Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

GVĐN 10: TRUYỆN NGẮN BÙI KIM CHI

Bùi Kim Chi
(HV Hội VHNT Đồng Nai)

GIAI ĐIỆU XANH
Truyện ngắn

1. 
Ngày tôi về đây ở thì đã có em. Em là một cô gái mới lớn ở tuổi dậy thì như tôi. Sau buổi học em cùng mẹ tưới rau trên mảnh đất của vườn nhà. Với đôi thùng trên vai, đi qua ria một vòng, đi lại ria một vòng vụng về nhưng dáng em lúc tưới rau lại làm tôi thương thương. Có một chút gì đó thu hút tôi - không diễn tả được. Phải chăng đây là những rung động đầu đời của thằng con trai.
Tôi, một thằng con trai xa quê, một thân một mình vào Nam. Từ giã xứ Nghệ thân yêu tôi vào định cư ở đây - xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Không người thân ruột thịt, tôi tá túc tại nhà một người anh bà con xa. Những sáng, những chiều theo anh đi làm rẫy rau lam lũ, cực khổ vì bước đầu lao động chưa quen nhưng tôi vẫn cố gắng chịu thương, chịu khó. Khi từ giã mẹ ra đi tôi hứa: “Con sẽ cố gắng lao động và trở về khi có cơ ngơi đàng hoàng”. Cha tôi ôm tôi vào lòng, mẹ tôi sụt sùi, em tôi vẫy tay chào với đôi mắt ươn ướt tràn đầy yêu thương và hy vọng… Hình ảnh thân thương đó đã được giữ lại trong tôi cho đến hôm nay…


2. 
Một buổi chiều sau khi làm rẫy trở về… Tin từ Ủy ban nhân dân xã cho biết, tối nay lúc 7 giờ các hộ nông dân trồng hoa màu có mặt tại Ủy ban xã để nghe cán bộ nông nghiệp thông báo về tình hình sâu bệnh trên cây và hướng khắc phục. Nghe thế, anh tôi vội vàng thúc giục tôi đi họp thay vì tôi có chút trình độ văn hóa tốt nghiệp cấp 2, dễ tiếp thu. Tôi ngần ngại ra đi và… gặp em. Em trong chiếc áo nâu non màu cánh gián, hiền lành, thùy mị, không đẹp nhưng có duyên. Thấy tôi loay hoay vẻ ngại ngùng tìm chỗ ngồi, em hỏi: “Anh mới ở mô đến phải không?”. “Ừ”. Tôi đáp cụt lủn, nửa như mắc cở, nửa như ra vẻ “ta đây” cần phải có của một thằng con trai trước mặt con gái. Và có lẽ vì vẻ “ta đây” đó mà em đã nhích người sang một bên nhường một chỗ nhỏ cho tôi rồi ân cần nói: “Anh ngồi xuống đây”. Tôi bỗng rụt rè ngồi xuống. Vẻ “ta đây” biến mất. Mới vào đây, chưa quen biết ai nhiều nên tôi còn “ngố” lắm. Em lại chủ động làm quen: “Nhà anh ở có gần đây không?”. “Tui ở trong này một chút”… “Anh ở mô mà về đây?”. “Nghệ An”. Mắt em bỗng sáng lên: “Tui cũng người Nghệ An, theo bố mẹ vào đây lập nghiệp từ năm 1985”. Tôi mừng rỡ vì cảm nhận được ở em sự gần gũi, chân tình của người đồng hương… Tiếng của anh cán bộ nông nghiệp vang lên nhiệt tình: “Xin chào bà con… Xin thông báo đến bà con …”. Tôi chăm chú lắng tai nghe. Cẩn thận ghi ghi, chép chép. Mọi người chung quanh nhìn tôi. Có người tủm tỉm cười. Tôi hơi ngượng nhưng vẫn cố bình tĩnh vì nghĩ rằng: nếu không ghi, tôi sẽ không nhớ gì hết… Em cũng lắng tai nghe như tôi. Đồng lõa cùng mọi người: không ghi chép. Em không cười tôi mà thỉnh thoảng lại ngước mắt nhìn tôi cảm thông và ánh mắt đó đã theo tôi…
Buổi họp kết thúc. Tôi chào em ra về lòng thanh thản. Đường khuya vắng vẻ. Trăng ẩn mình trên cành cao rồi lặng lẽ cười duyên trong bóng lá. Đêm huyền diệu - Tôi thì thầm. Những ngày sau đó tôi tiếp tục gặp em. Khi thì trên rẫy rau của bác Tám, một hộ nông dân lớn của xã để cùng xem bác Tám xử lý và phun thuốc trừ sâu bệnh; khi thì trên đường đi mua phân gặp em lúc tan trường. Tình cảm trong sáng rồi tình yêu trai gái theo ngày tháng lớn dần trong tôi. Lần đầu tiên tôi ngại ngùng và biết nói: “Yêu em”. Em học lớp 9 trường của xã, có cha mẹ đầy đủ. Còn tôi chỉ là một anh nông dân nghèo xa quê, ăn nhờ ở đậu, không bà con họ hàng thân thích nhưng tôi có tấm lòng, có niềm tin và có sức phấn đấu bền bĩ từ hai bàn tay. Đức tính tốt này chưa có điều kiện và thời cơ lộ rõ nên tôi đã bị gia đình em từ chối. Tôi buồn nhưng không đau khổ. Tôi quyết tâm chinh phục gia đình em bằng tấm lòng chân thật, bằng sự chí thú lao động và cuối cùng tôi đã thành công. Tin tôi lấy vợ mà lấy em đã lan khắp xã trước sự ngỡ ngàng của đám thanh niên nam nữ trong ấp vì chúng tôi đã phải trải qua những rào cản khó khăn nhất mới đến được với nhau. Em đã phải từ chối một nơi mà cha mẹ đã định đoạt để đến với tôi, một nông dân nghèo xơ nghèo xác. Ngày ấy, em đã dịu dàng khóc trên vai tôi. Mừng rỡ, sung sướng nhưng không kém phần lo âu vì khi lấy nhau chúng tôi không có của cải gì ngoài tấm lòng thủy chung cùng đôi bàn tay biết nói, biết cười và biết lao động của cả hai để tìm cuộc sống mới...


3. 
Sau ngày cưới ba tháng, tôi bàn tính kỹ lưỡng cùng em và quyết định đi mướn đất để canh tác riêng với một số vốn ít ỏi, không đáng kể. Một nông dân tốt bụng trong ấp hiểu được hoàn cảnh của tôi nên đã cho mượn đất không lấy tiền thuê. Đất tôi mượn ở Hòn Đá Voi, cách nhà tôi ở 12km. Xa nhà nên tôi phải đưa em ra ở tại nơi canh tác. Vợ chồng tôi phải chặt cây dựng chòi, che lá để ở. Ban ngày đếm hoa nắng xôn xao, ban đêm hồn thả theo trăng.Vợ chồng tôi nghèo nhưng hạnh phúc. Tôi trồng đậu, bắp, thuốc lá. Chúng tôi cật lực lao động. Do vốn không có, kỹ thuật chưa cao, chúng tôi làm ăn vất vả, cực khổ, không đủ ăn. Tôi thương em vô cùng, người phụ nữ chịu thương chịu khó của tôi. Rồi một hôm cán bộ nông nghiệp của xã triển khai kỹ thuật trồng dưa hấu. Nghe nói trồng dưa hấu vừa tốn ít vốn lại ít công nên tôi bàn với em bán hết đậu, bắp, thuốc lá thu hoạch được để chuẩn bị chuyển sang trồng dưa hấu. Nét lo lắng hiện rõ trên đôi mắt hiền lành của em, em hỏi: “Có ăn không anh?”. Tôi đưa bàn tay đen sạm vuốt má em như những ngày đầu chúng tôi yêu nhau rồi hùng hồn nói: “Yên tâm, có làm có ăn, có chí thì nên”. Em mỉm cười hiền hòa, mắt long lanh đầy hy vọng.
Những ngày sau đó, tôi tích cực đi săn tìm hạt giống tốt. Còn em thì tất tả đi mua phân tro. Chúng tôi chia nhau mỗi người một việc. Tôi tranh thủ ý kiến hướng dẫn của Trạm khuyến nông, nhờ giúp đỡ hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa hấu làm thế nào để trồng có chất lượng đúng như đặc tính giống của nó. Vợ chồng chúng tôi ra sức lao động. Một buổi sáng trời trong xanh nắng vươn cao lấp lánh thổi vào hồn tôi luồng sinh khí mới. Tôi cùng em hăm hở ra thăm ruộng dưa và mừng rỡ khi phát hiện những chiếc lá xanh điểm li ti trên ruộng đất. Chúng tôi tích cực tưới nước ngày hai lần. Em buổi sáng, tôi buổi chiều. Ngày qua ngày những dây dưa tươi tốt lan ra khắp lối rồi bông, rồi trái bắt đầu nhú ra. Em và tôi hồ hởi. Tôi vẫn rất nhớ gương mặt rạng rỡ của em trong những ngày thu hoạch dưa. Đó là những ngày xanh hạnh phúc nhất của vợ chồng tôi. Trồng dưa được ba năm. Năm thứ ba, nhờ sự cố gắng tích cực của cả hai vợ chồng, rẫy dưa hấu đã có kết quả đẹp và kỳ lạ thay năm đó tôi “trúng dưa”. Tôi “trúng dưa” thật. Một niềm vui lớn đến với vợ chồng tôi thay cho những ngày thấp thỏm lo âu. Tôi bàn với Thiên, vợ tôi rồi quyết định mua một mảnh đất giá 38 triệu đồng. Đó là năm 1999.
Một cuộc sống mới bắt đầu mở ra trước mắt tôi với một kế hoạch khá lớn trên thửa đất trên 5.000m2. Vì thửa đất khá lớn đối với tôi lúc bấy giờ nên tôi bỏ trồng dưa hấu chuyển sang trồng lúa, cải tạo được một phần ba đất để trồng rau xanh. Nhưng rồi đất của tôi không được tốt cho lúa theo đánh giá của người có nghề mà khi hỏi mua đất tôi đã không nghiên cứu kỹ. Lúc bắt tay vào làm tôi mới thấy cực khổ mọi bề. Đất thì xấu, chưa được cải tạo tốt, kỹ thuật trồng lúa tôi cũng chưa am tường lắm, vừa làm vừa mày mò học hỏi. Việc tưới táp cũng không đáp ứng đủ yêu cầu (có lẽ như thế). Con trai tôi lúc này mới hai tuổi. Thiên vừa thức đêm chăm con vừa tranh thủ giúp tôi tưới ruộng lúa cực khổ vô cùng. Hai vợ chồng tôi chưa có kinh nghiệm nên không kham nổi công việc, làm ăn khó khăn suốt ba năm liền. Mộng lớn tôi đành gác lại. Tuy nhiên vợ chồng tôi vẫn cố gắng duy trì ruộng lúa và rau xanh. Chỉ có điều tôi thương cho Thiên và con trai cực khổ quá.


4. 
Một ngày. Trong một quán nước ven đường…
- Hoài phải không?
- Ừ, tui đây.
Đã lâu lắm rồi hai người bạn cùng quê không gặp nhau. Bạn của Hoài, một thằng bạn nối khố ở quê nay đổi xác trong chiếc áo chemise sọc xanh, sọc đỏ nổi bật trên chiếc quần jean bó sát người trông điệu nghệ. Hỏi ra mới biết. Hắn tâm sự: “Tao rời quê sau mi ba năm. Tấp vào Bà Rịa sinh sống, phụ người bà con bán thịt cầy rồi đổi đời. Bây giờ tao có cơ ngơi riêng kha khá. Làm không cực lắm mà có ăn”. Hoài buồn bã: “Tui làm ruộng, trồng rau. Trước đây tui trồng dưa hấu. Trúng dưa, tui mua được thửa đất trên 5.000m2. Đất ruộng, muốn mở mang thêm nên tui bỏ dưa trồng lúa và rau nhưng cũng không khá lắm”. Anh bạn hồ hởi : “Dám bỏ đây đi Bà Rịa mở quán Cầy tơ không?”. Anh bạn nói nhiều, nhiều lắm… Hoài ngần ngại, mắt nhìn xa xăm. Hình như anh đang suy nghĩ… Rồi hai người chia tay…
Viễn cảnh tươi đẹp, đổi đời từ người bạn cũ đề nghị đã thôi thúc Hoài. Sau một đêm trăn trở, suy nghĩ Hoài nói với vợ: “Anh muốn đổi đời bằng nghề mở quán buôn bán”. Thiên mở tròn mắt ngơ ngác: “Thiệt không anh? Mà mở quán bán gì? Có ăn không?”. Thiên dồn dập hỏi. Hoài chậm rãi nói, ý chừng như vừa nói vừa dò xét vợ: “Anh định rời Định Quán đi Bà Rịa - Vũng Tàu…”. Chưa nói hết ý vợ Hoài đã la lên: “Ui cha… không cha không mẹ đến đó với ai?”. Rồi Thiên tiếp: “Mà nơi nớ làm có ăn không?”. Vẫn điệp khúc cũ Hoài nói: “Có làm có ăn, có chí thì nên. Yên tâm”. Tưởng giống như lần trước, mượn đất canh tác và trúng dưa mua đất dễ dàng nên Thiên lặng lẽ gật đầu trước sự bàn tính chi tiết của Hoài. Thế là hai vợ chồng rời Định Quán trước sự can ngăn của cha mẹ Thiên, bạn bè, bà con nông dân trong ấp. Hoài và Thiên ra đi rồi chính thức mở quán nhậu thịt cầy tại Bà Rịa. Nghe đâu, với bản tính hiền lành, chất phác cả hai không hiểu được hết mánh khóe của bọn buôn hàng cho nên thất vọng về tình người. Vừa buồn vừa tủi. Thêm vào đó là những lần phải can gián rồi như van lơn, lạy lục những khách nhậu xỉn cãi vã nhau. Quán thu hút đủ thành phần lao động và hình như hầu hết người ta quen mặt nhau. Có khuôn mặt hiền lành nhưng khát rượu, có khuôn mặt râu tóc đầm đìa uống rượu như uống nước. Có người vào quán uống rượu để bàn bạc chuyện làm ăn rồi cùng nhau thách uống trên từng két bia. Có người vào đây với gương mặt lầm lì, gian xảo. Ôi! Đủ người, đủ kiểu. Quán bán được, có lời nhưng lo lắng, sợ hãi cứ đong đầy. Lòng bất an. “Cứ cái cảnh này, con cái bắt đầu lớn thì sẽ ra sao đây?”. Câu hỏi này luôn ám ảnh Thiên, một phụ nữ hiền lành, chân quê, chất phác, chịu thương chịu khó. Bàn nhậu này kêu, bàn kia gọi Thiên chạy tới, chạy lui như con thoi. Chưa kể những lúc hết hồn vì vẻ mặt gườm gườm của một người khách nát rượu mà chị chưa kịp sang chai mang đến cho anh ta. Tủi nhục vô cùng.
Cho đến một ngày, hôm ấy trời đã về chiều một ông khách cuối cùng vào quán. Quần áo lôi thôi, lếch thếch, tóc dài quăn tít, đầu đội mũ rộng vành thêm cặp kính đen che mắt trông ông ta như một gã giang hồ. Mà giang hồ thiệt. Vừa bước chân vào quán gã đã tự động đến quầy rượu cầm một chai Bia Sài Gòn đỏ đánh bốp xuống bàn một cái “xoảng”. Bia đổ lênh láng. Mảnh chai văng tung tóe. Vợ chồng con cái Hoài đứng lặng người nói không ra lời. Hắn xẵng giọng:
- Thằng Tám Lì đâu?
- Tui… không biết.
Hoài run run đáp. Hắn hét lên:
- Sao lại không biết.
Hoài vẫn run giọng, mặt tái xanh:
- Anh… hỏi ai? Tui… là Hoài chủ quán này mà.
- Tao hỏi thằng Tám chủ quán. Mắt gã lừ đừ, đỏ ngầu.
Vợ con Hoài ôm nhau khóc. Còn Hoài trống ngực đập thình thịch nhưng anh cố giữ vẻ bình tĩnh, giọng nhỏ nhẹ:
- Anh ơi ! Em… là Hoài mới sang lại quán này được hai năm. Chủ cũ… em không biết đi đâu ?
Gã giang hồ nhỏ giọng:
- À, thì ra …
Quay sang vợ con Hoài. Gã nói:
- Không có gì phải sợ. Tao có nợ máu với thằng Tám Lì kia. Vợ chồng chú em đây không có dây mơ rễ má gì với nó thì thôi. Tao đi…
Rồi gã thất thểu rời quán.


5. 
Năm 2005.
Tin vợ chồng con cái tôi trở lại Định Quán làm mọi người trong ấp rất vui vì khi từ giã Định Quán ra đi ai cũng thương tìm cách can ngăn nhưng vợ chồng tôi không nghe mà quyết tâm ra đi. Tôi vô cùng xấu hổ và rất ngượng trước sự vui mừng với tấm lòng vị tha của bà con nông dân trong ấp. Đã nhiều đêm tôi thức trắng trước khi quyết định trở về Định Quán: Ở lại tìm một nghề mới - Trở về làm rẫy trồng rau. Hai ý tưởng này cứ đan xen trong tâm hồn tôi. Tôi hồi hộp, lo âu. Không phải tôi lo âu vì sợ làm không có ăn mà xấu hổ vì sợ bà con chê cười: “Một nông dân chân chất, hiền lành đang ổn định làm ăn dù còn vất vả, không đói lại đi nghe lời bạn bè làm một cái nghề có ăn nhưng không ra gì để phải chuốc khổ vào thân”. Rồi người tôi bỗng nổi gai ốc khi nhớ lại những lần khách nhậu xô xát nhau trong quán, vợ chồng con cái tôi phải cúi đầu lạy lục, lòng thấp thỏm không yên. Bọn hắn mà điên lên quơ một cái là chén bát, bia rượu, bàn ghế tan tành. Tất cả vốn liếng đổ xuống biển. Tôi rùng mình. Thế là tôi quyết tâm: Trở về. Phải trở về, dù bà con nông dân có chê cười. Mình sai mình chịu, rồi sửa sai.
Tôi đã trở về. Đứng trên mảnh đất cũ của mình tôi mừng và vô cùng xúc động. Vợ tôi mắt rưng rưng. Còn tôi, tôi cúi đầu xấu hổ: đất của mình, mình bỏ mà đi. Bà con nông dân tập trung trên mảnh đất của tôi vui mừng chào đón rồi hướng dẫn cho tôi cách lấy lại đất vì đất của tôi đang trong thời gian cho thuê. Tôi chân thành cám ơn bà con nhất là bác Tám đã động viên, giúp đỡ, bày vẻ cho tôi hướng lao động mới trên mảnh đất của mình. “Mày còn khôn đó nghe con. Còn biết đường để quay về. Thôi bắt đầu lại nghe con”. Bác Tám hồ hởi nói. Tôi tự thẹn với lòng vì những suy nghĩ và quyết định thiếu chín chắn trước đây. Cám ơn mọi người, những người nông dân chất phác, hiền lành với đôi bàn tay cần cù mà một thời tôi cũng đã như họ. Hợp đồng cho thuê đất thời hạn là năm năm, nay mới hai năm tôi đã trở về và đột ngột đề nghị lấy lại đất. May mà chủ thuê đất thông cảm nhưng tôi phải trả lại một số tiền kha khá. Tôi vui vẻ đồng ý, đáp ứng yêu cầu của người thuê đất. Nhận lại đất vợ chồng tôi mừng vô kể với quyết tâm: “Sống chết với nghề trồng rau” trên ruộng đất của mình. Đất của mình, mình làm chủ. Vừa lao động vừa kiểm soát con cái học hành. Ý nghĩ đó làm cho tôi cảm thấy bình an. Kế hoạch mới bắt đầu. Vợ chồng tôi ngày hai buổi bắt tay vào việc cải tạo đất ruộng để trồng rau xanh. Bác Tám nhắc tôi: “Làm tơi đất xong, tụi bây phải xử lý đất ba ngày trước khi trồng. Nhớ dùng 1kg Mocap cho 1.000m2 đất để phòng trừ sâu đất và tuyến trùng”. Tôi cám ơn bác Tám. Tôi trồng cải xanh và xà lách. Lấy kinh nghiệm từ việc trồng rau của những năm kinh tế của tôi còn khó khăn cộng thêm sự cần cù, chịu khó, gia đình nhỏ bé của tôi dần đi vào ổn định…
Mùa mưa đến, ruộng rau của tôi bị sâu tơ ăn thủng lá. Vì chưa có kinh nghiệm nên không phát hiện ra trứng sâu, sâu non mà khi nó đã trưởng thành trong màu xám nhạt với vệt trắng vệt vàng trên lưng và lá thủng đồng loạt tôi mới phát hiện. Hốt hoảng tôi vội vàng chạy lên Trạm khuyến nông để cầu cứu. Anh Dũng, cán bộ chuyên môn đã nhiệt tình xuống tận ấp hướng dẫn cho tôi biện pháp xử lý. Lần đó tôi gần như mất trắng nhưng bù lại tôi có ít kinh nghiệm về qui trình bảo vệ thực vật như quản lý sâu hại, quản lý bệnh hại. Một thời gian ngắn, ruộng rau của tôi có kết quả tốt...
Thấy làm có ăn, khỏe, kinh tế gia đình phát triển và ổn định tôi bàn với Thiên thực hiện kỹ thuật trồng rau an toàn. Tôi dành thời gian nghiên cứu tài liệu “Quy trình kỹ thuật trồng rau ăn lá theo hướng an toàn” của Trung tâm khuyến nông Tỉnh Đồng Nai, liên tục lên Trạm khuyến nông Huyện để tiếp thu hướng dẫn thực hiện và xin tài liệu mới. Ruộng rau của tôi có 3 giếng nước, tưới một ngày ba lần kể cả những ngày trời mưa. Việc tưới nước do con trai tôi đảm trách. Trước và sau buổi học con trai tôi chỉ cần mở máy bơm nước là cả một hệ thống nước phun ra tưới táp đầy đủ cho một thửa đất 5.400m2. Việc sử dụng giống mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, phế phẩm sinh học… do tôi đảm trách để thực hiện cho đúng qui trình trồng trọt do Trạm khuyến nông triển khai. Còn Thiên, em lo việc tiếp xúc với bạn hàng và phân phối rau sau thu hoạch; đồng thời theo dõi việc học hành của con cái. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng rau an toàn nên thửa rau của tôi xanh tươi mơn mởn. Theo hướng dẫn của anh Dũng tôi bỏ tiền mua lưới phủ rau để khi tưới rau hoặc trời mưa rau không bị dập, rách lá và tránh cho cây không bị nhiễm bệnh. Anh Dũng nói: “Trồng rau cải phải lưu ý phòng tránh các loại sâu như sâu tơ, sâu xanh da láng, sâu khoang và rầy mềm như hộ của mình trước đây bị sâu tơ ăn lá. May mà kịp thời khắc phục”. Nghe anh Dũng nói tôi mỉm cười và thầm cám ơn anh - một cán bộ nông nghiệp nhiệt tình và rất có tâm với nghề. Hiện tại, với kỹ thuật trồng rau an toàn mỗi ngày tôi thu hoạch được 2,5 tạ. Một thành công lớn đối với gia đình. Tôi dựng được một căn nhà nho nhỏ trên mảnh đất của tôi với đầy đủ tiện nghi từ máy giặt, tủ lạnh, tivi, quạt máy. Con tôi có góc học tập đàng hoàng, có máy vi tính sử dụng để nâng cao tri thức. Gia đình tôi Hoài - Thiên đang rất hạnh phúc. Tôi đang mải mê suy nghĩ về cuộc sống hiện tại của tôi với một hoài bão tươi sáng ở tương lai thì ngoài kia Thiên đang trong sắc mặt tươi vui đèo một lúc 1 tạ 2 rau vừa mới thu hoạch. Đây là chuyến thứ ba trong ngày em chở rau đi giao cho bạn hàng trên chiếc xe máy của gia đình. Nhìn người con gái hiền lành, chất phác một thời tôi yêu, một thời vất vả cực khổ vì tôi và cả một khoảng thời gian dài cùng tôi chia sẻ công việc để có thành công hôm nay tôi bỗng dưng thương em vô cùng - một nửa của đời tôi. Không có em sẽ không có mảnh đất này. Không có em sẽ không có ngày hôm nay.


6. 
Tôi đứng trong hiên nhà nhìn ra, trước mắt và chung quanh tôi tràn ngập một màu xanh. Nắng nhảy múa trên những luống rau long lanh trong nắng mai rực hồng của một giai điệu xanh. Tôi nghe trong lòng vọng niềm kiêu hảnh khi anh Dũng, cán bộ khuyến nông của Huyện báo tin: “Anh Hoài chuẩn bị ngày mai có Đoàn văn nghệ sĩ của Tỉnh xuống tham quan ruộng rau an toàn của anh lấy tư liệu và hình ảnh để viết bài”. Tôi nhìn trời, nhìn mây, nhìn đám rau xanh rạt rào tưới mát đời tôi. Tôi sẽ được đi vào trang sách, được vào tranh. Thật thế ư?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét