Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

GVĐN 11: DỌC ĐƯỜNG VĂN

Tiệm sách của Nguyễn Nhật Ánh

(SGGP).- Sáng 17-3, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã giới thiệu và khai trương tiệm sách riêng có tên gọi “Tiệm sách Kính Vạn Hoa” tại số 8BC Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Đây là lần đầu tiên một nhà văn trong nước có tiệm sách riêng dành cho mình.
Tiệm sách Kính Vạn Hoa mang phong cách các tiệm sách châu Âu, nhỏ và ấm cúng. Tiệm sách chỉ giới thiệu các loại sách văn học trong và ngoài nước, nhất là các sách văn học hay theo tiêu chí riêng và giới thiệu các đầu sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ các tác phẩm độc lập như Tôi là Bêtô, Lá nằm trong lá, Mắt biếc, Trại hoa vàng… đến những tác phẩm nhiều tập như Kính Vạn Hoa, Chuyện xứ Lang Biang…
Ngoài ra, nơi đây có trưng bày các ấn bản in lần đầu tiên của các tác phẩm nổi tiếng của nhà văn như Cú phạt đền (1985), Bí mật một võ sĩ (1988)…

Cuộc thi viết với chủ đề “Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống trong ứng xử”


Tiến tới kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (1982 - 2012), nhằm mở rộng, nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành Giáo dục góp phần vào mục tiêu toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, Báo Giáo dục & Thời đại phối hợp cùng nhãn hàng Dạ Hương - Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh tổ chức Cuộc thi viết với chủ đề “Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử” trên Báo Giáo dục & Thời đại.
Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam trong và ngoài nước quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo và cam kết chấp hành các quy định của Thể lệ cuộc thi đều có thể tham gia. Các tác phẩm dự thi được viết dưới dạng: ghi chép, ký, phóng sự, tùy bút... không quá 1 .000 từ. Mỗi tác giả có thể gửi dự thi một hoặc nhiều tác phẩm. Bài dự thi phải là bài chưa được sử dụng, xuất hiện trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào ở trong nước và nước ngoài. Tác phẩm dự thi có thể đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật vê tính chuẩn xác, trung thực của thông tin phản ánh trong tác phẩm dự thi.
* Nội dung cụ thể:
Cuộc thi viết với chủ đề “Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử” là diễn đàn để bạn đọc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học có giá trị trong việc xây dựng trường học thân thiện thông qua những tình huống và cách ứng xử thực tế. Đó là các tình huống và cách ứng xử­ trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa các thầy giáo, cô giáo và học sinh trong quá trình dạy và học, giữa học sinh với học sinh, giữa nhà trường, gia đình và xã hội nhằm tạo ra sự đồng lòng, đồng sức xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh; đó là các tình huống trong việc giáo dục rèn luyện cho học sinh cách ứng xử có văn hóa đối với các di tích lịch sự và văn hóa; động viên học sinh chủ động tích cực trong mọi hoạt động v.v...
* Thời gian tổ chức cuộc thi:
- Thời gian bắt đầu nhận bài dự thi: ngày 02/4/2012
- Kết thúc nhận bài vào ngày 15/10/2012 (theo dấu bưu điện ngày gửi)
- Dự kiến trao giải vào ngày: 20/11/2012
* Địa chỉ nhận bài dự thi: Báo Giáo dục & Thời đại, 29B Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội Hoặc Hộp thư điện tử: kimtho158@gmail.com (Ngoài phong bì ghi rõ: Bài dự thi “Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử)
* Giải thưởng:
·     01 Giải nhất: 10.000.000 đồng
·     02 Giải nhì: 5.000.000 đồng / 01 giải
·     02 Giải ba: 2.000.000 đồng/ 01 giải
·     10 Giải khuyến khích: 200.000 đồng + Quà trị giá 200.000 đồng/ 01 giải
 Tất cả các giải thưởng đều được cấp giấy chứng nhận giải của Ban tổ chức

Kết quả cuộc thi truyện dành cho thiếu nhi của Room to Read 

Cuộc thi sáng tác truyện dành cho thiếu nhi tại Việt Nam từ ngày 15.11.2011 đến ngày 05.3.2012 do tổ chức Room to Read - một tổ chức phi chính phủ - phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục phát động với các chủ đề thiên nhiên, môi trường, khuyến đọc, bình đẳng giới và về các nghề thủ công truyền thống. Đây là cuộc thi tìm kiếm bản thảo hay để xuất bản trong năm 2012 và gửi tặng đến các em học sinh trong dự án.
Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi bao gồm 03 giải cho”Tác phẩm có tranh minh họa” và 03 giải cho”Tác phẩm không có tranh minh họạ” với kết quả như sau:
* Tác phẩm không có tranh minh họa:
- Không có giải Nhất và Nhì
- Giải Ba: Tác phẩm Kèng Kẹc học chữ của tác giả Nguyễn Trần Thiên Lộc
* Tác phẩm có tranh minh họa:
- Giải Nhất: tác phẩm Truyện của Xanh Mướt – tác giả Nguyễn Thị Ngọc Bích
- Giải Nhì: tác phẩm Biển ở đâu – tác giả Đỗ Giáp Nhất và Lê Thị Mai Phương
- Giải Ba: tác phẩm Chú sóc tò mò – tác giả Đỗ Thái Thanh

TPHCM trao giải Sách Việt tôi yêu năm 2011

Ngày 29.3 đã diễn ra lễ trao giải Sách Việt tôi yêu năm 2011 do Thành Đoàn TPHCM phối hợp Hội Nhà văn TPHCM.
Ban tổ chức Giải bình chọn Sách Việt tôi yêu đã nhận 1.653 tác phẩm được đề cử, với trên 5.000 bài viết cảm nhận qua website của Thành Đoàn TPHCM, báo Tuổi Trẻ. Trên cơ sở đó, có 10 tác phẩm được trao giải bình chọn Sách Việt tôi yêu năm 2011 gồm: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh), “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng), “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” (Đặng Thuỳ Trâm), “Mãi mãi tuổi 20” (Nguyễn Văn Thạc), “Tuổi thơ dữ dội” (Phùng Quán), “Kính vạn hoa” (Nguyễn Nhật Ánh), “Dế mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài), “Cô gái đến từ hôm qua” (Nguyễn Nhật Ánh), “Mắt biếc” (Nguyễn Nhật Ánh) và “Chí Phèo” (Nam Cao).
Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao giải cho những đơn vị, cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong cuộc vận động bình chọn Sách Việt tôi yêu năm 2011. Đó là 5 nhà xuất bản gồm: Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Giáo Dục, Nhà xuất bản Hội Nhà văn; 10 bạn đọc có bài viết cảm nhận tác phẩm hay nhất…

“Giải thưởng Fahasa - Sách được bạn đọc yêu thích bình chọn” lần thứ nhất

Giải được phát động vào tháng 8-2011 và kết thúc đầu tháng 3-2012. Đã có gần 15.000 phiếu bình chọn được gửi về từ 60 nhà sách của Fahasa trên khắp cả nước. Kết quả 10 cuốn sách được bình chọn nhiều nhất gồm: Tôi tài giỏi, bạn cũng thế; Đoremon; Kinh doanh theo mạng nghề tương lai; Conan; Đắc nhân tâm; Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ; Lá nằm trong lá; Bí quyết thành công dành cho tuổi teen; Xin lỗi em chỉ là con đĩ và Harry Potter. Ngoài ra, giải còn liệt kê các tác giả được ưa thích nhất, thể loại sách được quan tâm nhất…

2000 ĐỒNG MỘT TẬP THƠ ĐÂY…
Tôi dạo qua dạo lại vòng vòng hội sách 2012, đông vui quá chừng, tai điếc đi vì quá nhiều âm thanh chen lấn nhau cố để được chui vào cái lỗ nhĩ nhỏ xíu. Chỗ nào thấy đông người thì dừng lại xem, kinh nghiệm đi hội sách những lần trước cho biết, nơi đông người là nơi sách giảm giá thấp nhất.
Đúng y bon!
Tôi chen vào trước quày sách Bách Việt, nơi có rất đông bạn trẻ vây quanh, à ha, quá nhiều sách đại hạ giá, từ văn học trong nước đến văn học nước  ngoài, và đủ thứ thể loại linh tinh khác…
Nhưng một thứ tôi quan tâm nhất là mảnh giấy học trò có ghi hàng chữ “ Thơ 2000 đồng”.
Không tin, tôi hỏi lại cậu trai đứng bán hàng: - Một tập thơ mà giá 2000 đồng hả em?
Cậu trai cười tươi tỉnh: - Dạ, mua đi chị, thơ 2000, truyện ngắn 5000, truyện dịch 5000…,
Rồi cậu trai chỉ vào từng chồng sách đã được phân ra trước mặt, tôi tối mắt lại khi nhìn thấy những tập thơ, những cái tên mà tôi từng biết họ: Tuệ Nguyên, Đỗ Trí Vương, Lê Vĩnh Tài…
Thật đau lòng cho những người làm thơ! Một sự rẻ rúng công khai!
Mặc dù tập thơ Lê Vĩnh Tài mang tên ”Đêm và những khúc rời của Vũ” đã phát hành năm 2008, tập thơ của Đỗ Trí Vương, “Thức ăn của ngày hôm nay”, phát hành 2009, Tuệ Nguyên “Những giấc mơ đa chiều”, phát hành 2009,… Và những tập truyện ngắn chỉ có giá 5000 đồng, như: “Chát” (Từ Nữ Triệu Vương”; “Thế giới trùm chăn” (Hoàng Long); “Người đàn ông có đôi mắt trong” (Cấn Vân Khánh); “Tí ti thôi nhé” (Trần Thu Trang)… Trong số này, tác giả Cấn Vân Khánh vừa được ChiBooks mua bản quyền tác phẩm với thời hạn 10 năm để xuất khẩu ra nước ngoài.
Chợt nghĩ, giá như trước khi mang sách của các nhà văn, nhà thơ ra bán đại hạ giá ở hội sách, những người có quyền quyết định ở công ty Bách Việt có thể điện thoại cho các tác giả, rằng:
- Tôi bán sách của anh/ chị giá 2000 đồng, 5000 đồng, anh chị có mua lại thì liên hệ, nếu không tôi sẽ bán ra ở hội sách. Lý do: Sách để lâu quá không ai mua; Sách đã  “quá đát”; Không còn kho để chứa sách nữa.
Tôi chắc chắn khi nghe tin này, dù ở xa (như Lê Vĩnh Tài ở Buôn Ma Thuột), như Tuệ Nguyên đang lang thang đâu đó trên vùng Pleiku, Kon Tum… cũng sẽ nhờ bạn bè ở Sài Gòn mua lại hết.
Tôi chắc chắn, khi nhìn thấy tận mắt sách của mình được rao bán chỉ bằng với giá mua một ly trà đá vỉa hè, vì  trà đá trong các quán cà phê máy lạnh giá 25 ngàn, còn trà đá ở trong khu cà phê các khách sạn từ 5 sao có giá 45 ngàn, nếu lên cà phê tầng 33, ly trà đá có giá 10 đô la Mỹ, thì các nhà thơ ấy sẽ chết đứng như Từ Hải.
Đối xử với các người viết như thế là quá xúc phạm, nếu nói huỵch tẹt ra xử sự quá bần tiện.
Còn nhớ, ở đợt sách giảm giá của Fahasa trong năm 2011, tôi mua được tập thơ của nhà thơ Triệu Từ Truyền với giá 10 ngàn đồng. 10 ngàn đồng mà đã làm đau lòng vì sự bèo bọt, chứ nói chi là 2000 đồng, hay 5000 đồng 3 cuốn. Đến giờ, mỗi khi đi mua sách giảm giá, cứ nhớ mãi gương mặt của nhà thơ Triệu Từ Truyền thất thần xụi lơ nói: - Anh mà biết họ bán vậy anh đến mua lại hết.
Tôi chưa kể đến sách dịch, giá 10 ngàn một cuốn, nhưng nếu trả giá 7 ngàn một cuốn, vẫn mua được, ví dụ: Trước, trong và sau cuộc tình (Jean-Marc Parisic); Mười giờ rưỡi đêm hè (Marguerite Duras); Màu xanh trong suốt (Ryu Murakami); Vòng xoáy (J.M.G.Le Clézio –tác giả đoạt giải  nobel Văn học năm 2008)…
Chiều chủ nhật (25.3.2012), một người bạn đồng nghiệp đi hội sách về, đưa ra trước mặt tôi ba tập thơ, cười rất đểu: - 5000 đồng ba cuốn thơ nè…
Thơ ơi là thơ, vậy mà vẫn còn có khối người chạy vạy để in thơ kìa.
P.N. THƯỜNG ĐOAN
Nguồn: báo Văn Nghệ TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét