Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

GVĐN 09: Đọc NHỮNG DÒNG SÔNG VẪN CHẢY của Bùi Công Thuấn, Nxb Hội Nhà Văn 2011

Đặng Minh Hân
(HV Hội VHNT Đồng Nai)


Có một nhà giáo cứ âm thầm lặng lẽ góp nhặt cho đời những hoa thơm cỏ lạ trong văn chương chữ nghĩa, rồi cũng vui vẻ đón nhận tiếng khen chê của những bạn bè trung thực và cả những người khó tính. Đó là nhà giáo Bùi Công Thuấn.

Cuốn Lý luận và phê bình văn chương ngót 348 trang này, anh phân ra làm 2 phần: Phần 1, anh viết sâu về giới trẻ trong văn chương; Phần 2, anh góp ý nhẹ nhàng về sự “im lặng ghê người của giới phê bình” văn học.
Trước khi vào phần 1, Bùi Công Thuấn (BCT) đã có một bài khá nặng tay: “Thay lời đề từ” với chủ đề “Thế giới nghệ thuật và nhà phê bình”, nội dung mà không phải người cầm bút nào cũng muốn “xông vào”! Thế nhưng BCT lại bước vào một cách khoan thai, ý nhị và đầy tự tin. BCT đã dày công nghiên cứu các nhà phê bình gạo cội của đất nước, trích ra, nhắc lại và phân tích. Việc làm ấy chính là ý thức tôn trọng độc giả và cũng chào mời độc giả cùng mình bàn bạc tốt hơn. Anh trích lời phê bình của Đỗ Lai Thúy nhận xét về Hoài Thanh: “Thị hiếu của Hoài Thanh chỉ dừng lại ở thẩm mỹ Lãng mạn, mà chưa vươn sang được Tượng trưng và Siêu thực như chính bản thân Thơ Mới…”. Nếu có điều kiện thì tôi sẽ tham gia ý kiến với nhà phê bình Đỗ Lai Thúy về vấn đề này. Vì thực tế nhà phê bình Hoài Thanh, chưa bao giờ bảo với ai là mình chọn đủ mặt anh tài vào Thi Nhân Việt Nam có “nhiều nhà thơ lãng mạn bàn nhì, bàn ba…”, sự có mặt của các thi sĩ tầm cỡ như: Tản Đà, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Tế Hanh, Yến Lan, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Anh Thơ, Bích Khê, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, T.T.K.H, Nguyễn Nhược Pháp… nào ai cho họ là bàn nhì, bàn ba. Nếu có sót ai, các thế hệ tiếp theo sưu tầm và bổ sung thêm. Còn bàn thêm về phương pháp nghiên cứu đánh giá thơ của Lê Đạt, Hoàng Cầm, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, kể  cả “ngọn hải đăng sáng chói” muôn phương Nguyễn Du thì không thể đưa vào cuộc đóng góp này được.
Tôi rất tâm đắc câu kết rất hay của “Thay lời đề từ” là: “… cho đến nay không có phương pháp phê bình văn học nào là vạn năng, mỗi phương pháp có phạm vi và vị trí riêng của nó”.
Đúng như BCT nhấn mạnh rằng: “Tôi hiểu, nhà văn, nhà phê bình là người cùng đồng hành, cùng khám phá và sáng tạo”.
Đi vào phần 1, BCT có duyên với văn chương của lớp trẻ, anh viết về Nguyễn Ngọc Tư một cách chân thành, góp phần vào văn hóa đồng quê mà Nguyễn Ngọc Tư là tác giả đã làm cho hàng triệu độc giả sửng sốt trước cái mới lạ, dám nói, nói thẳng, vẽ một bức tranh khá hoàn hảo, đầy trí tuệ và thông minh trong Cánh Đồng Bất Tận và đi tiếp cuộc “hành trình tìm về cội nguồn… tìm về văn hóa truyền thống của cha ông” (tr. 28). Nguyễn Ngọc Tư có lúc cũng tâm sự: “trên con đường lên núi, đôi khi tôi muốn dừng lại nghỉ chân và gắng giữ mình đừng bao giờ bị lùi bước. Càng lên cao, càng vắng người, càng cô đơn. Nhiều khi tôi sợ”.
Tác giả “Những Dòng Sông Vẫn Chảy” có lời khuyên chân thành: “Vâng, chị Nguyễn Ngọc Tư, đừng bao giờ lùi bước, vì xung quanh chị có bao nhiêu người cùng chia sẻ với chị nỗi cô đơn và sự vất vả, và hơn thế, họ yêu chị bởi chị là một nhà văn nhân hậu”.
Bùi Công Thuấn cảm nhận về cuốn tiểu thuyết Blogger của Phong Điệp sao giống tôi quá, tôi cũng bị cuốn hút, bị mê mẩn và đọc một mạch, sau đó đọc lại, càng đọc càng hay. Bởi sự hư cấu của tác giả rất gắn kết những chuyện xảy ra ngoài đời, người đọc dễ liên tưởng, cảm thông, xử sự và phân loại phải trái, thiện ác, và cuối cùng là đạt được một bài học thấm thía của cuộc đời. BCT đánh giá đúng ngòi bút của Phong Điệp đã đề cập đến “vấn đề tự do trong tình yêu, tự do quan hệ tình dục trước hôn nhân” và có thái độ đúng đắn, dứt khoát đứng về phía chuẩn mực của đạo đức xã hội. Khi xảy ra rồi, người bị thiệt thòi bao giờ cũng là bạn gái. Tôi đồng tình với BCT đánh giá về tác giả Phong Điệp: “Có thể nói Phong Điệp đã đạt được những bước cách tân đáng trân trọng trong kỹ thuật viết tiểu thuyết, làm mới hẳn diện mạo của tiểu thuyết Việt Nam hôm nay”; và nhà văn này “đã bước đầu đặt chân vào tiểu thuyết hư cấu (fiction), bước đầu xây dựng tác phẩm của mình thành kiểu tác phẩm tư tưởng, đã thể nghiệm thành công nhiều kiểu bút pháp, đồng thời thể hiện một năng lực sáng tạo có cá tính” (tr. 77).
Phân tích về tiểu thuyết “Người Đàn Bà Lưu Vong” của nhà văn trẻ Trần Thu Hằng,  anh BCT viết: “Tôi nghĩ, lòng yêu thương con người và mong muốn viết về sự thật một cách trần trụi, những nỗi đắng cay, những niềm khao khát… sẽ còn giúp Trần Thu Hằng đi rất xa trên con đường sáng tạo. Và chắc chắn nhà văn sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp sau những mồ hôi và nước mắt lăn lộn cùng nhân vật để biến những điều không thể thành có thể”.
Các bài viết khác của BCT như: Màu Rừng Ruộng, Nhắm Mắt Thấy Paris, Cần  lắm những yêu thương, Đôi Mắt Đông Hoàng, Giữa Dòng Chảy Lạc, Ngồi và những thể nghiệm thất bại, Nháp, Song Song những phận người, Dị Bản, và Thoát Y Dưới Trăng… anh cũng phân tích cái ưu và cái nhược của Đỗ Tiến Thụy, nhược của anh là “chưa thoát ra được sự quấn xiết của chủ nghĩa hiện thực… từ đầu đến cuối truyện, người đọc cứ ngỡ ngàng hạnh phúc khi phát hiện ra là tác giả dẫn mình đi một lới khác, xen kẽ chương này chương kia…”. Nói chung, BCT đã kỳ công nghiên cứu và dùng bút pháp sắc bén để nói lên quan điểm của nhà phê bình chừng mực, thoáng và có tính thuyết phục.
Ở phần 2: Có một sự im lặng ghê người của giới phê bình. Phần này có tính chất tâm sự với các nhà văn trẻ, những trả lời thực lòng của anh với các bạn trẻ qua những suy nghĩ của mình, những bức xúc mình cần biết; anh cũng trả lời những mặt mạnh yếu của các nhà văn trẻ hiện nay, đồng thời anh cũng nói rõ về nguyên tắc phê bình và phê bình thế nào đạt yêu cầu cao nhất.
Có một nguyên tắc mà anh nhấn mạnh trong phê bình là: “cố gắng hết sức để hiểu ý tác giả, trân trọng những nỗ lực sáng tạo và chia sẻ những thông điệp tác giả gửi trong tác phẩm”.

***

Gấp cuốn “Những Dòng Sông Vẫn Chảy” lại, vẫn còn đọng lại trong tôi những điều tốt lành về BCT, một người luôn lăn mình vào những gai góc của văn chương để khám phá những lối đi lên của lớp trẻ trong văn học Việt Nam, tránh cho họ có những bước đi lạc hướng.
Đó là một ý thức trách nhiệm đáng trân trọng. Với anh, tôi vẫn coi anh là một Nhà lý luận và phê bình văn chương thực thụ.

Tháng 12 năm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét