NHÀ VĂN NGUYỄN MỘT CÓ QUÁN CÀ PHÊ TRÊN ĐƯỜNG MANG TÊN NHÀ VĂN LÝ VĂN SÂM
Trần Chiêm Thành
Tập Thơ Thơ của Xuân Diệu có 49 bài, trong đó có bài tác giả đề tặng Tú Mỡ - Hồ Trọng Hiếu, có hai câu thơ được nhiều người nhắc đến - nhất là câu thứ hai: Cảnh đời cực đang giơ vuốt - Cơm áo không đùa với khách thơ; dù Xuân Diệu là ông vua thơ tình, tứ thơ này không khác Nguyễn Vỹ bao nhiêu trong bài thơ Gửi Trương Tửu “Nhà văn An Nam khổ như chó! Mỗi lần cầm bút nói văn chương - Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương…”
Trong số các con đường đã được đặt tên của Biên Hòa có đường mang tên nhà văn Lý Văn Sâm, tác giả Sương gió biên thùy được biên kịch, lồng ghép các tác phẩm khác của ông dựng thành phim cùng tên, ông nguyên là Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng trong kháng chiến, Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Đồng Nai. Đường Lý Văn Sâm trước đây có tên là đường K24 ở phường Tam Hiệp, dài 670 mét, rộng 9 mét, nối từ đường Đồng Khởi hướng về đường Phạm Văn Thuận. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị là quãng nửa đầu con đường có quán cà phê mang tên Ngõ Hạnh của nhà văn Nguyễn Một, tác giả Đất trời vần vũ được tặng giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn, sau đó được giới thiệu vào sơ khảo giải thưởng văn học ASEAN. Nghe anh kể chuyện kinh doanh quán cà phê mà giật mình.
Quán Ngõ Hạnh anh thuê đất (5 năm ký lại một lần, đã thuê 8 năm), mua nhà gỗ của bà con người dân tộc ở Long Khánh về dựng quán và thiết kế, xây dựng thêm. Tại đây anh mở 3 câu lạc bộ: Những người yêu nhạc Trịnh, Thư pháp và Những người yêu hoa phong lan. Riêng hoa phong lan là thành quả lao động của vợ anh, người chăm sóc những giò hoa lan như chăm sóc con mình. Từ sự thành công của Ngõ Hạnh, anh mở thêm quán cà phê Dã Hạc trên đường Nguyễn Ái Quốc, phường Trảng Dài, gần cầu Săn Máu nhưng như một rủi ro (!), đường Nguyễn Ái Quốc được xây dải phân cách để giảm thiểu tai nạn giao thông, quán mất thế hút khách, anh đầu tư 600 triệu đồng từ nhiều nguồn vay mượn, sang lại cho người khác chỉ 250 triệu đồng và anh đi làm ở Công ty Trường Hải để trả món nợ đó. Nay chỉ còn Ngõ Hạnh.
Ngõ Hạnh êm đềm, không ồn ào như các quán khác và một số không ít là khách ở cái tuổi đã chững chạc hoặc người trầm tính. Vẫn còn nhạc Trịnh nhưng nhà văn cho biết, “cơm áo không đùa” nên khi anh không có thì giờ dành cho câu lạc bộ, khách cũng thưa dần, tuy vậy quán vẫn tự nuôi sống được và có lời. Đã có lúc anh định mở quán ở TP HCM, nơi anh đi về làm việc mỗi ngày nhưng sau khi tính toán anh thấy không kham nổi một phần là giá thuê đất - nhà quá đắt.
Trên đường mang tên một nhà văn lớp trước, có quán cà phê của một nhà văn lớp sau trong một không gian vừa đủ, khách cà phê nghe lắng lại và có dịp nghe Nguyễn Một nói chuyện nhiều điều, trong đó có chuyện anh vừa viết xong một quyển tiểu thuyết đã có công ty mua bản quyền 3 năm, giá 30 triệu đồng.
Đỗ Trung Quân thành chủ quán
Đúng ngày 8.3.2012, Đỗ thi sĩ đã khai trương nhà hàng – càphê Ziều Đỏ Kwán tại 218 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q. 3, TP. HCM.
Theo giới thiệu của anh, nhà hàng - càphê Ziều Đỏ sẽ có các món ăn thức uống bốn mùa gợi nhớ tuổi thơ và bếp ăn gia đình, đặc biệt là những món ăn ngon được chính chủ nhân tuyển chọn như cá rào, bò Mỹ Ziều Đỏ, bánh flan do truyền nhân nữ sĩ Mộng Cầm thực hiện, các món đặc sản Huế… Quán sẽ phục vụ từ điểm tâm, cơm trưa, món ăn nhẹ, các món đặc sản đến các thức uống phổ biến.
Ziều Đỏ của Đỗ Trung Quân sẽ phục vụ và chào đón tất cả thực khách, từ tuổi teen đến “tuổi đá buồn”. Và biết đâu, một ngày đến đây, bạn sẽ vô tình gặp Đỗ Trung Quân, cười cười ứng khẩu: “Ta về mở quán ra ta bán. Có chỗ ngồi chơi có chỗ vui. Cha nào ký nợ xin đừng đến. Cứ để thềm ta, ta tới lui”.
PHẠM VI (Nguồn: Sai Gòn Tiếp Thị online)
Để tác phẩm đứng được trong lòng công chúng
Ngay khi vừa ra mắt, hai tập sách “Xanh đỏ dịu dàng” và “Khúc tráng ca dã tràng” của nhà văn - nhà báo Thu Trân đã gây được sự chú ý của công chúng lẫn trong giới văn nghệ sĩ.
Nhà văn Khôi Vũ cho rằng, “Khúc tráng ca dã tràng” là truyện vừa viết về nhân vật bị bệnh ung thư - một căn bệnh “thời đại” nên ban đầu đã làm người đọc tò mò, sau đó thì bị cuốn hút vào câu chuyện.
Thành quả của đam mê
Cũng theo nhà văn Khôi Vũ, bên cạnh nhân vật chính Tuấn “ka” còn có nhiều nhân vật khác, tất cả đều có đời sống, tính cách riêng. Như đoạn viết về ông thầy thuốc rắn, bản thân đoạn này đã là một truyện ngắn sinh động. Những tình huống trong “Khúc tráng ca dã tràng” có lúc ngọt ngào, lúc chua chát, nhưng khi gấp tập sách lại, người đọc lại cảm thấy một tinh thần lạc quan, yêu đời len qua từng trang sách.
Theo nhà thơ Phan Hoàng, “Khúc tráng ca dã tràng” là dấu ấn quan trọng trong đời viết văn của nhà văn Thu Trân. So với những tác phẩm trước đó, tập truyện này mang một cái nhìn khác về đời sống. Vẫn trên nền mộc mạc, giản dị nhưng góc nhìn sự việc đã có sự thay đổi mạnh mẽ, diễn biến tâm lý đầy tinh tế. Cách cấu trúc, thể hiện và văn phong cũng mới mẻ, ít sa đà vào kể lể như một số người cầm bút thường mắc phải.
Nếu muốn cảm nhận rõ hơn về các giai đoạn sáng tác của nhà văn Thu Trân, có lẽ tập truyện ngắn “Xanh đỏ dịu dàng” sẽ phần nào đáp ứng được. Bởi đây là tuyển tập gồm 12 truyện ngắn được chị viết từ lúc mới “tập tành văn chương” cho đến nay. Có những truyện cũ như “Tròng trành trăng quê”, “Cỏ may quấn quít chân người” nhưng đọc lại vẫn thấy mới mẻ, vẫn thấy nao lòng vì những nhân vật của chị sao mà hồn nhiên, nhân hậu. Nhiều khi chị bày ra trước mắt cái vỏ xù xì, thô ráp, vậy mà bên trong lại ẩn chứa tấm lòng da diết với người, với đời, khiến người đọc đã gấp sách lại rồi vẫn thấy bâng khuâng, vẫn muốn giở ra lần nữa.
Nhiều người thắc mắc, tác giả Thu Trân lấy đâu ra thời gian để vừa chăm lo, dạy dỗ các con, vừa làm báo mà vẫn viết văn để “Xanh đỏ dịu dàng”, “Khúc tráng ca dã tràng” và các tác phẩm khác được ra đời? Có lẽ, chỉ có sự đam mê mãnh liệt mới ràng buộc chị với nghiệp văn chương vốn nhọc nhằn và ít nhiều bạc bẽo…
Tác phẩm phải sống trong lòng công chúng…
Trong cuộc tọa đàm “Văn nghệ sĩ với sự phát triển của Đồng Nai” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vào tháng 2-2012, vài văn nghệ sĩ cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về kinh phí sáng tác, chính sách đãi ngộ, môi trường sáng tác, cơ chế… để đưa tác phẩm đến công chúng. Nói tóm lại, cần phải quan tâm đến văn nghệ sĩ từ vật chất đến tinh thần. Nhưng câu hỏi đặt ra: Nếu đáp ứng những yêu cầu này rồi, có chắc rằng sẽ có những tác phẩm hay, chất lượng?
Từ những yêu cầu này, cho thấy tư tưởng “bao cấp” vẫn còn khá nặng nề trong nhận thức của một số văn nghệ sĩ. Cho đến nay, hàng năm nguồn kinh phí từ ngân sách vẫn dành ra một con số khá lớn cho Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, từ đó Hội đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sáng tác và giới thiệu tác phẩm của hội viên, như: mở trại sáng tác, hỗ trợ kinh phí sáng tác, xuất bản tạp chí… Điều đó đã chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn nghệ sĩ. Còn lại, để có một tác phẩm chất lượng, “sống” được trong lòng công chúng thì phải tùy thuộc vào khả năng, nội lực của chính người viết. Nhìn lại, một số nhà văn của Đồng Nai trước đây như Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn… đã có những tác phẩm để đời, sống mãi với thời gian. Kế tiếp là các cây bút như Khôi Vũ, Thu Trân, Nguyễn Một, Trần Thu Hằng… vẫn đều đặn có tác phẩm được xuất bản và được công chúng đón nhận.
Sự kiện ra mắt 2 tác phẩm của nhà văn Thu Trân tại Hội quán Cội Nguồn (TP.Biên Hòa) ngày 11-3 vừa qua với sự tham gia của đông đảo bạn văn, bạn đọc một lần nữa cho thấy, chính công chúng là “bộ lọc chất lượng”, là thước đo giá trị và sàng lọc tác phẩm một cách nghiêm túc, công bằng nhất.
Linh Lan (Nguồn: Báo Đồng Nai)
Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ ‘đạo văn’
Ngày 14/3, ông Phan Huy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Cần Thơ cho biết, Ban Chấp hành Hội Nhà văn thành phố đã thống nhất cho ông Trương Thanh Liêm thôi chức Chủ tịch Hội Nhà văn.
Nguyên nhân là ông Liêm thừa nhận tự ý sao chép bài “Cô gái Cần Thơ múa lân trên cột và mai hoa thung” của phóng viên báo Cần Thơ để gửi đăng trên tập san Áo Trắng với tựa “Cô gái múa lân trên cột cao 7m”. Tại cuộc họp ngày 12/3, ông Liêm xin thôi chức Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2011-2016.
Theo ông Huy, Hội Nhà văn là một trong 9 hội trực thuộc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP Cần Thơ. Vì vậy,
Do ông Liêm hiện là Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Cần Thơ nên khi chi bộ họp kiểm điểm, ông Liêm tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách về mặt Đảng. Kết luận kỷ luật này được chuyển lên Đảng ủy cấp trên xem xét phê chuẩn.
“Sai phạm của ông Liêm gây ảnh hưởng lớn đến tập thể những người làm văn học nghệ thuật nên phải kỷ luật. Tuy nhiên, hiện Liên hiệp chưa xử lý là do đang chuẩn bị đại hội bầu lại Ban chấp hành nhiệm kỳ mới”, ông Huy cho biết thêm.
Thiên Phước (VNEXPRESS)
Hội sách TPHCM lần thứ 7 do UBND TPHCM tổ chức với chủ đề “Sách Tri thức - Hội nhập và phát triển” (từ 19 đến 25.3.2012)
Hội sách được chính thức khai mạc từ 19 giờ ngày 19-3, tuy nhiên ngay từ sáng ngày 18-3, thời điểm các gian hàng đang hoàn thiện đã có rất đông bạn đọc đến tham quan. Còn trong ngày khai mạc, ngay từ sáng sớm hội sách đã đón nhận đông đảo bạn đọc, theo ghi nhận của ban tổ chức, đến 20 giờ 30, ước tính hội sách đã đón nhận hơn 80.000 lượt bạn đọc.
Hội sách quy tụ 17 NXB cùng hơn 70 đơn vị kinh doanh sách trong nước, 25 NXB nước ngoài, ngoài ra còn có 41 đơn vị kinh doanh văn phòng phẩm và 10 trường, trung tâm ngoại ngữ… Tổng cộng có gần 160 đơn vị tham gia với trên 500 gian hàng sách và văn hóa phẩm. Các đơn vị mang đến hội sách hơn 200 ngàn đầu sách với trên 20 triệu bản, tất cả sách được giới thiệu tại đây đều được giảm giá ít nhất là 10%, trong 3 ngày 23-24-25. Bên cạnh đó, hội sách còn có nhiều hoạt động khác như giao lưu tác giả, tác phẩm với bạn đọc, hội thảo chuyên đề về văn hóa đọc, thi tìm hiểu về sách, triển lãm sách…
NXB Đồng Nai là 1 trong 4 đơn vị xuất bản địa phương của cả nước tham dự hội sách TP.Hồ Chí Minh lần VII với trên 500 đầu sách các loại. Đặc biệt, NXB Đồng Nai còn giới thiệu với các độc giả nhí phần mềm giải toán dành cho học sinh tiểu học với tên gọi “Đậu lém phiêu lưu ký”, giúp học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tìm những điều thú vị trong giải toán.
Nguyễn Huy Thiệp ký tác quyền trị giá 500 triệu đồng
Sáng 23-3, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã ký hợp đồng chuyển giao toàn bộ tác phẩm (trừ cuốn Vong bướm) cho Nhà xuất bản Trẻ sử dụng trong vòng 5 năm (từ ngày 22-3-2012 đến 22-3- 2017) trị giá 500 triệu đồng. Các tác phẩm được ký tác quyền bao gồm 44 truyện ngắn và tuyển tập truyện, 1 tiểu luận Giăng lưới bắt chim và 10 vở kịch.
Trong vòng 5 năm của hợp đồng, ngoài khai thác ở hình thức sách giấy, Nhà Xuất bản Trẻ được quyền khai thác tác phẩm dưới các hình thức khác như sách nói, sách điện tử và Nguyễn Huy Thiệp cũng được quyền chuyển thể tác phẩm sang sân khấu và điện ảnh.
Tác giả Hàn Quốc nhận giải văn học uy tín nhất châu Á
Giải thưởng văn học uy tín nhất châu Á - Man Asian Literary Prize (sáng lập năm 2007) đã được trao cho nữ tác giả người Hàn Quốc Kyung-sook Shin (ảnh) với tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ”.
Hội đồng giám khảo nhận xét, tiểu thuyết về tình mẹ này là một câu chuyện đẹp, sâu sắc, tứ văn hấp dẫn, tạo nên làn gió mới trong làng văn học thế giới.
Tác phẩm này đã bán được 2 triệu bản tại Hàn Quốc, được dịch và xuất bản ở nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Tác giả Kyung-sook Shin nhận được giải thưởng trị giá 30.000 USD và dịch giả Chi-young Kim – người chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Anh nhận giải thưởng 5.000 USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét