VĨNH THÔNG
(An Giang)
VĨNH THÔNG (Tên thật: Huỳnh Lê
Triều Phú) vẫn còn là một học sinh ở Châu Phú, An Giang. Sự xuất hiện của em
trên làng văn gây ngạc nhiên cho không ít người, trong đó có cả tôi (KV). Thơ
và văn xuôi của tác giả tuổi học trò này đã được chọn in trên nhiều tờ báo lớn
chuyên văn nghệ như Văn Nghệ Quân Đội... Em lại còn đoạt giải một cuộc thơ mà
các tác giả dự thi hầu hết là người lớn.
gácVănđồngnai số này trân trọng giới thiệu Vĩnh Thông với hai tùy
bút viết về quê hương của em.
Nắng mới trên đồi Tà Pạ
Tùy bút
Chúng tôi đặt chân đến chân đồi Tà Pạ vào buổi trưa sau khi đi
một vòng quanh thị trấn Tri Tôn. Buổi trưa miền Tây Nam đầy nắng, buổi trưa của
vùng đồi núi An Giang này lại càng nóng hơn. Nắng hầm hập chui vào chiếc xe nhỏ
vừa khít cho mười sáu người ngồi, cửa xe luôn được mở ra, vậy mà ai cũng quạt
lấy quạt để bằng những gì mà mình tìm được, kẻ thì quạt bằng nón, người quạt
bằng vải áo, người thì lấy khăn lau mặt ra để quạt… Đúng thật là An Giang “sáu
tháng đạp đất đồng khô, nửa năm đi trên mặt nước”!
Chưa một lần đến thăm, chỉ được đọc vài dòng thông tin mơ hồ trên
báo chí, Internet… tuy nhiên để chúng tôi tìm được địa điểm cần đến không phải
là khó. Cảnh thì nên thơ, nhưng quá hoang tàn và cũng chưa phải là một khu du
lịch chính thức được khai thác nên đồi Tạ Pạ vắng vẻ và hầu như ít người đến
ngoài dân địa phương. Nếu chúng tôi là người từng nhiều lần đặt chân đến Tri
Tôn và quen thuộc với vùng đất nầy thì dầu không biết Tà Pạ cũng có thể tìm một
cách nhanh chóng. Tuy nhiên cả đoàn mang tiếng là người An Giang nhưng đều chỉ
đến đây lần đầu. Xâu chuỗi những thông tin mà mình có được để tìm Tà Pạ: đi từ
đường Nguyễn Trãi theo hướng Tức Dụp, đối diện cây lôm vồ trăm tuổi, đường lên
có cổng chùa lớn, và đặc biệt, là nơi đặt Đài Truyền thanh huyện Tri Tôn. Thế
là xong, chỉ cần thấy trụ truyền thanh cao cao ở chỗ nào thì đấy - đã đến nơi
cần phải đến.
Đường lên đồi trải đá rộng rãi, chừng năm mét, bằng loại đá núi ở
địa phương. Có ba lối rẽ trên triền, đi thẳng lên chùa Chưn Num của Phật giáo
Nam tông Khmer, đường cặp theo sườn núi cũng lên chùa Chưn Num nhưng vòng ra
sau hậu viên chùa, còn con đường mòn ngoằn ngoèo ở vị trí thấp nhất rẽ lên Đài
Truyền thanh huyện Tri Tôn và hồ Tà Pạ. Chúng tôi chọn đến chùa Chưn Num trước,
đây là ngôi chùa Khmer cổ và cũng gặp nhiều khó khăn trong việc trùng tu, tuy
nhiên thời gian gần đây đã phần nào đi vào ổn định. Đường lên chùa có các tượng
thần (trong tín ngưỡng của người Khmer) đứng bên vệ đường chỉ tay về lối cần đi
cho khách du hành. Chùa nằm trên đỉnh cao ráo, nhưng khá oi bức, dưới chân lăm
dăm đá sỏi, dường như đoạn đường nầy chưa được trải đá như phía dưới (chắc có
lẽ do thiếu kinh phí). Chùa có một phần mới, cũng có một phần còn hoang tàn, sơ
sài, mang đậm đặc thù của người Khmer và cực kỳ vắng vẻ, ngoài các vị sư sãi
thì chỉ có chúng tôi là có mặt trong chùa lúc nầy. Đứng ở hậu liêu chùa nhìn về
phía những cánh đồng xanh rì dưới thấp, những dãy núi đồi chập chùng xa xa, mây
trên núi và sương khói của đồng bãi hòa quyện vào nhau làm khung cảnh buổi trưa
biên giới mờ mờ, kỳ ảo. Trên đầu, nắng thì vẫn quật ngang tàn…
Rời chùa Chưn Num để xuống hồ Tà Pạ, đây có lẽ là nơi mà chúng tôi
rất muốn đến trong chuyến đi này. Đường đi đến hồ không xa, Đài Truyền thanh
huyện Tri Tôn khuất sau mấy lùm cây bụi nhưng vẫn có vẻ khang trang. Kết thúc
chương trình phát thanh tiếng Việt là đến chương trình tiếng Khmer, giọng đọc
trong trẻo, báo cáo về các hoạt động vui xuân và tình hình an ninh trật tự địa
phương trong những ngày đầu năm mới, tiếng đọc vang vọng cả núi rừng. Lên được
một điểm cao của đồi, chúng tôi thật sự vỡ òa bao cảm xúc trước cảnh sắc đang
hiện ra. Bên kia là sườn núi Dài xanh rì đón gió, phía dưới là những cánh đồng
xen lẫn giữa các mảng vàng, xanh, cao, thấp… Xa xa là những hàng cây chạy dài
chừng như không bao giờ tận. Đá vẫn lổm chổm dưới chân, nắng vẫn nun dài bên bờ
tóc, vậy mà nơi đây gió lại thổi rì rù như xóa đi bao ưu phiền, bao bộn bề của
những người lữ khách. Đặc biệt là chúng tôi tình cờ phát hiện một mái nhà ở
dưới triền, có trồng rau, có nuôi heo, gà, giống như một trang trại mini, hay
nếu liên tưởng mơ mộng hơn là một túp lều của vị tao nhân ẩn sĩ nào đó muốn lánh
chốn phồn hoa.
Trên đỉnh cao là hồ Tà Pạ được bao quanh bởi các chỏm đá cao,
thấp không đồng đều, nhiều cột đá mang hình thù kỳ dị. Có một cột đá cao khiến
người ta liên tưởng đến hình ảnh người mẹ bồng con, chừng như gió bụi ngàn năm
đã thổi mòn từng phiến đá để tạo nên hình thù như vậy. Ít ai biết rằng đó là
những dấu vết còn sót lại trong những năm khai thác đá ở đây. Thiên nhiên huyền
bí ngày xa xưa giờ chỉ còn lại là một bãi hoang tàn chỏng chơ giữa đất trời như
thế nầy. Hồ Tà Pạ cũng thế, sao bao năm bắn đá để khai thác, nơi đây đã trũng
xuống rất sâu, chỉ đợi khi mưa về tích nước là trở thành hồ. Chắc hẳn những
người khai thác đá nơi đây năm xưa không ai nghĩ rằng khi công việc không còn
thực hiện nữa thì cái “công trường” lại trở thành nơi thơ mộng và huyền ảo đến
thế. Nước hồ rất trong, có thể nói là trong đến lạ, cây cối xung quanh các chỏm
đá cao in bóng xuống hồ làm cho nước có màu xanh lục như một mặt cẩm thạch
khổng lồ. Bên kia hồ là “tấm bình phong” khổng lồ bằng đá như chắn giữa mênh
mông. Phía xa có vài con đường mòn để đi lên “tấm bình phong”, dốc thoai thoải.
Đã từng xem trên sách, báo và nhứt là qua Internet và cảm phục về vẻ đẹp của
đồi, nhưng chỉ đến khi ta được đến nơi nhìn tận mắt, sờ tận tay mới cảm nhận
được hết cái sức thu hút của ngọn đồi dành cho bao người. Có mệt mỏi và nóng
bức cỡ nào, đoàn chúng tôi vẫn cảm thấy “mát lòng” trước cảnh sắc này.
Tôi muốn nói rằng, Tà Pạ huyền ảo hơn cả huyền ảo.
Rời đồi Tà Pạ mà lòng người còn bao vương vấn, thật tình cờ thay
cho một công trường khai thác đá lại trở thành nơi có “sơn thủy hữu tình” như
văn chương xưa vẫn thường ca tụng. Vậy mà cũng tiếc thay cho số phận của nó,
đìu hiu và… đìu hiu. Nếu được khai thác thành khu du lịch, chắc chắn, đồi Tà Pạ
không còn hoang tàn mặc cho gió mưa như bây giờ nữa. Cũng vẫn chưa thể đoán
rằng nếu trở thành khu du lịch, đồi Tà Pạ sẽ biến đổi như thế nào, nhưng tin
chắc rằng Tà Pạ sẽ trở thành một Tà Pạ khác hơn, có thể sẽ diễm lệ hơn, kiêu sa
hơn… hoặc ít nhất cũng không còn bị lãng quên như lúc này.
@
Ta về với Núi
Tùy bút
Hôm nay, trong cái nắng tháng sáu oi bức, ta rời bỏ thành phố, leo
lên chiếc xe gắn máy cà tàng chạy về phía núi, tìm đến một vùng quê yên bình.
Hình ảnh đô thị ồn ào, vẩn đục vì có quá nhiều khói bụi và những con đường ngã
ba, ngã tư có bùng binh, đèn giao thông… không còn nữa, tất cả đã nằm lại phía
sau. Ta đã về với núi.
Những con đường ngoằn nghèo và thời gian trôi chậm buồn cũng không
thể nào kéo dãn chuyến đi của ta. Chiếc xe cũ kĩ cũng đã đến nơi cần phải đến.
Chợ Nhà Bàng hiện ra như một bức tranh đông vui, nhộn nhịp, những tiếng còi xe,
tiếng rao hàng như làm vỡ òa không khí của một buổi sớm mai trong trẻo. Xa xa
là núi rừng mênh mông xanh thẳm. Men theo con đường tỉnh lộ 948 hướng về phía
Tri Tôn, núi Cấm dần dần hiện ra, thâm u, kỳ bí cùng với sương bay là đà trên
đỉnh tạo ra một sự vương vấn cho khách lữ hành.
Ta ngồi trên chiếc xe ô tô nhỏ từ từ “bò” lên núi. Những chiếc xe
như những con kiến li ti giữa thăm thẳm bạt ngàn. Cái sự ngột ngạt và u uất của
phố thị ta đang sống gần như - à mà không, phải nói đúng hơn là hoàn toàn - tan
biến hẳn. Từ màu xanh bạt ngàn của cây rừng xung quanh, ta chỉ cần phóng tầm
mắt xuống phía dưới kia là thấy được màu xanh màu mỡ đồng bằng hòa quyện cùng
với những làn khói đốt đồng mờ mờ, thăm thẳm.
Ta đã đến với gió, với núi rừng và bao la trời mây. Ta đã về với
mênh mông…
Buổi chiều, nắng cong mình liệng xuống đất từng vệt sáng dài li ti
pha chút sắc đỏ. Nắng loang lổ rơi trên mặt lá, ngủ quên bên những vồ đá ngang
tàng, chơi trốn tìm trong những lùm cây. Trên chùa Phật Lớn, gió ào ào, như
muốn cuốn bay đi tất cả để giữa lại nét hoang sơ u tịch của núi rừng. Bên kia
là tượng Phật Di Lặc uy nghi, chễm chệ giữa đồng bằng, sừng sững trước gió
thét, và luôn phóng tâm hoan hỷ về tất cả mọi người bằng nụ cười trên miệng.
Đối diện là chùa Vạn Linh tựa vào sườn núi, tháp Quan Âm Các bảy tầng cao vút.
Giữa là hồ Thủy Liêm rộng rãi, mát mẻ, soi bóng cả một vùng hùng vĩ.
Bất chợt, một cơn mưa ào đến. Tuy mưa không lớn, nhưng hình như đã
chầu chực sẵn từ lâu, nó cắm từ giọt nước bơ phờ xuống vùng núi âm u nầy. Núi
đã lạnh lẽo nay càng lạnh lẽo hơn. Gió và mưa quấn quít với nhau, xung quanh
bốn phương mờ mịt những làn sương mỏng lạnh thấu xương.
Mưa tạnh dần, ta đứng yên lặng rất lâu như muốn lưu giữ lại không khí
sâu thẳm lạ kỳ của núi rừng sau cơn mưa.
Ta lại đi theo con đường dốc ngoằn ngoèo để leo lên vồ Bồ Hông -
đỉnh núi. Con đường nầy có nhiều dốc và dốc nào cũng cao ngất, phải vất vả lắm
mới leo lên đến nơi được. Nhưng điều nầy chỉ là chuyện nhỏ nhoi so với những gì
ta muốn tìm tòi, khám phá về vùng đất kỳ bí nầy, vậy thì vất vả chút cũng có
sao…
Cuối cùng thì ta cũng đến đỉnh. Trên đây có ba ngôi điện thờ nhỏ là
nơi sưởi ấm tinh thần cho nhiều du khách trong cuộc hành trình. Tối nay ta sẽ
ngủ trên vồ Bồ Hông, không cần gì hết, chỉ một cái võng là có thể thực hiện
“mộng giang hồ lãng tử” giữa mênh mông đất trời. Trên đây càng về khuya càng
lạnh, hổm rày nghe báo chí đưa tin hình như là có áp thấp, áp cao gì đó, hèn
chi hôm nay trời không được đẹp, sương mù phủ trắng cả một vùng, nhìn ở đâu
cũng chỉ thấy sương mà thôi. Mà, thây kệ đó, đi ta cứ đi. Từ dưới vọng lên
tiếng chuông chùa văng vẳng trong sương núi và tiếng những con côn trùng kéo
rời rạc. Gió trên cao rồi gió dưới thấp cứ phần phật thổi về. Chắc là đá đang
thở!
Trên núi đêm nay, hình như có người lữ hành nào cao hứng, cứ hát
vang những câu vọng cổ thật dài, trải ra một vùng núi. Ta cũng không biết ai là
người đã ca trong đêm đó, nhưng, hình như giọt phù sa đi lạc đâu đây hay là ghe
thương hồ của ai đang neo đậu. Chuyến đi chưa kết thúc mà hình như ta đã nhớ
đồng bằng, nhớ mùi khói đốt đồng thơm vị tháng giêng bay dài theo năm tháng.
Giấc mộng “giang hồ lãng tử” của ta chợt vỡ oà thay vào đó là một giấc mộng đất
trời kiêu sa. Ta thiếp đi trong tiếng đàn, tiếng gió ngay khi màn đêm vừa trở
mình…
Trời đã hừng đông mà khắp nơi vẫn còn chìm trong sương mù mịt. Một
đêm rồi, ta phải xuống núi thôi. Lần cuối đứng trên đỉnh Bồ Hông, ta nhìn lại
một vùng đồng bằng, xa xa là núi Tà Lơn, gần nữa là núi Dài, núi Tượng, phía
bên kia là những vạt lúa đầy phù sa… Nắng đã chồn chân, ta phải về thôi, về với
đồng bằng sau một đêm ôm mộng liêu trai. Hình như giờ đối với ta đã không còn
gì gọi là được - mất.
Tất cả, tất cả… ôi, phù du!
Thất Sơn, 7.2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét