Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

GVĐN 12: DỌC ĐƯỜNG VĂN




Kết quả xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật

Ngày 3-4, Bộ Văn hóa, Thể thao  và Du lịch thông báo kết quả xét tặng. Theo đó,13 người có các tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình được Hội đồng cấp Nhà nước xét đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.
Những tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình văn học nghệ thuật được Hội đồng cấp Nhà nước xét đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật trong lĩnh vực Âm nhạc gồm 27 tác phẩm, cụm tác phẩm; 14 tác phẩm, cụm tác phẩm trong lĩnh vực Điện ảnh; 5 công trình, cụm công trình trong lĩnh vực Kiến trúc; 5 tác phẩm, cụm tác phẩm trong lĩnh vực Múa; 16 tác phẩm trong lĩnh vực Mỹ thuật; 2 cụm tác phẩm trong lĩnh vực Nhiếp ảnh; 16 cụm tác phẩm trong lĩnh vực Sân khấu; 38 tác phẩm, cụm tác phẩm trong lĩnh vực Văn học và 7 công trình, cụm công trình trong lĩnh vực Văn nghệ dân gian.


7 nhà văn & TÁC PHẨM được đề nghị giải thưởng Hồ Chí Minh
1. Phạm Tiến Duật (Phạm Lâm) (Đã mất)
2. Hoàng Tích Chỉ
3. Đinh Trọng Đoàn (Ma Văn Kháng)
4. Nguyễn Hữu Thỉnh (Hữu Thỉnh)
5. Nguyễn Thế Xương (Hồ Phương)
6. Chu Bá Bình (Đỗ Chu)
7. Dương Ngọc Huy (Lê Văn Thảo)

nhà văn được đề nghị Giải thưởng nhà nước Về Văn học

Ngô Ngọc Bội, Lê Thị Minh Khuê (Lê Minh Khuê), Nguyễn Thành Long (Đã mất), Thái Bá Lợi, Nguyễn Trọng Phu (Phù Thăng - Đã mất) Ngô Văn Phú, Bế Kiến Quốc (Đã mất), Lê Văn Sửu (Triệu Bôn - Đã mất), Thái Nguyên Chung (Nguyễn Chí Trung), Hoàng Nhuận Cầm, Trương Đình (Trinh Đường - Đã mất), Nguyễn Duy Khán (Duy Khán - Đã mất), Nguyễn Hữu Loan (Hữu Loan - Đã mất), Nguyễn Đức Ngọc (Anh Ngọc), Tô Thế Quảng (Tô Nhuận Vỹ), Lưu Quang Lũy (Lưu Trùng Dương), Nguyễn Sĩ Hộ (Lý Biên Cương - Đã mất), Vi Văn Hồng (Vi Hồng - Đã mất), Nguyễn Duy Hinh (Lê Tri Kỷ - Đã mất), Cao Tiến Lê, Phan Thanh Quế (Thanh Quế), Hồ Văn Ba (Chim Trắng - Đã mất), Phạm Điệng (Dũng Hà - Đã mất), Trần Hồng Nhu (Hồng Nhu), Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Xuân Cang (Xuân Cang), Ngô Thảo, Trần Hữu Hỷ (Trần Ninh Hồ), Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Thành Nghị, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Ngọc Bái (Ngọc Bái), Nguyễn Đức Hân (Phan Hồng Giang), Mai Trung Rạng (Mai Ngữ - Đã mất), Mai Quốc Liên, Tân Khải Minh (Sao Mai - Đã mất), Trần Văn Tuấn.


tC Văn nghệ Quân đội tổ chức Trại sáng tác văn học
Ngày 09.4.2012, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên Trại sáng tác văn học “Chiến tranh cách mạng trên vùng đất Phú Yên xưa và nay” do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức đã khai mạc. Trại sáng tác văn học này có sự góp mặt của 24 nhà văn, nhà thơ đến từ nhiều miền Tổ quốc. Trong số đó có những người đã thành danh, cũng có những tác giả còn rất trẻ, thậm chí lần đầu được đi dự một trại sáng tác văn học.


Ra mắt tranh truyện của NHÀ VĂN Trần Hoài Dương
Nhân dịp giỗ đầu nhà văn Trần Hoài Dương, tranh truyện ‘Huyền thoại về một loài chim cánh cụt’ của ông được phát hành.
“Huyền thoại về một loài chim cánh cụt” kể về một ốc đảo nơi thế giới các loài chim sinh sống. Nhưng không may, thế giới ấy bị loài ó biển ác độc cai trị. Chúng cấm tất cả loài chim không được hát, không được nhảy múa và kể cả bay cũng không nốt. Ốc đảo buồn thảm như một nấm mồ, không còn một tiếng hót, không một cánh chim chao lượn.
Tất cả chỉ có chung một tiếng kêu, chung một kiểu đi đứng, sống chui lủi như gà rừng. Cho đến một hôm trời nổi cơn dông bão, những con chim bị đánh mất bản năng bay chỉ còn biết buông mình theo sóng nước…
NXB Kim Đồng cho biết, tác phẩm này được nhà văn Trần Hoài Dương hoàn thành từ tháng 7/1992 nhưng chưa từng được xuất bản.
Sách do họa sĩ trẻ Phú Khánh minh họa.
Chi Mai (Nguồn: EVan)

7 NHÀ VĂN ĐI THỰC TẾ TRƯỜNG SA
Đoàn nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam đã xuống tàu ra Trường Sa vào sáng ngày 19.4. Thành phần tham gia chuyến đi này gồm 7 nhà văn, nhà thơ: Đào Thắng (trưởng đoàn), Lã Thanh Tùng, Nguyễn Đắc Như, Nguyễn Thúy Quỳnh, Hoàng Minh Tường, Hữu Nhân và Bùi Tuyết Mai.


HỘI THẢO “VĂN HỌC CHO THIẾU NHI
NHÌN TỪ MIỀN ĐÔNG NAM BỘ”
Hội thảo được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai vào ngày 9.5.2012 với sự tham dự của các nhà văn đang sống và làm việc tại miền Đông Nam bộ cùng một số khách mời là các nhà văn có tác phẩm viết cho thiếu nhi. Nhân dịp này, Ban công tác nhà văn miền Đông Nam bộ cũng ra mắt các hội viên trong khu vực.

Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật
Theo đề nghị của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra quyết định cho phép nâng Bản tin của Hội đồng thành Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Tạp chí Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sẽ phát hành số 1 đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2012.

THI THƠ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LẦN 5
Cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lần thứ 5 – 2012 do Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức. Đây là một trong các hoạt động liên kết thường xuyên giữa các Hội VHNT khu vực Tây Nam bộ.
Cuộc thi thơ lần này tiếp tục với đề tài vùng đất, con người ĐBSCL trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển và hội nhập; những điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; biển đảo Việt Nam... Đối tượng dự thi là các nhà thơ chuyên và không chuyên nghiệp hiện sống và làm việc tại các tỉnh ĐBSCL, mỗi tác giả dự thi không quá 5 tác phẩm. Thời gian dự thi đến ngày 27.9.2012.

Ngày hội Đọc sách 2012
Sáng 21/4/2012, Ngày hội Đọc sách (Hưởng ứng Ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4) khai mạc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ngày hội Đọc sách 2012 có tên gọi “Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc” với chủ đề Đọc sách cho ngày mai.
Điểm nhấn của Ngày hội Đọc sách năm nay là tiết mục trình diễn thơ và văn xuôi của Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt nam). Các tác phẩm văn học được thể hiện qua hình thức trình diễn độc đáo với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ quen thuộc.

Một công văn và một bức thư tử tế

Công ty CP Văn hóa và truyền thông Nhã Nam
Số: NhaNam 2012/016-CV
V/v: Bài thơ “Mưa rừng” của Hoàng Yến trong tuyển thơ “Mắt người Sơn Tây”
Hà Nội, ngày 12/4/2012
Kính gửi:  website tranhnhuong.com
Trên website trannhuong.com, ngày 21.3.2012 có đăng bài “Mưa rừng, bài thơ ấn tượng của nhà thơ Hoàng Yến” của tác giả Hoàng Minh Tường. Trong bài viết này tác giả có nói về việc bài thơ “Mưa rừng” của nhà thơ Hoàng Yến chứ không phải của nhà thơ Quang Dũng như đã in trong tuyển thơ Mắt người Sơn Tây do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn xuất bản đầu năm 2012.
Sau khi kiểm tra lại với phía gia đình nhà thơ, chúng tôi xác nhận thông tin trong bài viết của tác giả Hoàng Minh Tường là đúng.
Thay mặt Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến tác giả Hoàng Minh Tường và Ban Quản trị website trannhuong.com đã có thông tin kịp thời. Chúng tôi cũng gửi lời xin lỗi đến bạn đọc và sẽ sửa chữa cho những lần tái bản tiếp theo.
Kèm theo công văn này, chúng tôi cũng xin gửi qua website trannhuong.com thư xin lỗi của bà Bùi Phương Thảo - con gái nhà thơ Quang Dũng, người biên soạn chính cho tuyển thơ Mắt người Sơn Tây đến gia đình nhà thơ Hoàng Yến.
Xin trân trọng cảm ơn.
Thay mặt Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam
 Phó Giám đốc Vũ Hoàng Giang

Thư xin lỗi của gia đình nhà thơ Quang Dũng
Thưa gia đình nhà thơ Hoàng Yến, tôi là Bùi Phương Thảo (con gái út nhà thơ Quang Dũng), xin thay mặt gia đình nhà thơ Quang Dũng có đôi lời chia sẻ về sự nhầm lẫn khi sưu tầm tư liệu từ di cảo để làm tuyển thơ văn Quang Dũng (trường hợp bài thơ Mưa rừng của nhà thơ Hoàng Yến in trong cuốn: Mắt người sơn Tây - thơ văn tinh tuyển của Quang Dũng, do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn xuất bản, tháng 1 năm 2012).
Bài Mưa rừng được chép bằng chữ của nhà thơ Quang Dũng trong một quyển sổ tay. Khi tìm được bài thơ, thấy giọng thơ hơi khác,  tôi cũng đã có nghi vấn và ghi dòng chữ kẹp ở sổ tay của cha tôi: kiểm tra lại của QD hay Hữu Loan. Nguyên nhân gây nhầm lẫn có thể do chữ “Hoàng Yến” ở góc phía trên bài thơ được vẽ trùm ra ngoài bằng hình một cái lồng chim (nét vẽ bằng bút máy, và toàn bài còn được minh họa bằng những hạt mưa…).
Với mong muốn xuất bản một tuyển thơ cho cha tôi nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh, trong một thời gian không được rộng rãi, hạn chế về sức đọc nên tôi đã để sai sót không đáng có. Thay mặt cho gia đình, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành đến gia đình nhà thơ Hoàng Yến. Rất mong nhận được sự thông cảm.
  Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2012
TM gia đình nhà thơ Quang Dũng
Con gái: Bùi Phương Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét