Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

GVĐN 12: DÂM BỤT hay RÂM BỤT?


CHỮ VÀ NGHĨA

DÂM BỤT hay RÂM BỤT?
PGS TS Phạm Văn Tình

Trong chương trình Chiếc nón kỳ diệu (cách đây khá lâu rồi), có một ô chữ hỏi về tên một loài cây lá răng cưa, có hoa khá đẹp, hay trồng làm bờ giậu ở nông thôn, gồm 6 chữ cái tạo thành. Trước đó, người chơi đã giải được 5 ô, là: #, Â, M, B, U, T; chỉ còn ô đầu tiên chưa mở.
Tiếp đó, một anh chàng đến lượt đã hăm hở đọc ngay: Chữ R (với lời giải là RÂM BỤT). Nhưng MC Long Vũ lúc đó đã làm cả khán phòng (và có lẽ nhiều người xem) ngạc nhiên khi bác bỏ thẳng thừng: Không có chữ R! Kết cục là quyền trả lời thuộc về người tiếp theo và người chơi may mắn này đã không khó khăn để đổi chữ R thành chữ D (DÂM BỤT). MC Long Vũ giải thích rằng “DÂM BỤT mới là đáp án đúng của chương trình...”. Tuy nhiên, nhiều người xem hôm đó vẫn thấy tiếc cho anh bạn đã chỉ ra chữ R và cảm thấy sự biện hộ của “nhà đài” chưa thực sự thuyết phục.

Ngay sau đó, Viện Ngôn ngữ học chúng tôi đã nhận được ý kiến của một số bạn, hỏi về trường hợp RÂM BỤT/DÂM BỤT này. Để chắc chắn, bản thân tôi đã vào ngay Phòng Tư liệu của Viện để tra lại qua các hộp phiếu thống kê. Kết quả là từ này tồn tại 3 cách viết: dâm bụt, giâm bụt, râm bụt. Nếu xét về mặt số lượng thì cách viết giâm bụt xuất hiện rất ít, từ xa xưa, bây giờ gần như mất hẳn; còn dâm bụt có số lượng nhiều hơn râm bụt. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, trong thời gian gần đây, biến thể râm bụt lại có xu hướng trội hơn.
Chính tả là “cách viết chữ được coi là chuẩn” được áp dụng cho mọi ngôn ngữ. Ngôn ngữ nào cũng có từ điển chính tả, cập nhật theo từng thời kỳ. Đó là sự hướng dẫn cần thiết, mang tính điển chế. Tuy nhiên, cũng như nhiều hiện tượng khác, chính tả không phải bao giờ cũng chỉ có một cách viết. Không chỉ nhất khả mà còn có thể lưỡng khả, đa khả... Trong tiếng Việt hiện nay, không thiếu những từ có hai cách viết song song tồn tại: dông/giông (tố), (trau) dồi/giồi, trồng/giồng (cây), giòi/dòi (bọ), (cây) giầu/trầu, thầy/thày (giáo), (các) sếp/xếp... Lý do chính là chúng không gây nhầm lẫn khi tiếp nhận và viết thế nào là do thói quen của một cộng đồng nào đó. Vì vậy, đáp án của VTV3 là DÂM BỤT (trong trường hợp vừa dẫn trên) không có gì sai. Nhưng trong một tình huống có 2 khả năng như vậy, thì nhà tổ chức chương trình tốt nhất là không nên lựa chọn, hoặc phải chấp nhận cả hai (R hay D đều được). Đấy là chưa nói, nếu tinh tế một chút, người ta đều nhận thấy dùng râm bụt hay hơn, hợp lý hơn. Râm bụt là từ thuần Việt, cả 2 thành tố đều không có nghĩa. Nếu viết dâm bụt thì chữ dâm có thể nhầm với từ đồng âm dâm theo nghĩa Hán Việt, gây ấn tượng không hay (dâm bôn, dâm dật, dâm đãng, dâm ô... đều mang nghĩa xấu). Những người theo đạo Phật còn phản ứng khá gay gắt nếu dùng dâm bụt. Bởi “bụt” (âm phiên từ chữ Buddsa) chính là Phật, theo cách gọi dân gian. Dùng một kết hợp “nhạy cảm” như vậy là nên cân nhắc. Điều đó cũng lý giải tại sao là xu hướng dùng râm bụt đang có chiều thắng thế.    
Chính tả, như có lần chúng tôi có đề cập, vừa liên quan tới ngôn ngữ, vừa liên quan tới văn hoá. Bởi nếu chỉ dựa vào âm đọc thì có thể là bình thường (nhất là “lời nói gió bay”), nhưng nếu thể hiện trên “giấy trắng mực đen” thì đó là lỗi nặng. Tôi đọc thấy có báo từng viết sai các tên riêng: Trần Khát Chân thành Trần Khát Trân, Lê Chân thành Lê Trân, Đặng Vũ Chư thành Đặng Vũ Trư..., hoặc sai các từ: vô hình trung (“ở trong cái vô hình”, có nghĩa là “tuy không chủ ý, chủ tâm nhưng tự nhiên lại như thế”) thành vô hình chung (chữ “chung” làm cho kết hợp vô nghĩa), cổ súy (tán thưởng, ủng hộ) nhầm với cổ xúy (đề xướng và tuyên truyền, nghĩa văn chương là “hợp tấu các nhạc khí cổ”), bánh chưng thành bánh trưng, v.v. và v.v.
 Là một vấn đề liên quan tới ngôn ngữ - văn hóa, muốn viết đúng chính tả, không có cách nào khác là chúng ta phải tiếp xúc nhiều lần với văn bản để hiểu, nhập tâm mà tạo nên thói quen. Nếu không, ngay cả người có học thức cao vẫn cứ nhầm lẫn như thường. Vừa rồi, một cô sinh viên viết thư cho tôi với lời kết “em xin gửi tới thầy lời chào chân trọng” (phải viết là trân trọng). Nhưng đến chữ “chân thành” thì cô lại viết thành “trân thành”. Dĩ nhiên là tôi vẫn hiểu đúng nội dung phát ngôn của cô. Tuy nhiên, tôi không quên nhắc nhở: “Với học sinh tiểu học thì lỗi trên còn có thể châm chước được, còn với em - một sinh viên đại học ngữ văn - mà còn viết vậy thì đúng là “chưa sạch nước cản”. 
(Nguồn: Lao Động online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét