PHẠM QUANG
TRUNG
(HV Hội Nhà văn VN)
GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHÊ BÌNH VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HIỆN
NAY
Xin không đi sâu bàn về thực trạng của phê bình văn học nghệ
thuật ở nước ta hiện giờ. Bấy lâu, báo
chí chuyên và cả không chuyên về văn nghệ, đã tập trung bàn luận khá kỹ càng và
đích đáng rồi. Nhiều người thống nhất cho rằng, đối chiếu với những đòi hỏi
ngày một cao và phức tạp của sáng tác và đời sống, phê bình, tiếc thay, đã kéo
dài tình trạng trì trệ quá lâu, biểu hiện ở sự máy móc, xơ cứng về tiêu chí; ở
vẻ tẻ nhạt, đơn điệu trong thẩm bình; ở xu hướng cá nhân, một chiều trong đánh
giá; ở sự lộn xộn, loạn chuẩn khi tiếp cận… Chắc chắn hiện trạng đó không làm
một ai trong chúng ta hài lòng cả. Càng có trách nhiệm cao, càng những người
trong nghề lại càng không hài lòng, và vì thế, càng mong mỏi có sự chuyển biến
nhanh chóng và đúng hướng trong lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm này. Bởi, hầu như ai
cũng đều thấy rõ phê bình văn học nghệ thuật có vai trò to lớn ra sao đối với
mọi hoạt động văn nghệ, từ sáng tác đến thưởng thức, từ định hướng đến chỉ đạo,
đặc biệt trước sự chuyển biến mau lẹ và khó lường của đời sống tinh thần, nói
riêng là đời sống thẩm mỹ như hiện nay. Theo tôi, nên chú trọng tới một loạt
những giải pháp đồng bộ về nhiều phía sau đây:
1. Đối với giới phê bình
Ý tôi muốn khu biệt ở các nhà phê bình chuyên nghiệp thuộc
mọi loại hình nghệ thuật, được hiểu là những người được các hội chuyên
ngành trung ương và các hội địa phương giao trọng trách chủ yếu hoạt động trên
lĩnh vực này. Nhớ tới lời dạy chí lý của người xưa: tiên trách kỷ. Vậy
nên, nói gì thì nói, những nhà phê bình văn học nghệ thuật phải chịu trách
nhiệm chính về hiện trạng yếu kém, nhạt nhòa của lĩnh vực mình đảm trách. Ở
đây, có thể dễ chỉ ra những biểu hiện tiêu cực trong thái độ ứng xử với nghề
là: lười nhác, thờ ơ và lảng tránh. Lười biếng thì rõ rồi! Trước
thực tế sáng tác ngày một rộng lớn, đa dạng và phức tạp, không ít nhà phê bình
vin vào cơ man những lý do, và xem ra lý do nào cũng đều đáng cảm thông cả, như
công việc, sức khỏe, tuổi tác… để thoái thác trách nhiệm cầm bút. Thái độ thờ ơ
cũng không khó thấy. Trách nhiệm nghề nghiệp chung chung vốn chẳng của riêng ai
cả. Nên mới nảy ra ý nghĩ thiếu tiếng nói của mình thì nào đã chết ai: Có cô
thì chợ vẫn đông/ Cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui thế thôi! Đáng trách nhất
có lẽ là sự lảnh tránh bằng cách im lặng. Biết đấy, rõ là đằng khác, nhưng vẫn
không chịu lên tiếng. Chủ yếu là do e ngại: ngại đụng chạm, ngại anh hưởng tới
uy tín, ngại bị chê trách… Ngại đủ điều. Chỉ không e ngại lương tâm nghề nghiệp
lên tiếng cật vấn thôi. Tất cả những biểu hiện chẳng nên ở trên, suy cho cùng,
đều do sự thiếu trách nhiệm với nghề và với đời mà ra!
Ngoài việc động viên nhau như các hội nghề nghiệp bây lâu đã làm,
thiết nghĩ cần có những giải pháp thực tế hơn nữa. Như: mở thêm các trang phê
bình, tăng nhuận bút vốn quá ít ỏi cho các bài phê bình, coi trọng giới phê
bình chuyên nghiệp, tăng cường tiếng nói của các nhà phê bình trong các hội
đồng nghệ thuật… Nói gọn lại, cần nâng cao sự trân trọng đối với lao động căng
thẳng, khổ cả tâm cả trí, lại mất nhiều thời giờ, của những người làm phê bình,
nhất là những nhà phê bình có nghề nghiệp và có tín nhiệm xã hội. Cũng cần mạnh
dạn thực thi thêm những sáng kiến mới mang tính đột khởi. Chẳng hạn, đã lâu
rồi, tôi cứ ao ước có trại viết chuyên dành cho các nhà phê bình nhân một hiện
tượng nghệ thuật gợi ra những vấn đề nghệ thuật nào đó vừa xuất hiện. Dư luận
có thể phân hóa, gay gắt cũng được, không sao cả. Sau trại viết, qua những lời
bàn bạc qua lại của những nhà chuyên môn, mọi chuyện, dầu rắc rối đến đâu, có
thể được tập trung tháo gỡ… Trên cơ sở đó, tập hợp lại cho ra những đầu sách.
Vừa chuyên sâu lại vừa nóng hổi tính thời sự. Ý nghĩa của những cuốn sách loại
này chắc không hề nhỏ.
2. Đối với giới sáng tác
Tưởng giới sáng tác vô can trước tình trạng đáng buồn của phê
bình. Nghĩ xa hơn một chút, hóa ra lại không hẳn vậy. Chẳng phải như ai đó nói:
sáng tác trì trệ thì phê bình sao tránh khỏi nhạt nhẽo đâu! Tư duy theo nếp “ăn
theo” ấy đã bị chối bỏ từ lâu rồi. Tôi nghĩ khác: chính sáng tác có vấn đề mới
cần phê bình xúm tay cùng góp phần tháo gỡ. Cái chính tôi muốn bày tỏ ở đây là
hố ngăn cách thực tế giữa sáng tác và phê bình. Nhiều người bảo đấy là chuyện
văn chương, nghệ thuật muôn thuở, ở đâu và thời nào mà chẳng thế. Có cản ngăn
cũng chẳng được. Nhưng dường như thái độ hạ thấp hoặc xem thường ở những mức độ
và sắc thái khác nhau của giới sáng tác đối với giới phê bình ở ta hiện giờ đã
vượt qua giới hạn thông thường. Cả ở bề rộng và bề sâu. Khi âm ỷ, lúc bùng
phát. Nhưng vẫn cứ hiển hiện. Dai dẳng và phi lý. Đôi khi đến ngộp thở… Bất
chấp sự cố gắng từ nhiều phía. Trong đó có cán bộ quản lý văn nghệ các cấp.
Tôi không hề phủ nhận là có những nhà phê bình, danh tiếng hẳn
hoi, nhưng lúc này lúc khác, hoặc lơ là thiếu tránh nhiệm như đã nói, hoặc
không chịu thường xuyên trau dồi nghề viết và thói quen viết nên dụng bút
thường vật vờ, nhạt nhẽo. Những trường hợp này rất đáng thẳng thắn bày tỏ thái
độ. Như vậy là chính đáng. Nhưng, theo sự quan sát có thể chưa thật đầy đủ của
tôi, số này thực ra không nhiều. Phần đông các nhà phê bình tùy vào sở trường,
sở nguyện của mình đều mặn mà với công việc, gắng gỏi hết mình cho nghề nghiệp,
mặc dầu rất, rất nhiều thử thách, ngáng trở đến từ mọi phía, tác động tới cả
đời sống tinh thần lẫn vật chất từng ngày, thậm chí phải nói là từng giờ. Bởi
vậy, giới phê bình luôn cần một tình cảm liên tài từ phía người sáng tác. Chẳng
phải chúng ta đều cùng một kiếp chân trời lận đận đấy ư! Người trong
nghề mà không thương nhau thì trách cứ sao được người ngoài. Tôi hy vọng một
trách nhiệm xã hội và nghề nghiệp chung sớm được nảy nở giữa hai giới. Sẽ không
còn tồn tại sự ngăn cách vô lối, vô lý như bấy lâu. Tất thảy là vì tương lai
nghệ thuật sáng sủa của dân tộc trong thiên niên kỷ mới.
3. Đối với các cơ quan báo chí
Bước vào thời hiện đại, báo chí, trong đó có báo chí văn nghệ,
ngày càng tỏ rõ ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sống tinh thần sâu xa và phong
phú của con người và xã hội. Song, có vai trò nào không đi kèm trách nhiệm đâu,
vai trò càng cao trách nhiệm càng lớn. Trước trọng trách đó, mặt phải và mặt
trái của báo chí đều hiển lộ cả ra. Tác động nhãn tiền. Hay thì phát dương đích
đáng cái chân, thiện và mỹ. Sự tôn vinh đúng đắn tạo dựng những tấm gương sáng,
sống động, góp phần thúc đẩy cuộc sống đi về phía tốt đẹp. Dở thì ngăn trở mọi
sự tiến bộ của đời sống, trực tiếp và tức thời. Từ đấy mà soi chiếu, ta thấy
những đóng góp tích cực của mảng phê bình văn nghệ trên báo chí quả không nhỏ.
Nổi bật hơn cả là sự nhạy cảm và tính kịp thời. Mọi cái mới, nhất là về khuynh
hướng nghệ thuật của lớp trẻ, hầu như đều được báo chí phát hiện. Lại kèm theo
phân tích, lý giải và định hướng. Có thể còn sơ sài. Không thể đòi hỏi phê bình
báo chí phải kỹ lưỡng và bài bản được. Suy cho cùng, đâu phải là chức phận của
họ.
Chỉ đáng phàn nàn là do nhiều nguyên nhân khác nhau không ít bài
báo tung hô những giá trị giả thuộc các tác phẩm và tác giả non yểu về mọi
phương diện. Từ đó, hay dở, thật giả, chính tà, tốt xấu cứ rối tung cả lên,
hoàn toàn bất lực trong việc hình dung ra bức tranh trung thực của đời sống
nghệ thuật. Tôi nghĩ, đã đến lúc cần tuyển chọn kỹ lưỡng đến mức khe khắt biên
tập viên mảng văn hóa - văn nghệ của các tòa soạn từ trung ương, khu vực tới
từng địa phương. Trình độ thẩm mỹ phải cao, quan điểm thẩm mỹ phải tiên tiến,
và thị hiếu thẩm mỹ phải lành mạnh. Cũng không quên tới đạo đức nghề nghiệp. Ai
chẳng có cái riêng. Nhưng khi hành nghề - một nghề quan thiết và tinh nhạy như
văn nghệ, lại cần biết đặt cái chung lên trên hết. Lại còn phải biết nghe
ngóng, học hỏi không ngừng nghỉ. Chẳng phải công việc khó khăn và tinh tế đang
đòi hỏi da diết mỗi người từng ngày…
4. Đối với các cơ sở đào tạo
Phê bình không giống với sáng tác. Không học, nhưng nhờ năng
khiếu nghệ thuật ai đó vẫn có thể sớm thành đạt trong sáng tạo. Không ít thần
đồng từng xuất hiện trong lịch sử nghệ thuật của dân tộc và nhân loại đã chứng
tỏ điều đó. Phê bình, cũng như lý luận, không thế: phải có thực học, học bài
bản, học nghiêm túc, học có chủ đích, và học có hiệu quả. Lại còn phải trải
nghiệm nghệ thuật nữa. Bởi, không như nghiên cứu, phê bình có những đòi hỏi cao
hơn ở tư chất nghệ sỹ. Vậy mà, xã hội ngày nay xem ra ngày càng chú trọng nhiều
hơn tới các ngành nghề “thời thượng” liên quan tới kinh tế, tài chính, ngân
hàng, công nghệ. Khoa học xã hội & nhân văn ít được quan tâm, nếu không
muốn nói là bị dửng dưng. Thật phí lý. Thật chênh vênh. Từ cái nhìn cộng đồng
cũng như từ cái nhìn cá nhân. Cho nên, rất cần sự nỗ lực kiên trì từ cả hai
hướng: tuyên truyền sâu rộng để toàn thể xã hội dần dà hiểu ra nguy cơ có thật
của tình hình và tăng cường đầu tư, khuyến kích các ngành thuộc khoa học tinh
thần có trọng tâm và thật thiết thực.
Gần hơn, liên quan tới phê bình, tôi biết, Khoa Sáng tác và Phê
bình văn học của Trường Đại học Văn hóa nhiều năm nay không tiếc công sức và
thì giờ, trăn trở tìm tòi những lối ra. Hiệu quả không phải không có, nhưng
phải nói là còn khá hạn chế. Vả chăng, đây phải biến thành mối quan tâm chung
của nhiều ngành, nhiều giới trong xã hội. Cụ thể, sát xườn hơn, Khoa Văn học và
Khoa Văn hóa học ở các trường đại học khắp cả nước cần có chương trình đào tạo
riêng hay ít nhất cũng có chuyên đề riêng dành cho phê bình nghệ thuật. Vừa học
lý thuyết vừa phải chú trọng thực hành phê bình. Sự hỗ trợ nhiều mặt từ các cơ
quan báo chí tất nhiên vô cùng cần thiết. Tính chủ động cần đến từ cả hai phía.
Qua thực hành, không chỉ lý thuyết được củng cố mà kỹ năng được rèn luyện, đặc
biệt sự ham thích được bồi đắp. Tôi muốn nhấn mạnh tới hiệu qua sau cùng. Bởi
lẽ, không ở lĩnh vực nào như trong văn chương nghệ thuật, nỗi đam mê, sự yêu thích
lại có vai trò kích thích to lớn đến như vậy! Cũng cần bổ sung thêm hướng này:
các cơ sở đào tạo có lẽ nên học tập Hội Nhà văn và Hội đồng Lý luận Phê bình
Văn học nghệ thuật Trung ương lưu tâm nhiều hơn tới hình thức bồi dưỡng, cấp
chứng chỉ ngắn hạn về phê bình nghệ thuật. Cách thức này giản tiện mà tạo ra
hiệu quả thật sự. Chức năng và tiềm năng có, tại sao ta chưa phát huy?
5. Đối với các cấp chỉ đạo
Chúng ta hiện có không ít văn bản chỉ đạo thiết thực hoạt động lý
luận phê bình văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, việc biến chỉ thị, nghị quyết đúng
đắn thành thực tế bao giờ cũng có khoảng cách. Có nơi, có lúc khoảng cách ấy là
khá rộng. Nếu không nỗ lực thay đổi quyết liệt trong nhận thức và hành động,
khoảng cách ấy chắc sẽ dần dà làm vô hiệu hóa mọi mong muốn tốt đẹp thể hiện
qua các chủ trương phù hợp của các cấp. Ở đây có lẽ nên chú tâm tới hai việc
cùng một lúc. Một là, cần nâng cao nhận thức về lý luận phê bình văn học
nghệ thuật cho các cấp lãnh đạo và chỉ đạo văn nghệ ở trung ương và các địa phương.
Thực tế còn tồn tại không ít khúc mắc từ phía hiểu biết. Mà nhận thức chưa
thông tỏ thì hành động sẽ không thể quyết liệt và hiệu quả. Tôi không sống và
hoạt động nghề nghiệp ở các trung tâm lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh,
nhưng từ những gì tai nghe mắt thấy ở các địa phương, lại thấy không ít chuyện
phiền lòng liên quan tới nhận thức về đặc trưng của nghệ thuật và đặc thù của
phê bình nghệ thuật. Chả thế mà thỉnh thoảng lại rộ lên những lời chê trách cả
những lệnh cấm đoán từ phía cơ quan quản lý đối với hiện tượng nghệ thuật này
kia mà nếu suy xét kỹ lại không có gì thật nghiêm trọng đến thế. Từ đó, không
khí sáng tạo và phê bình ở địa phương lại càng mang đậm chất tỉnh lẻ hơn, theo
nghĩa chặt chẽ, ràng buộc và khe khắt hơn. Phép vua đôi khi thua lệ làng. Vai
trò của Hội đồng nghệ thuật ở nhiều địa phương chỉ mang tính hình thức, có mà
như không là vì thế. Có lẽ hơi khác với sự phóng khoáng, cởi mở có nguyên tắc ở
các trung tâm văn hóa lớn. Một khi đã thiếu tin cậy từ phía lãnh đạo thì môi trường
sáng tạo cứ tự nhiên ắng lặng dần…
Hai là, cần chọn những cán bộ có am hiểu và
có kinh nghiệm đảm trách những cương vị trực tiếp liên quan tới quản lý và chỉ
đạo các hoạt động văn nghệ. Bởi, kinh nghiệm cho hay con người bao giờ cũng
thường quyết định tới mọi thành công. Lãnh đạo cao nhất không thể bao quát hết
được tình hình, đội ngũ chuyên viên, tư vấn nếu biết cách sử dụng và làm hết
chức trách, sẽ tác động tới hiệu lực, hiệu quả thực thi những chủ trương sáng
suốt của các cấp lãnh đạo. Quan yếu là thế, nhưng nếu khe khắt và thẳng thắn mà
xem xét, thì đội ngũ này quả thật chưa tương xứng với yêu cầu và đòi hỏi ngày
một cao của công việc. Trong khi hầu như không ai không biết lĩnh vực nghệ
thuật mà nói riêng là lĩnh vực phê bình nghệ thuật phức tạp và tinh tế đến
nhường nào! Ở đây, hơn bất cứ lãnh vực nào khác, cần luôn biết tạo ra một
khoảng trời cao rộng cho sáng tạo, vì thế, đôi khi không thể lấy ý kiến số đông
áp đặt cho thiểu số. Như bất cứ hoạt động nào trong xã hội, không thể không
quản lý văn hóa, - văn nghệ, nhưng phải có cách thức quản lý thế nào để vừa
định hướng theo yêu cầu nhất quán lại vừa phát huy mọi tiềm năng sáng tạo
thường vô hạn và bất ngờ trong đó có tiềm năng phê bình của cả đội ngũ. Không
ai bảo đây là công việc dễ dàng. Nhưng trách nhiệm lại không thể thoái thác, mà
đây là trách nhiệm nặng nề luôn đi cùng với hiểu biết sâu rộng và bản lĩnh cao
cường. Một đòi hỏi tưởng vô cùng nhưng ngẫm ra lại không thể khác, một khi
chúng ta có chung một hướng nhìn, và còn nóng lòng mong mỏi tạo dựng một nền
nghệ thuật thấm nhuần tính nhân bản và giàu bản sắc dân tộc trong một tương lai
gần.
Như vậy, trọng trách hiện đang đè nặng lên vai mỗi người chúng
ta. Chỉ với sự gắng gỏi không biết mệt mỏi của toàn thể đội ngũ, đi cùng những
giải pháp cụ thể và thiết thực, mới mong tháo gỡ dần những khúc mắc, đẩy mạnh
hoạt động phê bình văn học nghệ thuật lên một tầm cao mới, đáp ứng sự trông chờ
da diết hàng ngày của công chúng và sự đòi hỏi ngày một cao của sự nghiệp.
Đà Lạt, 30/03/2012
PQT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét