PHAN VĂN TÚ
(Tp.HCM)
Trước khi chuyển về TP.HCM, nhà báo Phan Văn Tú là Phó chủ tịch
Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai. Trước nữa, ông làm việc tại Đài PTTH Đồng Nai. Hiện
nay Phan Văn Tú giảng dạy tại Khoa Báo chí - Truyền thông, trường ĐH KHXH - NV
TP.HCM
CHỨNG NHẬN YÊU NƯỚC
Tiểu phẩm
Chiều nay, mít tờ Si Giáng - giám đốc Công ty Ý tưởng Việt, một
công ty chuyên bán các giải pháp sáng tạo - yêu cầu họp cơ quan đột xuất. Khi
mọi người vừa ngồi xuống và chưa kịp hỏi nhau về mục đích họp, giám đốc vào
thẳng vấn đề:
- Các anh chị có đọc báo hôm nay chưa?
- Dạ có!
- Có ai thấy thông tin gì không?
Câu hỏi bất ngờ của giám đốc làm mọi người chựng lại, rồi cả đám
nhao nhao tranh nhau kể những tin tức sến nhiệt tình, sốc vô đối, giết dã man,
hiếp tàn bạo… rần rần mấy phút. Giám đốc xua tay lia lịa:
- Báo chí còn bao nhiêu vấn đề chính trị, dân sinh, những chuyện
nhân nghĩa, những bài học nhân văn, những tri thức quý, sao toàn đọc ba thứ lá
cải như thế. Thôi, tôi vào đề đây, sáng nay, báo nào cũng đưa tin về cuộc họp
báo của ngài Bộ trưởng Giao thông về các loại phí mà Bộ này đề xuất thu của
người dân đi ô tô, xe máy. Trong những nội dung phát biểu của Bộ trưởng, tôi
thấy có một chi tiết rất đáng cho công ty ta quan tâm, đó là chuyện ông ta nói
rằng “Việc đóng phí thể hiện lòng yêu nước nên người dân phải thấy hạnh phúc và
tự hào”!
Cả phòng cười ồ lên nhưng vẻ mặt nghiêm trọng của giám đốc Si Giáng
làm mọi người chột dạ. Những tiếng xì xào nhanh chóng dứt hẳn.
- Tôi gọi các anh chị đến đây họp để cùng bàn bạc triển khai một ý
tưởng mới. Đó là chúng ta sẽ thiết kế một mẫu giấy BIÊN NHẬN LÒNG YÊU NƯỚC để
bán lại cho Bộ Tài chính áp dụng khi thu phí theo đề xuất của Bộ Giao thông –
Vận tải. Nào mời các anh chị cho ý kiến…
Mọi người nhìn nhau. Trưởng phòng thiết kế rụt rè đứng lên:
- Tôi thấy ý tưởng của anh Giáng khá độc đáo nhưng tôi nghĩ chúng
ta phải bàn bạc nhiều. Phí mà ngành giao thông đề nghị thu sắp tới nhiều loại
lắm, loại hạn chế xe ô tô cá nhân (nghe đâu thu cả 600 ngàn chiếc), loại hạn
chế xe gắn máy, loại thu phí bảo trì đường bộ cho tất cả…
- Ở đây đang nói đến chuyện yêu nước, mình chỉ làm biên nhận lòng
yêu nước. Nghĩa là có đóng phí, có hành động yêu nước thì có biên nhận - giám
đốc xen vào.
- Vâng, em hiểu. Nhưng mức thu tiền khác nhau, có loại phí thu chỉ
mấy trăm ngàn, có loại thu vài triệu, có loại thu mấy chục triệu… cho nên phải
có mẫu giấy chứng nhận cho lòng yêu nước tiền triệu và lòng yêu nước tiền trăm
ngàn, lòng yêu nước hai bánh và lòng yêu nước nhiều bánh chứ ạ. Đó là chưa nói,
có người tự nguyện đóng phí, có người ra đường bị cảnh sát giao thông, thanh
tra giao thông phát hiện chưa đóng, nên đóng phí ép buộc, cái biên nhận phải
thể hiện được là yêu nước tự nguyện hay yêu nước ép buộc, yêu nước đúng hạn và
hay yêu nước nhưng còn nợ nữa chứ ạ - Anh trưởng phòng nói liền tù tì, không
khí có vẻ sôi nổi lên. Chị kế toán, vốn là vợ của một quan chức lớn ở thành phố
này, người có cổ phần nhiều trong công ty, người nổi tiếng là ăn nói mạnh miệng
nhất công ty, ngồi yên chen vào:
- Nói thiệt với anh Si Giáng là tôi thấy cái ý tưởng này khó, rất
khó. Những người đóng phí được cấp chứng nhận yêu nước vậy thì những người như
ông xã tôi vốn đi xe biển xanh bao năm nay giờ trở thành người không yêu nước
à? Con cái tôi đi du học ngoại quốc lấy đâu ra xe mà đóng phí, như thế cũng
không có cơ hội yêu nước à? Ông già chồng tôi đã về hưu chuyên đi bộ, thỉnh
thoảng đi xe đạp thì cũng mất khả năng yêu nước sao?
- Chị kế toán nói cũng có phần đúng. Trong cái vụ đóng phí này thì
người nghèo, người đi xe buýt, quan chức không được hưởng cái niềm tự hào đóng
phí để có chứng nhận yêu nước. Nhưng mới nghe thì cũng có lý nhưng thực tế hổng
phải vậy, các đối tượng ấy thể hiện tình yêu nước kiểu khác. Dù sao, đây cũng
là ý kiến đáng tham khảo, cân nhắc. Xin mời các anh chị khác! – giám đốc nhìn
khắp phòng. Trưởng phòng kế hoạch giơ tay:
- Tôi nghĩ chúng ta nên triển khai nhanh ý tưởng của giám đốc. Tôi
xin đóng góp thêm một số ý kiến thế này: chúng ta nên đưa thêm vào một số loại
biên nhận lòng yêu nước qua thu phí khác như: Biên nhận lòng yêu nước trả góp,
Biên nhận lòng yêu nước cấp lại (phó bản) nếu chủ xe làm mất giấy biên nhận
chính thức, Hồ sơ chuyển nhượng lòng yêu nước nếu bà con có nhu cầu sang bán
các giấy biên nhận này…
- Hay. Thư ký nhớ ghi ý kiến này vào biên bản nhé. Còn ai có ý kiến
gì mới? - Giám đốc hỏi. Lúc này thì bác bảo vệ công ty rụt rè đứng lên:
- Thưa giám đốc, ý tưởng làm giấy chứng nhận yêu nước của ông hay,
rất hay, nhưng tôi thấy nếu công ty chỉ bán ý tưởng đó thì doanh số không cao.
Mình phải chuyển nó lại dưới hình thức khác, mình trực tiếp kinh doanh thì mới
có doanh thu cao hơn!
- Bác nói rõ hơn nào? - giám đốc sốt ruột.
- Theo tôi thì công ty mình nên thiết kế và sản xuất cái biển đeo ở
ngực hay treo ở nhà. Cá nhân đóng phí ô tô có cái biển Chứng nhận lòng yêu nước
để đeo trên ngực và treo ở nhà. Mình thiết kế thiệt trang trọng. Hộ dân nào
đóng phí từ hai ô tô hoặc ba xe máy trở lên cấp cho cho họ cái biển “Gia đình
yêu nước” để treo ngay cửa. Mình có thể bán được triệu cái biển như thế đó nghe
giám đốc. Khối tiền.
- Độc đáo quá. Không ngờ bác bảo vệ mà có ý tưởng hay quá! - giám
đốc không giấu được niềm vui.
- Dạ chưa hết. Sắp tới, mình vẽ ra thêm cái danh hiệu làng yêu
nước, thôn yêu nước, xóm yêu nước, khu phố yêu nước, rồi xã yêu nước, phường
yêu nước, quận yêu nước, huyện yêu nước… nữa, tha hồ mà bán biển.
- Tuyệt vời! Ý tưởng này đáng thưởng!
- Ý tưởng này chả có gì mới đâu sếp ơi, tôi bắt chước cái vụ làm
biển “gia đình văn hóa” ở một số nơi thôi. Mà tôi nói thiệt với sếp, cái ý “thu
phí là yêu nước” của ông Bộ trưởng cũng bắt chước mấy cái kiểu như “bình chọn
cho vịnh Hạ Long là yêu nước” thôi mà. Nhân đây xin nói thêm, nếu công ty quyết
làm cái biển cá nhân yêu nước, gia đình yêu nước, sếp cho nhà tôi thầu khâu làm
khuôn. Giám đốc chỉ định thầu luôn…
- Vụ này sẽ xem xét sau. Giờ tôi gút nhé!
- Khoan, cho tui có ý kiến - vợ giám đốc kiêm trưởng phòng hành
chính đứng lên và đi thẳng lên phía bục chủ tọa - Tôi thấy thế này. Lâu nay,
những gì liên quan đến giá trị tinh thần thì thường không ai cấp giấy chứng nhận
hay cấp biển chứng nhận. Ví dụ như cha mẹ hy sinh cho con cái, vợ hy sinh cho
chồng... có ai mà lấy giấy chứng nhận đâu nào? Bộ trưởng nói phí giao thông thu
nhiều, thu cao nhằm hạn chế ô tô cá nhân, trong khi đó mình lại đi làm cái việc
tôn vinh 600 ngàn chủ xe ô tô và sau đó tôn vinh những người đi xe gắn máy.
Mình cấp giấy chứng nhận hay làm bằng chứng nhận thì hóa ra bản chất của những
cái phí này là “phí hạn chế lòng yêu nước” à? Tóm lại, ý kiến của tui đơn giản
lắm, không nên làm, ý tưởng này không khả thi. Hết!
Cả phòng họp lại ồ lên rồi lặng ngắt. Không khí ngột ngạt cũng
nhanh chóng trôi qua khi giám đốc Si Giáng - người vốn rất sợ vợ - đã đứng lên
kết luận rất nhanh, rất đanh, gọn:
- Chúng ta sẽ tiếp tục suy nghĩ về ý tưởng này. Cuộc họp giải tán!
PVT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét