Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

GVĐN 09: Đưa văn hóa lễ hội về thôn ấp

Hoàng Long
(TX Long Khánh)


Vừa qua ngày 3/3/2012 tại ấp Lác Chiếu xã bảo Quang TX.Long Khánh, lễ hội SaYangVa của đồng bào dân tộc Chơ Ro đã tưng bừng diễn ra với sự tham gia của đông đảo công chúng.


Đã nhiều năm, ngành Văn hóa Thông tin Long Khánh chủ trương đưa các hoạt động văn hóa lễ hội truyền thống về cơ sở, nhằm góp phần đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa thông tin của nhân dân lao động. Mở đầu cho các hoạt động này là lễ hội SaYangVa (lễ cúng thần lúa hay ăn mừng lúa mới, cũng có nơi gọi là lễ ăn Nhang) của đồng bào dân tộc Chơ ro.
Do địa bàn thị xã Long Khánh đồng bào dân tộc Chơ ro sống không tập trung mà rải rác ở các xã Bàu Trâm, Bảo Quang, Bảo Vinh và Hàng Gòn, mỗi nơi chỉ vài trăm hộ, nên làm thế nào để tất cả đồng bào Chơ ro trên địa bàn được tham gia lễ hội là điều băn khoăn của lãnh đạo Ngành. Ý tưởng mỗi năm tổ chức lễ hội SaYangVa ở một xã, nơi có đông đồng bào là ý tưởng hay được nhiều người tán đồng. Xưa kia, lễ hội SaYangVa do một chủ hộ có uy tín trong làng làm chủ lễ, lễ cúng được tổ chức tại nhà riêng (được gọi là làm Nhang), những hộ xung quanh người góp gạo, người góp heo, gà, vịt, rượu cần, rồi quây quần người ngâm gạo nếp, kẻ chặt tre, nứa làm cành phan, làm ống nướng bánh, người gói bánh, giã bánh dày… trong không khí đầm ấm, đoàn kết của một xóm dân cư nông thôn thanh bình.
Ngày nay, để lễ hội SaYangVa mang tính cộng đồng, ngành Văn hóa Long Khánh đã cất công nghiên cứu, tìm hiểu nội dung, hình thức tổ chức lễ hội truyền thống của đồng bào nhưng thực sự đã mai một khá nhiều. Thôi thì, những nghi lễ nào còn biết được thì tiếp tục kế thừa, phần nào không rõ thì thôi, còn lại kết hợp với các hoạt động của lễ hội hiện đại, để làm sao vừa giữ được nét truyền thống độc đáo của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hóa văn hóa của các dân tộc khác làm cho lễ hội SaSangVa của đồng bào Chơ ro vừa mang hồn của dân tộc vừa thu hút sự chú ý tham gia của đông đảo công chúng các cộng đồng dân tộc anh em khác.
Già làng Thổ Đực là chủ lễ nhiều năm của làng dân tộc Chơ ro ấp Bàu Trâm cho biết: “Xưa bày thì nay làm thôi, chứ đúng lễ của nó phức tạp lắm, mình làm không nổi đâu! Như nghi thức cúng Thần lúa, không tìm được thầy cúng (thày Chan) mấy ổng bả già rùi đi hết trơn, tụi tui già như thế này mà còn không biết cúng nữa huống chi. Rồi còn hát Ladưng (loại hát đối đáp) cũng chẳng còn ai biết hát, hỏi sao mà duy trì được, thôi thì chính quyền thương, tổ chức cho bà con tìm về với lễ hội; thay mặt bà con, tui cám ơn nhiều lắm”. Thật vậy, chúng tôi (những người tham gia tổ chức lễ hội) cũng tìm đến nhiều nơi để xem phong tục tập quán từng nơi như thế nào để vận dụng cho phù hợp, cũng phải nhờ các chuyên gia cố vấn.
Thế là ngành Văn hóa mạnh dạn tổ chức lễ hội SaYangVa lần thứ nhất tại ấp Bàu Trâm (xã Bàu Trâm - do già làng Thổ Đực làm chủ lễ) vào năm 2009. Xác định phần lễ là nghi thức truyền thống do già làng chủ động, còn phần hội do ngành Văn hóa tham mưu gồm các loại hình vui chơi giải trí như thi làm bánh ống (mỗi đội làm đến 50 ống bánh); thi làm bánh dày (nấu và giã 3kg bánh dày) theo cách làm truyền thống của đồng bào; thi làm cành Phan (biểu tượng cây lúa, cây bắp để thờ cúng); kết hợp với các hội thi thể thao dân gian như bắn nỏ, đẩy cây, nhảy bao bố, kéo co, bịt mắt đập niêu… sau cùng là liên hoan văn nghệ giữa các dân tộc của nhân dân các xã tham gia lễ hội.
Sau xã Bàu Trâm là ấp Ruộng Lớn (xã Bảo Vinh), rồi ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn) và mới đây là ấp Lác Chiếu (xã Bảo Quang); Lễ hội được tổ chức ở mỗi địa điểm khác nhau đều có những sắc thái riêng làm bật lên những nét riêng của cuộc sống cộng đồng. Tại mỗi nơi tổ chức lễ hội, đồng bào dân tộc địa phương được lãnh đạo các ngành trao tặng tượng Bác, cờ Tổ quốc, ảnh bác Hồ và tặng cả Radio cho đồng bào, đã tạo ấn tượng tốt đẹp của đồng bào đối với lễ hội.
Thị Thành (người Chơ Ro ấp Lác Chiếu) nhiều năm tham gia lễ hội cho biết: “Được tham gia lễ hội này bà con dân tộc chúng tôi vui mừng lắm, năm nào cũng được như thế này thì quá ưng cái bụng, mặc dù cuộc sống của đồng bào mình còn cơ cực, nhưng đến với lễ hội thì nỗi buồn qua đi, hy vọng cuộc sống sung túc sắp đến bà con lại được sống vui, sống hạnh phúc đóng góp xây dựng quê hương”.
Tại ấp Lác Chiếu, nơi tổ chức lễ hội YaYangVa vừa qua, thêm một lần nữa chứng tỏ, tại địa bàn dân cư xóm, ấp khi các hoạt động văn hóa lễ hội về đến là một lần tạo nên không khí nhộn nhịp, nô nức, vui mừng phấn khởi của đồng bào đón mừng lễ hội. Điểu Mực - già làng ấp Lác Chiếu - chủ lễ năm 2012, không ngớt niềm vui: “Được chọn trụ sở ấp Lác Chiếu làm nơi tổ chức lễ hội, bà con vui lắm, mỗi người một tay một chân dọn dẹp sân bãi, năm nào cũng được đón lễ hội như vầy thì bà con dân tộc mình sướng lắm”.
Không dừng lại ở việc tổ chức lễ hội như thế này trong những năm qua, ngành Văn hóa Long Khánh sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để tham mưu đề xuất: hàng năm, các xã có đồng bào dân tộc Chơ Ro sẽ phải chủ động tổ chức lễ hội SaYangVa trên địa bàn mình theo chương trình đã có sẵn. Một mặt để lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chơ Ro được mãi trường tồn và luôn đọng lại trong tâm hồn của bao thế hệ người Chơ Ro trên địa bàn, mặt khác khẳng định: địa bàn dân cư ấp, khu phố là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng vừa thu hút, vừa hấp dẫn và mang lại hiệu quả cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét