mới chảy ra thì mềm như sáp còn khi khô thì rất cứng và sắc như mẻ chai. Chai được sinh ra từ cây chò chỉ hoặc dầu gió và được dùng để chế ra vẹc ni hoặc keo trét thuyền.
Giá mua một ký chai tại cửa rừng bằng một ký gạo nên cả Khu Kinh Tế Mới thi nhau đi lượm chai. Thông thường, dân a ma tơ như tôi mỗi ngày cũng kiếm được ba bốn ký, tiền liền. Còn hơn ngoài quê mỗi ngày ba lạng lúa mà đến mùa mới thấy! Nhiều người may mắn trúng bộng ong trong cây cổ thụ. Có khi được cả tạ chai! Sướng chết. Tha hồ nuôi vợ con!
Khu Kinh Tế Mới Cây Gáo sát cạnh con sông đầy nước xoáy. Đó là thác Trị An ngày xưa. Qua khỏi thác là rừng già nguyên sinh rậm rạp, cây cối hai ba tầng, chò chỉ và dầu gió lác đác lẫn lộn. Đoàn người “lượm chai” không đi theo hàng dọc bờ sông nữa mà triển khai theo hàng ngang, mỗi người cách nhau hai chục mét, lủi vào. Họ không thấy mặt nhau, chỉ nghe tiếng hú. Từng người đi theo hướng đổ của bóng nắng, lâu lâu lại chặt cây “bẻ cò” làm dấu đường ra. Vài người có la bàn - là một thỏi nam châm lấy trong đi na mô xe đạp được treo vào sợi chỉ lâu lâu lại thả xuống định hướng. Cứ thế, hễ gặp cây chò, cây dầu thì đi quanh gốc bới lá ra tìm chai. Cho đến trưa thì hú nhau đi theo bóng nắng trở về.
Đến lúc sắp về thì tôi mới gặp một cây chò rất lớn dễ đến hai người ôm. Lòng mừng khấp khởi, biết đâu quanh gốc này có nhiều chai, chứ cả sáng nay mới được hơn ký. Tôi đi quanh gốc một vòng. Chỉ có vài cục nho nhỏ. Nhưng bất ngờ là trên thân cây ngang tầm mắt có một lỗ sóc. Mà lỗ sóc có ong mật bay ra bay vào. Đích thị là trong ấy có chai rồi. Biết đâu là chai bộng?
Lỗ sóc chỉ vừa khít cổ tay, càng vào thân cây càng đâm ngược lên như cái phễu. Có lẽ vì lũ ong tới xâm lấn nên chị sóc đã bỏ nhà đi. Lũ chim cũng không dám chọn lỗ này để xây tổ. Làm sao mà chịu nổi với lũ ong? Tôi cũng sợ ong, nhưng đây là ong ruồi cho mật, nếu không ai chọc phá thì chúng không đốt và đốt cũng không đau mấy. Phải thò tay vào thám sát rồi rút ra thật nhanh đừng động chạm gì đàn ong là được mà.
Tôi nhón chân thò tay vào. Có chai! Chai lởm chởm phía trong thân bộng. Nhưng ở phía trên, cần phải quậy cho rơi ra mới lấy được. Tôi có biết đâu chính vì quậy như thế mà các miểng chai rơi xuống, trở thành những cái chêm, chêm cứng cổ tay tôi vào cái phễu lỗ sóc. Nhựa chai rất sắc. Càng lúc càng rớt xuống nhiều và càng chêm chặt. Tôi đã thử kéo ra mấy lần nhưng không được. Đau lắm. Cứ như có ai cầm tay mình rút ngược vào ruột cây. Tôi hú dài, rươm rướm nước mắt nhưng mọi người đã về hết rồi. Rừng im lặng không một tiếng động. Thế này là trời đang chuyển giông đây. Rồi bất ngờ cây rừng vặn mình răng rắc, gió rít từng cơn, sấm chớp nhì nhằng và mưa xối xả. Trời tối sầm. Tôi sợ có lúc như mê đi. Tôi nghe trong rừng như có những đường ống vô hình chạy xuyên qua cành lá. Trong những đường ống ấy: Đàn vượn dắt díu nhau đi. Đàn rắn cõng nhau bỏ chạy. Những con ma rừng, ma hời không đầu với bộ lòng lòng thòng đi ăn bã trầu của khách qua rừng. Ôi chao ơi kinh khiếp quá. Ướt và lạnh. Trời ơi, mình chết sao? Mình đứng đây làm mồi cho cọp hay sao? Mình tội gì mà bị rừng trừng phạt? Bên kia sông người ta phá trắng rừng bằng xe reo xe ủi, máy cưa máy kích chứ mình đi lượm chai có chi mà hành?...
Trời chiều rất nhanh.
Bỗng tôi nghe nhột nhạt trong nách, thì ra là lũ ong. Bây giờ tạnh mưa chúng lục đục trở về tổ nhưng bị bàn tay tôi bít đường nên chúng bò lung tung. Chúng bu đen chung quanh lỗ sóc và bò vào trong áo tôi. Tôi không dám nhúc nhích. Thế nhưng một vài con đã phát hiện ra và đốt vào tay. Lạ lắm, lũ ong hễ một con đốt thì cả đàn cùng đốt. Trong phút chốc hình như cả đàn đều nhận tín hiệu tấn công. Nhóm chích phía ngoài, nhóm chích phía trong. Ôi, chết thôi! Tôi cuống quýt đu mình lên lấy chân đạp vào thân cây. Rút và rút. Và “Bựt”, tôi rơi xuống như trái mít rụng. Bàn tay rời khỏi bọng cây. Nhưng may, chưa rời khỏi thân mình!
Máu tươm tướp chảy ra, da tay tôi bị lột như chân gà nhúng nước sôi, chi chít những nọc ong. Mặc! Tôi không thấy đau. Tôi gói bàn tay ấy vào vạt áo rồi nằm một chập cho lại hồn mới đứng dậy. Chạy. Chạy như cô Bảy thượng ngàn nhập hồn giữa rừng già trơn trợt…
Về đến bến bờ sông thì trời tối từ lâu. Đò đã rút sang bờ bên kia. Tôi nghe tiếng vợ tôi hú lên trong bóng đêm hoang dại…
***
Hai mươi năm sau tôi trở về. Rừng xưa đã bị thay bởi hồ nước mênh mông sóng vỗ. May mắn còn sót lại đảo Ó với màu xanh tươi mát, lại có cả tua du lịch tham quan rừng. Du khách cứ yên tâm mà đi bởi vì rừng đó chỉ là rừng thứ sinh um tùm cây bụi chứ những cây chò hai người ôm từng bắt tôi làm tù binh thì đã bị lâm tặc hóa kiếp hết rồi!
@
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét